Thứ bảy, 27/04/2024 03:26 (GMT+7)

Pháp: Xây dựng dùng vật liệu gỗ, giải pháp chống biến đổi khí hậu?

MTĐT -  Thứ sáu, 13/08/2021 16:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quy chuẩn môi trường cho công trình gọi tắt là RE2020, có hiệu lực từ T01/2022, hứa hẹn sẽ là cú hích làm gia tăng các công trình sử dụng vật liệu gỗ nói riêng và vật liệu nguồn gốc sinh học nói chung

Tòa nhà Simone Veil bằng vật gỗ và bê-tông, khánh thành tháng 10/2018, tại Cư xá đại học quốc tế, quận 14, thủ đô Paris, Pháp. David Pauget/RFI

Vật liệu gỗ có phải là giải pháp toàn diện để giảm phát thải khí carbon, chống biến đổi khí hậu ? Ngành công nghiệp xây dựng Pháp đã được trang bị sẵn sàng cho bước chuyển đổi này ? RFI phỏng vấn kiến trúc sư - tiến sĩ chuyên về quy hoạch đô thị bền vững Bùi Uyên, Paris.

RFI : Tại Pháp, trong nhiều thập niên qua, các công trình xây dựng từ thép và bê tông vẫn chiếm đa số, nhưng nhà gỗ cũng đã dần dần trở lại. Kiến trúc sư có thể cho biết là tại Pháp, từ khi nào và trong hoàn cảnh nào nhà gỗ lại được xây dựng trở lại tại Pháp, nghề xây nhà gỗ được phục hồi ?

KTS. Bùi Uyên : Vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp, gỗ được dùng chủ yếu làm chất đốt, rồi dùng làm các kết cấu hạ tầng trong các cuộc Thế chiến. Nghề xây nhà gỗ đã gần như rơi vào quên lãng, đi cùng với nó là sự mai một, khan hiếm dần những thợ tay nghề cao. Chỉ còn những vùng rừng núi là nơi nhà gỗ còn được duy trì, chủ yếu do điều kiện vận chuyển khó khăn, nên sử dụng nguồn gỗ tại chỗ là lựa chọn tối ưu nhất. Vì vậy, số lượng nhà gỗ và nhất là nguồn thợ có tay nghề và truyền thống làm nhà gỗ chỉ tập trung ở các khu vực có trữ lượng rừng lớn và lâu đời phía đông bắc, vùng núi Alpes phía đông nam, vùng núi Pyrénées miền tây nam nước Pháp.

Trong khoảng 10 năm đầu thế kỷ 21, việc xây dựng nhà bằng gỗ lại tăng nhanh rõ rệt, bắt đầu và tập trung ở mảng nhà ở nhỏ tư nhân. Đó đa phần là nhà khung kết cấu gỗ thiết kế hiện đại, có thể kết hợp với những khung cửa kính lớn, làm thay đổi hình ảnh so với nhà gỗ cổ xưa ... Số lượng nhà kết cấu gỗ xây dựng hàng năm đã tăng gấp 3 lần trong chưa đầy 1 thập kỷ : từ 5.000 lên khoảng 15.000 ngôi nhà xây mới mỗi năm, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2008. Từ vài năm trở lại đây, xây dựng nhà gỗ lại chuyển dịch sang những thể loại công trình quy mô lớn hơn, liên quan nhiều đến các công trình công cộng, nhà chung cư cao tầng …

Có nhiều lý do giải thích xu thế này. Trong công cuộc tái thiết sau Đệ Nhị Thế Chiến, vào những năm 1950-1960, bê-tông, cốt thép « lên ngôi » nhờ ưu thế bền chắc phù hợp với xây dựng hàng loạt, số lượng lớn, cao tầng và kiên cố. Đến thập niên 80-90, hình ảnh hiện đại, thanh thoát của kính-thép trở thành biểu trưng của kiến trúc toàn cầu hóa. Sang đến những năm 2000, gỗ lại nổi lên như một vật liệu có nhiều chất cảm, thân thiện gần gũi với tự nhiên. Nhưng trên hết, từ nhận thức về các vấn đề môi trường, đặc biệt về tiêu hao năng lượng và phát thải dyoxide carbone (CO2) liên quan đến nhà ở, gỗ được nhìn nhận như một vật liệu có nhiều ưu thế. Từ đó, xây dựng công trình bằng vật liệu gỗ không những được ưa thích, mà còn nằm trong chính sách thúc đẩy về lâu dài. 

RFI : Chị có thể nói rõ hơn về những ưu thế của gỗ trong xây dựng so với các vật liệu khác ?

KTS. Bùi Uyên : Có thể kể ra rất nhiều thế mạnh của chất liệu và phương thức xây dựng bằng gỗ. Trái ngược với bê tông, mà ciment là tác nhân lớn về phát thải CO2 (khoảng 800 kg CO2/1 tấn ciment), gỗ được ví như « bẫy hút CO2 ». Trong quá trình phát triển đến khi trưởng thành, cây xanh hấp thụ CO2 trong không khí và giữ trong nó đến khi phân rã hoặc bị đốt cháy : 1m3 gỗ hấp thụ hàng năm trung bình 25-30 kg CO2 ; đến khi trưởng thành (khoảng 30 năm tuổi), 1 m3 gỗ hấp thụ khoảng 1 tấn CO2. 
Trong toàn bộ vòng đời của công trình, mỗi mét vuông nhà xây bê tông, gạch thải ra khoảng 1,5 tấn CO2. Còn nhà sử dụng nhiều chất liệu gỗ nhất, từ kết cấu đến vỏ bọc, thì mỗi mét vuông giữ tương đương 200 kg CO2. 

Gỗ cũng là một vật liệu tự nhiên bền vững, vì có thể tái chế trọn đời. Năng lượng xám, năng lượng sử dụng để sản xuất, chế biến, vận chuyển gỗ và vật liệu nguồn gốc sinh học (biosourcé) thấp hơn nhiều so với sản xuất các vật liệu gạch, bê-tông … Tuy vậy, nếu gỗ phải qua nhiều xử lý đặc biệt như gỗ dán nhiều lớp, gỗ sơn chống cháy, thì tính tự nhiên, cũng như chỉ số năng lượng xám, sẽ sụt giảm.

Một ưu điểm khác của xây dựng bằng gỗ : nhanh gọn và sạch, ít tiếng ồn, ít tiêu tốn năng lượng. Việc xử lý gỗ làm kết cấu, sản xuất các tấm tường, vách bằng gỗ ép đều được tiến hành trước tại nhà máy. Việc vận chuyển và dựng lên mất ít thời gian, nên công trường xây nhà gỗ thường không nhiều bụi bẩn, ít ồn ào, rút ngắn thời gian đi vào vận hành của công trình so với các công trường truyền thống.

RFI : Như chị đã nói ở trên, gần đây ở Pháp nở rộ công trình bằng gỗ. Liệu đó có phải là nhờ bởi đòn bẩy của chính sách môi trường ?

KTS. Bùi Uyên : Dù có trữ lượng rừng thứ 4 châu Âu, diện tích rừng chiếm 30% diện tích cả nước và vẫn liên tục tăng hàng năm, nhưng tỉ lệ toà nhà sử dụng vật liệu gỗ của Pháp còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 6% tổng công trình xây dựng trên cả nước. Con số này khá thấp so với tỉ lệ 30% ở Đức và 60% ở các nước Bắc Âu. Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, nhiều dự án giàu tham vọng và đạt trình độ kỹ thuật tiên tiến được thiết kế và triển khai.

Tiêu biểu như tòa nhà chung cư Berlier ở Ivry-sur-Seine, (vùng Paris) hay 2 tòa nhà chung cư Hypérion và Silva ở thành phố Bordeaux, đều vươn cao hơn 50m, nằm trong số những công trình sử dụng gỗ (kết cấu và vỏ bọc) cao nhất thế giới. Còn khu tổ hợp văn phòng ở Nanterre (vùng Paris) hiện đang được xây dựng, là khu tổ hợp bằng gỗ có diện tích lớn nhất thế giới : hơn 125.000 m2. Hàng loạt các công trình công cộng, hạ tầng xây dựng có kết cấu, vỏ bọc gỗ hoặc vật liệu nguồn gốc sinh học đang mọc lên.
Sự tăng tốc của Pháp được thúc đẩy và tạo điều kiện phần lớn nhờ những chính sách và đầu tư từ chính quyền trung ương và địa phương. Để ứng phó với việc Trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu, chính phủ Pháp có nhiều chính sách để cổ vũ việc sử dụng các vật liệu có nguồn gốc thực vật và tái tạo được, vật liệu tái chế, xây dựng công trình ít gây ô nhiễm và giảm tiêu tốn năng lượng. Đây cũng là mục tiêu và chiến lược chung về chuyển đổi kinh tế và phát triển theo hướng sinh thái, bền vững.

Đầu tiên phải kể đến tiêu chuẩn về nhiệt trong công trình (RT). Bộ tiêu chuẩn đầu tiên - có từ năm 1974 - đặt yêu cầu giảm 25% năng lượng tiêu thụ trong toà nhà. Sau gần nửa thế kỷ, mỗi lần thay đổi, các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng và giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng ngặt nghèo hơn. Đến nay, mục tiêu không còn là giảm năng lượng tiêu thụ, mà đòi hỏi toà nhà phải sản sinh ra năng lượng. Bộ tiêu chuẩn RE2020, có hiệu lực vào đầu năm 2022, sẽ tạo bước ngoặt, mở rộng phạm vi từ vấn đề nhiệt lượng sang tiêu chuẩn môi trường. Điều mới là đưa giới hạn phát thải CO2 và chọn vật liệu vào tiêu chí đánh giá. Tiêu chuẩn này nhấn mạnh thêm vai trò của vật liệu trong các mục tiêu môi trường trong xây dựng, một cách gián tiếp buộc các nhà đầu tư, thiết kế phải đưa gỗ, hay các vật liệu nguồn gốc sinh học không phát thải C02, vào công trình.

Tiến xa hơn, thủ đô Paris đưa vào trong Bản đồ quy hoạch địa phương (PLU) một mục riêng, nhằm quy định sử dụng các loại vật liệu nguồn gốc sinh học tái tạo được cho các hồ sơ xây dựng mới và cải tạo xin cấp phép. Để được tham gia xây dựng tại Paris, các công ty tư vấn và tập đoàn xây dựng phải chứng minh có kinh nghiệm xây dựng công trình kết cấu và vật liệu có nguồn gốc tự nhiên. Để thích ứng với những đòi hỏi mới này, 28 tập đoàn đầu tư và công ty quy hoạch cùng ký cam kết đảm bảo 40% các dự án của mình có sử dụng vật liệu gỗ. Những công ty bất động sản lớn cũng đã nhanh chóng mở ra một ban chuyên xây dựng công trình gỗ. 

RFI : Vậy gỗ có phải giải pháp tối ưu để giảm phát thải khí CO2 ra môi trường ? Khi phát triển xây dựng bằng vật liệu gỗ, cần lưu ý tới những điểm nào ?

KTS. Bùi Uyên : Ngành chế biến gỗ của Pháp vẫn còn non trẻ, ít cấu kiện công trình gỗ được sản xuất trong nước. Vì vậy, phần lớn các cấu kiện khung và vách gỗ vẫn phải nhập từ các nước láng giềng có truyền thống nghề lâu đời hơn, như Đức, Áo, hay các nước Bắc Âu. Ngành chế biến xử lý gỗ cũng chưa phát triển, nên một lượng không nhỏ gỗ ở Pháp vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô sang Trung Quốc, rồi gỗ đã qua xử lý lại được nhập ngược trở về Pháp. Vận chuyển và chế biến từ khoảng cách quá xa sẽ làm gia tăng tổng lượng phát thải của công trình. Để làm chủ ngành sản xuất đang có đà phát triển này, các nhà máy chế biến gỗ được mở ra trong nước, nhưng vẫn chưa nhiều để đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng hiện nay.

Dù diện tích rừng lớn và vẫn tăng lên hàng năm, lượng gỗ khai thác dồi dào, việc sử dụng nhiều vật liệu gỗ hơn sẽ cần nguồn nguyên liệu lớn hơn trong thời gian ngắn. Để đảm bảo giảm tiêu hao năng lượng xám, cần ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương, chu trình vận chuyển ngắn. Điều đó đòi hỏi quản lý nguồn cung ứng gỗ để đảm bảo gỗ có xuất xứ rừng trồng bền vững. Rừng cần được khai thác hiệu quả, không để giảm diện tích đất rừng và số lượng cây xanh. Nếu không, sử dụng gỗ sẽ đi ngược với những mục tiêu về bảo vệ môi trường và tăng mật độ phủ xanh.

Giá thành vẫn là một trở ngại : trung bình công trình xây dựng bằng gỗ vẫn có chi phí cao hơn 10-20% so với xây dựng theo phương pháp bình thường. Mục tiêu kinh tế bền vững cũng cần phải được chú trọng trong bài toán tổng thể.

Tập trung vào khuyến khích, thậm chí bắt buộc chọn vật liệu gỗ, có nguy cơ tạo ra các sản phẩm nặng về hình thức, không mang chuyển biến thực chất, nhàm chán về diện mạo kiến trúc. Mặt khác, cơ hội tìm tòi cải thiện hiệu quả môi trường của các vật liệu truyền thống cũ như gạch, bê tông, cũng như các chất liệu địa phương đa dạng khác như đất nung, rơm rạ, sợi cây ... bị xem nhẹ, ít đầu tư nghiên cứu.

Có được thiện cảm từ người sử dụng, gỗ sẽ là vật liệu trọng tâm trong thời gian tới, như một câu trả lời trong ngành xây dựng trước những thách thức môi trường và chống biến đổi khí hậu. Với những tiến bộ trong ngành kết cấu, gỗ sẽ còn tiếp tục chinh phục những giới hạn kỹ thuật mới trong tương lai. Tuy vậy, chắc chắn đó không phải là lựa chọn duy nhất. Nhiều triển vọng tìm ra những vật liệu và phương pháp xây dựng thân thiện hơn với môi trường vẫn đang mở ra ở phía trước. 

RFI : Xin cảm ơn kiến trúc sư Bùi Uyên.

Theo hoivlxdvn.org

Bạn đang đọc bài viết Pháp: Xây dựng dùng vật liệu gỗ, giải pháp chống biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới