Thứ bảy, 27/04/2024 02:47 (GMT+7)

Cuộc chiến chống rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ tư, 27/01/2021 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng.

Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030. Do đó, Việt Nam đang nỗ lực để giảm thiểu sự gia tăng rác thải nhựa.

Hành động giảm thiểu rác thải nhựa

Để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Quốc hội phê duyệt Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi ni lông không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; Phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó chú trọng việc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho các mục đích sinh hoạt

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như: Nghị định số 38/2015/NĐ- CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; Chỉ thị số 27/CT-về tăng cường quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, bao gồm nhựa phế liệu; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Đặc biệt, mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Không chỉ đặt ra các kế hoạch hành động và biện pháp thực hiện trong nước, Việt Nam còn hợp tác với quốc tế về rác thải nhựa đại dương thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương.  Tháng 12/2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường của Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. Trong khuôn khổ Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GF6) tại Đà Nẵng, sáng kiến về xây dựng quan hệ đối tác về quản lý  rác thải nhựa đại dương của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế hết sức hoan nghênh, ủng hộ. Việt Nam cũng đã vinh dự được UN Environment tin tưởng lựa chọn là quốc gia thứ hai (sau Hội nghị năm 2019 tại Thái Lan) tổ chức Hội nghị Các giải pháp về nhựa khu vực các Biển Đông Á 2020 với Chủ đề "Giảm thiểu lãng phí nhựa và giữ sạch đại dương - Các hành động đến nay”.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã cam kết hợp tác về tập hợp các chủ thể công và tư để thực hiện các sáng kiến, các chiến lược nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa. Để thực hiện cam kết này Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa và Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (NPAP). Việc khởi động NAP tại Việt nam là một bước tiến cực kỳ quan trọng, đưa Việt Nam chính thức trở thành một trong 3 quốc gia đầu tiên trên thế giới (cùng với Indonesia và Ghana) áp dụng mô hình đặc thù về hợp tác đa chủ thể nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động về nhựa.

Bộ trưởng Bộ TN&MT- Ông Trần Hồng Hà khẳng định: Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực.

Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030. (Ảnh:Internet)

Lan tỏa những hành động giảm thiểu sử dụng sản phẩm từ nhựa

Song song với giải pháp về mặt chính sách, với vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy.

Ngay từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, hưởng ứng phong trào này, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thương mại có sử dụng vật liệu nhựa, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa; đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán đã ký cam kết chống rác thải nhựa. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng là một trong những Bộ, ngành tiên phong trong phong trào “nói không với rác thải nhựa” với việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo. Hầu hết, các cơ quan trong Bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày.

Bộ  cũng phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư... để khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.

Đến nay, nhận thức của người dân, của xã hội về biện pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa đã được nâng cao. Phong trào chống rác thải nhựa đã trở thành trào lưu “Thử thách dọn rác” lan truyền mạnh mẽ trên khắp các vùng miền đất nước mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường. Không những vậy, các doanh nghiệp  cũng hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm từ nhựa.

 Đơn cử như Công ty Vinpearl thuộc tập đoàn đã phát triển dự án Go Green hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon dùng một lần và chuyển đổi hầu hết vật dụng sang loại chất liệu thân thiện với môi trường, có thời điểm giảm tới gần 1,4 tấn nhựa trong 1 tháng trên toàn hệ thống….Co.op mart Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op); Các siêu thị: Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế túi nilon.

Với những nỗ lực trên chúng ta có thể tin tưởng đến năm 2025, mục tiêu mà chúng ta đặt ra là giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến chống rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới