Thứ hai, 29/04/2024 07:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/11/2023

MTĐT -  Thứ tư, 15/11/2023 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 15/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường, cảnh báo có nơi dưới 10 độ

Dự báo khoảng đêm 15/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3; vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

tm-img-alt

Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 14-17 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ.

Trên biển từ đêm 15/11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc lại mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Từ ngày 16/11, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 3,0-6,0m, biển động mạnh; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động.

Từ đêm 15-16/11, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Phổ Yên (Thái Nguyên) chú trọng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Phổ Yên phát triển nhanh khi thu hút được nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, môi trường lại bị ảnh hưởng do tác động của phát triển công nghiệp, chăn nuôi. Từ thực tế này, thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Tháng 9-2023, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế, tại phường Thuận Thành (TP. Phổ Yên).
Tháng 9-2023, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế, tại phường Thuận Thành (TP. Phổ Yên).

Với 4 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động trên địa bàn, Phổ Yên thu hút một lượng lớn người lao động đến sinh sống, làm việc. Do đó, lượng rác thải phát sinh tương đối lớn, khoảng 75 tấn/ngày.

Xác định BVMT là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế, thành phố đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức BVMT; ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT; chỉ đạo cơ quan chuyên môn bám sát các quy định của pháp luật để kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch BVMT phù hợp với thực tế, phát huy hiệu quả.

Theo đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp xây dựng các mô hình nông dân tham gia BVMT; mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; vận động nhân dân thường xuyên phát quang, tu sửa, nạo vét kênh mương để tránh ô nhiễm nguồn nước; hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn; thực hiện tốt việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn…

Trong 5 năm gần đây, nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động BVMT trên địa bàn thành phố là trên 115 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, địa phương đã xây dựng hơn 200 điểm tập kết rác thải sinh hoạt tại các xã, phường; đầu tư trên 500 xe đẩy rác, hơn 600 thùng đựng rác di động; thành lập 30 tổ thu gom rác thải tại các khu dân cư để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ra điểm tập trung; bố trí các bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đặt tại các cánh đồng, phát động phong trào trồng cây xanh, cây cảnh hai bên đường…

Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo 5 hợp tác xã, doanh nghiệp môi trường trên địa bàn tăng cường thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; tổ chức quét dọn đường, vỉa hè tại khu vực nội thị, nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Hằng năm, UBND thành phố thành lập tổ công tác liên ngành, phối hợp với các xã, phường kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Theo ông Dương Văn Diễn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Phổ Yên: Từ đầu năm đến nay, địa phương đã tiếp nhận nhiều lượt ý kiến, phản ánh của cử tri phường Thuận Thành về tình trạng ô nhiễm môi trường do phát sinh khói, bụi trong hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng Đa Phúc. Trên cơ sở này, Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, giải quyết, không để xảy ra điểm nóng.

Tính riêng giai đoạn 2018-2023, TP. Phổ Yên đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý 9 cá nhân, tổ chức vi phạm với số tiền trên 310 triệu đồng. Qua đó yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh khắc phục hậu quả, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về BVMT, hạn chế thấp nhất ô nhiễm trong quá trình hoạt động.

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp, nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn TP. Phổ Yên về BVMT đã được nâng lên, tình trạng xả rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường giảm rõ rệt, chất lượng môi trường được cải thiện.

Đến nay, trên 80% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã được thu gom, xử lý đúng nơi quy định; các xã, phường đã thành lập được gần 300 tổ tự quản BVMT và ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, xử lý rác thải; 100% rác thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định; trên 85% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường…

Hà Tĩnh: Điều tiết nước các hồ đập lớn để chủ động ứng phó với mưa to

Cụ thể, trong chiều ngày 14/11, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã điều tiết nước hồ Kẻ Gỗ qua 2 cửa tràn Dốc Miếu với lưu lượng 10m3/giây. Cùng với xả tràn, hồ cũng được hạ thấp mực nước qua cống thủy điện với lưu lượng 15m3/giây.

Hồ Kẻ Gỗ nằm ở xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) có cao trình 32,5m, dung tích 345 triệu m3, cao trình ngưỡng tràn là 26,5m (mực nước hồ cao trên 26,5m mới có thể vận hành điều tiết nước qua tràn). Vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ là nhiều xã, phường, thị trấn với hàng vạn hộ dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh.

Tại công trình thủy lợi đầu mối Kẻ Gỗ (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh), trước thời điểm điều tiết nước, cao trình hồ Kẻ Gỗ là 30,76m, tương ứng dung tích 295 triệu m3. Trường hợp thời tiết không mưa hoặc mưa không quá phức tạp, hồ còn có thể tích nước lên cao trình 31,5m, tương đương dung tích 315 triệu m3.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh hiện đang quản lý và vận hành 33 hồ đập lớn nhỏ. Thời gian qua, trước tình hình trên địa bàn tỉnh liên tục có các đợt mưa lớn diện rộng, các hồ đập trên địa bàn tỉnh gần như đã đầy nước, đơn vị này đã triển khai nhiều đợt vận hành xả tràn điều tiết nước tại các hồ chứa lớn như: Thượng Sông Trí, Kim Sơn, Đá Hàn, Tàu Voi, Sông Rác, Bộc Nguyên. Các hồ chứa có dung tích nhỏ, nằm chủ yếu ở các huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh..., đã tích đầy nước từ các đợt mưa lớn trước thì chảy qua tràn tự do mỗi khi có mưa kéo dài.

Cụ thể, hồ Sông Rác (xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên), hồ Bộc Nguyên (xã Nam Điền, huyện Thạch Hà), hồ Kim Sơn, hồ Thượng Sông Trí (cùng xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh), hồ Đá Hàn (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê), hồ Tàu Voi (phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh) với lưu lượng xả từ 3 – 50 m3/giây.

Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, từ đêm 15 - 16/11, một đợt không khí tăng cường với cường độ khá mạnh nên trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, ven biển phía Nam có mưa rất to, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã chủ động xả tràn, hạ thấp mực nước hồ Kẻ Gỗ từ chiều 14/11.

tm-img-alt
Chiều ngày 14/11, hồ Kẻ Gỗ đã chủ động điều tiết nước với lưu lượng 10m3/giây.

Ngoài việc dự vào dự báo Hà Tĩnh có mưa lớn diện rộng, việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ còn căn cứ theo mực nước thực tế ở hồ cùng quy trình vận hành, điều tiết nước đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1702/QĐ-UBND ngày 19/8/2022 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Ông Đặng Hoà Bình – Trưởng phòng Quản lý và khai thác Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh cho hay: Trước thời điểm xả tràn điều tiết nước hồ Kẻ Gỗ, đơn vị đã thông báo tới UBND các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh cùng các xã vùng hạ du chịu ảnh hưởng trong hệ thống, có thông báo, hướng dẫn đến tận người dân được biết, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.

Theo ông Bình, việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ là hoạt động điều tiết bình thường để hạ bớt mực nước hồ về đúng quy trình vận hành theo phương án đã được phê duyệt và giảm nguy cơ mất an toàn trong đợt mưa ngày 16/11. Với mực nước hồ và tình hình thực tế mực nước vùng hạ du như hiện nay, việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ không đáng lo ngại.

Ninh Bình tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch

tm-img-alt
Khu du lịch sinh thái Tràng An là một trong những địa điểm hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Du lịch, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ: Chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan. Chủ động kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có biện pháp bảo vệ môi trường du lịch, thu gom, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định; thực hiện nghiêm quy định về phí, lệ phí, niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan. Kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đặc biệt là các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn du lịch, ăn uống và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở vui chơi giải trí.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, xây dựng, vận hành các hệ thống du lịch thông minh nhằm quản lý điểm du lịch hiệu quả, an toàn, văn minh, thân thiện.

Cùng với đó, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các khu, điểm du lịch; tổ chức rà soát, chỉ dẫn, phân luồng giao thông, phòng chống tại nạn, ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các khu, điểm du lịch. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch nhất là vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, phương tiện thuỷ nội địa… Ngoài ra, rà soát, cảnh báo, có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đặc biệt trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất thường.

Quảng Ngãi: Khẩn trương khắc phục sạt lở do mưa lớn kéo dài

Mưa lớn kéo dài từ ngày 13 đến 15/11 gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khiến đất đá vùi lấp mặt đường, hư hỏng công trình giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngành Giao thông Vận tải tỉnh đang tập trung nhân lực, phương tiện khắc phục nhanh tại các vị ví sạt lở, đảm bảo an toàn lưu thông thông suốt trên các tuyến đường.

tm-img-alt

Ghi nhận của phóng viên trên tuyến tỉnh lộ DT.626 (từ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đi xã Hương Trà, huyện Trà Bồng) đã có 7 điểm sạt lở núi, ta luy, đất đá vùi lấp mặt đường, nặng nhất là tại vị trí Km7+650 (qua tổ dân phố Nước Nia, thị trấn Di Lăng). Mưa lớn trong ngày 14/11 làm 1.500 m3 đất đá từ trên đồi cao tràn xuống lòng đường chia cắt tuyến đường này khiến người dân và các phương tiện không thể lưu thông qua khu vực.

Trong chiều 14 và sáng 15/11, Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Ngãi đã huy động xe múc cùng các công nhân dọn bùn đất, đá sạt lở, gạt bùn đất để khơi thông tuyến đường. Chính quyền các địa phương nơi xảy ra sạt lở đã cắm các biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các vị trí ách tắc, nguy hiểm, các vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động phòng tránh khi lưu thông qua khu vực.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, đến trưa 15/11, đơn vị xác định có 70 vị trí sạt lở ta luy, đất đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước trên Quốc lộ 24, 24B, 24C và các tuyến tỉnh lộ với khối lượng hơn 7.000 m3. Nhiều vị trí vẫn đang bị ngập nước như: cầu Sơn Kỳ, Tràn Thạch Nham Km19+700, DT623B... gây tắc giao thông. Ông Mai Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong hai ngày 14 và 15, ngành Giao thông tỉnh đã tổ chức thông tuyến 3 vị trí sạt lở trên các tuyến DT.626 và DT.623; đồng thời, khơi thông bùn đất vùi lấp các rãnh kênh thoát nước, thu dọn đất đá trên đường. Hiện tại Quảng Ngãi vẫn có mưa lớn, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở. Ngành Giao thông tỉnh đã chỉ đạo 7 Hạt giao thông trực thuộc tổ chức ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; bố trí phương tiện thu dọn bùn đất, thông tuyến khi xảy ra sạt lở. Sở đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1, bước 2 trên các tuyến đường.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa lớn. Từ ngày 13 -15/11, tại địa phương có mưa lớn kéo dài, có nơi đo được trên 500 mm, khiến nước lũ dâng cao trên sông Trà Khúc, sông Vệ; một số nhà ở, công trình trường học tại các địa phương bị hư hại. Nước lũ gây ngập úng cục bộ tại một số khu dân cư, sạt lở bờ sông Liên (huyện Ba Tơ), sông Trà Khúc (huyện Sơn Tịnh).

Chủ tịch COP27 kêu gọi nỗ lực nhiều hơn để giảm lượng khí thải

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 14/11, gần hai tuần trước khi COP28 khai mạc tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm lượng khí thải và cung cấp công nghệ cũng như nguồn tài chính cần thiết cho các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.

Chủ tịch COP27 nhấn mạnh rằng "điều quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, có tính đến an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển bền vững". Ông Shoukry cũng lưu ý thêm rằng hợp tác và hợp tác quốc tế là cách duy nhất để đạt được các mục tiêu Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ngoại trưởng Ai Cập đã nêu nhận xét trên khi đồng chủ trì cuộc họp cuối cùng của Nhóm lãnh đạo doanh nghiệp tại COP27. Nhóm này được thành lập bởi vai trò Chủ tịch COP 27 của Ai Cập với sự cộng tác của tỷ phú Nassef Sawiris - Giám đốc điều hành OCI Global, một công ty kinh doanh hydro, nitơ và năng lượng. Cơ chế hợp tác này được thành lập với mục đích giúp các bên liên quan khác nhau tham gia vào hành động khí hậu, bao gồm cả khu vực tư nhân, liên lạc với nhau để khám phá các giải pháp khí hậu mang tính khả thi.

Ngoại trưởng Shoukry đã nhấn mạnh những tiến bộ và thành tựu đã đạt được trong thời gian Ai Cập làm Chủ tịch hội nghị COP27, bao gồm việc đưa ra các thỏa thuận tài chính mới và Quỹ tổn thất và thiệt hại. COP27 cũng kích hoạt Chương trình nghị sự thích ứng Sharm El-Sheikh để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới và tăng cường khả năng phục hồi trong các hệ thống thực phẩm, nước, đại dương, thành phố, y tế và cơ sở hạ tầng.

Theo kế hoạch, hội nghị COP28 sẽ được UAE tổ chức tại Dubai từ ngày 30/11-12/12. Tại sự kiện này, các nước tham dự sẽ tập trung thảo luận và đánh giá tiến bộ mà các nước đạt được trong cam kết thực hiện mục tiêu đầy tham vọng mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đề ra. Theo đó, hiệp định này giới hạn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thế giới muôn loài trong cuộc đua tiến hóa trước biến đổi khí hậu

tm-img-alt
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến muôn loài

Biến đổi khí hậu (phần lớn do con người gây ra) đang ngày càng biến đổi môi trường sống trên Trái đất. Nhiệt độ tăng, sự thay đổi nhanh chóng về thời điểm và lượng mưa cũng như quá trình axit hóa đại dương đang khiến môi trường của nhiều loài động vật bị tác động. Làm thế nào để động vật thích nghi với những điều kiện mới, thường là khắc nghiệt này?

Hệ thống thần kinh của động vật đóng vai trò trung tâm trong việc tạo điều kiện cũng như hạn chế cách chúng phản ứng với biến đổi khí hậu. Hai trong số những mối quan tâm nghiên cứu chính của Sean O'Donnell (Giáo sư về đa dạng sinh học, Khoa khoa học và sinh học trái đất và môi trường, Đại học Drexel) liên quan đến việc tìm hiểu cách động vật thích ứng với nhiệt độ khắc nghiệt và xác định các động lực tác động lên cấu trúc cũng chức năng của hệ thần kinh động vật, đặc biệt là não.

Tất cả các chức năng chính của hệ thần kinh - cảm nhận, xử lý và định hướng hành vi, đều rất quan trọng. Chúng cho phép động vật điều hướng trước biến động của môi trường xung quanh theo những cách giúp chúng tồn tại và sinh sản. Biến đổi khí hậu có thể sẽ ảnh hưởng đến các chức năng này, thường là theo chiều hướng tồi tệ hơn.

Thay đổi cảm nhận về môi trường

Biến đổi khí hậu làm thay đổi cân bằng năng lượng của hệ sinh thái, từ thực vật tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời đến động vật ăn thực vật và các động vật khác, sau đó làm thay đổi thế giới quan của động vật. Biến đổi khí hậu có thể sẽ thách thức tất cả các giác quan của chúng, từ thị giác, vị giác đến khứu giác, xúc giác.

Động vật cao cấp như động vật có vú cảm nhận được nhiệt độ một phần nhờ các protein thụ thể đặc biệt trong hệ thần kinh phản ứng với nhiệt độ nóng và lạnh, phân biệt giữa nhiệt độ an toàn và nguy hiểm. Những protein thụ thể này giúp động vật tìm kiếm môi trường sống thích hợp và có thể đóng vai trò quan trọng trong cách động vật phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ.

Biến đổi khí hậu làm gián đoạn các tín hiệu môi trường mà động vật dựa vào để giải quyết các vấn đề như chọn môi trường sống, tìm thức ăn và chọn bạn tình.

Một số động vật, chẳng hạn như muỗi truyền ký sinh trùng và mầm bệnh, dựa vào độ dốc nhiệt độ để tự định hướng với môi trường thích hợp. Sự thay đổi nhiệt độ đang làm thay đổi địa điểm và thời điểm muỗi tìm kiếm vật chủ, dẫn đến những thay đổi về quá trình truyền bệnh. Đây là lý do vì sao bệnh dịch liên quan đến muỗi bùng phát trên thế giới thời gian gần đây.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh đến tín hiệu hóa học mà động vật sử dụng mùi (từ các tuyến cơ thể) để giao tiếp với nhau hoặc cảnh báo với đối thủ cạnh tranh vì các hợp chất tạo mùi rất nhạy cảm với nhiệt độ.

Các nguồn thông tin đáng tin cậy trước đây dành cho thế giới muôn loài như cảm nhận sự thay đổi mùa thông qua thời lượng ánh sáng ban ngày, giờ có thể mất đi tính chính xác. Ví dụ, điều này có thể báo hiệu sai thời điểm ra hoa và đậu quả của thực vật, đồng thời làm rối loạn hành vi như ngủ đông hay di cư của động vật. Tất cả đều mất đi đồng hồ tự nhiên và không còn hoạt động chính xác, thứ đã giúp chúng thích nghi và tồn tại hàng triệu năm. Điều đó giống như xã hội loài người một ngày nào đó mà đồng hồ của chúng ta loạn nhịp, chỉ giờ lung tung.

Nhiệt độ tăng có thể làm gián đoạn quá trình phát triển và hoạt động của não động vật, tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến khả năng thích ứng hiệu quả với môi trường mới của chúng. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại sự khắc nghiệt của nhiệt độ có thể làm thay đổi từng tế bào thần kinh ở cấp độ di truyền và cấu trúc, cũng như cách tổ chức bộ não.

Trong môi trường biển, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những thay đổi về thành phần hóa học trong nước do khí hậu gây ra như axit hóa đại dương có thể ảnh hưởng đến hiệu suất nhận thức và khả năng cảm nhận của động vật dưới biển, chẳng hạn như khả năng theo dõi mùi ở cá rạn san hô và cá mập.

Độ dẻo trong quá trình tiến hóa

Động vật có thể phản ứng với nghịch cảnh khí hậu bằng cách thay đổi môi trường sống, thậm chí thay đổi phạm vi hoạt động của chúng trên bản đồ địa lý. Hoạt động cũng có thể chuyển sang các thời điểm khác nhau trong ngày hoặc sang các mùa mới.

Việc buộc phải thay đổi môi trường thói quen đột ngột, tiềm ẩn nhiều rủi ro với động vật. Ví dụ, cá ở vùng biển ấm lên đã chuyển sang vùng nước mát hơn, sâu hơn, nơi có cường độ ánh sáng và dải màu khác biệt đáng kể so với hệ thống thị giác của chúng vốn quen thuộc.

Hơn nữa, vì không phải tất cả các loài sẽ thay đổi hành vi theo cùng một cách, nên các loài di chuyển đến môi trường sống mới, thay đổi thời gian hoạt động trong ngày hoặc mùa sẽ phải đối mặt với những loài mới, gồm con mồi, đối thủ cạnh tranh và động vật săn mồi cũng như mầm bệnh.

Những thay đổi hành vi do biến đổi khí hậu thúc đẩy sẽ tái cấu trúc các hệ sinh thái trên toàn thế giới, với những kết quả phức tạp và khó lường.

Bộ não động vật rất linh hoạt, được phát triển để phù hợp với trải nghiệm môi trường của từng cá thể. Chúng thậm chí còn có khả năng thay đổi đáng kể khi trưởng thành.

Nhưng các nghiên cứu so sánh các loài đã cho thấy tác động mạnh mẽ của môi trường lên quá trình tiến hóa của não. Hệ thống thần kinh của động vật đã tiến hóa để phù hợp với cảm nhận môi trường trong không gian hoạt động của mỗi loài. Những thay đổi này gợi ý rằng chế độ khí hậu mới sẽ định hình lại hệ thần kinh động vật bằng cách buộc chúng phải tiến hóa.

Dù một số bộ phận của hệ thần kinh bị hạn chế bởi sự thích nghi di truyền (vốn được hình thành qua nhiều thế hệ trong thời gian dài) nhưng vẫn có những bộ phận khác lại linh hoạt hơn và phản ứng nhanh hơn với các điều kiện môi trường mới. Hiểu rõ hơn về cách hệ thần kinh của động vật thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng sẽ giúp dự đoán tất cả các loài sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi biến đổi khí hậu, để từ đó có biện pháp cứu giúp từng loài.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.