Thứ sáu, 26/04/2024 22:18 (GMT+7)

Tiềm năng dầu khí ở vùng biển Việt Nam?

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ tư, 01/02/2023 08:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến nay, ngành dầu khí khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ mét khối khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện. Bên cạnh đó, tập đoàn đã sản xuất khoảng 55 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu.

Nước ta có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, cũng là nơi có tiềm năng rất lớn về dầu khí. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt nhiệm vụ khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển vào ưu tiên thứ 3.

Nghị quyết nêu rõ: “Nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới...”. Gần 50 năm hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành ngành kinh tế biển mũi nhọn của đất nước.

Theo thống kê, biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa và có tầm chiến lược quan trọng. Ngoài ra, biển Việt Nam còn có băng cháy, là loại hình tài nguyên mới của thế giới; vùng ven biển còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm...

tm-img-alt
Nhà giàn DK1/17 (Vùng 2 Hải quân), Việt Nam

Nguồn dầu khí đã thăm dò và khảo sát của Việt Nam có trữ lượng khoảng trên 4 tỷ mét khối dầu quy đổi. Gần đây, ngành dầu khí đã mở rộng tìm kiếm và phát hiện một số mỏ mới cho phép gia tăng trữ lượng dầu khí của đất nước.

Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” do Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện đã xác định những khu vực biển Việt Nam có tiềm năng và các khu vực cần ưu tiên điều tra khảo sát. Số liệu khảo sát, thăm dò ngoài khơi của ngành dầu khí rất đa dạng, phong phú, có thể sử dụng để triển khai việc khoanh định và đánh giá tiềm năng khoáng sản đáy biển.

Từ những năm 1960, với sự giúp đỡ của Liên Xô, hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam bắt đầu triển khai tại miền võng Hà Nội và trũng An Châu. Ở thềm lục địa phía Nam, công việc này được các công ty nước ngoài như Mobil, Pecten... tiến hành từ những năm 1970. Năm 1975, mỏ khí Tiền Hải “C” (Thái Bình) được phát hiện và đưa vào khai thác từ năm 1981.

Dựa trên kết quả nghiên cứu địa chất - địa vật lý đã xác định được 7 bồn trầm tích có triển vọng chứa dầu khí ở thềm lục địa nước ta. Đó là bồn trũng sông Hồng, bồn trũng Phú Khánh, bồn Cửu Long, bồn Nam Côn Sơn, bồn Mã Lai - Thổ Chu, bồn Tư Chính - Vũng Mây và nhóm bồn Trường Sa - Hoàng Sa.

Các mỏ dầu khí ở nước ta được phát hiện và khai thác từ lòng đất dưới đáy biển khu vực thềm lục địa phía Nam, nơi có độ sâu 50-200m nước và trong tầng cấu trúc địa chất sâu trên 1.000m đến trên 5.000m. Một số mỏ ở bồn trũng Cửu Long được xem là bồn có chất lượng tốt nhất như Bạch Hổ và mỏ Đại Hùng ở bồn trũng Nam Côn Sơn là những mỏ có chứa dầu cả ở đá móng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã tiên định và đặt nền móng cho nền công nghiệp dầu khí Việt Nam. Cách đây hơn 60 năm, ngày 23-7-1959, Bác Hồ đã đến tham quan khu công nghiệp khai thác dầu ở Bacu thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan (Liên Xô cũ).

Tại đây, khi trao đổi với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí, Bác đề nghị: Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adecbaigian nói riêng giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu.

Ngay sau đó, Chính phủ Liên Xô đã cử chuyên gia địa chất dầu khí sang Việt Nam, cùng với cán bộ địa chất Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thực địa trong 2 năm (1959-1961) để hoàn thành báo cáo “Triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Tháng 11-1961, Tổng cục Địa chất Việt Nam thành lập Đoàn thăm dò dầu lửa 36. Đây chính là đơn vị đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Ngày 20-7-1975, Bộ Chính trị họp tại Sài Gòn bàn về công tác dầu khí và ngày 9-8-1975 ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về triển khai thăm dò dầu khí trên phạm vi cả nước.

Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược trong suốt quá trình xây dựng và phát triển toàn diện của ngành dầu khí Việt Nam. Ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu thời điểm ngành dầu khí Việt Nam ra đời.

Qua gần 50 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) luôn nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết một lòng vượt qua những khó khăn, phát huy tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và phát triển ngành dầu khí xứng đáng với niềm tin và ước vọng của Bác Hồ lúc sinh thời.

Đến nay, ngành dầu khí khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ mét khối khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện. Bên cạnh đó, tập đoàn đã sản xuất khoảng 55 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu.

Hiện nay, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. 

Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt. Trữ lượng dự báo tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác từ 4 đến 5 tỷ tấn. Trữ lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ m3.

Hiện nay, chúng ta đã phát hiện hàng chục mỏ dầu khí có trữ lượng khai thác công nghiệp, trong đó đã đưa vào khai thác gần một chục mỏ, hàng năm cung cấp hàng triệu tấn dầu và hàng tỷ m3 khí phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh.

Ngoài ra, còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như: than, sắt, titan, băng cháy, cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác. Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Trữ lượng cá biển ước tính trong khoảng từ 3,1 đến 4,1 triệu tấn, khả năng khai thác từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn. Nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển, đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Nếu các quần đảo xa bờ, gần bờ được củng cố xây dựng căn cứ, vị trí trú đậu, triển khai của lực lượng Hải quân Việt Nam và sự tham gia của các lực lượng khác thì biển đảo có vai trò quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.

Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn, phù hợp trong điều kiện hiện nay. Việt Nam là một quốc gia có biển, một nhân tố mà thế giới luôn xem như một yếu tố đặc lợi. Chúng ta cần tăng cường hơn nữa những khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển.

Chúng ta phải có quyết tâm cao, tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng-an ninh trên biển để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển đảo, nhất là ở vùng biển xa.

Phải xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc..

Bạn đang đọc bài viết Tiềm năng dầu khí ở vùng biển Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trường hợp nào không được phép tách thửa đất mới nhất
Theo quy định của pháp luật VN, không phải bất kì trường hợp nào cũng được phép tách thửa đất ra những mảnh đất nhỏ. Nên khi muốn tách thửa đất, người dân cần biết một số trường hợp PL quy định về việc hạn chế hoặc không được thực hiện hoạt động tách thửa
Quy định về Giấy phép tài nguyên nước
Giấy phép tài nguyên nước bao gồm: Giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.
Quy định về thăm dò nước dưới đất
Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
UBND xã được quyền từ chối hòa giải tranh chấp đất đai không?
Việc hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 202 quy định “1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.”

Tin mới