Thứ bảy, 27/04/2024 18:51 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/6/2023

MTĐT -  Thứ hai, 12/06/2023 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/6/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/6/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nam: Một nhà đầu tư Dự án xây dựng Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang 8.815 tỷ đồng

Tổng diện tích đất 176 ha, sơ bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.430,9 tỷ đồng.

tm-img-alt
Hình ảnh minh họa. TL

Tổng chi phí khoảng 8.815,6 tỷ đồng. Dự án được đầu tư xây dựng tại phường Lam Hạ, xã Tiên Hải và xã Tiên Hiệp, TP. Phủ Lý. Tiến độ thực hiện từ năm 2023 - 2028, thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm.

Mục tiêu của Dự án là hình thành một khu đô thị mới hiện đại, có kiến trúc cảnh quan đẹp, hài hòa giữa khu phát triển mới và khu dân cư hiện hữu.

Thanh Hóa: Một liên danh quan tâm khu dân cư dự án hơn 1.400 tỷ đồng

Theo thông tin từ Sở KHĐT tỉnh Thanh Hóa, Liên danh Công ty CP Sông Đà 2 - Công ty CP Lam Kinh Xứ Thanh Group - Công ty CP Kỹ thuật ứng dụng quốc tế là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

Tổng chi phí thực hiện khoảng 1.402,405 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 44,297 tỷ đồng; diện tích 118.610,39 m2.

Mục tiêu đầu tư Dự án là xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội; công trình dịch vụ thương mại; phần thô và hoàn thiện mặt trước các công trình nhà ở liền kề theo mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau

Mới đây, Văn phòng Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại buổi kiểm tra hiện trường cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025).

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng nhìn chung tiến độ triển khai hai đoạn trên còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch, công tác tổ chức thi công chưa khoa học, chưa tập trung triển khai hệ thống đường công vụ để tiếp cận vào các vị trí thi công cầu.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Công tác huy động của một số nhà thầu còn chậm thuộc về các công ty như VNCN E&C, Công ty 36, Tân Nam, Trường Sơn, Công ty 620, Vạn Cường; Công ty 492….

Để đẩy nhanh tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu huy động nhân lực, máy móc thiết bị theo tiến độ được chấp thuận, tổ chức triển khai thi công, phấn đấu thông toàn bộ đường công vụ trước ngày 30-6. Trong năm 2023 hoàn thành 80% sản lượng các cầu đã tổ chức thi công và đạt 35% giá trị các hợp đồng xây lắp như đã cam kết.

Về mặt bằng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phải phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các vị trí đường tiếp cận công trường, đường công vụ, vị trí công trình cầu để sớm tổ chức thi công.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ mặt bằng, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch trong tháng 6 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cần sớm hoàn thành cầu Xóm Bóng mới (Nha Trang) để giảm ùn tắc

Cầu Xóm Bóng và cầu Trần Phú là 2 chiếc cầu nối đôi bờ sông Cái với trung tâm thành phố Nha Trang. Từ tháng 1/2022, cầu Xóm Bóng trên đường 2/4 được tháo dỡ để xây dựng cầu mới. Phương tiện lưu thông dồn qua cầu Trần Phú khiến khu vực này luôn quá tải, ùn ứ, kẹt xe kéo dài.

Cầu Xóm Bóng mới do Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông- Vận tải làm chủ đầu tư, chiều dài gần 330m, rộng 19m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 250 tỷ đồng. Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để cầu Xóm Bóng mới có thể đưa vào sử dụng vào ngày 30/9/2023.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Do tính chất đá tại khu vực sông Cái nơi dự án đang thi công chủ yếu là đá gốc, nhà thầu đã đưa vào các dây chuyền khoan cọc nhồi tiên tiến nhưng không đáp ứng được, bắt buộc phải sử dụng phương pháp giã đá thủ công, vì vậy tiến độ thi công cọc khoan nhồi bị kéo dài.

Sau thời gian chậm tiến độ, hiện tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao mặt bằng sạch, chủ đầu tư huy động khoảng 120 cán bộ kỹ thuật, công nhân cùng thiết bị hiện đại thi công liên tục 3 ca 4 kíp. Đơn vị thi công đã lắp đặt phiến dầm và hoàn thành bản mặt cầu của 3 nhịp phía Bắc và triển khai xây dựng các trụ cầu, nhịp cầu còn lại.

Nhà thầu và Ban Quản lý dự án cam kết đầu tháng 9 làm xong phần dầm, có thể thông xe kỹ thuật nhưng phải hết tháng 9 mới hoàn thành được dự án cầu Xóm Bóng.

Quảng Nam: Chủ trương sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh sẽ được cân nhắc kỹ

Theo lãnh UBND tỉnh Quảng Nam, việc sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh sẽ được đánh giá, cân nhắc kỹ.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo tình hình thực hiện Đề án sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ gửi Bộ Nội vụ đề nghị điều chỉnh nội dung và thời gian trình đề án.

Báo cáo nêu rõ, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình công tác năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Nội vụ tiến hành triển khai việc xây dựng Đề án sáp nhập 3 đơn vị hành chính Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao.

Quảng Nam cân nhắc lại chủ trương sáp nhập Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành
Một góc TP Tam Kỳ.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 30.1.2023, theo đó sẽ tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ quy mô về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Dự kiến Trung ương sẽ ban hành các văn bản chỉ đạo về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam mới có căn cứ chỉ đạo việc sắp xếp các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ trong lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Trung ương.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ đối với đề nghị của UBND tỉnh về việc điều chỉnh nội dung "Đề án sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ" thành "Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025". Thời gian trình đề án vào năm 2024.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy là thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương về sáp nhập các đơn vị hành chính trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Riêng chủ trương sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh sẽ được đánh giá, cân nhắc kỹ thêm.

Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ngày 12/5, thống nhất xác định đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 gồm huyện Nông Sơn và huyện Hiệp Đức.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu kể từ ngày 15.5.2023, các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức tạm dừng thực hiện các nội dung liên quan về công tác tổ chức bộ máy, tuyển dụng và công tác cán bộ cho đến khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đối với đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành./.

Quảng Bình: Thu hút 18 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD

Dự kiến, tỉnh sẽ trao Biên bản hợp tác đầu tư với 17 nhà đầu tư với 18 dự án, tổng vốn đăng ký 32.601 tỷ đồng (1,42 tỷ USD).

 Trong đó có 3 dự án trong lĩnh vực hạ tầng với tổng vốn 9.844 tỷ đồng; 14 dự án trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn 19.307 tỷ đồng; 1 dự án trong lĩnh vực công nghiệp-khoáng sản với tổng vốn 3.450 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sẽ có 10 nhà đầu tư thực hiện 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng (0,13 tỷ USD) thuộc các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục và đầu tư hạ tầng dự kiến được trao Quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị này.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Mục tiêu của hội nghị nhằm công bố quy hoạch tỉnh Quảng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023, đồng thời là diễn đàn quan trọng để giao lưu, gặp gỡ và lan toả thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Quảng Bình đến với cộng đồng các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trong và ngoài nước.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, đầu tư ổn định và lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Không thu hút đầu tư các dự án đầu tư sử dụng lao động quá lớn với công nghệ đơn giản có thể làm xáo trộn cung – cầu lao động.

Với các doanh nghiệp địa phương, tỉnh Quảng Bình sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp này đầu tư các dự án theo định hướng của tỉnh quy mô vừa và nhỏ vào các cụm công nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải gấp rút hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trước mắt, phải hoàn chỉnh báo cáo công tác chuẩn bị trước ngày 12/6 để trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.

Tháo dỡ 2 trạm BOT bỏ hoang trên Quốc lộ 1K gần 3 năm nay

Ngày 12/6, ghi nhận tại trạm thu phí Quốc lộ 1K (thuộc phường Hoá An, TP Biên Hoà, Đồng Nai), các công nhân đang tháo dỡ trạm BOT thuộc dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1K.

Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1K (đoạn km 2+487 đến km 12+971 trên địa phận tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM) theo hình thức BOT. Dự án có 2 trạm thu phí, 1 trạm đặt tại phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương và 1 trạm đặt tại phường Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

tm-img-alt
Các công nhân đang tháo dỡ trạm thu phí Quốc lộ 1K ở Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Anh.

Trước đó, cuối tháng 10/2020, 2 trạm BOT trên quốc lộ 1K đã tạm dừng thu phí. Từ thời điểm đó đến nay, 2 trạm thu phí này bỏ hoang, xuống cấp, không có đèn chiếu sáng, gây mất an toàn giao thông. Các trạm BOT này án ngữ giữa đường như những “lô cốt”, gây ra nhiều vụ vụ tai nạn thương tâm.

Mới đây, Bộ GTVT đã ký quyết định điều chỉnh Quốc lộ 1K từ Km0+000 đến Km12+987 thành đường địa phương để bàn giao cho UBND các tỉnh quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định.

Cụ thể, đoạn Quốc lộ 1K thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai từ Km0+000 - Km6+097 về UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, đoạn từ Km6+097 - Km11+168 về UBND tỉnh Bình Dương quản lý, đoạn Quốc lộ 1K thuộc địa phận TP.HCM từ Km11+168 - Km12+987 về UBND TP.HCM quản lý.

Quốc lộ 1K có chiều dài 21km là tuyến đường nối từ TP Thủ Đức (TP.HCM) qua TP Dĩ An (Bình Dương) đến TP Biên Hoà (Đồng Nai). Đây cũng là tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai song song với Quốc lộ 1A.
Quốc lộ 1K là đường quốc lộ nối liền thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, đi qua thành phố Dĩ An, Bình Dương, đến thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là 1 trong 2 tuyến đường huyết mạch nối thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Chiều dài toàn tuyến đạt 21 km.

Hàng không hỗ trợ vận chuyển đề thi tốt nghiệp THPT 2023

Cục Hàng không VN vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc phối hợp hỗ trợ vận chuyển đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 17 ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023; Cục Hàng không VN đề nghị các Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam tạo điều kiện cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay có giá trị sử dụng ngắn hạn cho người, phương tiện làm nhiệm vụ vận chuyển đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

TCT Cảng hàng không VN (ACV), Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện trong việc làm thủ tục hàng không, kiểm tra an ninh hàng không cho cán bộ, công chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm nhiệm vụ vận chuyển đề thi.

Lãnh đạo Cục Hàng không VN cũng đề nghị các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vasco chỉ đạo các đơn vị, bộ phận liên quan tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ, công chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đề thi làm thủ tục hàng không nhanh chóng, thuận lợi.

Công trình dự án 8.200 tỷ đồng cải tạo tuyến kênh dài nhất TP.HCM

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên kết nối TP.HCM với Long An qua sông Chợ Đệm và với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn có tổng kinh phí thực hiện khoảng 8.200 tỷ đồng.

Dự án được triển khai từ tháng 3 tại hầu hết gói thầu. Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên là kênh dài nhất của TP.HCM, chảy qua 7 quận với tổng chiều dài hơn 31 km.

Điểm đầu của dự án nối với sông Chợ Đệm, là tuyến đường thủy kết nối TP.HCM với tỉnh Long An. Dự án có các hạng mục lớn bao gồm: Xây dựng tuyến kè, nạo vét kênh, làm đường, cầu giao thông, xây cống thoát nước đầu các kênh nhánh cấp II trên tuyến; xây dựng các nút giao thông, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, lắp điện chiếu sáng....

tm-img-alt
Sau khoảng 3 tháng triển khai dự án, hiện liên danh các nhà thầu đã tổ chức thi công 9/10 gói thầu xây lắp.  (Ảnh: Internet)

Dự án này gồm có 10 gói thầu xây lắp (ngoài ra nó còn có nhiều gói thầu khác như các gói về thiết kế, sát sát, bảo hiểm…). Trong đó 9/10 gói đã được chủ đầu tư ký kết hợp đồng với các đơn vị thi công (gồm 24 công ty) với tổng giá trị hơn 5.800 tỷ đồng.

Sau khoảng 3 tháng triển khai dự án, hiện liên danh các nhà thầu đã tổ chức thi công 9/10 gói thầu xây lắp. Theo trình tự thi công thì hạng mục kè được thực hiện trước, sau đó đến hạng mục đường và nạo vét toàn tuyến kênh. Hiện nay hạng mục được thi công chủ yếu là phần kè.

Liên danh các nhà thầu đã thi công, lắp đặt hơn 3.000 kè cọc dự ứng lực, nhiều đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã hình thành tuyến kè cọc, từng bước thay đổi diện mạo của tuyến kênh dài nhất thành phố. Phần kè có kết cấu bằng cọc (cừ) ván bê tông cốt thép dự ứng lực bao gồm các loại cọc SW400; SW500; SW600; SW740; và SW940 với chiều dài các loại cọc này dao động từ 8 m đến 20 m.

Một số vị trí có địa chất phát tạp ở đầu tuyến và cuối tuyến của dự án, kết cấu kè cọc ván còn được neo bằng cọc bê tông ly tâm PHC-D500 và D600. Ngoài thi công kè cọc dự ứng lực, một số gói thầu đang triển khai đóng thử đối với cọc bê tông ly tâm D500 và D600. Hạng mục cống cấp II đang triển khai đóng cọc móng cống. Hạng mục thi công đường giao thông đã hoàn thành cọc thử CDM và chuẩn bị khoan cọc đại trà cho nhiều gói thầu thuộc dự án.

Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên bị lấp dòng chảy sau nhiều năm không được nạo vét. Sắp tới, các đơn vị thi công tiến hành nạo vét, làm bờ kè và xây dựng hạ tầng dọc hai bên tuyến kênh này. Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đoạn qua cầu Tham Lương với dòng nước đen ngòm vì ô nhiễm. Đây từng được đánh giá là một trong số những con kênh có mức độ ô nhiễm cao bậc nhất ở TP.HCM.

Theo chủ đầu tư dự án, hiện công trường có hơn 30 dàn thiết bị thi công đóng cọc và các thiết bị chuyên dụng khác được liên danh các nhà thầu huy động, tập kết phục vụ thi công dự án. Thời gian tới, các đơn vị thi công sẽ huy động thêm thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ dự án theo lộ trình kế hoạch.

Giai đoạn này, việc thi công chủ yếu dựa vào các dàn thiết bị cơ giới. Để vận hành mỗi dàn thiết bị thi công cọc cần 5-7 công nhân. Vì vậy trên công trường, số lượng công nhân không cần tập trung đông đúc tại cùng một địa điểm. Điểm cuối dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên thông ra sông Sài Gòn. Đây là một trong những dự án lớn của TP.HCM hiện nay, trải dài trong lòng đô thị thành phố, giao cắt với các dự án đầu tư xây dựng khác cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào tháng 12/2025. Khi hoàn thành công trình sẽ giúp tạo tuyến lưu thông thủy quan trọng của thành phố, vừa góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân dọc hai bên bờ kênh nhờ hàng loạt các công trình hạ tầng phụ trợ (cầu, đường, công viên, lưới điện...) mới được triển khai.

Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng), dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Dự án là trục tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan; đồng thời dự án cũng góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo Tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.

tm-img-alt
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thơ mộng, xóa hẳn ký ức về "xóm nước đen". (Ảnh: Internet)

Sau khi hoàn thành Dự án này, toàn tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên với chiều dài 31,46km sẽ được nạo vét; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km. Cùng với đó là xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền tạo nên hình hài lung linh, đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Trước khi tiến hành Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, TP.HCM từng thực hiện thành công Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Đây là con kênh được người dân đánh giá cao nhất trong hàng loạt Dự án quy hoạch kênh rạch tại TP.HCM trong nhiều năm qua.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, bên bờ nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm.

Từ năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Mười năm sau, dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng khởi công.

Khi dự án cải tạo triển khai, hàng nghìn căn nhà lụp xụp được giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân. Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp đặt gần 16 km bờ kè, thi công 9 km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên...

Chính quyền cũng đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, sửa chữa, xây mới 16 cây cầu dọc tuyến kênh, tạo cảnh quan trên tuyến kênh trở thành hai tuyến đường đẹp của thành phố.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề