Thứ bảy, 27/04/2024 13:01 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 11/7/2023

MTĐT -  Thứ ba, 11/07/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/7/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/7/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Trùng Khánh - Cao Bằng: Huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến năm 2025, thị trấn Trùng Khánh đạt các tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Trà Lĩnh cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V, một số tiêu chí đạt đô thị loại IV. Sau hai năm thực hiện chương trình trọng tâm, hạ tầng cơ sở từng bước được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, bộ mặt đô thị được chỉnh trang, các khu đô thị đang được hình thành.

Huyện Trùng Khánh đầu tư các công trình hạ tầng giao thông: Đường nội thị tổ 6 - tổ 13 (nay là tổ 5 - tổ 3) chiều dài 511 m, mặt cắt đường 13 m, tổng đầu tư 13 tỷ đồng, đã hoàn thành năm 2021; đường tổ 2 - tổ 3, chiều dài 284,16 m, mặt cắt đường 22,5 m, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, hiện nay đang thực hiện giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, dự kiến hoàn thành năm 2023. Cải tạo, nâng cấp cột cờ núi Phja Phủ, thị trấn Trùng Khánh, tổng mức đầu tư 3,8 tỷ đồng, hiện nay đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Sửa chữa đường Thang Pò, thị trấn Trùng Khánh, tổng mức đầu tư 2,7 tỷ đồng. UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư đường nội thị thị trấn Trùng Khánh, nhánh 1 dài 356,47 m, mặt cắt đường rộng 26 m; nhánh 2 dài 155,58 m, mặt cắt đường 13 m, đang hoàn thiện đầu tư xây dựng, dự kiến năm 2024 hoàn thành. Đường nội thị thị trấn Trà Lĩnh tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng, thực hiện cải tạo các trục đường hiện có, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Huyện Trùng Khánh đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2025 thị trấn Trùng Khánh đạt các tiêu chí đô thị loại IV. Ảnh: Thế Vĩnh
Huyện Trùng Khánh đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2025 thị trấn Trùng Khánh đạt các tiêu chí đô thị loại IV. Ảnh: Thế Vĩnh

Về hạ tầng xã hội, UBND huyện Trùng Khánh phê duyệt chủ trương và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Nhà văn hóa trung tâm - Cung văn hóa thiếu nhi, tổng mức đầu tư 35,6 tỷ đồng, dự kiến công trình hoàn thành năm 2023. Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khu Cửa khẩu Trà Lĩnh, tổng mức đầu tư 38,5 tỷ đồng hiện đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Hoàn thiện thủ tục đầu tư nâng cấp và cải tạo bãi rác thị trấn Trùng Khánh; đưa vào sử dụng hệ thống đèn led năng lượng mặt trời tại trung tâm thị trấn Trùng Khánh; bàn giao đưa vào sử dụng công trình sửa chữa trụ sở làm việc UBND thị trấn Trùng Khánh, sửa chữa trụ sở làm việc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; sửa chữa sân, hàng rào, phòng khách UBND huyện. Hoàn thiện các thủ tục đầu tư công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấ p mương thoát lũ tổ 5, thị trấn Trùng Khánh, tổng mức đầu tư 0,846 tỷ đồng. Thi công công trình cải tạo, nâng cấp sân thể thao thị trấn Trà Lĩnh, tổng mức đầu tư 0,264 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa mương thoát nước thải thị trấn Trà Lĩnh, tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa mương thoát nước thải thị trấn Trùng Khánh, tổng mức đầu tư 0,985 tỷ đồng.

Về công tác quy hoạch, Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Trùng Khánh, giai đoạn 2020 - 2035, tỷ lệ 1/2000, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực núi Phja Phủ, diện tích 1,275 ha, tổng mức đầu tư 154 tỷ 526 triệu đồng; UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch phân khu thị trấn Trà Lĩnh giai đoạn 2023 - 2035, tỷ lệ 1/2000. Đang thực hiện quy hoạch khu tái định cư Hiếu Lễ, tỷ lệ 1/500.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện đã và đang tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khu vực thị trấn. Kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực đầu tư phát triển các khu đô thị nhằm xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý kiến trúc quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị, hành lang an toàn giao thông, xây dựng các khu phố, trục đường kiểu mẫu, rà soát chỉnh trang đô thị, phấn đấu đến năm 2025, thị trấn Trùng Khánh đạt các tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Trà Lĩnh cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V, một số tiêu chí đạt đô thị loại IV.

Tuyên Quang sẽ đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng vào khu đô thị nghỉ dưỡng

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận quyết định đầu tư vào Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm - Tuyên Quang. Dự án sẽ được xây dựng tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) và xã Kim Phú, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), với diện tích 540,25 ha và dân số khoảng 19.735 người. Tổng mức đầu tư của dự án là 17.113 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư trị giá 1.231 tỷ đồng).

Dự án dự kiến hoạt động trong 50 năm, với thời gian thực hiện khoảng 4 năm kể từ khi có quyết định chấp thuận đầu tư. Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm - Tuyên Quang được thiết kế nhằm xây dựng một khu đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng và dịch vụ kiểu mẫu, phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và khai thác yếu tố cảnh quan cây xanh tự nhiên.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án cũng hướng đến đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và tạo động lực phát triển cho thành phố Tuyên Quang và khu vực lân cận. Đồng thời, tạo kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bền vững phù hợp với các dự án và quy hoạch đang triển khai trong khu vực, tạo ra sự hài hòa và đặc trưng kiến trúc trong khu vực.

Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, Tuyên Quang sẽ tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Đồng thời, khu vực sẽ hình thành 4 cực tăng trưởng dựa trên tiềm năng và thế mạnh bao gồm: cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại TP Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.

Dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Đã xây gần 20.000 căn, đang triển khai hơn 288.000 căn

Theo báo cáo của Bộ xây dựng, tính đến ngày 18.6, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng đạt 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Đã xây gần 20.000 căn, đang triển khai hơn 288.000 căn
Các tỉnh thành đã hoàn thành xây 19.516 căn, trong dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo công tác quản lý, phát triển nhà ở trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn; trong đó, Hải Phòng có 4 dự án với 6.707 căn, Hà Nội có 1 dự án với 720 căn, Lâm Đồng có 1 dự án với 303 căn.

Nhà ở công nhân có 3 dự án quy mô 11.038 căn; trong đó, Hải Phòng có 1 dự án với quy mô 2.538 căn, Bình Định có 1 dự án với quy mô 1.500 căn, Bắc Giang có 1 dự án với quy mô 7.000 căn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ghi nhận 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô là 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.

Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030), báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến ngày 18.6.2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Trong đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ.

Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.

Hà Nội sắp trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đoạn tuyến metro số 2

Thông tin về công tác triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tại công văn gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương dự án được HĐND thành phố thông qua (4/7/2023), UBND thành phố đang chỉ đạo các Sở, ngành, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án theo quy trình.

tm-img-alt
Theo phương án điều chỉnh, tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2029 (Ảnh minh họa)

Dự kiến, hồ sơ điều chỉnh chủ trương dự án sẽ được UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7/2023.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km, đi qua địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Trong đó, đoạn đi ngầm dài gần 9km, đoạn trên cao dài 2,6km. Công trình gồm 10 ga (3 ga trên cao, 7 ga ngầm).

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại quyết định 2054 ngày 13/11/2008, tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay ODA là gần 16.500 tỷ đồng; vốn đối ứng do ngân sách TP Hà Nội bố trí là hơn 3.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015.

Theo Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua đầu tháng 7/2023, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên gần 35.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA được điều chỉnh là gần 29.700 tỷ đồng; Vốn đối ứng ngân sách thành phố là hơn 5.900 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuất phát từ một số nguyên nhân như: thay đổi về quy mô đầu tư, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư; Biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công.

Thời gian thực hiện, đưa dự án vào vận hành toàn tuyến cũng được điều chỉnh đến năm 2029.

Theo báo cáo, phục vụ triển khai dự án, tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng khu vực depot (hơn 17 ha) đã hoàn thành 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng. Phần đất ở đang được thực hiện các thủ tục kiểm đếm.

Đối với mặt bằng phần ga trên cao đã giải phóng được khoảng 92%. Phần ga ngầm đã thực hiện GPMB được 79% diện tích.

Hà Nội sẽ triển khai những biện pháp gì để giảm tình trạng ùn tắc?

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Trần Hữu Bảo, Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ ra rằng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt từ 20-26% trong khu vực đô thị trung tâm. Trong số này, diện tích đất được dành cho giao thông tĩnh sẽ chiếm 3-4%.

Quy hoạch cũng nhấn mạnh sự ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng, nhằm đảm bảo rằng thị phần của vận tải công cộng trong khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 50-55% tổng nhu cầu đi lại.

Số liệu thống kê cho thấy hiện tại, Thủ đô có hơn 7,9 triệu phương tiện, bao gồm 1,1 triệu ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của phương tiện trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy. Ngoài ra, còn có khoảng 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại Hà Nội.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đánh giá rằng trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm chỉ đạt từ 0,26% đến 0,3%, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%, và tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%. Ông nhận định rằng tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.

tm-img-alt
Hạ tầng giao thông Hà Nội chưa đáp ứng được sự gia tăng dân số và số lượng xe cá nhân. (Ảnh: Internet)

Theo ông Bảo, để giải quyết ùn tắc giao thông, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra Nghị quyết với hướng đi tập trung vào 6 nhóm giải pháp trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tuân thủ theo quy hoạch đã được đề ra. Đặc biệt, sự tập trung vào việc hoàn thiện các tuyến đường vành đai, với ưu tiên đầu tư vào việc triển khai Vành đai 4, các tuyến trục chính như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, và trục Tây Thăng Long. Qua đó, sẽ tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, cũng như xây dựng cầu qua sông để cải thiện sự liên kết giao thông. Đây được coi là một giải pháp cơ bản mang tính bền vững và lâu dài.

Đồng thời với việc duy trì và bảo trì hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng đang triển khai các biện pháp giao thông khoa học và hợp lý nhằm tối đa hóa năng suất của hệ thống giao thông hiện có. Các biện pháp này bao gồm điều chỉnh chu kỳ đèn tại các điểm giao cắt, mở rộng mặt đường tối đa, tạo ra các nhánh rẽ phải liên tục để giảm lưu lượng phương tiện dừng chờ tại các điểm giao thông. Những biện pháp này được thực hiện đều đặn và đã mang lại hiệu quả thiết thực và nhanh chóng.

Để phát triển mạng lưới vận tải công cộng và giảm phương tiện giao thông cá nhân, ông Bảo đã đưa ra một nhóm giải pháp quan trọng. Thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn, cải thiện mạng lưới tuyến buýt, tiến hành chuyển đổi xanh bằng cách đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào hoạt động theo một lộ trình nhất định. Đồng thời, nâng cao mức độ bao phủ của các điểm dừng, nhằm đảm bảo rằng khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý, với khoảng cách dưới 500m.

Hà Nội cũng nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành giao thông mang tính đột phá. Do đó, thành phố ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh, trung tâm điều hành giao thông thông minh, cùng với hệ thống thẻ vé điện tử liên thông và các ứng dụng tiện ích cho người dân.

Ngoài ra, Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật như nồng độ cồn, ma túy; vi phạm về đi ngược chiều, vượt đèn đỏ; và các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách và vận tải hàng hóa không đảm bảo an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông.

Hà Nam: Lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở phường Liêm Chính gần 370 tỷ đồng

Theo Trung tâm Thông tin, dữ liệu và Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, tài sản bán đấu giá có tổng diện tích khu đất thực hiện Dự án là 6.061,3 m2. Trong đó, diện tích đất ở và đất thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là 4.712,3 m2; diện tích đất không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là 1.349 m2.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Giá khởi điểm là 369,976 tỷ đồng. Trong đó, giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng các lô đất ở là 77,858 tỷ đồng; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm khu đất thương mại tổng hợp là 986,2 triệu đồng/năm; giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất thu hồi để hoàn trả là 291,131 tỷ đồng.

Hạn nộp hồ sơ đăng ký đấu giá từ ngày 10 - 12/7/2023.

Khánh Hòa đề nghị WB xem xét tiếp tục hỗ trợ 2 dự án ở Nha Trang

Ngày 11/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa có văn bản số 4834/UBND-XDNĐ gửi Ngân hàng Thế giới xem xét thống nhất tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay để thực hiện hoàn thiện hợp phần 2 (thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang) nhằm đảm bảo đạt được những mục tiêu quan trọng ban đầu của dự án.

Trước đó, dự án trị giá 72 triệu USD ở Nha Trang chậm giải phóng mặt bằng nên Ngân hàng Thế giới đã đề nghị hủy bỏ một số hạng mục chậm tiến độ trong hợp phần 2 của dự án này.

Tuy nhiên, việc loại bỏ các hạng mục này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, hệ thống giao thông hạ tầng và đền bù thiệt hại hợp đồng cho doanh nghiệp.

tm-img-alt
Tình trạng sạt lở bờ sông Cái ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Dự án Môi trường Bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (dự án CCSEP Nha Trang) có vốn đầu tư 72 triệu USD do Ban Quản lý Dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư và được khởi công từ năm 2019; trong đó, có 60,6 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và 11,4 triệu USD nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Tuy nhiên, hiện dự án CCSEP Nha Trang đang loay hoay trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân trong vùng dự án nên chậm tiến độ nghiêm trọng.

Bởi thế, Ngân hàng Thế giới đã yêu cầu tỉnh Khánh Hòa loại bỏ những hạng mục gây chậm trễ để sớm hoàn thành dự án.

Vào tháng 4, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có thư gửi lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết sau khi tái cơ cấu dự án CCSEP Nha Trang (tháng 12/2022), hợp phần 2 của Tiểu dự án Nha Trang bao gồm 2 hạng mục đầu tư thực hiện thông qua 2 hợp đồng xây lắp gồm Kè bắc sông Cái-đường Chử Đồng Tử (hợp đồng NT-2.1) và kè và đường Nam sông Cái (hợp đồng NT-2.3).

Theo kế hoạch, cả 2 hợp đồng trên dự kiến hoàn thành trong tháng 3 và 4 năm nay. Tuy nhiên, do việc giải phóng mặt bằng và tái định cư triển khai chậm chạp, nên dự án phải tạm dừng vào tháng 7/2022 (hợp đồng NT-2.1) và từ tháng 12/2022 (hợp đồng NT-2.3).

Đến tháng 3, dự án mới chỉ hoàn thành 5% khối lượng công việc hợp đồng NT-2.1 và đạt 15% khối lượng công việc hợp đồng NT-2.3.

Việc tái định cư cho người dân tại dự án CCSEP Nha Trang còn chậm trễ. Vì thế, Ngân hàng Thế giới cho biết không thể tài trợ cho các hợp đồng này kể từ ngày 18/5 và việc sử dụng vốn đối ứng để thanh toán cho các hợp đồng gia hạn thêm (nếu tỉnh triển khai) cần phải có sẵn ngay, nhưng hiện phía Ngân hàng Thế giới không có sẵn nguồn vốn để thanh toán cho các hợp đồng này.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 11/7/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề