Thứ ba, 19/03/2024 14:46 (GMT+7)

Thách thức lớn trong thoát nước đô thị là đấu nối các hộ gia đình

Nguyễn Đức -  Thứ ba, 18/08/2020 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa đến môi sinh và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Công nhân thoát nước, môi trường đang làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh: Đào Quang Minh

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện thành phố có khoảng 5.735,44 km cống rãnh; 254,2 km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 110.025 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính. Hiện nay thành phố đã có 6 nhà máy xử lý nước thải đưa vào hoạt động gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ ngày đêm). Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường. 


Hiện nay, chưa tính đến nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề… tổng lượng nước thải đô thị của Hà Nội là 900 nghìn m3/ngày đêm. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch đến năm 2020 là 986.300 m3/ngày đêm. Về lý thuyết, những nhà máy này có thể đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải trên địa bàn. Song, điều đó chỉ diễn ra nếu các nhà máy được xây dựng đúng tiến độ và có hệ thống thu gom nước thải đấu nối đồng bộ vào các nhà máy xử lý.

Theo GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm trên là do Hà Nội chưa có hệ thống gom được nước thải. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính khiến các dòng sông trở nên đen đặc, bốc mùi hôi thối. Muốn xử lý triệt để nước thải thì trước hết phải thu gom. Nhưng thành phố Hà Nội chưa có dự án xây dựng hệ thống thoát nước riêng nào. Với sông Tô Lịch, các dự án từ trước đến nay chỉ là nạo vét bùn và kè sông.

Để giải quyết vấn đề, GS Hạ cho rằng, thành phố Hà Nội phải đầu tư hệ thống thu gom, đấu nối từng gia đình, từng khu dân cư, công trình dịch vụ... dẫn về khu xử lý tập trung. Đầu tư xây dựng hệ thống như vậy yêu cầu kinh phí lớn, và với đô thị mật độ xây dựng lớn như Hà Nội sẽ có nhiều vấn đề phức tạp. Muốn cải tạo, lắp đặt tuyến cống phải đào đường; kéo theo hàng loạt vấn đề khác về giải tỏa mặt bằng, điều tiết giao thông. Làm đường đã khó, làm cống còn khó hơn nhiều. Khó nhất là đặt cống, đấu nối và thu gom.

"Nếu không thu gom được, lượng nước thải đổ vào sông, hồ ngày càng nhiều. Hà Nội càng xây dựng, càng mở rộng thì sông hồ ngày càng ô nhiễm, đường phố ngày càng ngập." GS.TS Trần Đức Hạ cho biết thêm.

Theo UBND TP. Hà Nội, tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn kéo dài và số dự án cần thực hiện vẫn chưa đáp ứng được Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/12/2013 đề ra (còn 12 dự án cần được triển khai thực hiện). Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn. Các công trình đầu mối, hạng mục ưu tiên đầu tư nhưng chưa được triển khai do vốn đầu tư xây dựng hệ  thống thoát nước rất lớn, việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.

Còn theo báo cáo của UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm. Hiện thành phố đang vận hành 03 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000 m3/ ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3/ ngày đêm), Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày đêm).

Công nhân thoát nước, môi trường đang làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh: Đào Quang Minh

Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%). Hiện nay TP. Hồ Chí Minh tiếp tục huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập  trung. Dự báo, trong điều kiện cuối năm 2020, nếu hoàn thành 03 nhà máy thì 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố sẽ được thu gom, xử lý.

Những dữ liệu của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phần nào chỉ ra thực trạng xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam. Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Tính đến nay, cả nước có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên việc đấu nối, thu gom và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt ở mức thấp, khoảng 13%”.

Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nói chung còn thấp. Trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần tới 8,3 tỷ Đô la Mỹ để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.

Trao đổi về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết các thành phố lớn hiện nay được Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cho xây dựng mạng lưới thu gom cũng như xây dựng nhà máy xử lý nước thải vẫn còn nhiều hạn chế.

Chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn vốn vay ODA, dẫn đến việc tốc độ đầu tư cũng như tốc độ xây dựng các nhà máy và hệ thống thu gom rất chậm. Có một trở ngại lớn trong việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động xử lý nước thải đô thị, đang rất cần cơ quan quản lý nhà nước sớm có biện pháp giải quyết.

Hiện không ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng do lợi nhuận thấp, ít hấp dẫn, thủ tục vẫn khá phức tạp, nên chỉ có một số doanh nghiệp tiềm lực mạnh, có nền tảng công nghệ và nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại mới mạnh dạn tham gia.

Theo GS. TS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường : “Thách thức lớn trong thoát nước đô thị là việc đấu nối các hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước thành phố. Hầu hết các dự án thoát nước nguồn vốn ODA đều không có hợp phần này. Sau dự án, việc đầu tư của chính quyền đô thị hay cộng đồng cho việc đấu nối là rất khó thực hiện được. Vì thế, việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước … là các vấn đề cần lưu tâm trong xử lý nước thải đô thị. Tùy điều kiện cụ thể, chúng ta có thể áp dụng mô hình khác nhau nhưng mục đích chung vẫn là tính hiệu quả trong xử lý nước thải đô thị để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước”.

GS Việt Anh cho rằng, việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân. Tuy nhiên nếu chúng ta có hướng đi phù hợp thì nó sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn. “Tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế trong thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải đang là một vấn đề lớn, thu hút quan tâm như một thị trường hấp dẫn. Làm chủ được vấn đề năng lượng trong thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải là những bước đầu tư chiến lược, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững” GS.TS Nguyễn Việt Anh cho biết thêm.

Bạn đang đọc bài viết Thách thức lớn trong thoát nước đô thị là đấu nối các hộ gia đình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xây dựng, phát triển TOD theo mô hình 3 cấp độ
3 cấp độ xây dựng, phát triển mô hình TOD gồm cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm. Nguyên tắc quy hoạch dựa trên trục xương sống là đường sắt đô thị và ưu tiên thúc đẩy đi bộ.
Hướng đến nền nông nghiệp đô thị, sinh thái
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái gắn với du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà phải là nền nông nghiệp của thị trường với hệ thống kinh doanh số hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.