Thứ sáu, 26/04/2024 19:28 (GMT+7)

Vì sao châu Á dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu?

MTĐT -  Thứ ba, 25/08/2020 09:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với các tác động ngày càng nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu so với nhiều nơi trên thế giới.

Thiên tai hoành hành khắp châu Á

Tính đến cuối tuần qua, lũ lụt ở Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 26 tỷ USD, khoảng 63 triệu người đã bị ảnh hưởng và 54.000 ngôi nhà bị phá hủy, 219 người đã chết hoặc mất tích.

Theo Tân Hoa xã, mực nước đã tăng lên 167,6m - mức cao nhất kể từ khi đập Tam Hiệp được xây dựng vào năm 2003. Đợt lũ thứ 5 trên sông Trường Giang cùng với lũ trên sông Gia Lăng là hệ quả của mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở TP Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc. Chính quyền thành phố đã kích hoạt mức phản ứng cao nhất đối với lũ lụt trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp độ của Trung Quốc.

Lũ lụt cũng đang gây hậu quả nghiêm trọng tại Ấn Độ và Bangladesh. Tại Ấn Độ, mưa lớn ở thủ đô New Delhi gây ngập lụt nhiều tuyến đường. Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, trong mùa mưa năm nay, cả nước đã có 847 người thiệt mạng vì lũ lụt. Tại bang Bihar - bang nghèo nhất nước này, khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hàng ngàn người phải ngủ trên đê và đường cao tốc do thiếu lán trại sơ tán.

Tại Bangladesh, 226 người đã thiệt mạng khi 40% diện tích cả nước bị ngập trong lũ khi mưa lớn khiến các con sông tràn bờ và nhấn chìm nhiều khu làng. Hơn 6 triệu người mất nhà cửa vì lũ, hàng chục ngàn người phải sơ tán.

Ở Nepal, lũ lụt kéo dài từ giữa tháng 6 khiến 218 người thiệt mạng và 69 người mất tích vì lở đất.

Trong khi đó, Nhật Bản đang hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài. Số người ốm, tử vong do sốc nhiệt ngày càng tăng. Tổng số ca tử vong do nắng nóng tại Nhật lên đến 131 người. Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, nắng nóng vẫn tiếp diễn tại nhiều khu vực trên toàn quốc trong vài ngày tới.

 Lũ lụt ở Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 26 tỷ USD. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc hôm 24/8 nâng cảnh báo bão Bavi lên màu vàng (mức cao thứ 3 trong hệ thống cảnh báo 4 màu) khi dự báo khu vực duyên hải phía Nam và Đông Nam nước này bị ảnh hưởng.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, tâm bão dự kiến tiếp cận bán đảo Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc vào cuối tuần này. Người dân Trung Quốc và các tàu thuyền ở các khu vực bị ảnh hưởng được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn.

Bão Bavi hình thành ngoài khơi bờ biển phía Đông Đài Loan, đang tiến về bờ biển phía Nam đảo Jeju - Hàn Quốc với sức gió lên đến 118,8 km/giờ ở tâm bão. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), bão Bavi dự kiến đổ bộ bờ biển phía Tây của đảo Jeju vào chiều 26/8 (giờ địa phương), sau đó di chuyển đến gần thủ đô Seoul vào sáng hôm sau và đổ bộ vào tỉnh Hwanghae - Triều Tiên tối cùng ngày.

Châu Á dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu

Theo các nhà nghiên cứu của McKinsey & Co., các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ trở nên phổ biến hơn ở châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đang phải đối mặt với các tác động ngày càng nghiêm trọng hơn từ biến đổi khí hậu so với nhiều nơi trên thế giới.

Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết, châu Á đang chịu rủi ro đặc biệt vì có số lượng người nghèo cao, những người có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, các rủi ro đối với nhóm lao động trên có thể khiến khu vực này thiệt hại tới 4.700 tỷ USD/năm trong GDP.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tới những rủi ro kinh tế của việc trì hoãn các khoản đầu tư nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo McKinsey, khả năng bị thiệt hại trên diện rộng từ biến đổi khí hậu sẽ không kém so với đại dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay.

Các dự báo dựa trên một kịch bản, trong đó thế giới không cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nền nhiệt tại châu Á tăng thêm 2oC. Dự báo chỉ ra rằng, vào năm 2050, 500 – 700 triệu người sống ở những quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan có thể trải qua những đợt nắng nóng vượt quá giới hạn.

Theo kết quả nghiên cứu, việc mất lao động ngoài trời trong thời gian này có thể làm giảm 7% – 13% GDP ở 3 quốc gia trên, dẫn đến thiệt hại trung bình từ 2.800 – 4.700 tỷ USD trên toàn châu Á mỗi năm.

McKinsey dự báo, số lượng các trận mưa lớn có thể tăng gấp 3 – 4 lần vào năm 2050 ở các khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia. Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỷ USD ở châu Á, chiếm tỷ lệ khoảng 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu.

Không chỉ tại châu Á, 2 cơn bão Marco và Laura đã quét qua vùng Caribe và vịnh Mexico hôm 23/8 khiến hàng ngàn cư dân ven biển ở bang Louisiana - Mỹ và Cuba phải sơ tán và gây ngập lụt ở thủ đô Haiti.

Marco dự kiến đổ bộ dọc bờ biển bang Louisiana trong ngày 24/8 (giờ địa phương), còn bão Laura đã đổ bộ vào Cộng hòa Dominica và Haiti sáng 23/8 (giờ địa phương) trước khi tấn công Cuba vào tối cùng ngày và có thể mạnh lên khi đổ bộ vào bang Texas hoặc Louisiana trong ngày 27/8.

Không chỉ chuẩn bị ứng phó 2 cơn bão, giới chức Mỹ còn phải dồn lực dập tắt các đám cháy đã thiêu rụi hơn 400.000 ha diện tích rừng ở bang California và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lực lượng Vệ binh quốc gia và quân đội cũng được điều động đến hỗ trợ hơn 13.000 lính cứu hỏa. Theo đài CNN, khoảng 12.000 tia sét đã gây ra 585 đám cháy tại bang California trong tuần qua, làm chết ít nhất 4 người, thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà và buộc hàng chục ngàn người phải sơ tán.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao châu Á dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới