Thứ bảy, 27/04/2024 02:41 (GMT+7)

Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, kỳ V: Nhiều phản hồi tích cực từ độc giả

MTĐT -  Thứ tư, 06/07/2022 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi loạt bài “Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang” đăng tải trên Báo Thái Nguyên số ra các ngày 21, 22, 23, 24-6 và cập nhật trên Báo Thái Nguyên điện tử, Tòa soạn đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía độc giả.

tm-img-alt
Thời gian qua, HĐND tỉnh đã thành lập đoàn công tác giám sát thực tế tại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Sau khi loạt bài “Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang” đăng tải trên Báo Thái Nguyên số ra các ngày 21, 22, 23, 24-6 và cập nhật trên Báo Thái Nguyên điện tử, Tòa soạn đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía độc giả. Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu cũng đã bàn luận khá sôi nổi tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV vừa diễn ra mới đây.

Phản ánh trung thực, khách quan

Sau khi loạt bài viết “Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang” được đăng tải trên Báo Thái Nguyên, nhiều độc giả bày tỏ đồng tình với quan điểm mà Tòa soạn đưa ra. Ông Lưu Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng (Đại Từ), cho hay: Là người trực tiếp đưa phóng viên Báo Thái Nguyên đi tác nghiệp tại cơ sở để tìm hiểu về công trình cấp nước sinh hoạt đã ngừng hoạt động tại địa phương, sau khi bài viết được đăng tải, tôi nhận thấy, các tác giả đã phản ánh rất trung thực những gì đang hiện hữu tại thực địa. Tôi tin rằng, những thông tin này rất có ích cho các cấp, ngành, chức năng. Qua đây sẽ giúp cho việc đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại Yên Lãng nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được hiệu quả bền vững, không lãng phí…

Ông Hà Duy Hiệu, cán bộ hưu trí ở phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) thì nhận định: Tôi thường xuyên theo dõi các ấn phẩm của Báo Thái Nguyên. Trước đây, vấn đề các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả cũng đã được Báo phản ánh nhưng chỉ nêu thực trạng ở một vài công trình nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong loạt bài viết lần này, tác giả đã đánh giá rất toàn diện, khách quan từ những lợi ích mà các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn mang lại cho người dân, đến những hệ lụy và nguyên nhân của thực trạng này. Đáng nói, loạt bài còn đưa ra những giải pháp từ các cơ quan chức năng. Thông qua những thông tin đó sẽ góp phần định hướng dư luận cũng như giúp các địa phương xây dựng được những phương án quản lý, bảo vệ, phát huy hiệu quả các công trình…

Còn ông Trịnh Ngọc Linh, cán bộ hưu trí ở phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) nói: Qua theo dõi tôi thấy, vấn đề Báo Thái Nguyên nêu đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh vừa qua. Tôi đánh giá cao loạt bài viết này. Không hề câu view, câu like, bài báo mang đậm dấu ấn của một tờ báo Đảng, đó chính là sự trung thực và trách nhiệm đi tới tận vùng sâu, vùng xa của người cầm bút; sự thẩm định tác phẩm chặt chẽ của lãnh đạo Tòa soạn. Mong rằng, Báo Thái Nguyên sẽ có nhiều tuyến bài chuyên sâu như thế này.

Hướng tới sự đầu tư tập trung

Tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV cũng đã thông qua báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025. Đây là Dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT lập báo cáo chủ trương đầu tư, UBND tỉnh quyết định đầu tư.

Được nhiều đại biểu đánh giá là có ý nghĩa và vô cùng cấp thiết với người dân nông thôn, Dự án không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước và công trình cấp nước tập trung nông thôn mà còn đảm bảo công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó Dự án sẽ xây mới 6 công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp, mở rộng 17 công trình. Với số tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 108 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh, Dự án sẽ được triển khai tại 6 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình, Đồng Hỷ. Khi Dự án hoàn thành sẽ duy trì cấp nước ổn định cho khoảng 10.850 hộ dân.

Khi nắm được thông tin Dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, người dân trong tỉnh rất phấn khởi. Ông Hầu Văn Hoan, xóm Đồng Dong, xã La Hiên (Võ Nhai), vui vẻ: Chúng tôi mong Dự án này nhanh chóng được triển khai, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang thắc mắc về cơ chế vận hành sau đầu tư; vai trò của người dân trong công tác quản lý, sử dụng công trình; về liên kết của Dự án với các chương trình, dự án khác tại địa phương...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư, sau khi hoàn thành, theo phân cấp của tỉnh, dự kiến có 11/23 công trình thuộc Dự án sẽ giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý; các công trình còn lại do các địa phương thực hiện, quản lý.

Tuy nhiên để Dự án sớm được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng nên tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu của người dân; khắc phục sửa chữa một số công trình kém hiệu quả và nâng cấp mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt theo kiến nghị của cử tri và đề nghị của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, để đảm bảo thực hiện đồng bộ, kịp thời các mục tiêu Dự án đã đề ra, nhất là xây dựng nông thôn mới, tỉnh và các địa phương cần sớm có kế hoạch, kinh phí và giao cho cơ quan chuyên môn (Sở Nông nghiệp và PTNT) nhanh chóng triển khai thực hiện Dự án. Từ đó, sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là đến năm 2025, 98% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% xã về “đích” nông thôn mới.

Bạn đang đọc bài viết Những công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, kỳ V: Nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baothainguyen.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới