Thứ bảy, 27/04/2024 00:40 (GMT+7)

Bộ Công thương tổng kết chương trình thực hiện cải cách hành chính

Cẩm Anh -  Thứ năm, 06/08/2020 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

MTĐT - Chiều ngày 6/8/2020, tại trụ sở Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa bình đã chủ trì Hội nghị Tổng kết thực hiện chương trình cải cách hàng chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

Triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ về việc tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 20/QĐ-BCĐCCHC ngày 20 tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Công Thương ngày 06 tháng 8 năm 2020 tại Hội trường tầng 2 trụ sở Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 Tham dự sự kiện có Đồng chí Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chỉ đạo Hội nghị; Lãnh đạo Bộ Công Thương; Đại diện Lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Chính phủ và Thủ trưởng các đơn vị, cán bộ chuyên trách về công tác cải cách hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ - Trương Hoà Bình chủ trì Hội nghị. 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã trình bày báo cáo khái quát về tình hình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030. 

Trong 10 năm triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Bộ Công Thương, Ngành Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể:

1.Công tác Cải cách hành chính Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2020 được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã luôn quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) của Bộ nói chung cũng như của từng đơn vị nói riêng.

Hằng năm, Bộ đã ban hành các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ CCHC kịp thời, đầy đủ; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc và bố trí nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện. Đã bố trí các công chức là đầu mối thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị trong Bộ và tăng cường tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện CCHC; lấy kết quả CCHC làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem xét các danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Đại diện nhiều Bộ, ngành tham dự Hội nghị. 

2. Đã xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, điển hình như các thể chế, pháp luật về kinh tế (Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Bảo về người tiêu dùng, Pháp lệnh Quản lý thị trường...), về hội nhập quốc tế (tham gia ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế ở cấp Bộ, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với Nhật Bản (2009), với Chilê (2011), với Liên minh Kinh tế Á - Âu (2015), với Hàn Quốc (2015), với các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP (2018), với Liên minh Châu Âu (2019)... Việc hiện đại hóa phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể.

3. Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong công tác xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC); cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành (đã rà soát, cắt giảm 880/1216 điều kiện đầu tư kinh doanh); danh mục các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương được cắt giảm là 1051 mã HS/1891 mã HS (chi tiết đến 8 số) đạt tỷ lệ hơn 56%).

Bộ đã tích cực triển khai thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC và nghiêm túc triển khai việc đánh giá tác động các quy định về TTHC, việc đơn giản hóa TTHC được tiến hành hằng năm và theo lộ trình rõ ràng. Những kết quả trên của Bộ Công Thương góp phần vào cải thiện Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo công bố của World Bank (trong 10 chỉ số chính, thì chỉ số tiếp cận điện năng tăng 129 bậc từ vị trí 156 lên vị trí 27, cải thiện vượt bậc về xếp hạng qua từng năm trong giai đoạn 2013 - 2019).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị. 

4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Công Thương đạt được nhiều kết quả ghi nhận. Theo đó, số đơn vị đầu mối thuộc Bộ giảm từ 35 đơn vị (30 đơn vị hành chính, 5 đơn vị sự nghiệp) xuống còn 30 đơn vị (26 đơn vị hành chính, 4 đơn vị sự nghiệp); số lượng phòng giảm từ 197 phòng xuống còn 125 phòng (giảm 72 phòng), tiếp sau đó trong quá trình rà soát lại cơ cấu tổ chức của các đơn vị, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm thêm 2 phòng của Thanh tra Bộ.

Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận nguyên trạng Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về Bộ Công Thương; xây dựng phương án nhân sự của các tổ chức trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.

Đặc biệt, đã sắp xếp giảm được 235 Đội Quản lý thị trường cấp huyện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất 38 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh để giảm 19 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh. Qua đó, bộ máy tổ chức của Tổng cục đã cơ bản được kiện toàn, việc thay đổi mô hình tổ chức của lực lượng là hợp lý và bước đầu xây dựng được nền móng để phát triển.

Từ thời điểm 30 tháng 4 năm 2015 đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP đối với 959 công chức, viên chức và người lao động, kinh phí tinh giản biên chế là 111.164 triệu đồng.

5. Bộ Công Thượng đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành và quy định của Chính phủ về công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hệ thống cơ quan thương vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập, đủ điều kiện hoạt động trong môi trường quốc tế. Bộ đã tiến hành xây dựng Quy chế thí điểm thi tuyển chức danh Lãnh đạo của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2020.

6. Về cải cách tài chính công: Bộ đã có những kết quả bước đầu về thay đổi tư duy và nhận thức của công chức, viên chức đối với vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Công tác tài chính, kế toán ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Xây dựng và dần hình thành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập để tiến tới Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu các dịch vụ công. Việc quản lý, điều hành ngân sách ngày càng sát với thực tế, đáp ứng được các yêu cầu từ thực tiễn. Bảo đảm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. 

 7. Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ điện tử. Bộ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực, đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; đến tháng 6/2020, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó có 206 DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 (DVCTT mức độ 3 là 144, DVCTT mức độ 4 là 62); tích hợp 129/206 dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp 01 báo cáo với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; tích cực tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia (đã kết nối 11 DVCTT) và Cơ chế một cửa ASEAN.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2020 công tác cải cách hành chính nhà nước tại Bộ Công Thương đã đạt nhiều kết quả. Các hoạt động cải cách hành chính giai đoạn năm 2011-2020 bám sát kế hoạch đã đề ra, các văn bản pháp luật được xây dựng, ban hành trên tinh thần tuân thủ triệt để các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định chồng chéo, các quy định chưa rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát tốt nhập khẩu.

Công tác rà soát cắt giảm các điều kiện trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý hành chính cũng được quan tâm và đạt được nhiều thành tích. Các Chương trình, Kế hoạch công tác nói chung và về CCHC nói riêng của Bộ được hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ; nhiều TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết đã được xem xét bãi bỏ, đơn giản hóa tối đa; công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính của Bộ Công Thương luôn được đánh giá cao trong top đầu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các tham luận về công tác cải cách hành chính nổi bật của Bộ Công Thương trong giai đoạn 2011 – 2020: Lãnh đạo các Bộ tham dự có ý kiến trao đổi, tham luận tại Hội nghị về công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương trong giai đoạn 10 năm vừa qua.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ nội vụ có ý kiến trao đổi tại Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ, ngành Công Thương, tinh thần nỗ lực công tác, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020 của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Công Thương. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương.

Thông qua ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Trương Hòa Bình, và ý kiến phát biểu, tham luận của các đồng chí lãnh đạo các Bộ; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cùng với sự thảo luận sôi nổi của các đại biểu, Hội nghị đã đạt được kết quả hết sức tích cực làm sâu sắc thêm bức tranh tổng thể về công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương trong giai đoạn 10 năm vừa qua.

Kết luận Hội nghị, Đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ, toàn diện các nội dung, ý kiến chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và ý kiến phát biểu tham luận của đồng chí lãnh đạo các Bộ tham dự Hội nghị để bổ sung vào các chương trình, kế hoạch công tác cải cách hành chính của Bộ trong giai đoạn sắp tới nhằm đạt được những thành tích cao hơn, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự phát triển chung trong công tác cải cách hành chính của ngành Công Thương.

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công thương tổng kết chương trình thực hiện cải cách hành chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới