Thứ sáu, 26/04/2024 07:12 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/8/2019

MTĐT -  Thứ hai, 26/08/2019 16:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/8/2019.

Xuất hiện thêm nhà máy thuỷ điện 'trăm tỷ' không phép ở Lào Cai

Trong khi dư luận đang đặt dấu hỏi trước việc tỉnh Lào cai ‘bất lực’ xử lý sai phạm nhà máy thủy điện Tà Thàng -Vietracimex trị giá gần 3.000 tỷ đồng xây dựng không phép, mới đây, nhà máy thuỷ điện Bản Hồ có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng trên địa bàn huyện Sa Pa cũng xảy ra sai phạm tương tự.

Theo báo Tiền phong, quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Lào Cai được Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng ký ngày 7/3/2018: Dự án Thuỷ điện Bản Hồ (chủ đầu tư là Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long) được xây dựng ở xã Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai).

Dự án có diện tích sử dụng là 29,7 ha, dự kiến sau khi xây dựng sẽ cung cấp điện hơn 10 MW. Công trình được xây dựng đập tràn là đập bê tông có trọng lực, có cửa van. Đập tràn được chia làm 3 khoang. Dự án có tổng đầu tư là hơn 384 tỷ đồng.

Hiện ở dự án thuỷ điện Bản Hồ, Chủ đầu tư đang đào kênh dòng để thi công đập đầu mối. Quá trình xây dựng đã đổ lượng lớn đất đá san lấp suối Mường Hoa gây ô nhiễm nguồn nước suối.

Theo kết luận kiểm tra Dự án thuỷ điện Bản Hồ của UBND huyện Sa Pa, thuỷ điện Bản Hồ được xây dựng khi chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường do cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa có giấy phép đăng ký khai thác thu hồi khoáng sản trong phạm vi diện tích đất của dự án; chưa đăng ký chủ nguồn thải nguy hại…

Lãnh đạo UBND huyện Sa Pa đã kiến nghị lên tỉnh Lào Cai về việc Công ty cổ phần Việt Long triển khai Dự án thuỷ điện Bản Hồ khi chưa có đủ các điều kiện pháp lý cần thiết là vi phạm Luật đầu tư, Luật bảo vệ Môi trường, Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước hiện hành.

“Các hành vi trên vượt quá thẩm quyền, UBND huyện Sa Pa đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường xem xét xử lý”, lãnh đạo UBND Sa Pa nhấn mạnh.

Nhật Bản phát cảnh báo nguy hiểm do núi lửa Asama phun trào

Núi lửa Asama ở miền Đông Nhật Bản đã phun trào, khiến Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phải đưa ra cảnh báo đá văng và nham thạch trong vòng bán kính 2 km kể từ miệng núi.

Theo JMA, núi Asama đã phun trào lúc 19h28 ngày 25/8 giờ địa phương, phun lên trời cột khói mù cao tới 600 m phía trên miệng núi. JMA đã phát cảnh báo nguy hiểm núi lửa ở mức 2 trên thang cảnh báo gồm 5 bậc, đồng nghĩa với việc người dân không nên đến gần ngọn núi này.  

Đợt phun trào mới xảy ra gần ba tuần sau đợt phun trào gần nhất là ngày 7/8 vừa qua. JMA đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của núi lửa, đồng thời dự báo về nguy cơ xảy ra một đợt phun trào nữa với cường độ tương tự.

Núi lửa Asama cao 2.568 m, trải dài qua các tỉnh Gunma và Nagano, và cách Tokyo khoảng 140 km về phía Tây Bắc.

WHO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về hạt vi nhựa và ô nhiễm

Ngày 22/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi giới khoa học nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về hạt vi nhựa trong môi trường và tác động tiềm tàng của chúng đối với sức khỏe con người.

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Trung tâm Y tế Công cộng, Môi trường và Các vấn đề xã hội tại WHO cho biết: “Chúng tôi cần nhiều công trình nghiên cứu hơn về tác động sức khỏe của hạt vi nhựa vì chúng có ở khắp mọi nơi, kể cả trong nước uống, không khí”.

