Thứ bảy, 04/05/2024 12:44 (GMT+7)

Nỗi ám ảnh mang tên Mùa cưới

Hải Vân -  Thứ ba, 08/11/2022 15:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ý nghĩa của ngày cưới thiêng liêng, trọng đại là thế. Vậy mà hiện nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, việc tổ chức đám cưới ở nhiều nơi đã phần nào bị thương mại hoá, gây ra nỗi ám ảnh và trở thành gánh nặng cho không ít người.

Từ xưa tới nay, lễ cưới vẫn được xem như ngày trọng đại nhất của đời người. Lễ cưới đánh dấu ngày những đôi uyên ương về chung một nhà, đánh dấu sự ra đời của một gia đình mới. Đó cũng là là đích đến lý tưởng sau quá trình yêu đương, hẹn hò và tìm hiểu của đôi bên nam nữ yêu nhau. Đây cũng được coi là ngày “đại hỉ”,  là dịp để hai gia đình, họ hàng, đồng nghiệp và bạn bè thân cận đến chúc mừng hạnh phúc lứa đôi, là cơ hội để mọi người gặp gỡ, làm  quen, mở rộng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Đến với đám cưới là đến với một sinh hoạt văn hoá lành mạnh không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người và cả cộng đồng. Trong ngày cưới, chẳng những cô dâu, chú rể, mà cả hai bên cha mẹ, họ hàng nội ngoại, bạn bè, làng xóm đều hân hoan chúc mừng hạnh phúc lứa đôi.

Ý nghĩa của ngày cưới thiêng liêng, trọng đại là thế. Vậy mà hiện nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, việc tổ chức đám cưới ở nhiều nơi đã phần nào bị thương mại hoá, gây ra nỗi ám ảnh và trở thành gánh nặng cho không ít người.

Ngỡ ngàng nhận những tấm thiệp mời

Nhận trong tay tấm thiệp hồng xinh xắn, chị Thu không khỏi bất ngờ. Đây là tấm thiệp thứ 5 chị nhận được trong tháng. Đọc đi đọc lại, chị cố tìm thật kỹ dòng tên người mời mà vẫn thấy là lạ. Thì ra, đó là đám cưới của con một anh bạn chị mới quen lần chị về cơ sở công tác. Cố tìm một lúc, chị mới nhận ra tên anh trong phần “Bố cô dâu”.

Mối quan hệ quen biết sơ sơ, chị không nghĩ vẫn còn hân hạnh được anh nhớ đến và mời khi gia đình có hỉ sự. Lòng thành đã nhận, mà không biết xoay sở thế nào vì mật độ đám cưới quá dày. Trong số 5 thiệp mời chị nhận, cũng có người mời là họ hàng gần gũi, có người là bạn học lâu năm, cũng có người là bà con lối xóm, và hai cái cuối cùng của những người bạn mới quen. Chưa biết kịp định hình xem sẽ phải sắp xếp công việc để đi dự tiệc cưới thế nào, chị đã nhận được điện thoại của một người đồng nghiệp “Cuối tuần sau cưới con trai chị, “dì” chuẩn bị bộ áo dài đẹp rồi cùng các chị em cơ quan đón khách giúp chị nhé!”. Dứt lời, chị đồng nghiệp cúp máy trong tâm trạng hân hoan phấn khởi, còn Thu rối bời, tự lầm bầm “sao lắm đám cưới quá vậy trời”???

Chẳng cùng cảnh ngộ giống Thu, nhưng chị Phúc cũng chung băn khoăn về việc cưới. Đọc xong tin nhắn vừa ting ting gửi đến, chị cười khanh khách, vỗ đùi rõ to rồi nói oang oang trước cửa phòng tài vụ:

- Ngày hôm nay là ngày gì mà lắm đứa nhắn tin hỏi vay tiền! Từ sáng tới giờ có bốn đứa bạn hỏi còn tiền không “bắn” vay ít đi ăn cỗ!

- Cưới xin, cỗ bàn  liên tục thế này, lương ba cọc ba đồng sao trụ nổi mà chả hỏi vay? Chưa hết tháng đã bay bèo nhẵn túi – Tiếng chị đồng nghiệp đáp lại đầy cảm thông. Lâu nay, lương cán bộ công nhân viên eo hẹp, tiết kiệm lắm cũng vẫn thiếu trước hụt sau.

