Thứ ba, 19/03/2024 10:48 (GMT+7)

Thanh Hóa: Chính quyền “bất chấp” pháp luật để “bán trước xây sau”

MTĐT -  Thứ tư, 03/06/2020 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại dự án mặt bằng Khu dân cư mới Đồng Vèn, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, chủ đầu tư đã quyết định “bán trước xây sau” dẫn đến nhiều hệ lụy, chậm tiến độ, loạn xây dựng, nhiều hộ dân lâm cảnh “

Theo thiết kế, phần ô vuông đỏ là hệ thống đường nhưng thực tế vẫn chưa được giải phóng.

Có đất nhưng không có đường, mương thoát nước

Theo phản ánh của một số hộ dân trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại mặt bằng Đồng Vèn, khi người dân muốn xây dựng nhà cửa nhưng do hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, mặt bằng chưa được giải phóng… dẫn tới quyền lợi trên chính mảnh đất của mình bị ảnh hưởng.

Thực tế tìm hiểu tại đây cho thấy, hạ tầng cơ sở đến thời điểm phóng viên có mặt (tháng 6/2020) vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện, nhiều hạng mục như công tác giải phóng mặt bằng, hệ thống đường, vỉa hè, cống thoát nước… vẫn còn ngổn ngang, dang dở. Trong khi đó, một nghịch lý lại đang diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm, thuận ai nấy xây?

Một người dân có đất mà không thể xây dựng nhà cửa cho biết, nhu cầu xây dựng của hộ gia đình đến thời điểm hiện tại là hết sức bức thiết. Thế nhưng, chuyện nực cười là hộ gia đình có đất mà lại không có đường, không có cầu cống thoát nước… dẫn tới không thể xây dựng nhà để ở?

“Nhìn các hộ dân khác sau khi trúng đấu giá, nhiều hộ bắt tay vào xây dựng, có nhiều hộ đã hoàn thiện và rục rịch vào ở, còn gia đình tôi thì vẫn phải chờ”, người dân này bức xúc. Lý do hộ này chưa thể xây dựng đó là do đơn vị chủ đầu tư chưa giải phóng xong mặt bằng nền đất làm đường, đường chưa có cống rãnh thoát nước cũng như vỉa hè…

Chung cảnh ngộ, một hộ dân khác phản ánh, gia đình đang lâm cảnh khốn cùng khi mọi tiền bạc dồn vào mua đất nhưng đến nay vẫn chưa thể xây dựng phải đi thuê mướn, ở nhờ. Cũng theo hộ dân này, một dự án lớn do huyện làm chủ đầu tư, thế nhưng bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập, từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất cũng như trật tự quản lý xây dựng…

Đáng lẽ, khi dự án mặt bằng Khu dân cư Đồng Vèn được phê duyệt, đơn vị thi công phải hoàn thiện hạ tầng xong mới được phân lô, đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng thực tế việc đấu giá đã được “đi trước” từ khi chủ đầu tư mới tiến hành giải phóng mặt bằng và nhà thầu thi công mới bắt tay vào san lấp. Quá trình đấu giá, người dân cũng thẳng thắn chỉ ra bất cập khi để lọt nhiều đối tượng “cò đất” nhảy dù đầu cơ bất động sản trục lợi, mua đi bán lại…

Đặc biệt, có hộ dân sau khi trúng đấu giá, không hiểu thiết kế bản vẽ của cấp chức năng thế nào, phần đất của người dân lại “đè” lên hệ thống kênh mương thoát nước. Bi hài lúc này là chủ đầu tư lại thỏa thuận đền bù, vận động hộ dân nhường đất, bán đất để bổ sung quy hoạch. Dù mỗi hộ phải mất đi khoảng 15m2 đất, làm ảnh hưởng đến diện tích, thiết kế nhà cửa nhưng cũng phải chấp nhận.

Những bất cập ở mặt bằng này chưa dừng lại ở đó, việc nhiều hộ dân sau khi đã cất dựng xong nhà cửa cũng không khỏi lo lắng vì điện, nước chưa biết khi nào mới có. Bất cập tại các mặt bằng không được chủ đầu tư, đầu tư đồng bộ hạ tầng dẫn tới khi người dân đến ở rơi vào cảnh thiếu điện, thiếu nước, không “sổ đỏ”, đường cống thiếu đầu tư đồng bộ. Nhưng nói đi cũng phải xét lại, người dân cho rằng không xây dựng để ở thì biết ở đâu? Trách nhiệm lúc này thuộc về chủ đầu tư.

Chậm tiến độ, loạn xây dựng

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án mặt bằng Khu dân cư Đồng Vèn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương ngày 14/8/2017. Đến ngày 23/10/2017, dự án được Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn ra Quyết định phê duyệt. Theo đó, dự án thuộc Khu dân cư mới tại thị trấn Rừng Thông, với các phân khu chức năng như: Nhà ở kiểu chia lô, nhà ở có vườn kiểu biệt thự, nhà văn hoá, khuôn viên cây xanh thể thao. Dự án có quy mô khoảng 48.775,7m2, đáp ứng cho dân số khoảng 756,0 người, loại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, do UBND huyện Đông Sơn làm chủ đầu tư. Tổng dự toán và nguồn vốn 53.590.510.000 đồng. Nếu chiếu theo thời gian thực hiện dự án, mà Quyết định phê duyệt từ năm 2017 đến 2019 thì đến nay, dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Ứng – Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Đông Sơn cho biết: Đến thời điểm hiện tại, dự án còn vướng khoảng chục hộ chưa thể giải phóng. Chưa kể, tổng diện tích khoảng 1.500m2 không thể giải phóng mặt bằng, bởi nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư quá cao.

Bất cập là vậy, liệu dự án có phải điều chỉnh quy hoạch? Ban quản lý dự án huyện này cũng khẳng định điều đó là tất yếu. Song thực tế, vẫn chưa có một điều chỉnh chính thức nào cho dự án. Về việc đấu giá quyền sử dụng đất, Ban này cũng thừa nhận dự án đã được đưa ra đấu giá từ trước…

Rõ ràng, nếu chiếu theo Điểm b, Khoản 1, Điều 41, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013, các trường hợp được phân lô bán nền chỉ khi: Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…

Quy định là vậy nhưng dự án mặt bằng Khu dân cư Đồng Vèn dù chưa hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ… đã phân lô bán nền. Việc đi ngược quy trình đã kéo theo hàng loạt hệ lụy bất cập như: Loạn xây dựng khi chưa đủ điều kiện, quá trình đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chưa xong, người dân mua đất phải chịu thiệt thòi và tiềm ẩn rủi ro…

Tất cả những tồn tại trên tại dự án mặt bằng Khu dân cư Đồng Vèn cần sớm có sự vào cuộc giải quyết dứt điểm của các cấp ngành chức năng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Theo Gia Bảo/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Chính quyền “bất chấp” pháp luật để “bán trước xây sau”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Nam khai thác và phát huy lợi thế từ đa dạng sinh học
Năm 2021, Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là địa phương đầu tiên thực hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục là địa phương đầu tiên được chọn đăng cai các hoạt động về đa dạng sinh học.
Thẩm định kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên
Ngày 14/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh Thái Nguyên.

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.