Cũng theo tiến sĩ Neira, các nghiên cứu cho thấy có vi nhựa trong nước uống nhưng chưa có bất cứ nguy cơ nào đủ lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở thời điểm hiện tại. Nếu không tìm cách giảm rác thải nhựa và đồ nhựa dùng một lần thì chắc chắn trong thời gian không xa nó sẽ gây ra một vấn đề nào đó. Chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn và cũng cần ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới.

Theo phân tích những kiến thức mới nhất về hạt vi nhựa trong nước uống, cơ thể sẽ không hấp thụ và phát tán các dạng hạt vi nhựa lớn hơn 150 micromet đi các cơ quan khác mà thường bài tiết ra ngoài. Điều con người chưa biết, các hạt ở mức nano, siêu nhỏ có được hấp thụ thông qua màng ruột để vào các cơ quan khác hay không?

Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để có được đánh giá chính xác hơn về việc tiếp xúc với hạt vi nhựa và các tác động tiềm năng của chúng đối với sức khỏe con người, theo tiến sĩ Maria Neira.

Nhân dịp này WHO cũng khuyến cáo chúng ta nên kiểm soát và xử lý kỹ hơn nguồn nước của mình bởi nếu làm tốt các hệ thống lọc nước có thể loại bỏ được đến 90% các hạt vi nhựa, chưa kể đến việc giúp ngăn ngừa các căn bệnh liên quan đến nguồn nước như tiêu chảy.

Hải Phòng: Loay hoay với lò đốt chất thải sinh hoạt gây ô nhiễm

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Hải Phòng, trên địa bàn thành phố có 5 lò đốt BD-Anpha 500kg/giờ. Trong đó, huyện Vĩnh Bảo có 1 lò, Thủy Nguyên 2 lò, An Lão và Kiến Thụy mỗi huyện 1 lò, với giá từ gần 2 tỷ đến hơn 3 tỷ đồng/lò. Tuy nhiên, đến nay qua 5 năm hoạt động, các lò này đều bộc lộ những lạc hậu về công nghệ, lại thêm trong quá trình vận hành không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ đã xuống cấp, hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Không những thế còn gây lãng phí ngân sách khi có lò chưa hoạt động được bao lâu đã dừng hoạt động.

Cũng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp, các lò đốt BD-Anpha 500kg/giờ được sản xuất trước khi có quy chuẩn về khí thải là đốt rác thải sinh hoạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT nên kết quả quan trắc tại các lò đốt này đều không đạt. Đặc biệt, thông số Dioxin/Furan đều vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần, vượt từ 14,8 – 141,2 lần gây ảnh hưởng lớn tới môi trường không khí.

Kết quả quan trắc lần gần đây nhất của các lò đốt rác thải sinh hoạt tại Hải Phòng cho thấy, lò đốt tại xã Quốc Tuấn (An Lão) có thông số Dioxin/Furan vượt 141,2 lần so với quy chuẩn, lò đốt huyện Vĩnh Bảo có thông số Dioxin/Furan vượt 97,3 lần, lò đốt tại xã Phục Lễ (Thủy Nguyên) có thông số Dioxin/Furan vượt 14,8 lần…

Bên cạnh đó, các lò đốt BD-Anpha 500kg/giờ còn một số tồn tại, hạn chế như: một số hệ thống thiết bị: lồng sàng tích hợp sấy rác, băng nạp rác chưa được thẩm định, chứng nhận tính phù hợp về công nghệ theo quy định hiện hành.

Theo quan sát, những lò đốt chất thải sinh hoạt này hoạt động với tần suất không nhiều, cấu trúc lò bộc lộ nhiều hạn chế (miệng lò nhỏ, lòng lò hẹp) gây khó khăn cho công nhân vận hành đốt rác. Mỗi khi đốt, xuất hiện khói đen và mùi khét lẹt gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Dù được quảng bá có công suất đốt 500kg rác/giờ nhưng thực tế các lò chỉ đốt được khoảng 40 - 50% lượng rác thải thu về, còn lại khoảng trên 40% vẫn phải chôn lấp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.