Thứ bảy, 27/04/2024 01:29 (GMT+7)

Khởi công xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi

Tào Thủy -  Thứ hai, 14/11/2022 14:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 14/11/2022, Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín tổ chức Lễ khởi công dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê.

tm-img-alt
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi

Thường Tín mảnh đất giàu về giá trị văn hiến - lịch sử, đất khoa bảng, đất danh hương, đất trăm nghề. Cùng với lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô và đất nước, mảnh đất Thượng Phúc xưa (Thường Tín ngày nay) là nơi hun đúc khí thiêng, sinh ra nhiều bậc hiền tài - tuấn kiệt, phát tích ra những bậc đại khoa, nhiều gia đình nối đời thi đỗ làm quan, có nhà nối đời thư hương rạng danh trong sử sách, giúp ích cho cơ nghiệp quốc gia, công lao vẻ vang thiên cổ. Tiêu biểu trong 68 nhà khoa bảng của huyện là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai sinh năm 1380 là con trai thứ hai của cụ Nguyễn Phi Khanh, mẹ là cụ Trần Thị Thái mất khi ông mới 5 tuổi. Nguyễn Trãi lúc nhỏ ở với ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán trong kinh thành Thăng Long. Năm 1390, sau khi ông ngoại mất, Nguyễn Trãi về làng Ngọc Ổi, huyện Thường Tín, phủ Thượng Phúc, trấn Sơn Nam xưa (nay là thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín) ở và học tập cùng cha. Làng Nhị Khê xưa có tên nôm là làng Dũi, một ngôi làng cổ nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long, không chỉ nổi tiếng với nghề tiện, mà còn là đất văn vật.

Từ vùng quê nghèo Thượng Phúc, Nguyễn Trãi học hành, rèn chí, luyện tài để đi vào lịch sử dân tộc, một danh nhân văn hoá kiệt xuất, một nhà tư tưởng vượt thời đại, một nhà chính trị, một nhà chiến lược quân sự, ngoại giao, một nhà thơ, nhà văn, biết bao tài năng đã hun đúc nên người con ưu tú, văn võ song toàn.

 Ức Trai tiên sinh đã đem chí anh hùng cứu nước và tất cả tài năng đó, phục vụ cho giải phóng dân tộc, cùng với Lê Lợi lập nên thắng lợi của sự nghiệp Bình Ngô, cứu nước - cứu dân khỏi ách đô hộ của ngoại bang.

Với vai trò và những cống hiến lớn lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã trở thành anh hùng dân tộc. Ông hoàn toàn toại nguyện khi thấy Ðại Việt hồi sinh trong cảnh thái bình thịnh trị với biết bao ước vọng "Để mở nền muôn thuở thái bình, bốn bể phẳng lặng, sạch hết đục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước".

Tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi không chỉ sống mãi trong lòng dân tộc mà đã toả sáng ra ngoài biên giới quốc gia. Năm 1980 UNESCO công nhận ông là Danh nhân văn hoá thế giới. Nguyễn Trãi một trong những con người tiêu biểu về đỉnh cao tâm hồn và trí tuệ của dân tộc, tài năng và phẩm giá được nhân loại đặc biệt trân trọng, một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, ông là anh hùng dân tộc, là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của đất nước. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng “Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo”.

Chính vì vậy, việc xây một “Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi” xứng tầm với tên tuổi - danh tiếng của cụ, để khu lưu niệm trở nên khang trang hơn, rộng rãi hơn, đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh của nhân dân là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

tm-img-alt
Đông đảo nhân dân và cán bộ huyện Thường Tín tham dự lễ khởi công dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi

Dự án đã được phê duyệt điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở với 03 khu, khu S1 có diện tích 21.118m2: Bao gồm các hạng mục cổng chính, cổng phụ, hàng rào, lầu chiêng, gác trống, hai nhà tả vu, hữu vu, nhà vệ sinh, nhà trưng bày, nhà lưu niệm, nhà tám mái, hồ bán nguyệt, tượng đài, các hạng mục sân vườn. Khu S2 có diện tích 5.237m2: Bao gồm nhà ban quản lý, nhà dịch vụ bán hàng lưu niệm, nhà dịch vụ, sân để xe, khu vườn hoa.... Khu S3 là đường giao thông hiện trạng có diện tích 1.368 m2.

Bạn đang đọc bài viết Khởi công xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.

Tin mới