Cuối tuần về đám giỗ dưới quê, chị Phúc nhìn các bà cô tóc đã bạc vài phần mà thấy lòng chua xót. Cuộc sống của mình đã chật vật vậy rồi, các cô ở nhà chạy chợ, bán rau… một mình gồng gánh cả gia đình 8 người toàn người già, cháu nhỏ, sinh viên đi học với bà bầu, biết sống sao đây với cảnh ngập trong cỗ bàn? Cô con gái sinh viên của chị cũng liên tục thông báo bạn bè mời cưới và xin tiền mẹ.

Cảnh đi học xa nhà, dẫu có muối mặt đi đám cỗ mừng ít cũng gần bằng  một tháng tiền ăn. Chưa kể váy áo lụa là, giày dép son môn cho đỡ tủi thân và kém xa bè bạn. Nhiều lúc nó vui đùa tự trách: sao đám bạn kia chẳng đợi lúc mình giàu, có công việc ổn định và thu nhập xông xênh chút hãy lấy vợ, lấy chồng?

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Đau đầu với các khoản tiền mừng cưới

Lẽ dĩ nhiên, người đi dự đám cưới sẽ không thể thiếu một thứ: đó là việc chuẩn bị quà mừng. Phương án đơn giản, tiện lợi nhất ngày nay mọi người hay sử dụng đó là phong bì tiền mặt. Tiền mừng cướikhông chỉ giúp bày tỏ lời chúc hạnh phúc, tài lộc và sức khỏe của khách được mời tới cô dâu, chú rể, mà nó còn thể hiện được thành ý muốn góp một phần nho nhỏ cho ngày vui của cặp đôi, là mong muốn tặng một chút “vốn” nhỏ để cô dâu chú rể xây dựng tổ ấm của mình. Tuy vậy, nó cũng là nỗi trăn trở của không ít người được mời đi dự lễ cưới. Nhận liên tiếp nhiều lời mời đám cưới trong vòng một tháng, nhiều người thực sự phát hoảng vì không biết xoay đâu ra tiền mừng.

Quà cưới luôn là vấn đề tế nhị, đi một mình thì bỏ tiền nhiều quá sẽ tiếc, bỏ ít quá thì ngại, theo bạn bè thì mỗi đứa mỗi mức độ thân khác nhau, biết theo ai? Câu hỏi đó đã làm không ít người phải đau đầu suy nghĩ. Không ai muốn bỏ quá ít để rồi mất mặt với gia chủ, nhưng cũng chẳng ai muốn tự tạo gánh nặng tài chính cho bản thân. Nghĩ đến 5 chiếc thiệp hồng đã rõ ràng địa chỉ, chị Thu thấy nặng nhọc vô cùng vì cuối năm luôn là khoảng thời gian anh chị có vô vàn công việc phải lo. Mấy tháng nay, các công ty doanh nghiệp luôn trong  tình trạng ít việc, chồng chị cũng không thoát khỏi tình trạng chung. Nội ngoại đôi bên, rồi những mối quan hệ thân, quen, sơ sơ, đâu đâu cũng mời thế này thật lòng chị không biết làm cách nào xoay sở.

Còn cô sinh viên con gái chị Phúc, dù biết rằng mẹ vô cùng vất vả, nuôi mình ăn học xa nhà đã tốn kém nhưng vì không thể bỏ qua lời mời của những người bạn chạm mặt hàng ngày nên đành chấp nhận cắt mọi chi tiêu cá nhân để dành dụm tiền mừng cưới, ngậm ngùi mở hầu bao gửi tiền mừng như một chi phí cho một suất "cơm bụi giá cao", dù biết rằng đó là món nợ đồng lần, nhưng cớ sao nó đến đúng lúc này làm cho cảnh sinh viên nghèo muốn rình sụp đổ. Nhiều bạn trẻ vẫn nói vui với nhau: Mặc dù chỉ muốn ở độc thân, không muốn cảnh lấy chồng mà thôi đành chấp nhận cưới chồng để “thu nợ” vì đã “dành cả thanh xuân để đi đám cưới người ta”.

Nhiều đám cưới đã mất đi thuần phong mỹ tục

Thay bằng ý nghĩa chính của đám cưới là cốt ở tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, nhiều đám cưới hiện nay đã mất đi nét đẹp vốn có của văn hoá Việt. Không ít gia đình đã biến đám cưới thành sự kiện để khoa trương độ giàu có, chịu chơi. Nhiều cặp vợ chồng trẻ thích đua đòi không ngại vay mượn, hoặc đòi hỏi người thân phải tổ chức thật hoành tráng hơn những gì điều kiện nhà mình có. Một số người có chức, có quyền thì tranh thủ “cưới chạy” trước khi nghỉ hưu, chuyển công tác, tổ chức linh đình kéo dài tới vài ngày với số lượng khách đông đếm xuể để tranh thủ quà mừng.

Nhiều người vì muốn phô trương mối quan hệ mà không ngần ngại mời tràn lan, miễn sao đám cưới gia đình mình có nhiều người đến dự, gây khó xử cho nhiều vị khách. Đáng buồn hơn, nhiều gia đình không có điều kiện, vẫn phải chiều theo con tổ chức lễ thành hôn hoàng tráng, của hồi môn trao tặng tại hôn trường dù không có cũng phải chạy vạy đi vay cho bằng người để rồi ôm gánh nợ còng lưng. Hạnh phúc được tới đâu không cần biết, chỉ cần biết một điều, phải được “nở mày nở mặt” với dân làng, phải được tiếng sang trong mắt đám bạn bè cùng lứa.

Thay cho lời kết

Ngày cưới là một ngày vô cùng trọng đại đối với mỗi người. Tổ chức sao cho ấm cùng, gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm là ước mong chung của toàn xã hội. Giá như, hỉ sự của chính mình cũng trở thành niềm vui rất trọn vẹn, rất vô tư của tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Giá như chiếc phong bì mừng cưới không trở thành gánh nặng, không bị biến hình và dần trở thành thương mại hoá theo đà phát triển của xã hội thì hạnh phúc biết bao! Chị Thu, chị Phúc hay cô bé sinh viên nọ không phải là người so đo tính toán từng đồng với bạn bè, người thân. Từ sâu trong thân tâm họ luôn trân trọng những người nhớ đến và mời mình trong ngày trọng đại của họ. Tuy vậy, việc mừng phong bì đám cưới bây giờ không phải vì tình cảm  vô tư hay tùy tâm được nữa, nó theo xu hướng xã hội, luôn nhìn nhau và không chừng sẽ bị đánh giá văn hoá ứng xử, đánh giá mức độ tình cảm qua số tiền mừng được trao đi.

Chợt nhớ lại đám cưới của mình 30 năm về trước, nét mặt chị Thu rạng ngời bởi bạn bè, người đều thân háo hức đến chung vui. Quà tặng phẩm khi đó có khi là bánh pháo, là chiếc thau men, là đôi vỏ gối hay bộ nồi nhôm nhỏ nhỏ xinh xinh cho đôi uyên ương mà sao ấm áp và thân tình đến thế!

Chị vẫn hằng mơ mước rằng một ngày nào đó, khi nhận được tấm thiệp mời cưới của mọi người, chị có thể vui vẻ, hân hoan và thành tâm chúc mừng họ một cách vô tư hoặc chuẩn bị một món quà thật nhẹ nhàng theo khả năng mình có. Hoặc chí ít, nếu theo nhịp sống hiện đại thì những đám cưới chỉ có mối quan hệ xã giao, chị cũng không phải nặng lòng đắn đo suy nghĩ, không bị ám ảnh bởi những chiếc phong bì.

Ánh mắt đang mơ màng đong đầy hạnh phúc của chị lại bị đánh thức về thực tại bởi tiếng điện thoại reo inh ỏi. “Coi chừng lại là cuộc gọi mời cỗ của người bạn phương xa” – giọng chị ngân lên như thảng thốt như một sự giật mình, chuẩn bị đón chờ những tấm thiệp hồng đầy ám ảnh.

Bạn đang đọc bài viết Nỗi ám ảnh mang tên Mùa cưới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Nhớ các Anh
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc:///“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”////Lớp lớp thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi////Hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu