Thứ bảy, 27/04/2024 04:55 (GMT+7)

Những phận đời mưu sinh nhờ nghề bới rác

Duy Quốc -  Thứ hai, 06/03/2023 15:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng), hằng ngày có hơn 50 người, chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi đến bãi rác tìm nhặt phế liệu, ve chai. Họ là những người không có công việc ổn định, vì gia đình, con cái nên phải mưu sinh để lo cho cuộc sống.

Cực nhọc và nguy hiểm

Có mặt tại bãi rác Khánh Sơn – Đà Nẵng vào một buổi trưa nắng nóng, hàng loạt hình bóng con người đang bới rác, người cuốc, người xẻng mải miết đào bới, tìm kiếm những thứ có thể bán được để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống.

Đúng 6h30 mỗi buổi sáng, hai vợ chồng ông Lê Văn Tình ( 63 tuổi) và bà Võ Thị Thông (59 tuổi) sẽ có mặt tại bãi rác để mưu sinh, họ làm công việc này đã hơn 30 năm, dụng cụ nhặt rác của họ là bao tải, cuốc, bao tay và những đôi ủng.

tm-img-alt
Sau khi xe rác vừa đổ xuống, mọi người lại đổ xô đào bới.

“Tôi và chồng bắt đầu công việc này đã hơn 30 năm nay, làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về, công việc tuy cực nhọc, hôi hám và rất bẩn nhưng chúng tôi vẫn phải làm để nuôi gia đình, nếu không làm thì không biết làm nghề gì nữa. Con cái tôi giờ lớn hết rồi nên cũng đỡ lo, cực nhất là thời chúng nó còn đi học, đúng là “nước mắt chan cơm luôn á. Khi xưa thiếu thốn lắm, tôi và chồng chẳng biết làm việc gì để nuôi con nên phải chọn nghề này, suốt đêm phải bới móc từng đống rác như vậy nên người lúc nào cũng hôi thối”, bà Thông kể.

Vừa phân loại đống đồ nhựa vừa nhặt được, ông Tình vui vẻ cho hay: “Cậu thấy đó, chẳng có nghề nào bẩn bằng nghề bới rác này đâu, nhiều lúc làm buổi tối chúng tôi dẫm phải thủy tinh, kim tiêm đứt tay, đứt chân là chuyện bình thường. Nhưng cũng nhờ nghề này mà tôi với vợ nuôi 4 đứa con khôn lớn như bây giờ cậu ạ, trung bình mỗi ngày nhặt được nhiều thì 2 vợ chồng tôi thu nhập 200.000 đến 300.000 nhưng nhiều lúc cũng chẳng được bao nhiêu. Những nghề khác còn có ngày nghĩ lễ, nghĩ tết còn chúng tôi phải làm quanh năm, nếu không làm thì không có tiền để trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành”.

tm-img-alt
Tìm kiếm những thứ có thể bán được để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống.
tm-img-alt
Nhiều người dân tìm kiếm, đào bới những đống rác lớn để mưu sinh.

Cũng vì cuộc sống họ phải bươn chải, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lặng lội dù mưa nắng để mong gia đình có đủ miếng ăn, con cái được học hành đầy đủ hơn.

Bệnh tật rình rập nhưng chẳng thể bỏ nghề

Những người  “kiếm cơm” bằng nghề bới rác dù biết vất vả, nguy hiểm nhưng họ vẫn cần mẫn mưu sinh năm này qua năm khác. Đối với họ, hôi thối, mệt nhọc, nguy hiểm hầu như đã quá quen thuộc, họ phải chấp nhận để được cái chữ cho con, miếng cơm, manh áo cho gia đình.

Bà Thông cho hay, tất cả mọi người ở đây điều như nhau, vì cuộc sống nên phải như vậy, chúng tôi ở lại đây từ sáng tới chiều tối mới về, phải vật lộn với những đống rác bốc mùi hôi thối nồng nặc, buổi trưa lại bày cơm ra ngay trên bãi rác ăn cùng nhau luôn cho tiện để còn làm việc. Dù biết ở đây đủ mùi hôi thối, phải tiếp xúc với bao nhiêu là chất độc hại nhưng biết phải làm sao, cuộc sống chúng tôi là vậy đó.

“Hầu như ai làm ở đây điều bị viêm phổi, viêm xoang rồi dạ dày, tôi cũng không ngoại lệ. Có một lần tôi bị ngất ngay trên đống rác do trời nắng nóng cộng mùi hôi thối từ đống rác, nhờ lần đó tôi về khám mới biết mình bị viêm phổi nhưng rồi tôi chỉ xin ít thuốc về uống chứ không có chữa trị gì vì không đủ tiền”, bà Thông chia sẻ.

tm-img-alt
Bà Võ Thị Thông cố gắng xé từng túi rác để tìm ve chai, phế liệu.

Anh Nguyễn Văn Ngọc Duy, quản lý, vận hành bãi rác cho biết, mỗi ngày có hàng trăm người đến đây để bới rác, đa số là người già và phụ nữ trung niên, họ làm tới 5 giờ chiều nhưng cũng có một số người làm tới 3 giờ sáng, người nào có sức khỏe tốt thì làm nhiều để kiếm thêm thu nhập. Mình chỉ là người tạo điều kiện, cấp thẻ cho họ để quản lý an ninh trật tự ở đây chứ không có thu hay bắt họ đóng phí gì, họ làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.

“Đợt dịch vừa rồi thành phố cấm không cho ai vào bới nhặt rác, bảo vệ đi tuần nghiêm ngặt nhưng nhiều người vẫn cố leo rào để vào do quá đói nên làm liều. Họ lựa tầm 3 giờ sáng khi bảo vệ nới lỏng cảnh giác thì trèo vào, mình phát hiện nhưng đành để họ vào, bây giờ thì có người bán đồ ăn, nước uống ở đây luôn, họ ăn xong ở lại đây làm tới chiều mới về”, anh Duy kể. 

tm-img-alt

Những chiếc bao tải to đã được phân loại và ghi tên sau khi nhặt xong để tránh nhầm lẫn.

Trước những mối đe dọa, bệnh tật chực chờ nhưng vì cuộc sống, hầu hết những người này phải chấp nhận vùi mình hằng ngày cùng với rác để kiếm tiền. Đối với họ bãi rác là nguồn sống, là nơi giúp họ có bữa ăn no mỗi ngày, nếu không có bãi rác này thì họ chẳng biết lấy gì mà sống.

Để bảo vệ tốt cho bản thân, họ chỉ tự mình sắm thêm vài dụng cụ như bao tay, đôi ủng và bộ áo quần nhằm bảo vệ cho bản thân mình khỏi những ống kim tiêm, mảnh vỡ thủy tinh. Dù phải làm việc cực nhọc, vất vả và nguy hiểm bao nhiêu thì những con người này vẫn luôn muốn cho con cái mình học hành nên người, có cái ăn, cái mặt, mong sao sau này con cái thoát khỏi cảnh nghèo khổ như bây giờ.

Bạn đang đọc bài viết Những phận đời mưu sinh nhờ nghề bới rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới