Thứ hai, 29/04/2024 16:03 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 14/11/2023

MTĐT -  Thứ ba, 14/11/2023 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Phê duyệt tuyến đường rộng 21m đi qua Phúc Thọ và Sơn Tây

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 21A, tỷ lệ 1/500 tại huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây.

Theo đó, tuyến đường đi qua địa bàn các xã Trạch Mỹ Lộc, Tích Giang, Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) và phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) với tổng chiều dài khoảng 3,7km.

Điểm đầu tuyến đường tại nút giao với đường Quốc lộ 32 (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ). Điểm cuối tại nút giao với đường Quốc lộ 21A tại khu vực Cầu Cời (phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây).

Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang 21m. Trong đó, lòng đường xe chạy rộng 15m, lề hai bên mỗi bên rộng 3m.

Chỉ giới đường đỏ được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang và các thông số kỹ thuật được thể hiện trên bản vẽ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra xác nhận hồ sơ chỉ giới đường đỏ phù hợp với nội dung theo Quyết định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản vẽ trình duyệt. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn liên quan cập nhật vị trí, hướng tuyến và quy mô mặt cắt ngang đường theo hồ sơ chỉ giới đường đỏ được duyệt.

UBND huyện Phúc Thọ chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai và bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ để tổ chức và nhân dân được biết, thực hiện.

Đồng thời, triển khai cắm mốc giới trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư tuyến đường, quản lý việc xây dựng các công trình hai bên đường theo chỉ giới đường đỏ được duyệt. Trường hợp phát hiện vi phạm xử lý theo quy định.

Đề xuất thu phí 1.900 đồng mỗi km vành đai 4 Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thống nhất mức giá và lộ trình tăng phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc cho dự án thành phần 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.

Theo đề xuất của Hà Nội, nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có mức phí thấp nhất mỗi km là 1.900 đồng, cao nhất là nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 ft) 7.220 đồng. Như vậy, xe con lưu thông trên toàn bộ vành đai 4 dài 113 km, mức phí dự kiến khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng.

Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến thời điểm dự án hoàn vốn. Đến năm 2054, khi gần kết thúc hoàn vốn, mức phí mỗi km cao tốc lên tới 5.400 đồng với xe nhóm 1 và 20.520 đồng với xe nhóm 5.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo UBND Hà Nội, khung giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc vành đai 4 có tham chiếu các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 và các quy định hiện hành.

Dự án đường vành đai 4 được khởi công vào tháng 6/2023, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án thành phần 3 vành đai 4 Hà Nội gồm xây dựng đường cao tốc 113 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư 55.052 tỉ đồng.

UBND TP Hà Nội đề xuất phân chia dự án thành phần 3 thành hai hạng mục. Hạng mục 3.1 (vốn ngân sách) có tổng mức đầu tư gần 26.600 tỉ đồng, gồm xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và các đoạn từ nút giao quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7 km.

Hạng mục 3.2 (vốn đầu tư BOT) có tổng mức đầu tư gần 28.460 tỉ đồng, gồm xây dựng đường cao tốc các đoạn từ nút giao Nội Bài - Lào Cai đến nút giao quốc lộ 6, từ nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long theo phương thức PPP.

Hà Nội đã dừng chủ trương đầu tư dự án N14, N15 Lê Văn Lương của nhóm Lã Vọng

Hà Nội đã dừng chủ trương đầu tư dự án N14, N15 Lê Văn Lương của nhóm Lã Vọng sau nhiều năm chậm tiến độ
Khu đất N14, N15. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Liên quan đến dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương chậm triển khai, trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết, ô đất N14, N15 có tổng diện tích 12.561 m2, được Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2016.

Đây là dự án đầu tư công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở, nhà đầu tư là CTCP Đầu tư và Thương mại Louis. Quá trình triển khai GPMB dự án có phát sinh đơn thư. Căn cứ báo cáo của Thanh tra Thành phố và xem xét đơn thư, tháng 2/2020, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án này.

Về việc xử lý các nội dung tồn tại của dự án, thành phố đã giao các Sở, ban, ngành rà soát quy định hiện hành để tham mưu đề xuất.

Theo tìm hiểu của người viết, khu đất dự án N14, N15 nằm tại ô quy hoạch có ký hiệu QH 46, thuộc địa phận phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Phía tây nam dự án giáp phố Hoàng Ngân, phía tây bắc giáp tiếp giáp đường Lê Văn Lương.

Tại báo cáo đề xuất nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn thời kỳ kỳ 2021 - 2030 mà UBND quận Cầu Giấy gửi Sở TN&MT, dự án này có diện tích 0,96 ha, chức năng là đất ở đô thị.

Ô đất N14 và N15 trước đây từng có tên cũ là ô đất 5.1-NO và 5.5-NO, chủ đầu tư là Công ty Louis. Từ năm 2018, các hộ dân trên vùng dự án đã nhận quyết định thu hồi đất. Theo ghi nhận, một phần khu đất thuộc dự án đã được giải phóng mặt bằng và quây tôn.

Louis được thành lập vào tháng 2/2016, có trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội. Doanh nghiệp này có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn Lã Vọng.

Trước đây, cơ cấu cổ đông của Louis có sự xuất hiện của ông Lê Văn Vọng - người sáng lập Tập đoàn Lã Vọng Group. Cổ đông sáng lập của Louis còn có bà Đặng Thị Lý, người đồng thời là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Phát triển và Dịch vụ Thương mại Đại An - đối tác của Lã Vọng Group tại một số dự án ở Hà Nội.

Hiện nay, Louis cùng với CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới (hạt nhân trong hệ sinh thái Lã Vọng Group) đang nắm 85% vốn góp tại CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Hoàng Mai - chủ đầu tư Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Khu đất được quy hoạch cho Hancom

Hà Nội đã dừng chủ trương đầu tư dự án N14, N15 Lê Văn Lương của nhóm Lã Vọng sau nhiều năm chậm tiến độ
Ô đất N14, N115 nhìn trên bản đồ quy hoạch phân khu H2-2.

Dù chủ đầu tư là Louis, song tại Bản đồ quy hoạch phân khu H2-2 của TP Hà Nội, khu đất N14, N15 được đề tên CTCP Đầu tư và Khai thác Kinh doanh Hà Nội (Hancom), chức năng là đất hỗn hợp.

Khu đất quy hoạch cho Hancom nêu trên có mặt tiền trải dài khoảng 250 m trên đường Lê Văn Lương, từ đường Hoàng Ngân đến khu đất quân sự của Quân chủng Phòng không Không quân.

Hancom là thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), được HĐQT Handico quyết định thành lập vào năm 2005 với vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2019, Hancom đã đổi tên thành CTCP Đầu tư Xây dựng Nhật Dương Group. Vốn điều lệ doanh nghiệp tính đến 13/12/2019 là 229 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp này có trụ sở tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Tại Hà Nội, Hancom được biết đến là chủ đầu tư của Khu nhà ở và dịch vụ công cộng Xuân La (chung cư Hancom Tây Hồ). Dự án này được khởi công vào tháng 8/2008 và hoàn thành vào tháng 12/2009.

Trên website của Handico, Hancom vẫn nằm trong danh sách đơn vị thành viên. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính được công bố vào năm 2015 của Handico, Hancom không xuất hiện trong danh sách công ty liên doanh, liên kết hay góp vốn của Tổng công ty.

Hà Nam phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Bình Mỹ

Cụ thể, theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Bình Mỹ giai đoạn đến năm 2030 sẽ do UBND huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) là cơ quan tổ chức lập quy hoạch.

Mục tiêu nhằm cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Lục đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Nam đến năm 2023, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt, Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hà Nam.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Từ đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, hạ tầng và nguồn lao động sẵn có phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực.

Hình thành các khu vực mới có không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, phát triển bền vững. Phấn đấu mục tiêu phát triển Bình Mỹ thành đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội theo hướng sinh thái xanh...

Tại Quyết định số 1304/QĐ-UBND, UBND tỉnh Hà Nam cũng thông tin, quy mô, diện tích quy hoạch chung thị trấn Bình Mỹ sẽ trên cơ sở diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính thị trấn Bình Mỹ, xã An Mỹ, xã Mỹ Thọ với quy mô khoảng 1.462ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam giao UBND huyện Bình Lục là đơn vị tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch, cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa theo quy định, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch theo quy định.

Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam sẽ tiến hành giám sát, quản lý công tác quy hoạch, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nam có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở ngành và UBND huyện Bình Lục rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch được duyệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND huyện Bình Lục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các cơ chế, chính sách, nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư theo Quy hoạch được duyệt theo trình tự ưu tiên từng giai đoạn, đảm bảo tiến độ và đúng quy định.

Đường đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn

Trao đổi thông tin với báo chí, ông Võ Trường Giang, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ II.3 - Khu Quản lý đường bộ II cho biết, do ảnh hưởng của mưa to, tại Km 82+780 quốc lộ 8A xảy ra sụt trượt mái taluy dương.

Theo đó, khoảng 16h chiều 13/11, tại km82+780, tuyến quốc lộ 8 đoạn qua địa phận xã Sơn Kim 1 bị sạt lở. Ước tính sơ bộ, có khoảng hơn 200m3 đất đá đã đổ xuống làm chia cắt đường lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Sau khi xảy ra sự cố, Ban quản lý dự án 4 đã điều thiết bị, phối hợp với các bên thu dọn hiện trường để phương tiện lưu thông. Sau hơn 2h khắc phục, phương tiện đã được thông tuyến.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tuy nhiên, do đang có mưa lớn, tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở, vì để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông vào ban đêm, ngành chức năng đã yêu cầu tạm thời dừng lưu thông trên tuyến cả hai chiều từ 18h tối nay (13/11).

“Ngành chức năng chốt chặn hai đầu, tạm thời dừng lưu thông trên đường đi lên Cửa khẩu Cầu Treo và ngược lại. Phương án này được đưa ra để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện di chuyển vào ban đêm trong thời tiết diễn biến xấu. Đến sáng mai phương tiện sẽ lưu thông trở lại”, ông Võ Trường Giang cho hay.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, cũng trên tuyến đường này, khối lượng lớn đất đá rơi xuống đường khiến giao thông trên tuyến đoạn qua địa bàn huyện Hương Sơn bị cản trở.

Đề xuất đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng xây cao tốc qua Đắk Nông, Bình Phước

UBND tỉnh Bình Phước vừa gửi các cấp có thẩm quyền và các Bộ liên quan dự thảo tờ trình chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo phương án đề xuất, dự án được đầu tư với tổng chiều dài gần 129km đi qua hai tỉnh: Đắk Nông (gần 28km) và Bình Phước (101km).

Trong đó, chiều dài đường cao tốc khoảng gần 127km; Chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (khoảng 2km).

Giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1), tuyến cao tốc sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m (riêng đoạn qua TP Đồng Xoài nền đường rộng 25,5m), tốc độ thiết kế từ 100 - 120km/h tùy vào điều kiện địa hình.

Đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đầu tư theo quy mô đường cấp III, bề rộng nền đường 12m.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023-2024; Công tác bồi thường, tái định cư thực hiện trong năm 2024; Thời gian thi công dự án từ cuối năm 2024, hoàn thành năm 2026.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.540 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, theo đề xuất, nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng hơn 10.500 tỷ đồng, gồm: Nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 1.760 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 khoảng hơn 8.700 tỷ đồng.

Vốn ngân sách địa phương tham gia dự án khoảng hơn 2.200 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng gần 12.800 tỷ đồng (chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án). Được biết, liên danh Vingroup và Techcombank chính là nhà đầu tư dự án cao tốc này.

Với tính chất là dự án quan trọng quốc gia, để đảm bảo tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành dự án, tại dự thảo, UBND tỉnh Bình Phước cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét hàng loạt cơ chế đặc thù.

Theo phương án đề xuất, công tác GPMB dự án sẽ được thực hiện một lần theo quy hoạch được duyệt (6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25m).

Sơ bộ tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng hơn 1.100ha (tỉnh Đắk Nông khoảng 261ha, tỉnh Bình Phước khoảng 850ha). Sơ bộ số hộ bị ảnh hưởng khoảng hơn 1.200 hộ.

TP.HCM: Hơn 40 dự án bất động sản được gỡ vướng về pháp lý

Báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ cuối năm ngoái đến nay, thành phố đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản... Các vướng mắc tại các dự án chủ yếu liên quan đến pháp lý đất đai, bồi thường, điều chỉnh quy hoạch.

Theo đó, các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án bất động đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị của 148 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổng hợp, kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh thời gian qua.

Tính đến nay, thành phố đã chỉ đạo các sở ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.

UBND TP.HCM cho biết để đẩy nhanh quá trình gỡ vướng pháp lý cho dự án, thành phố đã phân loại các kiến nghị thành 5 nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là vướng mắc thủ tục đầu tư (gồm 48 dự án, 71 kiến nghị); nhóm 2 là vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý (gồm 21 dự án, 22 kiến nghị); nhóm 3 là vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (gồm 15 dự án, 21 kiến nghị); nhóm 4 là nhóm các sở ngành đã có văn bản hướng dẫn giải quyết (gồm 44 dự án, 52 kiến nghị). Cuối cùng, nhóm các dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm 30 dự án, 30 kiến nghị).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về hướng xử lý trong thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ tập trung giải quyết cho nhóm 1, 5 (36 dự án, 43 kiến nghị). Các nhóm còn lại thành phố sẽ theo dõi, xử lý sau khi có ý kiến của Bộ, ngành, cơ quan trung ương, hoặc khi có kết luận hoặc bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, đối với 30 kiến nghị tại 30 dự án liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên Môi trường đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Bên cạnh đó, đối với 70 kiến nghị của 70 dự án mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến đề nghị xem xét, giải quyết, TP.HCM đã tổ chức họp và xem xét khoảng 31 kiến nghị. Trong đó, UBND TP.HCM đã tổ chức họp tháo gỡ cơ bản vấn đề pháp lý cho 1 số dự án.

Cụ thể, đồng ý cho chủ trương bán 50% sản phẩm căn hộ tại dự án Gotec Land ở quận 7, dự án của Gamuda Land ở quận Tân Phú, dự án của Quốc Lộc Phát ở TP. Thủ Đức, tháo gỡ vướng mắc tại dự án Metro Star ở TP. Thủ Đức…

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, vướng mắc tại các dự án chủ yếu liên quan đến pháp lý đất đai (giao đất, cấp giấy chứng nhận, nghĩa vụ tài chính…) về bồi thường, điều chỉnh quy hoạch. Đến thời điểm hiện nay, trong danh sách trên có 14 dự án liên quan đến điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Thủ Đức.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 14/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...