Thứ năm, 02/05/2024 18:19 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/7/2023

MTĐT -  Thứ hai, 10/07/2023 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/7/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/7/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bộ Công an yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ

Ngày 10/7, Bộ Công an có Công điện gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

Theo đó, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương, sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ, sạt lở đất do mưa lớn xảy ra ở miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng.

Từ đầu năm 2023 đến nay riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 122 vụ sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, công trình đê điều, giao thông, rừng ngập mặn; gần đây các vụ sạt lở đất tại Bắc Kạn, Lâm Đồng… cũng đã gây thiệt hại về người và tài sản.

tm-img-alt
Hiện trường vụ 4 người trong gia đình thương vong sau vụ sạt lở đất lúc rạng sáng ngày 5-7, tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh CTV

Để tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh, trật tự và giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Công an địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Tổ chức thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai; trọng tâm là Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29-6-2023 và Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1-7 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chỉ đạo, chủ động công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả; bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn;

Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn.

Tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi trên sông, ven biển, trái phép, sai phép theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời khởi tố, truy tố đối với các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chủ động các phương án: Huy động lực lượng Công an địa phương, Công an xã chính quy và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn tổ chức ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Giúp nhân dân kịp thời ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất; phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an.

Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

Bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, công cụ đặc chủng chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân ở các vùng xảy ra mưa lũ. Các đơn vị truyền thông Công an nhân dân cần hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó mưa lũ. Kịp thời thông tin về tình hình và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai.

Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch

Theo đó, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt điều chỉnh tăng theo 2 lộ trình là: 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt xây dựng với từng nhóm khách hàng sử dụng nước khác nhau.

tm-img-alt
Phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt

Cụ thể, với nhóm hộ dân cư, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá đối với 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) được điều chỉnh từ 5.973 đồng/m3 tăng lên 7.500 đồng/m3; từ trên 10-20m3 là 8.800 đồng; từ trên 20-30m3 là 12.000 đồng; từ trên 30m3 là 24.000 đồng. Từ năm 2024 sẽ là 8.500 đồng/m3 đối với 10m3 đầu tiên; từ trên 10-20m3 là 9.900 đồng; từ trên 20-30m3 là 16.000 đồng; từ trên 30m3 là 27.000 đồng.

Riêng đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 vẫn được giữ nguyên theo mức giá cũ (Quyết định 38/2013/QĐ-UBND) là 5.973 đồng/m3.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, phục vụ công cộng: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 9.955 đồng/m3 tăng lên thành 12.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 13.500 đồng/m3.

Đối với đơn vị hoạt động sản xuất vật chất: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 11.615 đồng/m3 tăng lên thành 15.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 16.000 đồng/m3.

Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ: Trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 22.068 đồng/m3 tăng lên thành 27.000 đồng/m3; từ năm 2024 sẽ là 29.000 đồng/m3.

Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

UBND thành phố giao các đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp nước sạch sinh hoạt bảo đảm chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT; tổ chức thực hiện phương án giá nước sạch sinh hoạt được UBND thành phố phê duyệt. Hằng năm, chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch sinh hoạt theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18-6-2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

Hội Luật gia các tỉnh, thành miền Trung tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường

Khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Hội nghị tập huấn này là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia các tỉnh, thành phố và cán bộ, công chức các cấp, các ngành liên quan của tỉnh Phú Yên. Đây cũng là hoạt động thể hiện vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường vào thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện xây dựng môi trường sống trong sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương, đất nước.

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Phú Yên là vùng đất thanh bình, có nhiều cảnh quan thiên nhiên, di sản, di tích lịch sử - văn hóa độc đáo. Tỉnh đã và đang tập trung khai thác, phát huy lợi thế kinh tế biển và phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu từng bước đưa Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đặt ra nhiều yêu cầu mới đầy khó khăn, thách thức.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên luôn phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, tập trung khai thác tiềm năng, phát huy nội lực, triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và tiếp tục phát triển.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; tạo điều kiện thuận lợi để Hội Luật gia tỉnh Phú Yên phát triển tổ chức Hội, phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo đề nghị các cấp, các ngành, Hội Luật gia tỉnh tranh thủ tối đa cơ hội tập huấn này để nghiên cứu, học tập, tiếp thu những kiến thức mới, kinh nghiệm hay trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường do các báo cáo viên giàu kinh nghiệm truyền đạt, qua đó vận dụng hiệu quả vào công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chương trình tập huấn diễn ra trong 1 ngày, cán bộ, hội viên Hội Luật gia các tỉnh khu vực miền Trung sẽ được các chuyên gia đến từ trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền đạt một số nội dung cơ bản về: Chính sách, pháp luật về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; những quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường và thực tiễn thi hành ở Việt Nam hiện nay; những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra; vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường…

Hội Luật gia tỉnh Phú Yên hiện có 06 Hội Luật gia cấp huyện và 06 Chi hội trực thuộc với khoảng 470 hội viên. Hội ngày càng tham gia tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải, giải quyết các tranh chấp ở cơ sở; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật…, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thị xã Kinh Môn đề nghị hỗ trợ kinh phí xử lý rác cho 4 phường

UBND thị xã Kinh Môn vừa có văn bản đề nghị Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để đưa rác thải sinh hoạt của 4 phường An Lưu, Hiệp An, Minh Tân, Phú Thứ về xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng (Thanh Hà).

tm-img-alt
Lượng rác thải sinh hoạt của thị xã Kinh Môn rất lớn nhưng chủ yếu mới chỉ chôn lấp tập trung. Bãi rác ở khu dân cư Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn đã đầy nhưng vẫn phải tiếp nhận rác 

Hiện các phường Hiệp An, Minh Tân, Phú Thứ không còn điểm chôn lấp rác. Trong đó, bãi chôn lấp rác hiện nay của phường Hiệp An và Phú Thứ nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư, đô thị, không bố trí được vị trí chôn lấp rác phù hợp; phường An Lưu có vị trí bãi rác nằm ngoài bãi sông, tỷ lệ lấp đầy 98%, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, không có khả năng mở rộng…

Thị xã Kinh Môn hiện có 23 đơn vị hành chính gồm 14 phường và 9 xã. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng RTSH phát sinh hằng ngày khá lớn trong khi công nghệ xử lý lạc hậu khiến địa phương phải đối mặt với bài toán nan giải.

Mỗi ngày, thị xã Kinh Môn phát sinh khoảng 130 tấn RTSH các loại. Khoảng 85% lượng rác đã được thu gom, vận chuyển, chôn lấp tập trung. Phần lớn bãi rác đã được lấp đầy khoảng 60%. Nhiều bãi đã lấp đầy trên 90% nhưng chưa thể quy hoạch mở rộng vì không thể tìm được vị trí phù hợp. Chôn lấp tại các bãi rác tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kinh Môn cho biết việc quy hoạch bãi chôn lấp RTSH, xây dựng và hoàn thiện các bãi chôn lấp theo quy hoạch được UBND thị xã chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, do quỹ đất có hạn, vị trí quy hoạch phải bảo đảm tiêu chuẩn và xin ý kiến thẩm định của các sở, ngành nên việc xây dựng khu xử lý chất thải tập trung của thị xã chưa thực hiện được.

Trong khi đó, việc xây dựng, bố trí điểm chôn lấp rác ở các phường, xã hiện còn nhỏ lẻ. Các bãi chôn lấp thường nằm cạnh đường giao thông chính, không bảo đảm khoảng cách tới KDC, quy trình vận hành chưa đúng với hướng dẫn nên hiệu quả xử lý thấp, chưa phù hợp với xu thế tái chế, tái sử dụng hiện nay.

Quảng Trị: Hàng trăm ngôi nhà và nhiều công trình bị hư hại vì dông lốc, mưa đá

Ngày 10/7, UBND xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, chiều ngày 9/7 trên địa bàn đã xảy ra trận mưa dông kèm theo gió lốc cục bộ ở một số địa bàn khiến nhà ở của 3 hộ gia đình ở thôn Đông Sơn, 1 hộ ở thôn Hà Lộc, Nhà Văn hóa khu vực Như Sơn và trường THPT Bùi Dục Tài (cơ sở đang xây dựng) bị ảnh với mức độ nhẹ.

Theo báo cáo của UBND xã Hải Trường (huyện Hải Lăng), cũng trong chiều ngày 9/7, tại địa phương này xảy ra mưa lớn kèm theo lốc và mưa đá đã làm 188 nhà dân ở các thôn Hậu Trường (186 hộ) và Mỵ Trường (2 hộ) bị tốc mái. Trong đó, có 19 hộ bị tốc mái trên 70%, 106 hộ bị tốc mái từ 30 - 70% và 63 hộ tốc mái dưới 30%; một số cây cối ngã đổ làm ách tắc giao thông tại một số tuyến đường liên thôn, liên xóm.

Lãnh đạo trường mầm non Hải Trường cho hay, cơn mưa lớn kèm theo lốc chiều ngày 9/7 cũng đã khiến một đoạn tường dài 5 m bị sập; tốc mái nhà để xe khoảng 20 m2 và nhiều cây cối trong trường bị đổ ngã.

tm-img-alt
Hàng trăm nhà của người dân và nhiều công trình công cộng tại huyện Hải Lăng bị hư hỏng vì dông lốc, mưa đá.

Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hải Lăng, dông, lốc, gió mạnh và mưa xảy ra chiều ngày 9/7 cũng đã làm hư hại một số công trình công cộng khác.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hải Lăng cho biết thêm, sau khi lốc xoáy xảy ra lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp tổ chức kiểm tra tình hình thiệt hại về nhà cửa và chỉ đạo cho các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân tự vệ, Công an, thanh niên xung kích hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khắc phục nhà cửa cho người dân và hậu quả do lốc tố gây ra.

Tính đến sáng nay, các hộ gia đình bị lốc tố cơ bản đã khắc phục xong.

Bình Định: Hủy thầu Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh vừa ký quyết định huỷ thầu và thu hồi Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, TP.Quy Nhơn vì lý do đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công.

Sau khi hủy thầu, UBND tỉnh Bình Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan triển khai các thủ tục có liên quan để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải theo quy định.

tm-img-alt
Khu nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, TP. Quy Nhơn

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất đã cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án.

Liên danh Công ty TNHH Xuân Hiếu và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nam Thành - Ninh Thuận là chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt lựa chọn làm chủ đầu tư tại Quyết định số 3108, ngày 31/7/2020.

Dự án được thực hiện tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (lô A-3), TP. Quy Nhơn với diện tích đất sử dụng 4,33 ha; công suất xử lý dự kiến 700 tấn/ngày; tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng. Đơn giá dịch vụ (bao gồm thuế VAT) là 225.000 đồng/tấn; giá trị đề xuất nộp ngân sách nhà nước M3 (không điều kiện) là 500 triệu đồng.

Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng và hoàn thành 1 dây chuyền xử lý rác thải đi vào hoạt động sau 12 tháng kể từ ngày giao mặt bằng sạch (đất chưa giải phóng mặt bằng); công suất giai đoạn 1 là 400 tấn/ngày. Giai đoạn 2, từ năm 2026, nếu có phát sinh rác thải sinh hoạt lớn hơn 400 tấn/ngày hoặc yêu cầu phải nâng công suất của cấp có thẩm quyền thì chủ đầu tư đề xuất cụ thể giải pháp về công nghệ xử lý trong hồ sơ dự thầu.

Ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác vào cuối năm 2023, sau khi hoàn thành việc đổ thải vật liệu thải của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam.

Công ty Hoàng Hậu Phố bị tước giấy phép khai thác khoáng sản vì phạm luật

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Cty TNHH Hoàng Hậu Phố vào năm 2013.

Thời điểm đó, doanh nghiệp này được cấp phép khai thác đá andesit làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên, có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại mỏ đá thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Doanh nghiệp này bị thu hồi giấy phép là do vi phạm các quy định của pháp luật tại điểm c, khoản 1, điều 58 Luật khoáng sản. Cụ thể, doanh nghiệp tiến hành khai thác đá khi chưa thực hiện thuê đất, góp vốn quyền sử dụng đất, chuyển mục đích đất theo quy định; chậm tiến độ đầu tư; chưa hoàn tất việc nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường…

Theo UBND tỉnh, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định này (ngày 6/7), Cty TNHH Hoàng Hậu Phố phải thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai tại khu vực.

tm-img-alt
Một phần diện tích trong dự án khai thác khoáng sản của công ty TNHH Hoàng Hậu Phố

UBND tỉnh giao Cục thuế tỉnh theo dõi, đôn đốc, truy thu số tiền mà Cty TNHH Hoàng Hậu Phố còn nợ ngân sách nhà nước theo quy định, tuyệt đối không để thất thoát tài sản của Nhà nước.

Năm 2013, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác đá andesit tại khu vực rộng 30ha, trữ lượng khai thác tối đa 13.076.000m³, công suất khai thác 261.500m³ đá nguyên khối/năm và thời hạn khai thác là 29 năm.

Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm của Cty TNHH Hoàng Hậu Phố như: Mặc dù chưa thực hiện thuê đất, góp vốn quyền sử dụng đất, chuyển mục đích đất theo quy định; cũng như chưa đăng ký, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về ngày bắt đầu xây dựng mỏ và khai thác mỏ; nhưng doanh nghiệp này đã xúc tiến xây dựng công trình khai thác - chế biến khoáng sản và bắt tay vào khai thác đá.

Công ty này chưa thực hiện đầy đủ các hạng mục đầu tư và chậm tiến độ hơn 8 năm so với Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không lập thủ tục để xin phép điều chỉnh, gia hạn tiến độ.

Từ năm 2013 đến tháng 11/2019, doanh nghiệp này không thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản và không lập, quản lý, báo cáo, lưu trữ về bản đồ hiện trạng mỏ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác và thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản. Mặt khác, từ năm 2018 - 2019, công ty không thực hiện quan trắc, giám sát môi trường; chưa nộp hơn 123 triệu đồng tiền ký quỹ bảo vệ môi trường.

Về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, công ty lập hộ chiếu nổ mìn chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Công Thương; không cung cấp được hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ của chỉ huy nổ mìn, nhân viên thực hiện nổ mìn; không lưu trữ hồ sơ về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp…

Cũng theo Thanh tra tỉnh, sau khi Sở TN&MT ra quyết định xử phạt vào tháng 4/2019 và tước giấy phép khai thác, Cty Hoàng Hậu Phố không chấp hành nộp giấy phép mà vẫn tiếp tục khai thác với khối lượng khoảng 4.877m³ đá.

Năm 2019, công ty này ký hợp đồng với Cty TNHH SH Thái Nguyên chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản trên diện tích 3ha khi chưa đủ điều kiện để khai thác khoáng sản.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/7/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.