Thứ bảy, 04/05/2024 08:08 (GMT+7)

Hiệu quả trồng sâm 'tiến vua' trên đất Nhị Trường

MTĐT -  Thứ tư, 08/09/2021 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sâm bố chính - một loại sâm “tiến vua” hay còn gọi là sâm thổ hào, tập trung ở vùng đất núi Quảng Bình. Thời gian gần đây đã được HTX Nhật Linh nỗ lực ươm mầm đưa sản vật này về trồng và đang mang lại nhiều nguồn lợi, gặt hái được thành công.

Nhờ sự nhạy bén trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình “kinh tế mới” trồng sâm bố chính, đồng thời có sự liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm, HTX nông nghiệp Nhật Linh (ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) bước đầu đã gặt hái được thành công, thành viên ăn nên làm ra trên chính mảnh đất của mình.

Bén rễ trên vùng đất mới

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi nhiều HTX loay hoay tìm hướng đi thì HTX Nhật Linh đã chuyển sang trồng cây dược liệu sạch gắn liền với sức khỏe, nhu cầu đời sống thực tế của người dân.

101-9100-1630932463.jpg
HTX nông nghiệp Nhật Linh chinh phục thành công giống sâm bố chính trên mảnh đất Nhị Trường.

Đến nay, cánh đồng gần 1ha của HTX Nhật Linh đã được phủ kín màu xanh của lá, sắc hồng cam của hoa sâm bố chính. Ngoài giá trị kinh tế, HTX còn đang thực hiện bảo tồn và gìn giữ nguồn dược liệu quý cho thế hệ mai sau.

Bà Phạm Khánh Linh, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhật Linh chia sẻ: “Chúng tôi tiến hành trồng thử nghiệm 0,15ha sâm bố chính từ đầu năm 2019, đến nay đã mở rộng diện tích lên gần 1ha”.

Từ những thành công ban đầu, HTX Nhật Linh mạnh dạn chuyển giao kỹ thuật, đầu tư xây dựng chuỗi liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ cây sâm bố chính để các thành viên nhân rộng diện tích sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Theo bà Linh, cây sâm bố chính trồng khoảng 5-6 tháng là sẽ ra hoa. Hoa sâm thường ra từ tháng 5 - 10, sau khi trồng 18 tháng, sâm có thể cho thu hoạch củ có trọng lượng lên đến 1 - 1,5kg/củ.

Theo tính toán của lãnh đạo HTX, thu nhập từ việc trồng, chế biến và bán ra thị trường của cây dược liệu đến kỳ thu hoạch, sâm bố chính cho năng suất 10 tấn củ/ha, với giá bán 250.000 - 400.000 đồng/kg củ sâm tươi, doanh thu từ mô hình đạt 1 tỷ đồng.

Lần đầu tiên bắt tay vào trồng cây dược liệu sâm bố chính, ông Kim Ngọc Lương, ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường đã được HTX chuyển giao giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch.

“Loại sâm bố chính này rất dễ trồng nhưng để đạt năng suất cao thì phải có sự đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt là khâu làm đất, tránh mang mầm bệnh, tuyến trùng gây hại cho cây. Do đây là cây dược liệu nên trước tiên phải xác định được nguồn phân bón để đảm bảo cây trồng không có bất kỳ hóa chất nào tồn dư trong nông sản sau khi thu hoạch”, ông Lương cho biết.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, ông Lương đã thành công với mô hình trồng loại sâm “tiến vua” này, khi thu hoạch cho củ dài từ 10-30cm, đường kính khoảng 3-5cm. Nếu thời tiết thuận và trừ mọi chi phí thì 1 sào cho thu lời khoảng 50 triệu đồng/năm, lợi nhuận cũng tăng gấp 3-5 lần so với trồng lúa, từ đó mà gia đình có thêm của ăn của để, ổn định cuộc sống.

“Trên thị trường giá sâm bố chính có gia hơn 1 triệu đồng/kg thành phẩm. Mặc dù giá sâm bố chính rất cao, nhưng nguồn cung vẫn thiếu hụt, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó”, ông Lương thổ lộ.

Kỳ vọng "vàng" từ chế biến sâu

HTX nông nghiệp Nhật Linh được thành lập từ năm 2017, hoạt động ở lĩnh sản xuất, kinh doanh rau an toàn, thu mua nông sản, tư vấn kỹ thuật, cung cấp các loại giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp.

102-7975-1630932463.jpg
Mô hình sâm bố chính của HTX nông nghiệp Nhật Linh đến nay đã thành công ngoài mong đợi.

Hơn 4 năm qua, HTX Nhật Linh đã trở thành kênh liên kết quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của xã, tăng thu nhập của nông dân.

Để ổn định tiêu thụ sản phẩm củ sâm bố chính, HTX hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với công ty, doanh nghiệp hay phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị trên diện tích 9ha.

Trước thách thức dịch Covid-19 khó khăn, năm vừa qua, HTX được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kịp thời thiết bị sản xuất sản phẩm trà sâm, đồng thời liên kết với gần 43 thành viên và bao tiêu sản phẩm rau quả với diện tích 16ha, giá bao tiêu 4.000 đồng/kg và có thể thu mua tăng giá theo thị trường đối với mặt hàng rau quả.

Từ việc cung ứng và liên kết sản xuất, HTX đã nâng cao uy tín đối với thành viên và các đối tác thông qua thực hiện tốt mối quan hệ kinh doanh bằng các hợp đồng dịch vụ ký kết giữa các bên trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Dự kiến cuối năm 2021, tổng thu nhập mang lại từ mô hình trồng sâm bố chính khoảng 1 tỷ đồng, đưa xã Nhị Trường dẫn đầu huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ngoài ra, HTX đã chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc để giảm sức lao động, tìm kiếm thị trường, đa dạng sản phẩm.

Theo đó, từ nguyên liệu sâm tươi, HTX còn sơ chế biến thành sản phẩm trà sâm túi lọc với trọng lượng 100g/túi bán với giá 62.000 đồng/túi. Vì có tác dụng tốt cho sức khỏe, lại trồng theo hướng hữu cơ nên sản phẩm trà hoa sâm của HTX được người tiêu dùng đón nhận tích cực, kỳ vọng “vàng” trong tương lai.

Ngoài triển khai trồng và mở rộng diện tích trồng và kinh doanh mặt hàng trà sâm bố chính, rau an toàn, HTX nghiên cứu trồng cây thù lù và sản phẩm trà thù lù, trồng thử nghiệm các cây dược liệu khác, ký hợp đồng thu mua với các tổ vệ tinh.

Với sự quản lý, điều hành và hoạt động cung ứng dịch vụ và liên kết vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp với lợi ích của thành viên, HTX Nhật Linh đã khẳng định tính hiệu quả bằng những đóng góp vào sự phát triển kinh tế tập thể, mang lại hiệu quả kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, sâm bố chính là cây trồng mới, cần nhiều kinh nghiệm và vốn đầu tư công nghệ nên khâu liên kết sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ kinh doanh gặp không ít khó khăn. Hiện nay, toàn bộ nguồn vốn của HTX đang đầu tư cho cây trồng, do vậy không đủ để xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại phục vụ việc chế biến sâu cùng chiết xuất tinh dầu từ nguồn dược liệu thu về.

“Thời gian tới, HTX tiếp tục triển khai liên kết sản xuất mở rộng vùng nguyên liệu sâm bố chính. Song song đó, HTX mong muốn Liên minh HTX tỉnh, các ngành liên quan và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn để nâng cao dịch vụ phục vụ kinh tế hộ phát triển, thực hiện đa dạng hóa các khâu dịch vụ theo hướng kinh doanh tổng hợp phù hợp với cơ chế thị trường; quỹ đất công để xây dựng trụ sở và nhà sơ chế, giúp HTX nâng cao chất lượng hoạt động”, Giám đốc Phạm Khánh Linh cho biết.

Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả trồng sâm 'tiến vua' trên đất Nhị Trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Vnbusiness

Cùng chuyên mục

Đà Nẵng tăng cường thu hút khách du lịch MICE 2024
Với lợi thế sẵn có về du lịch MICE, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp cùng với chương trình xúc tiến thu hút du lịch MICE được kích hoạt, Đà Nẵng kỳ vọng thu hút các đoàn khách MICE trong thời gian đến.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.