Thứ bảy, 27/04/2024 07:29 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/6/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 12/06/2020 06:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/6/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/6/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Pháp

Chiều 11/6, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Pháp Edouard Philippe để trao đổi một số biện pháp hợp tác trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy quan hệ song phương.

Tại buổi điện đàm, hai Thủ tướng đã đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp thời gian qua trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, hàng không vũ trụ, y tế, môi trường, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, đồng thời nhấn mạnh các tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới.

Thủ tướng Pháp nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018 và nhất trí hai nước cần tăng cường trao đổi để thống nhất các biện pháp nhằm tạo cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp phát triển sâu rộng hơn, hiệu quả hơn.

Thủ tướng Edouard Philippe đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cám ơn Chính phủ, các địa phương, các tổ chức và cá nhân Việt Nam đã gửi tặng vật tư y tế cho Chính phủ và nhân dân Pháp, thể hiện tình cảm và sự hợp tác gắn bó giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Pháp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ các nỗ lực của Chính phủ Pháp trong kiểm soát dịch bệnh; nhấn mạnh tình hình dịch COVID-19 là thách thức chung của toàn cầu và tất cả các quốc gia hiện nay. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Pháp và tất cả đối tác để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hai Thủ tướng đánh giá cao các bước phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU, nhất là việc thúc đẩy đi vào triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự ủng hộ của Chính phủ Pháp trong việc đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển toàn diện; thông báo vừa qua Quốc hội Việt Nam đã nhất trí thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA. Thủ tướng nhấn mạnh, EVFTA và EVIPA sẽ tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam nói chung và Việt Nam-Pháp nói riêng, nhất là trong bối cảnh hai bên nỗ lực phục hồi tăng trưởng bị tác động của dịch COVID-19, đồng thời đề nghị Quốc hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn EVIPA để hiện thực hóa các lợi ích hiệp định có thể đem lại.

Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; bày tỏ hài lòng với sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp trên các diễn đàn đa phương, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ từ tháng 1/2020, cũng như trong phát triển quan hệ EU-ASEAN, Pháp-ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên không chỉ chống đại dịch COVID-19 hiện nay, mà còn đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn an ninh, ổn định, đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế tại các khu vực cũng như trên Biển Đông.

Việt Nam sẵn sàng triển khai các hiệp định EVFTA và EVIPA trên thực tế

Theo Người phát ngôn, ngày 8/6, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu.

Dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ sớm có hiệu lực, có thể là từ 1/8/2020, trong khi Hiệp định EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được các quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu phê chuẩn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng việc Việt Nam và Liên minh châu Âu hoàn tất phê chuẩn và sớm triển khai các Hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên, tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác và Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Khi đi vào triển khai, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế khu vực Á – Âu; góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ; đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á – Âu và trên toàn thế giới.

“Chúng tôi khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng triển khai các hiệp định này trên thực tế”, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác thương mại với ASEAN

heo Tân Hoa xã, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẵn sàng tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Phát biểu họp báo ngày 11/6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhấn mạnh Trung Quốc có ý định làm việc với các quốc gia ASEAN để tận dụng các thỏa thuận thương mại tự do khu vực phù hợp, đồng thời hỗ trợ thương mại và đầu tư hai chiều giữa các công ty.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thương mại của Trung Quốc với ASEAN tăng trưởng bền vững trong 5 tháng đầu năm. Điều này thể hiện tiềm năng và sức bền của thương mại song phương.

Theo số liệu hải quan, trong giai đoạn từ tháng 1-5/2020, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch thương mại tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 1.700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 241 tỷ USD) và chiếm 14,7% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Trong khi đó, giới phân đánh giá mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN là mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cơ chế hợp tác Trung Quốc-ASEAN đã thiết lập một mô hình cho các quốc gia khác trong một số lĩnh vực.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liên tiếp. Năm 2018, thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đạt mức 580 tỷ USD và đầu tư hai chiều đạt hơn 200 tỷ USD.

Sớm đưa 22 công dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Nepal về nước

Tại họp báo, thông tin về 22 công dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Nepal, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Tôi đã cập nhật thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal. Được biết, hiện nay có 22 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nepal do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thời gian qua, do các quy định hạn chế xuất nhập cảnh, quá cảnh của nước sở tại cũng như các quốc gia khác trong khu vực, những công dân này chưa thể trở về Việt Nam.

Công dân Việt Nam ở Thụy Điển, Phần Lan chuẩn bị lên máy bay về nước. (Ảnh: TTXVN phát)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal đã chủ động liên hệ, phối hợp với Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Kathmandu, thủ đô của Nepal và Hội Người Việt Nam tại Nepal, thường xuyên giữ liên hệ với các công dân, hỏi thăm, nắm tình hình, liên hệ hỗ trợ công dân tìm nơi cư trú và lưu ý các công dân phải thực hiện nghiêm túc các quy định của sở tại.

Hiện nay, Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở trong nước, cũng như tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal, Ấn Độ, Bangladesh để thu xếp sớm đưa các công dân này về nước, đáp ứng các nguyện vọng của công dân theo thực tế sở tại và năng lực cách ly ở trong nước”.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới