Thứ bảy, 27/04/2024 04:24 (GMT+7)

Ngày 8/3, nhìn lại 8 người phụ nữ 'gây chấn động' lịch sử du lịch thế giới

MTĐT -  Thứ ba, 08/03/2022 09:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 này cũng là dịp để ta tôn vinh những nhà thám hiểm nữ từng khiến thế giới phải kinh ngạc vì hành trình của mình.

Nói đến thám hiểm, du lịch xuyên lục địa... người ta thường nghĩ đến cánh "mày râu" mà quên rằng từng có những người phụ nữ can trường, thông minh đã chinh phục bao miền đất lạ. Nhân dịp 8/3, cùng TravelMag điểm qua những "bóng hồng" từng thay đổi lịch sử du lịch với những chuyến hành trình đi vào sử sách.

1. Jeanne Baret

Jeanne Baret (1740-1807) là một nhà thực vật học, nhà thám hiểm người Pháp. Bà được biết đến là người phụ nữ đầu tiên du hành vòng quanh thế giới trên tàu Étoile, trong đoàn thám hiểm của đô đốc Bougainville. Vào thời điểm đó, phụ nữ bị cấm lên tàu của hải quân Pháp. Jeanne Baret đã phải cải nam trang và mang cái tên mới là Jean Baret chỉ để được lên đường khám phá, tìm kiếm những loài thực vật mới.

Ảnh chân dung Jeanne Baret mặt đồ thủy thủ và hoa, vẽ năm 1817 sau khi bà qua đời.
Ảnh chân dung Jeanne Baret mặt đồ thủy thủ và hoa, vẽ năm 1817 sau khi bà qua đời.

Suốt chuyến đi, Jeanne đã tham gia thu thập hơn 6.000 mẫu thực vật, bao gồm cả phát hiện vĩ đại nhất của bà ở Brazil - Bougainvillea - cây nho màu hồng tuyệt đẹp được bà đặt theo tên thuyền trưởng để vinh danh ông. Sau đó, bà trở về Pháp năm 1775 và sống ở Saint-Aulaye cho đến cuối đời. Những khám phá, công trình về các loài thực vật kỳ lạ của bà vẫn là thông tin quan trọng cho đến ngày nay.

“Tôi nghĩ cuộc phiêu lưu của cô ấy nên được đưa vào sử sách về những người phụ nữ lừng lẫy nhất” - hoàng tử xứ Nassau-Siegen, một hành khách trong chuyến thám hiểm của Jeanne, đã nói về bà như thế.

2. Isabella Bird

Isabella Bird (1831-1904, Anh quốc) là nhà tự nhiên học, cây viết và nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Năm 1854, bà có chuyến đi đầu tiên đến Mỹ và vào 1878, Isabella Bird bắt đầu chuyến khám phá châu Á. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore và nhiều quốc gia khác đều được bà ghé thăm. Với niềm đam mê xê dịch, Isabella vẫn cố gắng đến Ấn Độ, Tây Tạng, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ dù đã vào tuổi 60. Chuyến đi cuối cùng của bà là tới Ma-rốc, trước khi bà ngả bệnh và qua đời.

Chân dung nhà tự nhiên học, cây viết và nhiếp ảnh gia nổi tiếng - Isabella Bird . Ảnh: scmp.
Chân dung nhà tự nhiên học, cây viết và nhiếp ảnh gia nổi tiếng - Isabella Bird . Ảnh: scmp.

Mỗi nơi Isabella đi qua, bà đều ghi lại bằng những trang viết. Dù đó là những quốc gia có nền chính trị phức tạp hay khí hậu khắc nghiệt, Isabella vẫn kiên trì với những chuyến đi vòng quanh thế giới của mình. Với những đóng góp của mình, Isabella Bird là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm thành viên của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh.

3. Nellie Bly (Elizabeth Cochrane)

Mạnh mẽ từ khi còn trẻ, Elizabeth từng phúc đáp một cách giận dữ đến người biên tập, chỉ vì bài báo "What Girls Are Good For" (Tạm dịch: Những việc mà phụ nữ nên làm). Người biên tập đã rất ấn tượng với cách viết của bà đến nỗi mời bà về làm việc. Từ đó, Nellie Bly bắt đầu sự nghiệp phóng viên của mình vào năm 1885 cho Pittsburgh Dispatch.

Bìa quyển sách do Nellie Bly viết, ghi lại chuyến đi vòng quanh thế giới trong vòng chưa đầy 80 ngày của bà. Ảnh: Dreamstime.
Bìa quyển sách do Nellie Bly viết, ghi lại chuyến đi vòng quanh thế giới trong vòng chưa đầy 80 ngày của bà. Ảnh: Dreamstime.

Không yên phận, hành trình hơn 40.000km đi vào huyền thoại ấy của bà bắt đầu trên con tàu Augusta Victoria, vào tháng 11 năm 1889. Nellie Bly đã đi qua Anh, Pháp, Italia, Ai Cập, Srilanka, Malaysia, Singapore, Nhật Bản... và trở lại Mỹ vào tháng 1 năm 1890. Lập kỉ lục thế giới với chuyến đi vòng quanh thế giới trong 72 ngày này, ít ai ngờ bà đã được truyền cảm hứng từ... một quyển sách.

Cụ thể, hành trình của bà kéo dài 72 ngày, 6 giờ 11 phút và 14 giây. Bà để lại ấn tượng đến mức cái tên Nellie Bly đã trở thành một từ đồng nghĩa chỉ những nữ nhà báo có thực lực, nổi bật.

Chân dung Nellie Bly.
Chân dung Nellie Bly.

4. Annie Londonderry

Annie Cohen Kopchovsky (1870-1947) được biết đến với cái tên Annie Londonderry, là một người nhập cư gốc Latvia đến Hoa Kỳ. Năm 1894, bà xuất phát cùng chiếc xe đạp từ Boston. Nhiều nguồn tin cho biết, bà đã để lại chồng con, mang theo một bộ quần áo và một khẩu súng lục ổ quay có tay cầm bằng ngọc trai rồi... bắt đầu đạp xe xuyên Chicago, New York, Paris, Marseilles, Alexandria, Colombo, Singapore, Sài Gòn, Hồng Kông, Thượng Hải và San Francisco. Với hành trình 15 tháng ấy, Annie Londonderry trở thành hiện tượng toàn cầu.

Annie và chiếc xe đạp Columbia đã đưa bà đi vòng quanh thế giới.
Annie và chiếc xe đạp Columbia đã đưa bà đi vòng quanh thế giới.

Bà trở về nhà ở Boston vào tháng 9/1895 Tờ New York World ngày 20/10/1895 đã mô tả chuyến đi của bà là “Hành trình phi thường nhất mà một người phụ nữ từng trải qua”. Dù có nhiều điều chưa được làm rõ quanh nguyên nhân của chuyến đi này, đây vẫn là một nguồn cảm hứng lớn của thời đại.

5. Amelia Earhart

Amelia Earhart (1897-?) là một nữ phi công và nhà văn người Mỹ. Bắt đầu ngồi sau buồng lái vào năm 1921 nhưng chưa đầy 8 năm sau, Earhart làm cả thế giới trầm trồ vì là phụ nữ đầu tiên bay qua Đại Tây Dương.

Nữ phi công lừng lẫy và chiếc Electra 10E. Ảnh: AFP.
Nữ phi công lừng lẫy và chiếc Electra 10E. Ảnh: AFP.

Sau đó, bà tiếp tục lập kỷ lục là phụ nữ đầu tiên một mình bay qua Đại Tây Dương vào năm 1932. Ba năm sau, bà Earhart đã trở thành thành viên của khoa hàng không Đại học Purdue, với nhiệm vụ đưa ra lời khuyên cho những phụ nữ có ước muốn trở thành phi công. Bà cũng là thành viên của National Woman's Party và là người ủng hộ việc sửa đổi về quyền bình đẳng.

Ảnh: Underwood & Underwood.
Ảnh: Underwood & Underwood.

Đáng tiếc rằng trong nỗ lực bay vòng quanh thế giới, bà cùng chiếc máy bay đã mất tích trên biển vào năm 1937. Với những chuyến hành trình đầy dũng cảm của mình, bà là người phụ nữ đầu tiên được nhận Distinguished Flying Cross của Hoa Kỳ cho việc là nữ phi công đầu tiên bay xuyên Đại Tây Dương.

6. Sheila MacDonald

Shiela MacDonald được miêu tả là một cô gái cao lớn, có thân hình cân đối với mái tóc xù - người thường thể hiện xuất sắc trong các trò chơi ngoài trời và cưỡi ngựa. Chuyến leo núi đầu tiên của bà được thực hiện vào năm 12 tuổi, khi cùng với cha leo lên một số ngọn núi ở Scotland. Và rồi năm 1927 khi mới 22 tuổi, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Kilimanjaro. Vào thời điểm đó, chinh phục thành công đỉnh Kilimanjaro không phải là điều dễ dàng. Bằng chứng là người người bạn nam đồng hành cùng bà đã phải bỏ cuộc.

Shiela MacDonald vốn tiếp xúc với các hoạt động thể chất từ sớm. Ảnh: teamwilsun.
Shiela MacDonald vốn tiếp xúc với các hoạt động thể chất từ sớm. Ảnh: teamwilsun.

Kilimanjaro là đỉnh núi cao nhất châu Phi, và cũng là nngọn núi đứng một mình cao nhất thế giới với độ cao 4.600 m từ chân núi. Sự kiên cường và dũng cảm của Shiela MacDonald đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ. Họ tiếp tục chinh phục đỉnh núi này ở độ tuổi thậm chí còn trẻ hơn bà ngày đó.

7. Krystyna Chojnowska-Liskiewicz

Krystyna Chojnowska-Liskiewicz (1936-?) "gây chấn động" nền du lịch toàn cầu khi là nữ thủy thủ đầu tiên chèo thuyền một mình trên khắp thế giới. Bà dấn thân vào cuộc hành trình từ quần đảo Canary vào năm 1976 và trở về vào năm 1978, hoàn thành chuyến đi hơn 30 nghìn hải lý trong 401 ngày.

Trong hành trình này, bà đã băng qua Đại Tây Dương để tới biển Caribbean, qua kênh đào Panama tới Thái Bình Dương. Vượt qua Australia, Ấn Độ Dương, bà vòng qua Mũi Hảo Vọng để quay trở về điểm xuất phát.

Chân dung nữ thủy thủ ga dạ. Ảnh: nn.
Chân dung nữ thủy thủ ga dạ. Ảnh: nn.

Được truyền cảm hứng mạnh mẽ nên chỉ hai tháng sau, nữ thủy thủ Naomi James và nhiều phụ nữ khác đã tiếp bước hành trình của Krystyna Chojnowska-Liskiewicz.

8. Jessica Nabongo

Jessica Nabongo (1984) là người Mỹ gốc Uganda. Cô sinh ra tại thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, Mỹ. Dù đã có cuộc sống ổn định tại "Xứ sở tự do", Jessica vẫn không hài lòng mà quyết định thực hiện hành trình trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đặt chân đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện, con số ấy đã lên đến 159 quốc gia và khiến Jessica trở thành một hiện tượng của nền du lịch.

Ảnh: @thecatchmeifyoucan.
Ảnh: @thecatchmeifyoucan.

Trong suốt hành trình ấy, tài khoản Instagram @thecatchmeifyoucancủa cô hiện đang có gần 200.000 người theo dõi và có sức ảnh hưởng nhất định. Khi được CNN phỏng vấn năm 2018, Jessica chia sẻ: "Phụ nữ khám phá thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Tôi từng bị cáo buộc là gái mại dâm và hành hung trên phố".

Tuy vậy, cô vẫn mạnh mẽ và kiên trì với chuyến hành trình của mình bởi theo Jessica, mục đích của cô không đơn thuần là thăm thú thế giới mà là để thay đổi nhận thức của khách du lịch nữ, khách du lịch da màu...

Vừa rồi là những "bóng hồng" đã và đang thay đổi lịch sử du lịch toàn cầu. Nhờ những chuyến đi không ngừng nghỉ, đầy mạo hiểm và đam mê của họ, thế giới đã có một cái nhìn mới về nữ quyền, về cảm hứng được dấn thân vào những cuộc hành trình bí ẩn. Chúng tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ góp phần mang đến cho bạn một ngày 8/3 ý nghĩa hơn.

Bạn đang đọc bài viết Ngày 8/3, nhìn lại 8 người phụ nữ 'gây chấn động' lịch sử du lịch thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Travelmag

Cùng chuyên mục

Tin mới