Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/12/2018
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/12/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/12/2018.
Indonesia: Động đất mạnh 6,2 độ richter
Ngày 16/12, tại Indonesia xảy ra trận động đất cách thị trấn Jayapura khoảng 168 km về phía Nam-Tây Nam.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất có cường độ 6,2 richter. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thống kê cụ thể về con số thiệt hại.
Có thể nói, Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.
Tuần từ ngày 9 đến 15/12: Chất lượng không khí tốt hơn
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), trong tuần từ ngày 9 đến 15/12, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội được cải thiện đáng kể so với tuần trước. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt mức “tốt” tại các điểm quan trắc tăng, không có ngày nào AQI chạm ngưỡng “kém”.
Chỉ số chất lượng không khí dao động trong khoảng 19-99. Trong đó, tại các điểm quan trắc nền đô thị: Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, AQI duy trì chủ yếu ở mức “tốt”.
Trong đó, trạm Tân Mai có số ngày AQI đạt mức “tốt” nhiều nhất (6/7 ngày), chiếm 87,1% tổng số ngày. Tiếp theo, trạm Mỹ Đình và Tây Mỗ có số ngày đạt mức “tốt” cùng chiếm 71,4%; trạm Trung Yên 3 và Kim Liên cùng có số ngày đạt mức “tốt” chiếm 57,1%; số ngày còn lại ở mức "trung bình".
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai và đường Phạm Văn Đồng, chất lượng không khí được cải thiện so với tuần trước.
Cụ thể, trạm Minh Khai có 4/7 ngày AQI đạt mức “tốt”, chiếm 57,1% tổng số ngày; trạm Phạm Văn Đồng có 1 ngày đạt mức “tốt”, chiếm 14,3%; số ngày còn lại duy trì ở mức “trung bình”.
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô: Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, nếu như tuần trước đó AQI chủ yếu ở mức “trung bình”, trạm Hàng Đậu có 1 ngày chạm ngưỡng “kém” thì trong tuần qua, số ngày AQI ở mức “trung bình” tại trạm Hàng Đậu, Thành Công, Hoàn Kiếm lần lượt là 71,4%; 42,9%; 28,6%; còn lại AQI đều đạt mức “tốt”.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái nhận định, không khí lạnh tràn về kèm theo mưa kéo dài đã làm sạch bụi bẩn; các chất ô nhiễm được phát tán lên cao nên chất lượng không khí khá tốt và cải thiện rõ rệt.
Hải Phòng: Thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại
Thời gian qua, TP Hải Phòng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; ban hành các quy định, chính sách quản lý chất thải công nghiệp, bao gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về BVMT của các cấp, các ngành, tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý trong các KCN do Sở TN&MT thành phố cấp phép. Ngoài ra, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở TN&MT và BQL khu Kinh tế trong giám sát quản lý, xử lý chất thải rắn.
Trong năm 2018, có khoảng 98% lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại trên địa bàn TP Hải Phòng được các cơ sở phân loại, lưu giữ và ký hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển xử lý. Theo BQL Khu kinh tế Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 1 khu kinh tế và 10 khu công nghiệp (KCN) hoạt động.
10 KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong đó có 8 KCN vận hành nhà máy xử lý nước thải; 9 KCN xây dựng và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở TN&MT giám sát theo quy định. Các doanh nghiệp đầu tư và phát triển hạ tầng KCN có bộ phận chuyên trách quản lý môi trường. Tình hình kiểm soát khí thải, kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh các KCN đều đạt quy chuẩn cho phép.
Bắc Cực đang ấm lên chưa từng thấy do biến đổi khí hậu
Kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu đo tuổi băng vào giữa những năm 1980, băng già ở Bắc cực đã giảm kích thước từ 2,54 triệu km2 (gần bằng diện tích của Mexico và toàn bộ Trung Mỹ) xuống chỉ còn 0,13 triệu km2, diện tích băng già ở Bắc cực đã giảm đến 95% trong hơn 30 năm qua. Kể từ năm 1980, những núi băng ở Bắc Băng Dương đã mỏng hơn, dễ bị phá vỡ hơn và tạo thành những khối băng trôi.
Một đợt nắng nóng đang diễn ra trong mùa đông thường không có nắng ở Bắc cực đã gây ra các trận bão tuyết ở châu Âu, buộc các nhà khoa học phải xem xét lại những dự báo về việc biến đổi khí hậu.
Hàng năm, Bắc cực thường không có nắng cho đến hết tháng 3, nhưng một dòng không khí nóng vừa được ghi nhận đã làm nhiệt độ của vùng Siberia tăng lên đến 3,5OC so với nhiệt độ trung bình của khu vực từ trước đến nay. Tại quần đảo Greenland, nhiệt độ đã tăng trên mức 0OC và kéo dài trong suốt 61 giờ, được ghi nhận là hiện tượng thời tiết kỳ lạ chưa từng có.
Thomas Mote, nhà nghiên cứu khoa học tại Đại học Georgia, cho biết: “Những thay đổi ở Bắc cực đang được chứng kiến là kết quả của sự tác động của chúng ta đến bầu khí quyển. Những thay đổi ở Bắc cực không chỉ giới hạn ở đó, nó sẽ làm tăng mực nước ở các đại dương, từ đó gây tác động xấu đến thời tiết ở những khu vực có vĩ độ thấp hơn trong đó bao gồm Bắc Mỹ và châu Âu”.
Theo các nhà khoa học, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, các núi băng tại Bắc cực sẽ biến mất hoàn toàn trong 20 năm tới. Theo cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), băng biển Bắc cực hiện đang suy giảm với tốc độ 13,2% mỗi thập niên. Nhiệt độ trung bình ở đây đã tăng thêm khoảng 1OC, nâng mức nhiệt trung bình lên gần 3oC, được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng Bắc cực đang thay đổi.
P.V(tổng hợp)