Thứ bảy, 04/05/2024 13:12 (GMT+7)

Thiên văn học Dải Gaza: Ngẩng đầu ngắm sao giữa trời bom đạn

MTĐT -  Thứ bảy, 09/07/2022 09:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong ngành thiên văn, khu vực Trung Đông-Bắc Phi nổi tiếng với truyền thống quan sát và nghiên cứu lâu đời dưới sự ảnh hưởng của các triết lý Islam.

Tại khu vực Dải Gaza, ngành thiên văn học vẫn còn mới chớm, và cả các nhà nghiên cứu lẫn những người đam mê thiên văn ở nơi đây đều đang phải đối mặt với những rào cản lớn từ cuộc xung đột Israel-Palestine.

tm-img-alt
Ibrahim Saad, Mohammed Baraka và các đồng nghiệp quan sát thiên văn từ Đại học al-Aqsa tại thành phố Gaza ngày 11/12/2019. Ảnh: Heidi Levine/Undark

Vào một buổi tối thứ tư của tháng 12, bốn người đàn ông trẻ tuổi – bao gồm sinh viên và nhà nghiên cứu tại Đại học al-Aqsa – khéo léo vác những chiếc kính thiên văn trên lưng và bước về phía một tòa nhà đại học năm tầng có nóc lên được. Với hy vọng được thấy những ngôi sao xa xôi, họ rảo bước qua một khu dân cư của thành phố Gaza, cách biên giới với Israel chưa đầy 6.5km đi bộ. Bầu trời chằng chịt dây điện, và bay xoẹt qua là những máy bay không người lái mà Israel sử dụng để do thám và tấn công. Khi nhóm của họ đến được đích, một nhân viên an ninh mở cửa cho lên mái. Cái mái trống không, chỉ trừ những thùng nhựa lớn chứa thứ nước sinh hoạt mà đi qua ống thì trở nên lờ lợ và không uống nổi.

Trên mái, các nhà quan sát mở những chiếc đế ba chân rồi đặt kính hướng lên trời. Ibrahim Saad, người đã tốt nghiệp bằng Cử nhân ngành Hóa học và hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Thiên văn và Khoa học Vũ trụ của Đại học al-Aqsa, đưa mắt nhìn qua chiếc kính thiên văn. “Nhìn qua kính thấy những ngôi sao cách bao nhiêu năm ánh sáng làm ta cảm nhận Trái đất thật nhỏ bé làm sao”, anh trầm ngâm. “Sự chán chường, cuộc phong tỏa, và mọi vấn đề ở đây đều chẳng sánh bằng một thứ đẹp đẽ như là một ngôi sao lơ lửng trong vũ trụ”.

Thiên văn học thường được coi là một trong những ngành khoa học cổ nhất. Các nền văn hóa trên khắp thế giới đã sử dụng chuyển động và vị trí của sao và các thiên thể khác để định hướng, xác định các mùa trồng trọt hái lượm, cũng như là lên kế hoạch cho các nghi lễ. Nhưng rất ít nền văn hóa quan sát thiên tượng một cách đầy sự ám ảnh như là những người theo đạo Islam. Thiên văn học được sử dụng để quyết định mọi thứ từ hướng cầu nguyện cho đến khoảnh khắc chính xác đánh dấu lúc bắt đầu kỳ ăn chay. Ở đỉnh cao của Thời đại Hoàng kim Islam vào thế kỷ XIII, các thánh đường tuyển dụng các muwaqqit – những nhà thiên văn học chuyên theo dõi chuyển động chính xác của Mặt trời và các vì sao. Dù các học giả hãy còn tranh cãi về khả năng và mức độ ảnh hưởng của khoa học thiên văn Islam và Ả Rập đối với khoa học thiên văn ngày nay, nhiều ngôi sao trên bầu trời đêm của chúng ta vẫn giữ tên từ tiếng Ả Rập.

“Kính thiên văn là thứ bạn có thể ra cửa hàng quang học mà mua như mua kem. Nhưng ở đây, thiên văn học cũng là cửa sổ để thổi vào ngọn gió tự do mà chúng tôi đã bị khước từ suốt cuộc đời mình”. Baraka

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của thiên văn và khoa học vũ trụ ở Dải Gaza – một mảnh đất 365 km2 bị ép dọc giữa Israel và Địa Trung Hải – có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Xét cho cùng, khu vực này đã bị phong tỏa từ 2007, khi Hamas lên nắm quyền và Israel tuyên bố gọi Dải Gaza là một thực thể thù địch. Giao thương bị thu hẹp, và hai triệu cư dân của vùng này chỉ được di chuyển có giới hạn. Bất chấp tình cảnh đó, Gaza trong thập kỷ vừa rồi đã chứng kiến sự chào đời của các nhóm đam mê thiên văn học (chẳng hạn, nhóm Facebook mang tên “علم الفلك – Astronomy Science” có hơn 180,000 người theo dõi), và sau đó là sự thành lập Hội Thiên văn học Palestine. Năm 2012, Đại học Islam tại Gaza đã giữ Ghế chủ tọa UNESCO (UNESCO Chair) về Thiên văn, Vật lý thiên văn và Khoa học vũ trụ.

Một điểm chung trong tất cả các nỗ lực này là nhà vật lý thiên văn Suleiman Baraka, người có sự nghiệp mà – tương tự như sự nghiệp của các sinh viên được ông dạy và cố vấn – có thể làm minh họa cho sự hứa hẹn và các thử thách của thiên văn học tại Gaza.

Baraka nghiên cứu plasma vũ trụ – một hỗn độn có điện tích chứa các hạt ion và electron cấu tạo nên phần lớn vũ trụ. Ông chế tạo các mô hình động học có tác dụng mô phỏng cách các hạt tích điện như vậy đến Trái đất trong gió mặt trời (solar wind) và tương tác với từ quyển của Trái đất. Hiện tại, ông vừa giữ chức vụ bán thời gian ở Viện Hàng không vũ trụ Quốc gia tại Virginia, Mỹ, vừa giảng dạy tại Đại học al-Aqsa ở Gaza. Đồng nghiệp trên khắp thế giới đã ca ngợi nỗ lực của ông trong việc mang thiên văn học đến Gaza.

tm-img-alt
Nhà vật lý thiên văn Suleiman Baraka trong buổi diễn thuyết tại Viện Đại học Sophia, Ý. Ảnh: loppiano.it

“Suleiman Baraka đang làm một việc phi thường”, Mario Martone nói. Mario Martone là một nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ ở Đại học Texas tại Austin, cũng là đồng lãnh đạo của Scientists for Palestine, một tổ chức gồm các nhà khoa học kêu gọi giúp người Palestine hòa nhập tốt hơn trong cộng đồng khoa học. “Sinh ra và lớn lên ở Gaza, rồi làm nghiên cứu khoa học ở cấp cao nhất, rồi lại trở về Palestine để trả ơn bằng khoa học… Nhiều người chắc đã bỏ đi biệt xứ rồi. Song thay vào đó, ông đã quyết định trở về, rồi dùng thiên văn và vật lý thiên văn để trao hy vọng cho mọi người”.

Dẫu vậy, hành trình của Baraka không hề thẳng tắp. Dù đồng nghiệp quốc tế thường ca ngợi nỗ lực tiếp cận cộng đồng của ông ở Gaza, ít ai không nhận thức được rằng tình thế ở nơi đó vẫn còn khó xoay sở, nhất là với những người muốn theo đuổi khoa học vũ trụ để đặt vào các vì sao một niềm hy vọng về tương lai tốt hơn.

Baraka sinh ra vào năm 1965 tại thị trấn Bani Suhaila gần biên giới Ai Cập. Là anh cả trong gia đình 14 người con, ông truy nguồn khát vọng hiểu biết về nơi cha mình, người chỉ đủ tiền đi học hai năm – vừa đủ để biết đọc biết viết. Theo lời Baraka, cha ông là người “có tri thức cao, nhưng không được giáo dục”. Giữa những lúc giết mổ gia súc, cha ông ham học đến mức để lại cả những dấu vân tay đỏ trên các cuốn sách mà ông truyền lại cho con trai.

“Kính thiên văn là thứ bạn có thể ra cửa hàng quang học mà mua như mua kem. Nhưng ở đây, thiên văn học cũng là cửa sổ để thổi vào ngọn gió tự do mà chúng tôi đã bị khước từ suốt cuộc đời mình”. Baraka

Vào năm 1969, Baraka – lúc ấy mới bốn tuổi – chăm chú nhìn màn hình TV đầy nhiễu để xem Hoa Kỳ đưa người lên Mặt trăng. Sự kiện ấy, cùng với cuộc chạy đua vào vũ trụ theo sau, đã khơi dậy tình yêu của ông dành cho vũ trụ và vật lý thiên văn. Ông biết rằng mình muốn được làm việc cho NASA trong tương lai. Sau này, khi ông nhận ra rằng một trong các kỹ sư Hoa Kỳ đã giúp đưa tên lửa lên Mặt trăng chính là chuyên gia tên lửa người Palestine Issam el-Nemer, ông đã cảm thấy thật hạnh phúc. Ông nói: “Việc có một người Palestine có liên hệ với sự kiện này càng khiến ước mơ của tôi khả thi hơn”.

Baraka tốt nghiệp từ Đại học al-Quds ở Đông Jerusalem vào năm 1987, với một luận án cử nhân về quá trình kiến tạo hố đen, cùng một lời mời đi học vật lý thiên văn tại Đại học Quốc gia Úc tại Canberra. Để nộp hồ sơ xin visa Úc, ông phải sang nước láng giềng Jordan. Hồ sơ visa của ông không được xử lý kịp, và bởi Baraka đã ở quá visa Jordan chỉ có thời hạn 45 ngày, ông không thể trở về Israel ngay lập tức. Thay vào đó, ông sang Libya, một trong các quốc gia duy nhất chấp nhận người Palestine mà không cần visa. Khi đó, ông đã 22 tuổi, và ông phải chờ đến chín tháng để được phép trở về Gaza.

Ông không bao giờ tới được Úc, dù đây cũng chẳng phải chuyện bất thường. Các nhà khoa học ở Gaza “về cơ bản là bị cô lập”, trích lời Robert Williams, một nhà thiên văn học và cựu chủ tịch Liên đoàn Thiên văn Quốc tế. Năm 2010, Williams cố gắng vào Dải Gaza để tham dự một sự kiện thiên văn, nhưng không được phép nhập cảnh. Thậm chí bên trong Bờ Tây – lãnh thổ Palestine không chịu sự phong tỏa của Israel, các nhà khoa học cũng thật khó mà đi lại từ nơi này sang nơi khác, do các chốt kiểm soát và sự thắt chặt về đi lại.

Khi Baraka trở về Gaza, ông làm nghề phiên dịch và nhân viên quan hệ công chúng tại Phòng Thương mại Palestine. Đây là lúc đỉnh điểm của Phong trào Intifada lần thứ nhất – một thời kỳ nổi dậy chống lại Israel, và cũng là lúc hơn một nghìn người Palestine bị giết và hàng vạn người Palestine khác bị bắt giữ. Trong thời điểm này, Israel đóng cửa các đại học, trường học, và nhìn chung thì giáo dục đã bị hình sự hóa. Bản thân Baraka cũng bị bắt giữ hai lần – một lần là vì giúp các nhà báo nước ngoài làm phóng sự về địa phương, một lần là do ông bí mật giảng dạy sinh viên Palestine. Ông kết hôn năm 1994, và con trai đầu lòng của ông chào đời năm sau đó.

tm-img-alt
Mirna al-Sabbah – một nhà vật lý thiên văn trẻ được Suleimain Baraka cố vấn – chụp trong phòng ngủ tại Deir al-Balah, Gaza. Ảnh: Heidi Levine/Undark

Baraka làm việc cho Phòng Thương mại trong hơn một thập kỷ. Nhưng ông cứ nhớ mãi vật lý thiên văn. Ông vẫn không quên sự bối rối của nhiều đồng nghiệp khi ông cuối cùng cũng bỏ công việc ổn định của mình và theo học bằng Thạc sĩ ngành Vật lý tại một đại học địa phương. Đại học này không có chuyên ngành vật lý thiên văn, nên ông học lập trình tại Viện Vật lý thiên văn Paris, nơi ông cuối cùng cũng nhận được bằng Tiến sĩ. Vào năm 2008, gần bốn thập kỷ sau lần đầu chứng kiến Neil Armstrong bước đi trên Mặt trăng, Baraka bắt đầu theo một chương trình học bổng với vai trò là nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ cho Viện Hàng không vũ trụ Quốc gia – chức vụ gần NASA nhất mà một người ngoại quốc có thể đạt được.

Tuy nhiên, ông vừa mới bắt đầu làm được ba tháng thì một quả tên lửa xé tan căn nhà của ông tại Gaza, hủy hoại hết sách vở của cha ông và khiến cho con trai 11 tuổi của ông là Ibrahim bị trọng thương. Cậu bé được chở tới một bệnh viện Ai Cập, nơi các bác sĩ chăm sóc cho các vết thương do vỏ bom đạn gây ra ở nửa trái của não bộ cậu bé. Theo lời kể của Baraka, ông bay từ Virginia về Ai Cập và ngồi cạnh giường bệnh của con trai mình, cho tới khi thi thể cậu bé được gửi về Gaza trong một chiếc quan tài. Bởi biên giới Gaza-Ai Cập đã bị đóng cửa, Baraka không được phép về Gaza với con, nên ông trở lại Hoa Kỳ với một nhiệm vụ mới. “Đào thoát không phải là câu trả lời,” ông nói. “Tôi quyết định chiến đấu chống lại sự tàn sát con trẻ bằng việc giáo dục con trẻ”.

Năm 2009, sau khi chương trình học bổng kết thúc, Baraka trở lại Gaza. Ông nhận chức vụ tại Đại học al-Aqsa, nơi ông thành lập Trung tâm Thiên văn và Khoa học vũ trụ, trung tâm đầu tiên ở các vùng lãnh thổ Palestine với mục tiêu xúc tiến khoa học vũ trụ thông qua các buổi diễn thuyết, các hoạt động tiếp cận cộng đồng và sự phát triển chương trình giảng dạy. Theo lời ông, Baraka ao ước tổ chức một sự kiện ngắm sao nơi mà công chúng có thể được truyền cảm hứng bởi cái bao la của vũ trụ.

Trước tiên, thử thách nằm ở việc mang đến Gaza một chiếc kính thiên văn dành cho mục đích nghiên cứu. Liên đoàn Thiên văn Quốc tế đã ủng hộ chiếc kính đầu tiên, song do sự thắt chặt an ninh, phải mất bốn tháng trời thì chiếc kính mới tới nơi, sau khi qua tay bao nhiêu người và được vận chuyển thành nhiều phần. Thậm chí sau khi kính đã đến nơi, Baraka cũng lo ngại rằng hệ thống do thám của Israel sẽ tưởng nhầm rằng đó là một thứ vũ khí. Theo ông giải thích, khi lắp kính lên thì “trông nó như một quả tên lửa”. Để tránh bị các lực lượng Israel nhắm tới, trung tâm của ông đã thực hiện buổi quan sát đầu tiên vào năm 2010, dưới sự bảo vệ của Đại sứ quán Pháp và mời cả tổng cố vấn Israel lẫn cánh truyền thông.

Hơn một trăm người đã đến tham dự buổi ngắm sao đầu tiên đó. Theo lời Baraka kể: “Người ở Gaza không có cơ hội đi lại. Họ biết mọi thứ từ mạng Internet. Vậy nên nếu bạn cho họ xem một chiếc kính thiên văn, bạn đưa họ ra khỏi cái kén đó, và bạn trao cho họ một cảm giác về thời gian, không gian và khoảng cách”. Trung tâm của ông ngày nay tổ chức các sự kiện ngắm sao cho công chúng từ một đến bốn lần mỗi tháng, tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau như vị trí của các ngôi sao, sự sẵn nguồn lực của trung tâm, và quan trọng nhất là tình hình an ninh địa phương – thứ có thể dao động từ ngày này qua ngày khác.

Năm 2012, UNESCO trao Ghế chủ tọa về Thiên văn, Vật lý thiên văn và Khoa học vũ trụ cho Đại học Islam tại Gaza, và Baraka hiện đang giữ vị trí này. Mirna al-Sabbah – người đã lấy bằng Cử nhân ngành Vật lý và hiện đang làm trợ giảng – đã được câu chuyện của Baraka truyền cho cảm hứng và đã tham dự nhiều buổi diễn thuyết của ông. Giờ đây, cô là một trong những sinh viên được ông cố vấn. Al-Sabbah kể, Baraka đã “thúc đẩy tôi khám phá óc sáng tạo và tình yêu khoa học của mình”. Phòng ngủ của cô ở Deir al-Balah – một khu dân cư tại trung tâm thành phố Gaza – chứa đầy thú bông đặt tên theo các hành tinh. Các công thức vật lý thiên văn được viết ngay ngắn trên các tờ giấy trang trí tấm gương của cô. Al-Sabbah có nói về chuyện theo đuổi bằng Thạc sĩ với sự hướng dẫn của nhà vật lý lý thuyết Leonard Susskind, một giáo sư tại Đại học Stanford ở California. Đến nay, cô đã theo học vài khóa trực tuyến miễn phí của Stanford.

Tuy nhiên, cho dù thiên văn học đã khơi gợi trí tưởng tượng của nhiều học sinh, sinh viên và người trong công chúng tại Gaza, làm nghiên cứu là một cuộc vật lộn. “Về cơ bản, họ bị cô lập; gần như không thể làm được nghiên cứu cấp cao tại đó,” Robert Williams nói. “Hầu hết khoa học diễn ra trong các nhóm lớn, và với nguồn lực cần thiết”.

Điều đó không có nghĩa là các sinh viên của trung tâm không cố gắng. Các bức tường phòng làm việc của Ibrahim Saad tại Đại học al-Aqsa treo đầy những áp phích miêu tả các Mặt trăng của sao Thổ, sóng điện từ, kính thiên văn và những hành tinh xa xăm. Saad nhận xét một cách đầy tự hào rằng các hình ảnh thiên văn mà trung tâm cho ra sau khi quan sát Tinh vân Lạp Hộ (Orion Nebula) có chất lượng sánh ngang với các đài quan sát thiên văn khác trên thế giới. Theo lời kể của Saad, trung tâm “đã tổ chức một sự kiện thiên văn để theo dõi sao Thủy đi qua trước Mặt trời”. Được biết, sao Thủy chỉ làm vậy 13 lần mỗi thế kỷ. Saad kể tiếp: “Khi sao Thủy bắt đầu đi vào đĩa Mặt trời lúc 2h37 phút chiều, nó hiện ra như một chấm nhỏ di chuyển ngang qua Mặt trời”.

Saad đã tìm thấy niềm đam mê ở khía cạnh hóa học cần thiết cho việc thám hiểm vũ trụ. Nhưng cho dù anh cảm kích trước những kinh nghiệm mà Baraka đã truyền cho sinh viên, anh vẫn còn bức bối trước tình trạng thiếu hụt các thiết bị cần thiết, bởi nhiều thiết bị trong số đó không thể nào nhập cảnh được vào Gaza vì bị xếp vào nhóm vật liệu chiến tranh. Theo lời Saad: “Các thiết bị ở đây chỉ có giới hạn, nhưng ở nước ngoài, họ có các trung tâm nghiên cứu khổng lồ chu cấp mọi thứ cần thiết để phát triển tài năng của tôi và để cải thiện các dự án khoa học thực thụ có lợi ích cho thế giới”.

Con trai cả của Baraka là Mohammed đang hoàn tất bằng Thạc sĩ ngành Vật lý tại Trung tâm Thiên văn và Khoa học vũ trụ. Giống như cha mình, anh có đam mê khám phá vật lý thiên văn, và kể rằng anh muốn biết thêm về mối quan hệ giữa Mặt trời với Trái đất, về các cơn bão Mặt trời, và về sự tương tác giữa gió Mặt trời và từ trường của Trái đất. Năm 2019, một trong các sinh viên của Baraka đã bắt đầu học Tiến sĩ ngành Vật lý thiên văn tại Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma ở Paris.

Baraka tự hào về tất cả các thành tựu này, song vẫn lo ngại rằng cái chết dường như luôn lảng vảng trong bóng tối. Tháng 11/2018, một người em trai của ông đã bị các lực lượng Israel giết chết ngay bên ngoài nhà riêng ở Gaza. Sự kiện này xảy ra vào đúng năm Baraka thắng Giải thưởng Renata Borlone năm 2018 từ Viện Đại học Sophia tại Ý. Khi trao giải cho Baraka, giáo sư tri thức luận và vũ trụ học Sergio Rondinara đã dẫn lý do trao giải là “dành cho nhiệt huyết của ông trong nghiên cứu khoa học, dành cho đạo đức của ông trong các việc làm hướng tới các thế hệ trẻ của dân tộc ông, cũng như là trong việc chứng kiến sự thật rằng kiến thức khoa học và nghiên cứu có đạo đức đều có tính thích đáng và cần thiết chung đối với cuộc sống con người”.

Khi được hỏi về dự định cho tương lai, Baraka nói rằng ông muốn xây dựng một đài thiên văn, hoặc là ở Gaza, hoặc là trên những ngọn núi xung quanh thành phố Hebron ở khu vực Bờ Tây. Ông tin chắc rằng ông sẽ tìm được người làm việc cho đài thiên văn này.

“Trong mọi quốc gia trừ Gaza”, ông nói, “kính thiên văn là thứ bạn có thể ra cửa hàng quang học mà mua như mua kem. Nhưng ở đây, thiên văn học cũng là cửa sổ để thổi vào ngọn gió tự do mà chúng tôi đã bị khước từ suốt cuộc đời mình”.

Bạn đang đọc bài viết Thiên văn học Dải Gaza: Ngẩng đầu ngắm sao giữa trời bom đạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tiasang.com.vn

Cùng chuyên mục

Pin thể rắn có sớm thay thế pin truyền thống?
Mặc dù được coi là một sản phẩm không thể thiếu của xã hội hiện đại khi đem lại sức sống cho các thiết bị điện tử dân dụng cũng như xe điện, pin thể rắn vẫn còn là một thách thức chưa dễ hóa giải.

Tin mới

Bài thơ: Nhớ các Anh
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc:///“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”////Lớp lớp thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi////Hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu