Thứ bảy, 04/05/2024 08:15 (GMT+7)

Kỷ lục bệnh nhân 72 tuổi mắc COVID-19 hơn 600 ngày

An Na -  Thứ hai, 22/04/2024 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một người đàn ông Hà Lan là trường hợp nhiễm COVID-19 lâu nhất từng được ghi nhận khi phải chịu đựng căn bệnh này trong 613 ngày với 50 đột biến trước khi qua đời.

Theo tờ Time, bệnh nhân 72 tuổi ở Hà Lan được chẩn đoán mắc COVID-19 với biến thể Omicron vào tháng 2/2022. Kể từ thời điểm đó cho đến khi qua đời, bệnh nhân này đã phải chịu đựng căn bệnh trong suốt 613 ngày. Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là thời gian một người mắc virus SARS-CoV-2 lâu nhất được ghi nhận.

Trước khi mắc COVID-19, nam bệnh nhân có tiền sử sức khỏe phức tạp, dẫn đến việc không tạo được phản ứng miễn dịch với nhiều mũi vaccine COVID-19 và nhiễm biến thể Omicron hồi năm 2022. Các nhà nghiên cứu ở Hà Lan liên tục lấy mẫu từ người đàn ông này để phân tích vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Họ đã tìm thấy tổng cộng hơn 50 đột biến so với biến thể BA.1 của Omicron đang lưu hành vào thời điểm đó, bao gồm cả những đột biến cho phép virus trốn tránh hệ thống phòng thủ miễn dịch.

Thông thường, hầu hết những bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ khỏi bệnh sau vài tuần. Nhưng ở trường hợp của bệnh nhân này, các chuyên gia y tế đã cố gắng chữa trị bằng mọi cách nhưng vẫn không hiệu quả.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra rằng cơ thể của ông đã trở nên kháng Sotrovimab - một loại kháng thể đơn dòng để điều trị sớm COVID-19. Họ cũng nhận ra sự phát triển của kháng thể chống đột biến là rất ít và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân không có khả năng loại bỏ virus.

Bệnh nhân sau đó đã qua đời tại bệnh viện vào mùa thu năm 2023 do hệ thống miễn dịch suy yếu và rối loạn máu tiềm ẩn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện loại virus này đã biến đổi gần 50 lần trong cơ thể bệnh nhân và cuối cùng tạo ra một biến thể cực kỳ đột biến.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. 

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù bệnh nhân này không lây nhiễm cho người khác nhưng trường hợp này "làm nổi bật nguy cơ xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2 có khả năng lẩn tránh miễn dịch mới ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch". Họ cũng cảnh báo, sự phát triển rộng rãi của virus ở một bệnh nhân có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể độc nhất. Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học nghiên cứu dữ liệu gen từ các mẫu nước thải cũng phát hiện ra bằng chứng cho thấy con người có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 đột biến nặng trong hơn 4 năm nhưng không hề hay biết. Tình trạng nhiễm trùng dai dẳng như vậy cũng có thể khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Các nhà nghiên cứu sẽ trình bày về các trường hợp này tại đại hội toàn cầu của Hiệp hội vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm Châu Âu (ESCMID) tại Barcelona, Tây Ban Nha vào tuần tới.

Tại hội nghị này, những người tham gia sẽ nghe công bố chính thức kết quả cuộc khảo sát quốc tế về nguy cơ xảy ra đại dịch kế tiếp.

Theo tờ The Guardian, 57% trong số 187 nhà khoa học hàng đầu thế giới cho rằng một chủng vi rút cúm sẽ gây ra đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm chết chóc trên phạm vi toàn cầu.

Tiến sĩ Jon Salmanton-Garcia của Đại học Cologne (Đức), người thực hiện cuộc khảo sát, cho hay kết quả xác định cúm là mối đe dọa lớn nhất đến từ cuộc nghiên cứu dài hạn cho thấy vi rút cúm không ngừng tiến hóa và đột biến. "Đến mùa đông cúm lại tái xuất. Bạn có thể gọi các đợt bùng phát là những trận dịch nhỏ. Dù ít hay nhiều, con người vẫn kiểm soát được tình hình, vì các chủng vi rút khác nhau gây ra dịch cúm vẫn chưa đủ độc lực, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát (trong tương lai)", tiến sĩ Salmanton-Garcia nhắc nhở.

Sau cúm, một nguy cơ khác được đề cập là bệnh X, loại bệnh lạ giả định nguy hiểm trong tương lai. Có đến 21% số nhà khoa học tham gia cuộc nghiên cứu đưa ra cảnh báo này. Một số nhà khoa học còn cho rằng SARS-CoV-2 (vi rút gây Covid-19) vẫn là mối đe dọa cho sức khỏe toàn cầu, với 15% số chuyên gia đồng ý SARS-CoV-2 nhiều khả năng gây ra đại dịch mới trong tương lai gần. Chỉ có 1 - 2% số người tham gia cho rằng các chủng vi rút từng gieo rắc chết chóc cho con người, như Lassa, Nipah, Ebola và Zika có thể gây ra đại dịch tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết Kỷ lục bệnh nhân 72 tuổi mắc COVID-19 hơn 600 ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.