Thứ bảy, 27/04/2024 03:06 (GMT+7)

Thực phẩm từ thiên nhiên: Rau mùi-Cây rau, cây thuốc của người Việt

MTĐT -  Thứ tư, 18/11/2020 14:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ có tác dụng làm rau gia vị, cây rau mùi còn được nhắc đến với nhiều công dụng đặc trưng khác, loài cây có khả năng chữa bệnh

Thông tin về rau mùi:

Rau mùi hay còn được gọi bằng các tên gọi khác như: rau ngò, ngò rí, mùi ta, ngổ, mùi tui, nguyên tuy, hồ tuy, hương tuy, ngổ thơm,....Rau mùi là một loại cây thân thảo, loại rau này có nguồn gốc từ các nước Tây Nam Á và Châu Phi.

Cây rau mùi có tên khoa học là Coriandrum sativum L.

Rau mùi thuộc loại cây thân thảo, cao từ 20 – 60cm, thân mảnh, nhẵn ở phần trên phân nhánh. Lá rau mùi có cuống dài, lá chét hình tròn, có khoảng 1 – 3 lá chét phía trên, được xẻ thành 3 thùy. Những lá chét phía trên được chia thành những thùy hình sợi, nhỏ và nhọn, các lá hợp tán từ 3-5 gọng.

Hoa của rau mùi có màu hồng nhạt hoặc trắng, cụm hoa tán kép. Quả có hình cầu, nhẵn, dài khoảng 3mm, được chia thành 2 nửa tách biệt, mỗi nửa có 2 sống chung cho 2 nửa và 4 sống thẳng.

Cây rau mùi có mùi thơm, thường được dùng để làm gia vị tăng hương vị cho món ăn. Tại các nước ven Địa Trung Hải, Trung Á, Trung Quốc, Ấn Độ cây rau mùi được trồng với quy mô lớn để lấy tinh dầu cung cấp cho ngành công nghiệp nước hoa và lấy quả để làm thuốc. Bên cạnh đó, các bộ phận như thân, rễ, lá rau mùi cũng được sử dụng làm dược liệu.

Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh, quả rau mùi có chứa khoảng 0,3 – 1,0% tinh dầu, 16 – 18% protein, 38% chất xơ, 13 – 20% chất béo. Trong đó, tinh dầu rau mùi có chứa lượng lớn Linalol, một ít geraniol, bocneol, limonen, tecpinen, phelandren, mycxen,…

Dân gian thường sử dụng rau mùi để hỗ trợ kích thích hệ tiêu hóa, thúc sởi đậu. Bằng cách dùng khoảng 50g quả rau mùi để giã nát, hòa thêm với ít nước và thoa lên người. Kết hợp với uống nước rau mùi khoảng 4 – 8 ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Một số cách dùng rau mùi chữa bệnh

Trị sưng viêm: Rau mùi  chứa hai thành phần dưỡng chất quan trọng là cineole và axít linoleic có tác dụng chống viêm nhiễm rất tốt. Do vậy, đối với những ai bị viêm khớp hay thấp khớp thì rau mùi được xem là loại thực phẩm không nên bỏ qua trong các bữa ăn hàng ngày.

Theo thông tin trên tạp chí Medical Microbiology, các nhà khoa học Đại học Nội vụ Beira, Bồ Đào Nha đã chứng minh rau mùi có khả năng kháng khuẩn. Việc ứng dụng đặc tính này của rau mùi trong ngành công nghiệp thực phẩm và y học có thể kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh.

Trị tiêu chảy: Rau mùi chứa dồi dào chất borneol và linalool có tác dụng trợ giúp tiêu hóa, trị các chứng rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, nôn mửa, kiết lỵ, viêm gan và viêm ruột kết. Ngoài ra, nó cũng rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh tiêu chảy gây ra bởi các loại vi khuẩn và nấm vì các hợp chất cineole, borneol, limonene, alpha pinene và beta phelandrene hiện diện trong rau mùi có tác dụng chống vi khuẩn rất mạnh.

Cho hơi thở thơm tho: Nhờ vào hợp chất citronelol có khả năng khử trùng mạnh và các hợp chất chống vi khuẩn khác, việc ăn rau mùi thường xuyên giúp cơ thể chống lại các chứng viêm loét miệng. Bên cạnh đó, rau mùi còn giúp bạn có hơi thở thơm tho hơn.

Tốt cho “chuyện ấy”: Rau mùi được cho là một loại thuốc kích thích tình dục tự nhiên và từ rất lâu, người dân vùng Địa Trung Hài, đặc biệt là Ấn Độ đã sử dụng rau mùi rộng rãi như một phương thuốc kết hợp với các loại thảo mộc để tăng cường ham muốn tình dục.

Giảm cholesterol xấu: Thường xuyên ăn hoặc uống nước ép rau mùi sẽ giúp giảm thiểu lượng cholesterol xấu trong máu một cách hiệu quả. Đó là nhờ vào các hợp chất thiết yếu có trong cây ngò rí như axit linoleic, axit oleic, axit palmitic, axit stearic và axit ascorbic (vitamin C).

Hỗ trợ cải thiện bệnh sởi cho trẻ em: Rau mùi có tác dụng kích thích tuần hoàn ngoại vi, làm cho sởi mọc nhanh, đều và sớm phát ra ngoài, đồng thời làm cho trạng thái nhiễm độc được giảm nhẹ. Sởi phát triển không đều sẽ luôn khiến cho trẻ bị mệt mỏi, sốt, khó chịu,… Để cải thiện bệnh sởi cho trẻ em, các mẹ có thể tham khảo một số cách sau:

Dùng ngoài:

Cách 1: Chuẩn bị khoảng 150g rau mùi tươi (có thể dùng hạt, thân hoặc lá đều được) đem rửa sạch, giã nát và sắc với nước sôi. Đun sôi khoảng 5 phút và để nguội, sau đó dùng nước rau mùi để xoa vào tay, chân và cơ thể theo thứ tự lưng trước bụng sau, trên trước dưới sau. Lưu ý là không để trẻ bị nhiễm lạnh.

Cách 2: Lấy khoảng 80g hạt rau mùi đem đi tán nhỏ, dùng bột mịn trộn với 100ml rượu và 100ml nước sôi. Tiếp theo đó, đem hỗn hợp này đi lọc, bỏ bã và sử dụng phần dung dịch thu được để thoa vào người bệnh nhân (trừ khuôn mặt). Nên sử dụng thuốc khi còn ấm để có thể cải thiện tốt hơn. Ngoài ra, phương pháp này cũng được áp dụng để phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em. Tuyệt đối, không nên sử dụng mẹo này khi sởi đã mọc đều hoặc trong thời kỳ phục hồi sau bệnh sởi. Bên cạnh đó, cũng không nên dùng nước rau mùi cho những trường hợp bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, suy nhược cơ thể, bệnh nhân viêm loét dạ dày thì không nên sử dụng phương pháp uống trong.

Uống trong:

Bạn có thể dùng khoảng 12g hạt cây mùi đem sắc với 1,5l nước trong vòng 15 phút. Sau đó gạn lấy nước và chia đều thành các lần uống trong ngày.

Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ: Theo kinh nghiệm dân gian, dùng quả mùi đốt hun khói xông hậu môn có thể giúp cho tình trạng bệnh trĩ thuyên giảm. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đại vẫn chưa có kết quả nghiên cứu về vấn đề này, do đó khi muốn áp dụng, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Điều trị giun kim: Dùng hạt mùi tán mịn sau đó trộn với lòng đỏ trứng gà luộc chín và dầu mè, tán đều. Sử dụng món này liên tục 3 ngày, mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ để loại bỏ giun kim một cách an toàn.

Những người không nên ăn rau mùi

Những người bị gan

Do rau mùi chứa một số tinh dầu dễ bay hơi kích hoạt các cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể. Ngoài ra, trong rau mùi có các chất oxy hóa mạnh giúp loại bỏ các vấn đề về gan. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn ăn rau mùi với số lượng vừa phải, nếu ăn quá nhiều, các thành phần trong rau sẽ làm việc ngược lại, tăng bài tiết mật và cuối cùng là làm tổn hại đến gan. Vì vậy những người bị bệnh gan nên hạn chế ăn loại rau này.

Những người bị bệnh dạ dày

Rau mùi được biết đến là một loại thảo dược chữa các vấn đề về tiêu hóa. Nhưng nếu lạm dụng nó, dạ dày có thể gặp rắc rối, kéo theo các hiện tượng rối loạn tiêu hóa khác nhau. Theo một báo cáo y tế, sử dụng 200ml chiết xuất rau mùi trong vòng 1 tuần liền gây ra các triệu chứng như hình thành khí trong bụng, đau dạ dày, đau bụng, nôn mửa, thậm chí di chuyển không vững.

Không tốt cho phụ nữ mang bầu

Các mẹ đang trong quá trình mang thai không nên ăn nhiều rau mùi vì có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của các bé. Một số thành phần có trong rau mùi được biết đến là làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tuyến sinh dục phụ nữ, gây nguy hiểm cho phụ nữ có thai và sức khỏe thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.

Người có cơ địa dễ bị dị ứng

Tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi có tính gây kích ứng da, vì vậy những người tiếp xúc thường xuyên với lá và hạt rau mùi cần chú ý mang găng tay khi tiếp xúc.

A Hạ (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thực phẩm từ thiên nhiên: Rau mùi-Cây rau, cây thuốc của người Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới