Thứ bảy, 27/04/2024 05:58 (GMT+7)

Hành lang pháp lý thúc đẩy phân loại rác tại nguồn

Hà Vy -  Thứ ba, 08/03/2022 17:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một nội dung mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 đó là thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, trong nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực ngày 1/1/2022. Luật gồm 16 chương, 171 điều. Ngày 10/1/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08). Luật BVMT cũng như Nghị định 08 có nhiều điểm mới hơn so với Luật BVMT năm 2014. Trong đó có các nội dung về phân loại rác tại nguồn hướng tới nên kinh tế tuần hoàn. Đây là hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn.

Luật BVMT năm 2022 có các điểm mới quan trọng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cắt giảm thủ tục hành chính; thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương; chế định cụ thể về kiểm toán môi trường lần đầu được quy định; cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên; Luật BVMT 2020 cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 đến 85 ngày. Một nội dung mới của Luật BVMT năm 2022 đó là thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, trong nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Luật BVMT năm 2020 đưa ra chủ trương đẩy mạnh việc phân loại rác thải tại nguồn nhằm khắc phục tình trạng khối lượng chôn lấp rác thải còn cao. chủ yếu do rác thải chưa được phân loại. Luật BVMT năm 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Luật BVMT năm 2020 đưa ra các căn cứ để định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể như sau: Phù hợp quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Luật BVMT năm 2020 có nội dung khuyến khích các hộ dân và cá nhân phân loại rác tại nguồn: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Hành lang pháp lý thúc đẩy phân loại rác tại nguồn - Ảnh 1
Người dân tới đổi rác đã phân loại lấy quà tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Ảnh Thanh Tùng/TTXVN

Luật BVMT năm 2020 giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định nêu trên.

Theo khoản 2 Điều 77 Luật BVMT năm 2020, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: Có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (Trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo điểm c khoản 1 Điều 75 Luật BVMTnăm 2020).

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật BVMT năm 2020 như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Hành lang pháp lý thúc đẩy phân loại rác tại nguồn - Ảnh 2
Đại diện các hội đoàn thể thu gom rác tài nguyên tại khu dân cư ở phường Hải Châu 2, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh H.H/Báo Đà Nẵng

Để thực hiện Luật BVMT năm 2020 có hiệu quả trong đó có lĩnh vực phân loại rác tại nguồn, tại Điều 56, Chương V về quản lý chất thải của Nghị định 08 đã đưa ra các nội dung phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật BVMT năm 2020 và năm quy định cụ thể sau:

Thứ nhất, sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phải được quản lý để giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo tiêu chí của kinh tế tuần hoàn (quy định tại Điều 138 của Nghị định). Đó là: giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu, tiết kiệm năng lượng; kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm hàng hoá, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải, giảm sử dụng hoá chất độc hại, tái chế chất thải thu hồi năng lượng, giảm sản phẩm sử dụng một lần, mua sắm xanh.

Thứ hai, giảm thiểu chất thải rắn phát sinh thông qua việc áp dụng các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất hoặc hiệu quả sử dụng sản phẩm.

Thứ ba, việc sử dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn thông qua việc áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên sau: Tái sử dụng sản phẩm thải bỏ; sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng; tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ; tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật; xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật; chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật. Thật ra thời bao cấp chúng ta đã thực hiện rất tốt việc sửa chữa, tái sử dụng, kéo dài thời gian sử dụng đồ vật như xe đạp, xe máy, nội thất trong gia đình…hỏng đến đâu thay đến đấy, rác thải sinh hoạt phần lớn là chất hữu cơ. Bây giờ thì khác, màn hình, đồ điện gia dụng hỏng thay ngay cái mới, bởi muốn sửa chữa cũng không ai làm, nhiều khi tiền sửa gần bằng tiền mua mới. Ngày trước mỗi người đi chợ thường xách theo chiếc làn nhựa để đựng thực phẩm. Bây giờ loại thực phẩm nào cũng có bao bì, chí ít cũng được bọc bởi túi ni-lông. Đó cũng là lý do rác thải sinh hoạt (loại có thể tái chế được) ngày càng tăng. Việc Nghị định 08 đưa ra nội dung thứ 3 này là hết sức cần thiết.

Một vấn đề nữa cần được trao đổi ở nội dung thứ 3 về tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, các loại rác có thể tái chế được như giấy, kim loại, nhựa đã được thu gom và chuyển về một số làng nghề để tái chế. Tại đây do công nghệ tái chế lạc hậu cho nên hiệu suất thu hồi nguyên liệu không cao, môi trường nước, không khí bị ô nhiễm. Nhiều chuyên gia cho rằng cần có quy định cụ thể cho các đơn vị đăng ký làm dịch vụ tái chế rác thải nhất là các đơn vị đó nằm trong làng nghề. Hơn nữa việc tái chế rác thải đòi hỏi phải đầu tư hệ thống máy móc thiết bị công nghệ cao mới bảo đảm các yêu cầu về môi trường. Tuy vậy lĩnh vực tái chế lại không có lợi nhuận cao cho nên rất ít nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Để khuyến khích các nhà đầu tư các cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế hỗ trợ về hạ tầng xây dựng công trình, chính sách thuế, cũng như ưu đãi cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Có thế nhà đầu tư mới "mặn mà” tham gia lĩnh vực tái chế rác thải.

Thứ tư, khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn. Mới đây anh Bùi Thế Bảo và chị Đỗ thị Minh Trang đã xây dựng hai ứng dụng, gồm VECA ứng dụng kết nối người có nhu cầu mua bán phế liệu và ứng dụng dành riêng cho người thu mua phế liệu. Đây là hình thức mở đầu cho việc ứng dụng mô hình kinh doanh trên nền tảng số lĩnh vực phân loại rác tại nguồn.

Thứ 5, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào nội địa được thực hiện theo quy định của Nghị định 08 về thu gom, vận chuyển chất thải ngoài khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

Hành lang pháp lý thúc đẩy phân loại rác tại nguồn - Ảnh 3
Các học sinh tại trường tiểu học ở Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu hào hứng với chương trình Phân loại rác thải. Ảnh tư liệu

Một trong nội dung chính của Nghị định đề cập chuyên về rác thải nhựa đó là Điều 64: Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Lộ trình có bốn bước như sau:

Bước một: Từ ngày 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni - lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Như vậy để thực hiện bước một này các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp sản xuất túi ni -lông phải tích cực xây dựng phương án chuyển đổi hướng sản xuất sang lĩnh vực khác hoặc tìm vật liệu thay thế như loại túi giấy hay túi ni -lông tự phân huỷ.

Bước hai: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định này. Muốn tái chế đạt hiệu quả cao về môi trường thì cần đầu tư công nghệ hiện đại. Ngược lại đầu tư công nghệ hiện đại cần vốn lớn nhưng hoạt động tái chế có giá trị kinh tế thấp. Đây là nguyên nhân vì sao các nhà đầu tư không "mặn mà” tham gia lĩnh vực này. Điều đó đòi hỏi các cấp chính quyền cần có cơ chế ưu đãi nhà đầu tư qua hình thức đổi đất lấy công trình hay giảm thuế…

Bước ba: Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni - lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Lộ trình này buộc các nhà sản xuất trong đó có các thành viên Liên minh tái chế (Pro Việt Nam) đóng gói sản phẩm của mình trong bao bì nhựa tự xây dựng phương án thay thế bao bì cũ bằng bao bì thân thiện môi trường; thể hiện trách nhiệm của mình với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bước bốn: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni - lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học trên địa bàn. Theo chúng tôi bước này trong Nghị định 08 cần thêm nội dung về sự điều hành vĩ mô của Chính phủ trong việc thực hiện các nội dung nói trên ở phạm vi khu vực nhiều tỉnh, thành phố cũng như toàn quốc.

Chúng ta hy vọng bằng những điều cụ thể, lộ trình thực hiện rõ ràng, Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 08 với các nội dung liên quan phân loại rác tại nguồn nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện tốt để phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở nước ta trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bạn đang đọc bài viết Hành lang pháp lý thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới