Thứ sáu, 03/05/2024 11:37 (GMT+7)

Thanh Hóa: Bế mạc Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Duy Thịnh -  Thứ hai, 12/12/2022 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 11/12, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục ngày làm việc thứ 3 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp.

Sáng 11/12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực và các sở, ngành có liên quan về nguyên nhân, giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới để có các vùng trồng cây nông, lâm nghiệp quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế cao và thương hiệu sản phẩm?

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 243.122 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng thứ 18 cả nước), chiếm 21,9% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 138.900 ha, đất trồng cây hàng năm khác gần 58.540 ha, đất trồng cây lâu năm gần 45.700 ha.

Hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng 205.054 ha, các tổ chức đang sử dụng 38.068 ha, chủ yếu nằm ở các nông trường trước kia, nay là các Công ty TNHH 2 thành viên và quỹ đất dự phòng của các địa phương. Về diện tích đất sản xuất lâm nghiệp, toàn tỉnh có gần 691.150 ha, chiếm 75,48% tổng diện tích tự nhiên (đứng thứ 3 cả nước). Hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý và sử dụng hơn 352.076 ha; các tổ chức 295.990 ha.

tm-img-alt

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn của các đại biểu.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ tập trung 16.240 ha đất nông nghiệp; chuyển đổi gần 11.140 ha đất lúa, gần 3.270 ha đất trồng mía, 1.412 ha đất trồng sắn,gần 4.970 ha đất trồng cao su; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp liền kề thành những vùng sản xuất tập trung, mở rộng và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn và nâng cao hiệu quả kinh tế theo đúng định hướng, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụtrong đó có sản phẩm được chế biến sâu như: Tinh bột sắn, ớt tươi, sợi gai… Sau tích tụ, đã hình thành những vùng sản xuất lớn với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng và tham gia vào thị trường xuất khẩu, thu kim ngạch hàng chục triệu USD/năm.

Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp được quan tâm, trong đó có các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt; đến nay, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm OCOP, trong đó 92 sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt được xếp hạng từ 3 sao trở lên (chiếm 38,98%).

Bên cạnh đó, có 2 sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý là bưởi Luận Văn và cói Nga Sơn, có 5 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể; 1 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận là cam Vân Du. Hiện nay đang xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với 1 sản phẩm là bưởi Bắc Lương huyện Thọ Xuân, có 3 sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ tập trung 13.152 ha đất lâm nghiệp; các loại giống mới có năng suất cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được đưa vào trồng rừng, thay thế các loại giống có năng suất chất lượng thấp.

Sản xuất giống cây lâm nghiệp chuyển mạnh từ bằng hạt sang giống nuôi cấy mô, các giải pháp phục tráng rừng luồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn tiếp tục được thực hiện; các giải pháp trồng rừng theo phương thức hỗn giao tiếp tục được triển khai thêm hơn 2.000 ha mỗi năm, góp phần tăng khả năng phòng hộ của rừng, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng một cách bền vững…

Sau khi các đại biểu chất vấn và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn, kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cho rằng các câu hỏi chất vấn đi sâu vào những nội dung mà cử tri đang rất quan tâm như chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, vấn đề thị trường.

tm-img-alt
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Tập trung chuyển dịch các đối tượng cây trồng, vật nuôi ở các lĩnh vực sản xuất theo hướng quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu sản phẩm.

Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án sắp xếp tổng thể đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến tiêu thụ. Xây dựng sàn giao dịch nông sản để kết nối, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Sau hơn ½ ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, thẳng thắn và trách nhiệm cao với tinh thần đổi mới dân chủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thành công tốt đẹp.

Các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề bức xúc, trọng tâm trên các lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, quản lý vật liệu xây dựng, nông nghiệp. Đây là các vấn đề được cử tri và Nhân dân trong tỉnh đang rất quan tâm. Giám đốc các Sở được trả lời chất vấn đã trả lời đúng trọng tâm các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh chất vấn.

Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đã thay mặt UBND tỉnh báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của tỉnh. Các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm. Người đứng đầu một số sở, ngành có liên quan đã tham gia giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. HĐND tỉnh hoan nghênh sự cầu thị nghiêm túc, trách nhiệm cao của UBND tỉnh, của lãnh đạo UBND tỉnh, của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong việc trả lời chất vấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Sau kỳ họp này, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu HĐND tỉnh, trả lời của người được chất vấn, HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định. HĐND tỉnh giao cho Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện các nội dung đã chất vấn và những cam kết của UBND tỉnh, của lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tại kỳ họp này…

Phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đây là những ý kiến, kiến nghị rất trí tuệ, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm rất cao của các vị đại biểu đã đóng góp, gợi mở cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó thể hiện tinh thần luôn quan tâm, đồng hành, sát sao của HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022; nêu lên 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023. Đồng thời đi sâu phân tích các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm gửi tới kỳ họp về phát triển sản xuất; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; văn hóa - xã hội; cơ chế, chính sách; an ninh - trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác.

Ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan, phân tích, làm rõ nguyên nhân (chủ quan, khách quan), trách nhiệm của tập thể, cá nhân và xây dựng kế hoạch tổng thể để khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, trong đó phải xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đơn vị chủ trì thực hiện, phân công lãnh đạo ngành, đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện, xác định rõ thời gian hoàn thành việc khắc phục hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến thực sự rõ nét trên các lĩnh vực trong năm 2023; đồng thời, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các ngành, địa phương, đơn vị….

Tại kỳ họp, trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất quyết nghị thông qua 43 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung khác.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao; kỳ họp thứ 11 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

tm-img-alt

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phát biểu bế mạc kỳ họp.

Tại kỳ họp, trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023; các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các báo cáo quan trọng khác trình tại kỳ họp; HĐND tỉnh đã thảo luận, phân tích sâu sắc và toàn diện những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Với tinh thần “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”; để đưa tỉnh ta tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, HĐND tỉnh thống nhất cao với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo đề nghị của UBND tỉnh; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã nêu lên 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thành công tốt đẹp.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Bế mạc Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.