Thứ bảy, 27/04/2024 01:17 (GMT+7)

Mang múa rối nước đến Hàn Quốc

MTĐT -  Thứ ba, 09/08/2022 11:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ ngày 10/8 đến 6/9, nhóm nghệ sỹ múa rối nước thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc do nghệ sỹ Phan Thanh Liêm dẫn đầu sẽ có chuyến biểu diễn và giao lưu tại Hàn Quốc.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc và 30 năm ngày thành lập Nhà hát Joyful (Seoul, Hàn Quốc).

Cùng tham gia biểu diễn với nghệ sỹ Phan Thanh Liêm là các diễn viên Phan Văn Cảnh, Phan Văn Phong, Đặng Văn Bền. Đây là một trong những đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam đầu tiên đến Hàn Quốc biểu diễn sau đại dịch.

Theo kế hoạch, các nghệ sĩ sẽ giới thiệu nghệ thuật múa rối nước Việt Nam tại 4 thành phố Seoul, Gyungju, Yungduk, Chuncheon. Đây là chuyến xuất ngoại biểu diễn đầu tiên của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sau 2 năm các hoạt động văn hóa nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhóm của Phan Thanh Liêm cũng là một trong những đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam đầu tiên đến Hàn Quốc biểu diễn sau đại dịch.

Đây là lần thứ 5 nghệ sỹ Phan Thanh Liêm được mời đến Hàn Quốc quảng bá nghệ thuật rối nước kể từ lần đầu tiên vào năm 2003. Trong các chuyến đi trước, khán giả đều tới xem rất đông và bày tỏ sự thích thú đối với nghệ thuật múa rối nước.

Đặc biệt, các buổi biểu diễn còn thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình đa văn hóa Việt-Hàn. Nhiều cô dâu Việt ở Hàn Quốc đã cùng cả gia đình đến xem và hào hứng giới thiệu với chồng con về loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ Việt Nam mới có.

Khán giả xứ Kim chi sẽ được thưởng thức các tiết mục rối nước truyền thống sôi động và mang đậm dấu ấn văn hóa làng quê Việt như: Chú Tễu, Múa rồng, Múa lân, Múa phượng, Đánh cá, Chọi trâu, Cày cấy… Song song với trình diễn, đoàn cũng dành thời gian giao lưu, trò chuyện với khán giả về loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

tm-img-alt
Một tiết mục múa rối nước cổ truyền. Nguồn: internet

Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm là đời thứ 7 của một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. Cha của anh chính là nghệ nhân Phan Văn Ngải, người thầy của nhiều nghệ sỹ múa rối Việt Nam, tác giả của nhà thủy đình lưu động đang được các nhà hát múa rối nước sử dụng. Ông cũng chính là "cha đẻ" của hình tượng chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp).

Trong thời gian tham gia hoạt động trong đoàn nghệ thuật múa rối nước của gia đình, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người. Bởi thế, anh mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt vào năm 2000. Từ đó đến nay, với sân khấu múa rối nước thu nhỏ cơ động của mình, Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng đi biểu diễn phục vụ tới các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa mà còn liên tục ra nước ngoài, giới thiệu một nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Anh góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam với bạn bè thế giới.

Theo những nguồn tư liệu khác nhau về nghệ thuật Múa rối ở Việt Nam cho thấy: năm 1121 Múa rối nước đã được đưa vào biểu diễn để mừng thọ vua, mà minh chứng đó là những dòng chữ Hán được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý mà hiện nay đang được đặt tại chùa Long Đọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Múa rối nước thường được biểu diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết. Múa rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Do tính đặc sắc, nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống, có thể sánh ngang với tuồng, chèo là những bộ môn nghệ thuật có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam.

Nghệ thuật múa rối nước độc đáo và khác biệt với múa rối thông thường là: dùng mặt nước làm sân khấu. Sân khấu là khoảng trống trước mặt buồng trò thường được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng, hàng mã, trên "sân khấu" là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những nghệ nhân đứng phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... được nối với buồng trò.

Buồng trò rối nước chính là nhà rối hay thủy đình, thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt… hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước để con rối chuyển động… Sự thành công của quân rối nước chủ yếu phụ thuộc vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó.

Con rối thường được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Ngoài ra, các tiết mục rối nước không thể thiếu những âm thanh, ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo phụ trợ.

Trò rối nước là trò khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống giữ vai trò chủ đạo của trò rối nước, nhạc rối nước thường sử dụng là các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện trong kho tàng trò rối nước của Việt Nam có khoảng 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục múa rối nước hiện đại kể về những sự tích dân gian và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân Việt.

Thanh Hạ (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mang múa rối nước đến Hàn Quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.

Tin mới