Thứ năm, 02/05/2024 16:28 (GMT+7)

Sớm chuyển đổi mô hình khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ sáu, 12/05/2023 08:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM là địa phương phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước. Đến nay, nhiều KCN tại đây đã gần hết thời gian hoạt động hoặc có mô hình sản xuất không phù hợp. Vì vậy, thành phố đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi sản xuất công nghiệp theo định hướng mới.  

Sớm chuyển đổi mô hình khu công nghiệp
Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh).

Làm tốt sứ mệnh “mở đường”

Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có hiệu lực (từ năm 1987), thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương có khu chế xuất đầu tiên của cả nước là Khu chế xuất Tân Thuận (ra đời năm 1991), đánh dấu bước chuyển mới của mô hình kinh tế mở của nước ta, theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), qua 30 năm phát triển, thành phố Hồ Chí Minh đã có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động. Tính đến hết năm 2022, những khu chế xuất, khu công nghiệp này đã thu hút gần 1.700 dự án đang có hiệu lực hoạt động, với tổng số vốn đăng ký hơn 12,5 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 281.000 lao động.

Trưởng ban HEPZA Hứa Quốc Hưng cho biết, bình quân hằng năm, các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của địa phương. Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của các khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh; trung bình hằng năm nộp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, tăng trưởng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Ngoài việc có gần 50% doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo hướng thâm dụng lao động, công nghệ cũ, các con số thống kê còn cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh còn thấp. Cụ thể, chỉ 5,4% doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây; 1,1% doanh nghiệp sử dụng robot; 2,2% doanh nghiệp sử dụng công nghệ in 3D; 0,5% doanh nghiệp sử dụng công nghệ thực tế tăng cường…

Tiến sĩ Trương Huy Minh Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ, có 4 vướng mắc chính trong phát triển công nghiệp của thành phố giai đoạn này cần sớm được giải quyết. Một là tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) có xu hướng giảm và chững lại. Hai là quy mô công nghiệp của thành phố đang mất dần vị trí đứng đầu Đông Nam Bộ. Ba là tốc độ tăng giá trị thặng dư các ngành công nghiệp chậm lại. Bốn là diện tích đất công nghiệp còn rất ít.

Định hướng phát triển mới

Tiến sĩ Trương Thị Ái Nhi (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn phù hợp để chuyển đổi sản xuất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sinh thái. Điều này sẽ không chỉ giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu mà còn mở ra cơ hội đón các nhà đầu tư mới phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp hiện nay.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với nhận định này. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Roland Berger Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á Bùi Đào Thái Trường nhận xét, đất công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh phù hợp để thành phố ưu đãi phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Nếu có định hướng rõ ràng hơn trong thu hút đầu tư theo hướng này thì từ nay đến năm 2050, thành phố sẽ có thể tiếp tục phát huy vị thế “đầu tàu phát triển” của cả nước. Doanh nghiệp cũng vì thế sẽ chủ động hơn trong tiếp cận cơ hội đầu tư mới.

UBND thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2045 thành phố trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, thành phố sẽ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển quỹ đất công nghiệp; hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư công nghệ mới… Mục tiêu là để công nghiệp tiếp tục là trụ đỡ trong phát triển kinh tế của thành phố.

Ngày 4-5, Chính phủ đã đồng ý theo đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc đưa ra khỏi quy hoạch 3 khu công nghiệp tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, có tổng diện tích khoảng 575ha, do không còn phù hợp định hướng phát triển mới và bổ sung 2 khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh, với tổng diện tích hơn 660ha, vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. Đây là cơ hội để thành phố Hồ Chí Minh xây dựng khu công nghiệp mới theo hướng thu hút công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo giá trị gia tăng lớn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Thành phố sẽ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi các khu công nghiệp đã lạc hậu; tạo quỹ đất, xây dựng thêm các khu công nghiệp theo hướng sinh thái, hướng doanh nghiệp sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, phù hợp xu thế chung của khu vực và thế giới”.

Bạn đang đọc bài viết Sớm chuyển đổi mô hình khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nam Trung/hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

Nam Định: Gia tăng thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp
Hiện nay, tỉnh Nam Định có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại và được nhà đầu tư tích cực triển khai, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Tin mới

“Trường học xanh” - Mô hình giáo dục hiệu quả
"Xây dựng mô hình “Trường học xanh” từ cổng trường, khuôn viên đến bên trong nơi làm việc, phòng học... tạo nên một tổng thể không gian làm việc thoải mái, thân thiện, trong lành, hoà cùng thiên nhiên và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất”.