Thứ bảy, 27/04/2024 01:34 (GMT+7)

Giải pháp quản lý, ứng phó và kiểm soát an ninh nguồn nước

MTĐT -  Thứ hai, 17/08/2020 14:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Sáng 17-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Hội nghị nhằm làm rõ thực trạng an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay và trong 20-30 năm tới; những giải pháp quản lý, ứng phó và kiểm soát an ninh nguồn nước. Đồng thời, làm rõ hiện trạng quản lý an toàn các công trình hồ, đập hiện nay, những khó khăn, bất cập và giải pháp khắc phục để đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và hiệu quả đầu tư trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Nước sạch trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Đỗ Thanh Mai

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2, trong đó 837 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 331 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 28,3%) là nằm trong lãnh thổ nước ta.  

Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830-840 tỷ m3. Cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ m3. Về nguồn nước dưới đất có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940-1.960mm (tương đương với khoảng 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có gần 7000 đập, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện đã được xây dựng và vận hành. Tuy nhiên hiện nay các hồ, đập này đã lạc hậu; trong đó có tới hơn 1000 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp; 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, nguy cơ mất an toàn là rất lớn.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cùng với kết quả đạt được, nước ta đang đứng trước các thách thức đặt ra với quản lý và an ninh nguồn nước. Trước hết là tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên theo không gian và thời gian.

Trong khi đó, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe dọa nguồn nước ngọt của các sông và hạn chế diện tích canh tác; việc quản trị nước còn một số hạn chế, sự điều tiết, điều hoà hiệu quả nguồn nước từ nơi thừa sang nơi thiếu hay việc tích trữ nước vào mùa mưa đề phòng hạn hán còn là vấn đề lớn cần giải quyết.

“Vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động hoạt sản xuất, sinh hoạt do áp lực từ phát triển kinh tế nên gia tăng lượng xả thải vào các sông, suối ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân”, ông Dũng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế; tình trạng khai thác quá mức trên các dòng chính ở thượng nguồn từ nước ngoài làm ảnh hưởng tới lượng và chất lượng nước chảy vào nước ta.

Mặt khác, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng như: mâu thuẫn trong chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn cũng làm giảm lượng chảy về hạ lưu của sông Vu Gia…

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, tình trạng suy giảm rừng đầu nguồn cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông…; hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng yêu cầu.

“Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn…”, ông Dũng nói.

Nước sạch về buôn. Ảnh: Hồ Anh Tiến

Ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, an ninh nguồn nước là vấn đề của toàn thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết với 4 trọng tâm chính là: đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; bảo đảm phát triển bền vững và ổn định chính trị; mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.

Ở Việt Nam, để đảm bảo an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thuỷ lợi, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thuỷ văn, Luật phòng chống thiên tai…

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng nêu, thực tế hiện nay đang đòi hỏi cần có giải pháp quản lý, sử dụng nước một cách tổng thể để bảo đảm phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề về tích trữ nước, điều chuyển nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; giải quyết tốt mối quan hệ quốc tế với các quốc gia thượng nguồn.

“Đây đang là một thách thức lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế - xã hội; vừa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống người dân”, ông Dũng đánh giá.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

“Nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội”, Bộ trưởng Cường nói.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.

Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.

Bên cạnh đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hứng chịu tác động bất lợi lớn nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đề cập đến giải pháp, theo ông Cường, phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu, công trình chuyển nước, liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng công trình kiểm soát triều, mặn, lợ, ngọt, cắt lũ, giảm lũ, thoát lũ, chống ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Trước tình hình đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập đang đặt ra cấp thiết, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả là nội dung rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KHCN Môi trường Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp quản lý, ứng phó và kiểm soát an ninh nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới