Chủ nhật, 28/04/2024 00:06 (GMT+7)

TP.HCM quy hoạch giao thông đồng bộ với phát triển đô thị

MTĐT -  Thứ tư, 12/07/2023 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang nghiên cứu quy hoạch giao thông trong quy hoạch phát triển đô thị để đồng bộ và phát huy được hiệu quả chung, trong đó có cả việc phát triển hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt đô thị…

TP.HCM quy hoạch giao thông đồng bộ với phát triển đô thị
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM trả lời chất vấn các đại biểu HĐND thành phố. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Ngày 11.7, Kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Quận 1.

Phát triển kinh tế giao thông

Trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết "kinh tế giao thông" là một khái niệm mới và đang được triển khai tại thành phố.

Trên thực tế, công việc ngành Giao thông là rất lớn để phù hợp cho quy mô dân số lớn, đòi hỏi đầu tư lớn.

Để phát triển kinh tế giao thông, thành phố thành lập hai tổ nghiên cứu về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) và tổ nghiên cứu triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Thành phố mong muốn từ sự phát triển giao thông góp phần kích thích kinh tế thành phố và khu vực với định hướng nguồn vốn đầu tư cho giao thông có thể có ngay nguồn thu, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất.

Cụ thể, thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Rạch Xuyên Tâm, Kênh Tham Lương-Bến Cát… để tạo nguồn lực có được từ quỹ đất xung quanh; hay nghiên cứu TOP với trục xung quanh các nút giao, bến Merto, đường Vành đai 3.

Nghị quyết 98/2023/QH15 cho phép thành phố áp dụng những cơ chế mới như thành lập dự án thu hồi đất bằng dự án độc lập; được điều chỉnh quy hoạch của Bộ trên cơ sở quy mô dân số và thực tế để đạt hiệu quả cao nhất.

Trên cơ sở đó, thành phố sẽ rà soát quy hoạch khu vực nút giao, nhà ga, trục tuyến đường và điều chỉnh quy hoạch từ đó xây dựng dự án thu hồi đất, kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng phát triển.

Trả lời về vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống giao thông thành phố, ông Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay, theo quy định, chỉ có quy hoạch chuyên ngành giao thông quốc gia và trên cơ sở quy hoạch ngành để tích hợp với quy hoạch chung của thành phố.

Năm 2022, thành phố đã tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá quy hoạch giao thông thành phố cùng các tỉnh, bộ, ngành liên quan cho thấy quy hoạch phát triển giao thông của TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 tương ứng với quy hoạch ngành quốc gia.

Đến nay, thành phố cần phải nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt cho phù hợp yêu cầu ưu tiên phát triển. Về quy hoạch kết nối vùng, thành phố đang nghiên cứu cùng các địa phương bổ sung, điều chỉnh bổ sung công trình kết nối với các tỉnh lân cận, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ để phù hợp, tăng tính khả thi và phát huy được hiệu quả kinh tế của vùng.

Bên cạnh đó, thành phố đang nghiên cứu quy hoạch giao thông trong quy hoạch phát triển đô thị để đồng bộ và phát huy được hiệu quả chung, trong đó có cả việc phát triển hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt đô thị…

Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch còn chậm, vì khi thực hiện các dự án cần nguồn lực và thời gian. Nguồn lực dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 30% theo kế hoạch, do thiếu nguồn lực. Một số dự án tuy có bố trí vốn nhưng không đạt tiến độ.

Qua kết quả công tác giám sát của Hội đồng Nhân dân vừa qua, nguyên nhân lớn nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm. Tuy nhiên, thời gian tới, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội đã cho phép thành phố có nhiều cơ chế phát huy nguồn lực như BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) thanh toán bằng tiền.

Khi có nguồn lực, có dự án thì phải triển khai nhanh, bài học từ Vành đai 3 cho thấy, vấn đề phối hợp triển khai quyết liệt sẽ đẩy nhanh được tiến độ dự án.

Thúc đẩy xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh thành phố

Tại phiên chất vấn của HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, thời gian tới, khi tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, ngành Du lịch xác định tâm thế, tư duy, phương châm hành động và cách làm mới để đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế thành phố.

TP.HCM quy hoạch giao thông đồng bộ với phát triển đô thị
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM trả lời chất vấn các đại biểu HĐND thành phố. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, ngành Du lịch xác định 5 yếu tố cốt lõi và xây dựng thương hiệu, chất lượng cũng như chiến lược truyền thông.

Ngành tiến hành xúc tiến quảng bá chung về điểm đến TP.HCM, thương hiệu của thành phố; chú trọng xúc tiến, quảng bá thế mạnh của các địa phương gắn với địa danh như Chợ Lớn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chính, sản phẩm bổ trợ.

Ngành Du lịch phối hợp với cơ quan báo chí trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng kênh truyền thông, thông tin có độ lan tỏa cao; quảng bá trực tiếp qua hoạt động mời đối tác nước ngoài đến thành phố để giao lưu, kết nối doanh nghiệp, mời báo chí nước ngoài khảo sát thị trường thành phố.

Đồng thời, thành phố nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch tại nước ngoài thông qua các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, kênh ngoại giao nhân dân, hoạt động tổ chức sự kiện…

Về phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ngành Du lịch có 8 nhóm giải pháp đang thực hiện đồng bộ đó là phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng.

Thành phố xác định 4 nhóm sản phẩm du lịch chính đang có nguồn thu lớn là văn hóa lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. Thành phố đang nghiên cứu, đầu tư củng cố hệ thống bảo tàng, triển lãm… để tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch thành phố nghiên cứu, xây dựng mô hình, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch tiềm năng gắn với lợi thế của thành phố như, du lịch đường thủy, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí, kinh tế đêm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết 6 tháng đầu năm 2023, hơn 1,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến TP.HCM, tăng 306% so cùng kỳ năm trước (nhưng chỉ bằng 50% so với năm 2019).

Thành phố đón hơn 16 triệu lượt khách nội địa (tăng 48% so với cùng kỳ năm trước), doanh thu 6 tháng đạt hơn 48.000 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Đự kiến khởi công cầu Cần Giờ vào ngày 30.4.2025

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến tiến độ xây dựng dự án cầu Cần Giờ, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết huyện Cần Giờ có thuận lợi để phát triển giao thông xanh, thành phố du lịch. Nhưng để phát triển được thì hạ tầng phải đi trước và vấn đề được cử tri, lãnh đạo thành phố nhìn nhận là phải ưu tiên xây dựng cầu Cần Giờ. “Về phương án kỹ thuật của dự án, cơ bản đã xong, Sở (Giao thông Vận tải) đang cùng địa phương rà soát lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ khởi công vào ngày 30.4.2025”, ông Trần Quang Lâm cho hay.

Có quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,6 km, bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm thành phố. Cầu có quy mô 6 làn xe.

Công trình thiết kế dây văng 1 trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.

Dự án này lúc trước dự kiến kết hợp đầu tư giữa hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với nguồn vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hình thức BT, công trình phải tìm nguồn vốn đầu tư khác.

Theo ông Lâm cho biết hiện Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu đầu tư dự án theo hợp đồng BOT, hợp đồng BT (theo hình thức trả bằng tiền theo cơ chế của Nghị quyết 98 của Quốc hội) hoặc đầu tư công. Về hình thức thực hiện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết dự án có lấy kinh nghiệm từ dự án đường Vành đai 3 để thực hiện, trong đó tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và dự án đầu tư xây dựng riêng để đẩy nhanh tiến độ.

T.H.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM quy hoạch giao thông đồng bộ với phát triển đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Xuân Khu/TTXVN

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề