Thứ sáu, 26/04/2024 21:03 (GMT+7)

Sau một tuần, các tỉnh miền trung lại "gồng mình" chống bão

MTĐT -  Thứ ba, 25/07/2017 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(moitruongvadothi.vn) – Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, chiều tối 25-7, bão số 4 sẽ đổ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Tại các địa phương này, công tác phòng, chống bão đang được tích cực triển khai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối qua đến trưa nay, 25-7, tại Quảng Bình có mưa vừa đến mưa to và rất to. Tỉnh Quảng Bình hiện đang chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chiều qua, 24-7, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành công điện khẩn chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão, trong đó đặc biệt lưu ý việc thông tin kêu gọi tất cả các tàu cá đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu an toàn và các địa phương ven biển chằng chống nhà cửa, tài sản để hạn chế tối đa thiệt hại.

Đến sáng nay, 25-7, tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi 3.555 tàu cá với 14.139 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn. Hiện còn 97 tàu với 800 lao động đang hoạt động trên vùng biển Đà Nẵng cũng đã nhận được thông tin về cơn bão để có hướng phòng tránh.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, UBND tỉnh kiến nghị Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao thông báo, đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện cho phép bốn tàu cá của ngư dân phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn vào tránh trú bão ở đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Trưa nay, thời tiết ở vùng biển Quảng Bình rất lạ, lúc mưa to gió lớn rồi chợt hửng nắng và oi bức, sau lại mưa to. Nhiều người cao tuổi ở địa phương nhận định, đây là dấu hiệu của cơn bão sẽ đổ bộ vào địa bàn nên mọi người không thể chủ quan trước sự thay đổi này.

Trưa nay, tỉnh Quảng Bình tổ chức bốn đoàn công tác đến các địa phương ven biển chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4.

* Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến cho biết: Bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Nghệ An, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 9-10...

Trước tình hình trên, tỉnh Nghệ An dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai phòng, chống bão. UBND tỉnh Nghệ An đã công điện khẩn chỉ đạo, yêu cầu các địa phương thông báo hướng di chuyển của bão và kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn hay di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các lực lượng vũ trang, công an, dân quân, tự vệ đã có mặt tại các điểm xung yếu ven biển triển khai các biện pháp giúp dân phòng chống gió mạnh như tỉa cành cây, chằng chống nhà và các công trình. Đặc biệt, ở vùng miền núi, triển khai công tác phòng lũ quét, sạt lở đất và phòng chống ngập úng cho các vùng trũng, đô thị...

Bên cạnh việc kiểm tra an toàn và vận hành các công trình trong hệ thống thủy nông, các chủ công trình đã sẵn sàng tiêu úng trong tình huống mưa lớn gây ngập lụt.

Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống bão số 4 của tỉnh Nghệ An vào chiều 24-7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các địa phương, ban, ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm các phương án nhằm tránh thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân.

Đặc biệt, tích cực tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của cơn bão cho người dân biết để chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường gây hậu quả đáng tiếc, nhất là thiệt hại đến tính mạng con người. Nếu xảy ra thiệt hại về người, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Hiện, các địa phương ven biển Nghệ An đã cấm tàu thuyền ra biển. Nghệ An hiện có 3.912 tàu thuyền với 18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Cùng với các tàu thuyền của ngư dân Nghệ An thì hiện nay, trên vùng biển Nghệ An cũng có nhiều tàu thuyền của các tỉnh hoạt động.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, đến sáng 25-7, hầu hết chủ các tàu thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến của bão và đang tìm nơi tránh trú bão tại các cảng cá hoặc những nơi tránh trú bão khác.

Chiều 24-7, Cảng vụ Hàng hải Nghệ An đã cấp lệnh điều động 92 tàu hàng, tàu cảng vụ cùng tàu và phương tiện thi công công trình trên biển ở khu vực cảng Cửa Lò và Cửa Hội di chuyển đi tránh bão số 4. Đồng thời, thông báo cho các chủ tàu, phương tiện đang bị chìm hay mắc cạn ở khu vực Cửa Lò, Cửa Hội về diễn biến bão số 4 để có phương án đối phó.

Một tuần trước, Nghệ An là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất do bão số 2 gây ra, khi 10 người bị chết và mất tích, 136 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 10.000 ngôi nhà, ki-ốt, cửa hàng bị tốc mái, hư hỏng cùng hàng trăm ngôi nhà khác bị cây đè hỏng mái, sạt lở.

Nhiều cơ sở giáo dục, y tế, nhà văn hóa, công trình giao thông, thủy lợi... cũng đã bị hư hỏng nặng. Nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập hay hư hỏng.

Tổng thiệt hại do bão số 2 gây ra cho tỉnh Nghệ An ước tính hơn 993 tỷ đồng...

Tàu thuyền ở Nghệ An đang vào nơi neo đậu tránh bão số 4.

* Sáng nay, 25-7, tỉnh Quảng Trị họp bàn giải pháp phòng chống bão số 4 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng ở tất cả các địa phương, có nơi mưa to đến rất to như các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP Đông Hà...

Theo dự báo, chiều tối nay, 25-7, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khả năng xuất hiện lũ, đỉnh lũ trên sông và sạt lở đất ở vùng núi các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và Đakrông.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, các ngành chức năng và các địa phương đã kêu gọi tàu thuyền vào các cửa biển, cửa sông, lên bờ giằng néo, trú tránh bão. Tính đến trưa nay, 25-7, đã có 2.287 tàu, thuyền (hơn 6.805 người) neo đậu tại bến tránh trú bão an toàn. Hiện có 18 chiếc tàu, với 189 người đang hoạt động trên khu vực biển tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng đã vào cảng biển TP Đà Nẵng neo đậu. Ngoài ra, hiện có 59 tàu thuyền ngoại tỉnh, với 402 người đang neo đậu tại các bến cảng của tỉnh Quảng Trị.

Các đồn Biên phòng ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng triển khai lực lượng giúp dân neo đậu tàu thuyền vào nơi quy định; quản lý các phương tiện tàu thuyền không cho ra khơi. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị; trực 24/24 giờ sẵn sàng giúp dân ứng phó với mưa bão. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến thời tiết và sẵn sàng triển khai công tác ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 để thông báo cho nhân dân biết và khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các phương án để ứng phó. Đặc biệt lưu ý khả năng mưa lớn gây lũ cục bộ, lũ ống, lũ quét ở một số nơi; quản lý chặt chẽ tàu thuyền của ngư dân địa phương đang ở vùng biển nguy hiểm.

Thông báo nguy cơ xuất hiện lũ ống, lũ quét ở miền núi, cảnh báo những vùng có nguy cơ sạt lở và không để người, phương tiện vào vùng nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi và vận hành xả lũ an toàn theo quy trình, không để xảy ra tình huống bất ngờ. Di dời dân ở vùng thấp trũng, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đối với những vùng trũng, chủ động triển khai chống ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp...

Trong quá trình triển khai, các ngành, địa phương cần chú trọng công tác thông tin, phối hợp và tham mưu để bảo đảm tốt các mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Tàu, thuyền ở Quảng Trị vào các cửa biển, cửa sông giằng néo, trú tránh bão.

*Sáng 25-7, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiểm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, các phương tiện hoạt động trên biển đã nhận được thông tin vị trí, hướng di chuyển của bão số 4, đã có 6.703 phương tiện, 23.668 lao động đang neo đậu tránh bão số 4 trong tỉnh.

Hiện còn 209 phương tiện, 587 lao động hoạt động trên biển ven bờ nội tỉnh sẽ cập bờ trong ngày; 577 phương tiện, 2.935 lao động hoạt động trên ngư trường ngoài tỉnh đang vào nơi tránh, trú bão ở các tỉnh bạn.

Mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện lớn hiện thấp hơn mực nước dâng bình thường, như: Trung Sơn 151,42/160; Hủa Na 234,95/240; Cửa Đạt 94,24/110; Yên Mỹ 15,61/20,36; Sông Mực 29,14/33.

Triển khai đối phó bão số 4, các huyện, thành phố khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, ngư dân, người dân trên các chòi nuôi trồng thủy, hải sản vào nơi tránh bão; tiếp tục gia cố các công trình hư hỏng do bão số 2 gây ra; rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển; các bãi sông khi có lũ lớn; khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đôn đốc tập thể, cá nhân chằng chống nhà cửa, gia cố các cột điện, cột viễn thông, chặt tỉa cành cây…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các huyện, thành phố ven biển tiếp tục kiểm đếm, rà soát, kêu gọi người, phương tiện còn hoạt trên biển vào bờ tránh bão; đôn đốc di chuyển tàu, thuyền vào âu tránh trú bão; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền an toàn, tránh va đập, bảo đảm phòng cháy, chữa cháy.

Tiếp tục khôi phục sản xuất sau bão số 2, sửa chữa, gia cố các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều bị sạt lở; cảnh báo, hướng dẫn người, phương tiện tham gia giao thông an toàn khi qua tràn, điểm giao thông bị ngập nước; giao Sở Nông nghiệp và huyện Tĩnh Gia kiên quyết di chuyển ba lồng nuôi thủy sản vào âu tránh trú bão lạch Bạng, bảo đảm cho tàu, thuyền có nơi neo đậu.

Các địa phương, các ngành tiếp tục rà soát các phương án phòng, chống bão lụt, di dân, bảo đảm an toàn hồ, đập, các công trình đê điều; bảo đảm hiệu quả vận hành, nâng cao năng lực đối phó với thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ; chủ động, tích cực, thường trực phòng, chống bão số 4, không được chủ quan; duy trì cơ chế thông tin kịp thời, chính xác đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy, điều hành xử lý các tình huống phát sinh.

Nông dân xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn gia cố bờ ao nuôi trồng thủy sản.

                                                                                        Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Sau một tuần, các tỉnh miền trung lại "gồng mình" chống bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới