Thứ hai, 29/04/2024 15:39 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/7/2023

MTĐT -  Thứ tư, 12/07/2023 17:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/7/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/7/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội dừng 18 dự án chậm triển khai trên địa bàn quận Cầu Giấy

UBND TP Hà Nội vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Cầu Giấy (theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố và Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND thành phố).

Ngày 30/6/2027, tại trụ sở UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh (Trưởng ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội) chủ trì Hội nghị về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Cầu Giấy theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố và Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND thành phố (theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn ban số 4757 STNMT-TTr ngày 28/6/2023).

Sau khi nghe báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, ý kiến trao đổi, thảo luận và thống nhất của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND thành phố kết luận, nhiệm vụ kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai là nhiệm vụ được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND thành phố, chỉ đạo thực hiện quyết liệt của UBND thành phố, để đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bản và hạn chế sử dụng lãng phí nguồn lực đất đai. Đây là nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và được dư luận xã hội quan tâm theo dõi.

tm-img-alt
Hà Nội sẽ kiên quyết thu hồi dự án triển khai quá chậm. (Ảnh minh họa)

UBND thành phố ghi nhận kết quả rà soát, phân loại, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc sát với thực tiễn của Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đơn vị liên quan về tính hình thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Cầu Giấy theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2012 của HĐND thành phố và Kể hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND thành phố.

Về nguyên tắc xử lý, nếu quá trình rà soát các dự án, trường hợp phát hiện nội dung chưa phù hợp hoặc tiềm ẩn nguy cơ vi phạm khi thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định hiện hành, cần kiên quyết sửa chữa, khắc phục ngay, trên quan điểm không e ngại, né tránh việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người đang đề xuất hoặc đang sử dụng đất dẫn đến phát sinh khiếu kiện dân sự.

Đối với các dự án không có khả năng triển khai tiếp hoặc không có khả năng điều chỉnh, khắc phục để triển khai tiếp, do việc triển khai quá chậm, không còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, đất đai, sẽ kiên quyết bãi bỏ, thu hồi, dừng thực hiện, chấm dứt; Xây dựng phương án đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành.

Việc điều chỉnh, khắc phục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, phải đảm bảo nguyên tắc không làm tăng mật độ dân số, dân cư cơ học tại khu vực, không hình thành nhà ở tại khu vực nhạy cảm; Ưu tiên điều chỉnh tăng chức năng cây xanh, các công trình công cộng đầu tư bằng vốn ngân sách.

Các trường hợp dự án đã điều chỉnh nhưng nay rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành không có khả năng triển khai tiếp theo phương án đã điều chỉnh, cần xem xét điều chỉnh lại mục tiêu, chức năng quy hoạch đã được chấp thuận ban đầu để thực hiện, trường hợp không thực hiện được sẽ chấm dứt, thu hồi để đấu thầu hoặc đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật hiện hành.

Thái Nguyên: Mời gọi đầu tư Khu đô thị dịch vụ số 1 hơn 2.600 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị dịch vụ số 1, xã Tân Quang có tổng mức đầu tư 2.636 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện Dự án 2.278 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 358 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng diện tích khu đất khoảng 314.953,24 m2. Địa điểm thực hiện tại xã Tân Quang, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu về nhà ở tại khu trung tâm thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá và nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.

Nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án hết ngày 14/8/2023.

Đề xuất sử dụng ngân sách để xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại trung tâm Sài Gòn

Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân thành phố, diễn ra ngày 11/7, Chủ tịch UBND quận 1 - Lê Đức Thanh đã đưa ra kiến nghị về việc sử dụng ngân sách để xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại khu trung tâm.

Quận 1 đã quy hoạch 4 bãi đỗ xe ngầm có tổng sức chứa khoảng 6.300 ôtô và 4.000 xe máy. Tuy nhiên, đến nay, chưa có dự án nào được triển khai trong khu vực này, trong khi tình trạng thiếu chỗ đậu xe tại trung tâm đang trở nên nghiêm trọng.

Lãnh đạo quận 1 cho biết sau khi tiến hành khảo sát, các nơi đỗ xe hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Sự khan hiếm bến bãi đã dẫn đến việc các xe máy đậu trái phép trên vỉa hè và lòng đường, gây ảnh hưởng đến giao thông và trật tự đô thị. Vì vậy, quận 1 đề nghị thành phố xem xét đầu tư công để xây dựng các công trình bãi xe ngầm.

tm-img-alt
Xe hơi đậu tràn lan trên đường Alexandre de Rhodes, quận 1, TP.HCM. (Ảnh: Internet)

Theo ông Thanh, việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm này sẽ không chỉ giải quyết vấn đề đậu xe mà còn tăng cường các tiện ích công cộng phục vụ cư dân địa phương và thu hút khách du lịch đến khu trung tâm thành phố.

Đồng thời, để giải quyết tạm thời vấn đề đỗ xe cho người dân, quận 1 cũng đang xem xét việc sử dụng một phần lòng đường tại các tuyến nhánh và kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ để tạo ra các bãi đỗ xe tạm thời. Khu vực này có mật độ dân cư và du khách đến hàng ngày nên đang gặp tình trạng thiếu chỗ đậu xe nghiêm trọng.

Trước đó, TP HCM đã kêu gọi đầu tư vào 4 bãi đỗ xe ngầm tại khu trung tâm theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, chỉ có một dự án đã được triển khai, đó là bãi đỗ xe tại công viên Lê Văn Tám với vốn đầu tư 110 triệu USD, theo mô hình BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, do tiến độ triển khai chậm, dự án này đã bị thành phố thu hồi.

Hiện tại, trong số 3 dự án còn lại, bãi đỗ xe tại sân khấu Trống Đồng có tiến độ triển khai tốt nhất với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng và đã có nhà đầu tư mong muốn thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, liên tục phải điều chỉnh và cập nhật theo quy hoạch. Hai bãi đỗ xe còn lại tại công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư, ban đầu được dự tính triển khai theo mô hình BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), nhưng đến nay vẫn chưa có sự tiến triển.

Để đáp ứng nhu cầu đỗ xe ngay lập tức trong khi các dự án ngầm chưa thể triển khai, TP HCM đang nghiên cứu xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng tại khu trung tâm, sử dụng các khu đất trống tạm thời.

Hiện tại, tổng diện tích các bến bãi đỗ xe tại TP HCM chỉ đạt khoảng 20% so với quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha đề ra cho năm 2020. Thành phố hiện có 35 bến bãi đỗ xe, ít hơn nhiều so với 126 vị trí đã được quy hoạch. Tình trạng này không đáp ứng được nhu cầu đỗ và giữ xe ngày càng tăng, đặc biệt là tại khu trung tâm.

Phát triển nhà ở xã hội tại Khánh Hòa đáp ứng nhu cầu người lao động

Theo kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong năm nay, để đáp ứng nhu cầu, cần đầu tư xây dựng tổng diện tích sàn nhà ở là 2.452.081 m2, tương ứng với 32.743 căn nhà.

Mục tiêu nhà ở tối thiểu là 9,2 m2/sàn người. Đặc biệt, theo dự kiến NƠXH sẽ tăng thêm 555.166 m2 sàn tương đương khoảng 14.464 căn và tổng nguồn vốn để triển khai là khoảng 3.719 tỷ đồng. 

Thực tế, nhiều công nhân lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, số lượng công nhân lao động tại khu vực này hầu hết đều làm việc xa nhà, kinh tế còn nhiều khó khăn nên phải sống tại các khu nhà trọ tạm bợ. Do đó, các công nhân lao động yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa bố trí quỹ đất để triển khai xây dựng nhà ở xã hội dành cho đối tượng có thu nhập thấp, nhằm ổn định cuộc sống và yên tâm lao động. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh rằng nhu cầu về NƠXH là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Hiện tỉnh đang triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, dựa trên thống kê của Sở Xây dựng, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thiện 16 dự án NƠXH có quy mô gần 3.700 căn hộ. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã hoàn thiện 3 dự án NƠXH có quy mô gần 3.000 căn.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án NƠXH với tổng hơn 4.400 căn. Dự án đầu tiên là NƠXH Hưng Phú II nằm trên đường 2 tháng 4 (TP.Nha Trang) với số lượng là 1.220 căn.

Dự án thứ hai là Khu NƠXH tại phường Cam Nghĩa (TP.Cam Ranh) với 3.180 căn. Ngoài ra, còn 2 dự án NƠXH đang trong quá trình triển khai thi công với số lượng hơn 400 căn gồm NƠXH 2 tại Khu đô thị mới Phước Long và NƠXH Cam Ranh. 

Khởi công cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh trong năm 2024

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài khoảng 27 km và nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Điểm bắt đầu của dự án nối với tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối cùng là nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Theo quyết định được thông qua, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đầu tư theo phân kỳ với 4 làn xe và rộng 17 m. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 4.770 tỷ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm cơ quan quản lý. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có 6 làn xe, mặt đường rộng 32,25 m và tốc độ thiết kế là 100 km/h. Dự án này sử dụng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo gần đây của Bộ GTVT, do dự án đi qua khu vực địa chất phức tạp và đất yếu, chi phí đền bù mặt bằng tăng thêm khoảng 353 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí xây dựng cũng tăng thêm 788 tỷ đồng do điều chỉnh khối lượng và đơn giá. Chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác cũng tăng khoảng 80 tỷ đồng, được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng. Chi phí dự phòng cũng tăng thêm khoảng 218 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Nếu chủ trương được phê duyệt vào tháng 7/2023, Bộ GTVT sẽ thông qua dự án vào tháng 8/2023 và tiến hành đàm phán ký kết Hiệp định vay ODA với Chính phủ Hàn Quốc vào cuối năm 2023.

Dự án dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9/2024, dự kiến hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào hoạt động vào năm 2027.

TP.HCM quy hoạch giao thông đồng bộ với phát triển đô thị

Trả lời về vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống giao thông thành phố, ông Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay, theo quy định, chỉ có quy hoạch chuyên ngành giao thông quốc gia và trên cơ sở quy hoạch ngành để tích hợp với quy hoạch chung của thành phố.

Năm 2022, thành phố đã tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá quy hoạch giao thông thành phố cùng các tỉnh, bộ, ngành liên quan cho thấy quy hoạch phát triển giao thông của TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 tương ứng với quy hoạch ngành quốc gia.

Đến nay, thành phố cần phải nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt cho phù hợp yêu cầu ưu tiên phát triển. Về quy hoạch kết nối vùng, thành phố đang nghiên cứu cùng các địa phương bổ sung, điều chỉnh bổ sung công trình kết nối với các tỉnh lân cận, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ để phù hợp, tăng tính khả thi và phát huy được hiệu quả kinh tế của vùng.

Bên cạnh đó, thành phố đang nghiên cứu quy hoạch giao thông trong quy hoạch phát triển đô thị để đồng bộ và phát huy được hiệu quả chung, trong đó có cả việc phát triển hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt đô thị…

Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch còn chậm, vì khi thực hiện các dự án cần nguồn lực và thời gian. Nguồn lực dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 30% theo kế hoạch, do thiếu nguồn lực. Một số dự án tuy có bố trí vốn nhưng không đạt tiến độ.

Qua kết quả công tác giám sát của Hội đồng Nhân dân vừa qua, nguyên nhân lớn nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm. Tuy nhiên, thời gian tới, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội đã cho phép thành phố có nhiều cơ chế phát huy nguồn lực như BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) thanh toán bằng tiền.

Khi có nguồn lực, có dự án thì phải triển khai nhanh, bài học từ Vành đai 3 cho thấy, vấn đề phối hợp triển khai quyết liệt sẽ đẩy nhanh được tiến độ dự án.

>>> Xem thêm: TẠI ĐÂY

Xa lộ Hà Nội chính thức được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp

Sáng ngày 12/7, với sự đồng thuận của đa số đại biểu, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc đổi tên đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức (TP Thủ Đức) của Xa lộ Hà Nội, tổng chiều dài 7,79km, thành đường Võ Nguyên Giáp.

Từ đó, một trục đường xuyên suốt gồm Xa lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ được hình thành, kết nối sự kiện lịch sử với nhân vật lịch sử (chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Phần đoạn đường đổi tên từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bình Thái có chiều dài 5,9km, và từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức có chiều dài 1,89km. Phần còn lại của Xa lộ Hà Nội sẽ tiếp tục kéo dài từ ngã tư Thủ Đức tới TP Biên Hòa (Đồng Nai).

tm-img-alt
Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức trên địa bàn TP.HCM chính thức được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Internet)

Qua việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp, với mong muốn tôn vinh công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

UBND TP Thủ Đức đã tiến hành thu thập ý kiến từ cộng đồng dân cư sống tại tuyến đường, và kết quả cho thấy hơn 90% người dân đồng ý với việc đổi tên đường.

Trong đề nghị, HĐND TP đã yêu cầu rà soát và thống kê thông tin về doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên 8 phường của TP Thủ Đức, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp điều chỉnh, cập nhật các giấy tờ liên quan. Điều này nhằm giảm thiểu sự xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.

Các biện pháp triển khai thực tế đã được tổ chức để đặt bảng tên mới cho đường Võ Nguyên Giáp và điều chỉnh các biển giao thông liên quan sau khi nghị quyết có hiệu lực.

Long An: Một DN đăng ký thực hiện dự án 25 nghìn tỷ đồng

Tổng chi phí sơ bộ của Dự án khoảng 25.162,877 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 3.095 tỷ đồng. Dự án có diện tích khoảng 197,2 ha, tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Quy mô đầu tư gồm: biệt thự, nhà liền kề, chung cư, đất nền tái định cư, nhà ở xã hội; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (riêng quỹ đất đầu tư xây dựng công trình văn hóa - thể dục thể thao và đất cơ quan hành chính sẽ chuyển giao cho tỉnh Long An để thực hiện dự án riêng).

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/7/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...