Thứ tư, 01/05/2024 11:54 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/5/2019

MTĐT -  Thứ tư, 22/05/2019 09:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/5/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 22/5/2019.

Bắt 2 tàu cá khai thác hải sản trái phép

Lúc 9h, ngày 21/5, trong quá trình tuần tra trên vùng biển Kỳ Anh, Biên đội tuần tra Hải đội 2, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương phát hiện, bắt giữ 2 tàu cá đang có hành vi giã cào đánh bắt hải sản sai vùng quy định.

Theo đó, tại tọa độ 18008’N-106026’E, trên vùng biển Kỳ Anh, 2 tàu cá bị bắt thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có số hiệu QNG 97467 TS và QNG 97468 TS, công suất máy 898 CV, trên tàu có 12 thuyền viên do ông Võ Thành Được (SN 1971, trú tại xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ.

Sau khi bắt giữ và được tuyên truyền, giải thích, chủ tàu cá và các thuyên viên đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình, cam kết không tái phạm.

Hiện, 2 tàu cá đã được lai dắt về neo đậu tại cảng Sơn Dương. Hải đội 2 và Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương đang tiến hành làm việc và hoàn chỉnh các thủ tục, xử lý theo quy định của pháp luật.

Khởi tố đối tượng trồng cần sa tại vườn nhà

Ngày 21/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) vừa quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Quốc Dương (SN 1965, ngụ xã Khánh Bình), do có hành vi tàng trữ trái phép cần sa.

Trước đó, từ nguồn tin thu thập được, Công an huyện Trần Văn Thời đã tổ chức kiểm tra và thu giữ hơn 8,5 kg cần sa tươi do Nguyễn Quốc Dương trồng sau vườn nhà. Ngoài ra, khi khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ thêm 2,9 kg cần sa khô.

Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản và mời Nguyễn Quốc Dương về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, Dương đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Được biết, đây là vụ tàng trữ cần sa trái phép có số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Trần Văn Thời. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Xét xử 17 bị cáo sai phạm công tác đền bù tại thủy điện Sơn La

Ngày 21/5, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan tới việc bồi thường tái định cư dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La. Đây là vụ án được dư luận, người dân địa phương rất quan tâm khi nhiều bị cáo từng giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng tại một số sở, ban ngành của tỉnh Sơn La và huyện Mường La.

Quá trình làm thủ tục tại phiên tòa, một số luật sư đã đề nghị hội đồng xét xử triệu tập ông Cầm Ngọc Minh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La) vì ông Minh nguyên Phó ban Chỉ đạo Dự án tái định cư tỉnh Sơn La; triệu tập ông Nguyễn Thái Hưng (Bí thư TP Sơn La, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Sơn La) và ông Nguyễn Thành Công (Phó Giám Sở NN-PTNT, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường La) để làm rõ một số vấn đề liên quan tới vụ án.

Theo cáo trạng vụ án, năm 2013 khi trả tiền bồi thường, nhiều hộ dân có đất bị thu hồi tại khu vực mặt bằng công trường Nhà máy Thủy điện Sơn La không đồng ý vì cho rằng còn thiếu nhiều diện tích chưa được bồi thường, hỗ trợ. Để xác định, tỉnh Sơn La chỉ đạo UBND huyện Mường La đo đạc lại, thống kê diện tích đất từng hộ và đưa phương án bồi thường trên diện tích chưa được bồi thường trước đó. Năm 2014, bị cáo Trương Tuấn Dũng, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã ký ban hành Kế hoạch số 41 để triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cho phép Văn phòng Đăng ký đất đai và Công ty Bảo Bình có trụ sở tại Hà Nội đo đạc, lập bản đồ địa chính. Tuy nhiên Kế hoạch 41 được ban hành sai quy định, chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La; đo đạc trước, hoàn thiện hồ sơ pháp lý sau. Khi thực hiện Kế hoạch 41, tại Sơn La xuất hiện nhiều đơn thư vượt cấp, đặc biệt là đơn của ông Đèo Văn Ban là một cá nhân nằm trong diện được đền bù đã gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, buộc công an phải điều tra.

Qua điều tra, ông Đèo Văn Ban từng được cấp 1 thửa đất rộng 32.400m2 tại xã Tạ Bú, huyện Mường La và đã nhận đủ tiền đền bù từ dự án thủy điện. Tuy vậy, ông Ban liên tục gửi đơn thư vượt cấp, đề nghị được bồi thường theo khung giá đất năm 2015 thay vì giá năm 2013. Năm 2014, khi đo đạc lại theo Kế hoạch 41 nói trên, ông Ban đã tự ý khoanh vùng đất của mình trên bản đồ với diện tích lớn hơn nhiều lần thực tế. Ông Ban cũng đề nghị và được bị cáo Bùi Văn Tân (Tổ trưởng tổ đo đạc, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mường La) chuyển loại đất để được bồi thường giá cao. Ông Đèo Văn Ban cùng bị cáo Vũ Hồng Giang (cán bộ đo đạc Công ty cổ phần Tư vấn và đo đạc Bảo Bình) chia, số hóa đất trên bản đồ thành 97 thửa, trong khi thực tế ông Ban chỉ có 1 thửa. Ông Ban còn tự nhận là trưởng bản để ký xác nhận hồ sơ cho chính mình. Kết quả, ông Đèo Văn Ban được huyện Mường La phê duyệt thu hồi gần 170.000m2, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Từ việc chỉ đạo sai của bị cáo Trương Tuấn Dũng, Ban di dân huyện Mường La và các đơn vị tư vấn đo đạc đã thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với đất nông nghiệp của hộ ông Đèo Văn Ban, dẫn đến việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ sai hơn 1,2 tỷ đồng. Bị cáo Phan Tiến Diện thời điểm phạm tội là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La biết Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La có nhiều nội dung không đúng nhưng vẫn ký các quyết định phương án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, dẫn đến việc bồi thường hỗ trợ sai cho các hộ dân, trong đó có hộ ông Đèo Văn Ban.

Đối với bị cáo Triệu Ngọc Hoan (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La) - có thẩm quyền ký ban hành bản đồ địa chính do đơn vị chuyên môn và Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện - đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không kiểm tra hồ sơ, không biết kết quả đo đạc, bản đồ địa chính lập đúng hay sai, nhưng vẫn ký xác nhận để ban hành phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, dẫn đến việc hỗ trợ sai.

Phá đường dây đánh bạc qua mạng lên đến 2.000 tỷ đồng

Ngày 21/5, đại tá Phạm Thế Tùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết lực lượng chức năng vừa bắt giữ thêm 4 người điều hành đường dây tổ chức đánh bạc với quy mô trên 2.000 tỷ đồng.

Những người này có liên quan đến chuyên án đánh bạc hơn 1.000 tỷ đồng đã bị Công an Hưng Yên phát hiện từ tháng 1.

Cụ thể, từ tháng 1, Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt giữ 19 người ở các huyện Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ, Văn Lâm, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) và các địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố: Đà Lạt (Lâm Đồng); Sóc Sơn, Mê Linh (Hà Nội); Yên Sơn (Tuyên Quang)...

Nhóm này đã vào thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) thuê nhà để tổ chức điều hành đường dây đánh bạc qua mạng, hoạt động trên phạm vi tỉnh Hưng Yên và nhiều tỉnh thành khác.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Toán là kẻ cầm đầu đường dây này khai nhận đã làm đại lý để tổ chức đánh bạc qua mạng thông qua một nhóm có quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Qua điều tra bước đầu xác định, số tiền họ dùng để giao dịch đánh bạc là trên 1.000 tỷ đồng và liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Mở rộng điều tra chuyên án trên, đến ngày 17/5, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của 4 người trú tại tỉnh Thái Bình gồm: 2 anh em Phạm Công Bằng (29 tuổi) và Phạm Công Biên (31 tuổi) cùng Đào Viết Lâm (20 tuổi), đều ở xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy; Trần Đức Khiển (27 tuổi, ở xã Đông Động, huyện Đông Hưng) về hành vi Tổ chức đánh bạc.

Tại thời điểm phát hiện, công an đã thu giữ được các vật chứng gồm: 15 điện thoại di động, 3 máy tính để bàn, 1 máy tính xách tay, một lượng lớn tiền mặt và nhiều thẻ ngân hàng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của các nghi phạm với số dư hàng tỷ đồng, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu khác liên quan.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền họ giao dịch đánh bạc là trên 2.000 tỷ đồng và liên quan đến 113 đại lý của đường dây đánh bạc này ở Hưng Yên và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Phạm Công Bằng là người cầm đầu trong đường dây. Bằng và các nghi phạm đã thuê nhà ở đường Trần Bình Trọng, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình để điều hành đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên phạm vi cả nước.

Thủ đoạn của họ là mở tài khoản làm đại lý cấp 2 cho các trang web đánh bạc trực tuyến; các con bạc dùng tiền thật quy đổi tiền ảo tham gia đánh bạc. Khi chơi xong, các con bạc sẽ được các đối tượng quy đổi tiền ảo thành tiền thật.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới