Thứ năm, 02/05/2024 05:39 (GMT+7)

Khu nhà yến “mọc” trên đất lâm nghiệp

Huy Vũ -  Thứ ba, 25/10/2022 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng người dân tự ý xây dựng trái phép nhà yến trên đất lâm nghiệp (đất không thuộc đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp, vùng quy hoạch chăn nuôi và chưa được chuyển mục đích sử đụng đất) tại một số địa phương, tuy nhiên chưa bị xử lý.

Những năm qua, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà nuôi yến với mong muốn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Với giá bán tổ yến luôn ở mức cao và đầu ra ổn định, nhiều hộ nuôi yến có thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi chim yến ở tỉnh này phát sinh nhiều vấn đề bất cập, trong đó là tình trạng lách luật để làm nhà nuôi yến, gây khó khăn cho địa phương trong quản lý.

Tại nhiều địa phương có xuất hiện các trường hợp người dân tự ý xây dựng trái phép nhà yến trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp (đất không thuộc vùng quy hoạch chăn nuôi và chưa được chuyển mục đích sử đụng đất). 

Chẳng hạn như mới đây, Đoàn kiểm tra của Huyện Easup, tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo số 328/ BC-ĐKT gửi UBND. Báo cáo thanh kiểm tra công tác quản lý nhà nước tại các UBND xã, trị trấn về hoạt động xây dựng nhà yến trên địa bàn huyện Easup. Ngày 02/08/2022, UBND Huyện Easup đã ban hành văn  bản số 1262/UBND-KTHT về " Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình nhà dẫn dụ chim yến (nhà nuôi yến) trái quy định trên địa bàn huyện".

Theo đó, UBND huyện Easup đã phê bình một số Chủ tịch các xã, thị trấn đã để diễn ra tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình không đúng quy định, trong đó có công trình xây dựng nhà nuôi yến trái phép, không đúng quy định trên địa bàn huyện. Đồng thời, giao cho các Chủ tịch các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, quản lý chặc chẽ và xử lý triệt để, đúng pháp luật các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà nuôi yến trái phép, không đúng quy định trên địa bàn Huyện Easup. 

tm-img-alt
Vẫn còn tình trạng xây nhà yến trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Ảnh ITN

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân nuôi yến được xây dựng ở khu dân cư, khu vực đô thị, chưa phù hợp với quy định và điều kiện vệ sinh thú y cũng như quy hoạch chăn nuôi dẫn đến mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng đàn chim yến. Nhiều người nuôi yến chưa nắm bắt được quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi chim yến, đầu tư xây nhà nuôi yến ở những vị trí không thuận lợi nên hiệu quả kinh tế thấp; tác động xấu đến môi trường và quản lý thú y…

Theo một cán bộ ngành Thú y tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ nuôi yến nhưng chủ yếu tự phát, thậm chí không xây nhà nuôi yến mà chỉ cải tạo nhà cũ, kho, xưởng thành nơi nuôi yến. Có người dùng nhà ở, khách sạn để vừa ở, vừa kinh doanh phần dưới, nuôi yến ở tầng trên. Các hộ này mở thiết bị phát dẫn dụ chim yến khiến người dân xung quanh bị ảnh hưởng bởi âm thanh réo rắt suốt ngày...

Ông Châu Hoàng Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết cho biết: Ở địa phương có hộ xin phép xây nhà ở nhưng biến thành nhà nuôi yến. Kiểm tra công trình xây dựng của hộ này, giấy tờ thể hiện công trình được UBND huyện cấp phép xây dựng nhà ở, tổng diện tích 418m2, quy mô 3 tầng lầu, 1 tầng thượng, tum che cầu thang. Tuy nhiên, hộ này đã chuyển đổi công năng so với hồ sơ xin phép xây dựng ban đầu (chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ thành nhà dẫn dụ chim yến) nhưng không xử phạt được vì quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tại Nghị định số 139/2017 của Chính phủ không quy định xử phạt đối với hành vi này mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi với số tiền 7,5 triệu đồng.

tm-img-alt
Những hạn chế rủi ro khi xây nhà yến trên đất lâm nghiệp đã được báo trước. Không phải bằng mọi giá thấy khu vực đó tiềm năng rồi đầu tư sẽ dẫn đến hậu quả tiền mất tật mang. Ảnh ITN

Câu chuyện tại xã Mỹ Đức thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định là một ví dụ. Tại địa bàn xã Mỹ Đức có một công trình nhà nuôi yến xây trái phép trên đất lâm nghiệp đã tồn tại hơn 2 năm chưa được giải quyết. Công trình xây nhà yến trên đất lâm nghiệp có tổng diện tích 650m2 được xây dựng trên mặt diện tích hơn 150 m2 4 tầng thuộc khu vực đồi Gò Tròn đã tồn tại từ năm 2020 đến nay chưa bao giờ có giấy phép.

Căn nhà yến như trên được báo chí đưa tin khá lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đáng nói ở đây, khu vực xây nhà yến ở trên đồi rất cao ngay trên vị trí đặc địa ai cũng thấy gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Ngày 23/10/2020, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ đã ra quyết định cưỡng chế lẫn hàng loạt sau đó bắt buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên. Dù vậy, chủ công trình kiên quyết không tự giác chấp hành theo đúng quy định pháp luật.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Tại tỉnh Lâm Đồng, công tác quản lý, phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh cũng đã được quan tâm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã có văn bản số 111/SNN-CNTYTS về việc quản lý nuôi chim yến, cụ thể: 

Theo điểm a, khoản 1, Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có quy định Vùng nuôi chim yến do UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Tuy nhiên, theo quy định tại mục 1, Chương 5, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định chim yến là động vật khác trong chăn nuôi và tại Điều 1 Nghị quyết số 185/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 quy định khu vực không được phép chăn nuôi đã bao gồm cả động vật khác trong chăn nuôi. Do đó, chim yến thuộc đối tượng không được phép chăn nuôi tại các khu vực quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 185/2020/NQ-HĐND.

Ngoài các khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 185/2020/NQ-HĐND thì các khu vực khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều được phép nuôi chim yến (vùng nuôi chim yến).

Việc nuôi chim yến tại các vùng được phép nuôi phải đáp ứng các quy định tại Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến. Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (trước ngày 05 tháng 03 năm 2020) và nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 185/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới;

Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến;

Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp quy định tại điểm đ;

Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ- CP có hiệu lực thi hành và nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 185/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh;

Không săn bắt; không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học.

Xây dựng nhà yến phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thủ tục xây dựng. Việc hướng dẫn cụ thể bằng các quy định, quản lý vùng nuôi sẽ giúp cho nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều hộ dân xây nhà yến trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tình trạng lắp đặt hệ thống loa phát thanh dẫn dụ chim yến với âm thanh to và cường độ cao vang vang cả khu đồi.

Nghề nuôi chim yến đang trở nên ngày càng phổ biến do mang lại giá trị kinh tế cao và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Vì thế mà những năm gần đây, số lượng nhà nuôi chim yến tại địa phương này cũng tăng nhanh. Điều này tuy có mang lại lợi ích lớn cho người dân, nhưng những bất cập nó mang lại cũng không nhỏ. Tình trạng người dân tự ý xây dựng nhà yến trái phép trên đất lâm nghiệp là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý địa chính.

Đối với những sai phạm khi xây dựng nhà yến trái phép này, rất mong chính quyền địa phương cần có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý đất đai, nghiêm khắc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm. /.

Bạn đang đọc bài viết Khu nhà yến “mọc” trên đất lâm nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới