Thứ ba, 30/04/2024 12:32 (GMT+7)

TP.HCM ra nghị quyết môi trường: Đến 2020 xử lý hết cơ sở ô nhiễm

MTĐT -  Thứ hai, 12/06/2017 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư, nâng tỉ lệ phân loại rác tại nguồn trong các hộ dân đạt 50%.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu HĐND xem mô hình thiết bị hỗ trợ di chuyển thùng rác được triển lãm tại sảnh hội trường Thành ủy TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Ngày 11/6, HĐND TP.HCM khóa IX dành trọn kỳ họp bất thường để thảo luận và ra nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, HĐND TP.HCM tổ chức một kỳ họp bất thường với mục tiêu đánh giá đúng thực trạng công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn TP.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong có mặt và dự trọn vẹn kỳ họp.

Làm được nhiều, tồn tại cũng nhiều

Báo cáo của UBND TP do giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Toàn Thắng trình bày liệt kê nhiều việc đã làm đồng thời cũng nhìn nhận nhiều tồn tại cần khắc phục.

Theo UBND TP, mỗi ngày trên toàn địa bàn phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác thải xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại.

Trong đó, các loại rác thải y tế, rác thải công nghiệp, xây dựng... được các chủ nguồn thải ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định.

Riêng lượng rác thải sinh hoạt từ khu dân cư được Công ty Môi trường đô thị TP, các công ty công ích quận huyện (chiếm 40%) và lực lượng thu gom rác dân lập (tỉ lệ 60%) thu gom vận chuyển về các đơn vị xử lý tại bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh và bãi rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

“Hiện nay lượng rác thải mỗi ngày đều được thu gom đưa về nơi xử lý đạt gần như 100%. Tuy nhiên vấn đề tồn tại là các đường dây rác dân lập với phương tiện thô sơ, lạc hậu làm rơi vãi ra đường, các điểm hẹn, trung chuyển trong khu dân cư còn gây mùi hôi ảnh hưởng đến người dân xung quanh” - ông Thắng nhìn nhận.

Nhiều đại biểu cho rằng hiện nay tỉ lệ rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp vẫn chiếm phần lớn vừa không tận dụng được lượng rác thải có khả năng tái sinh, vừa gây lãng phí đất đai.

“Lượng rác thải của TP hiện đã 8.300 tấn/ngày, dự báo năm 2025 lên đến 13.000 tấn/ngày trong khi năng lực xử lý và công nghệ xử lý chưa có gì thay đổi đáng kể. Đến lúc đó thì bãi rác Đa Phước cũng sắp hết thời hạn tiếp nhận thì sẽ xử lý ra sao?” - đại biểu Cao Anh Minh đặt vấn đề.

Ông Lê Văn Khoa - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nhìn nhận hiện nay lượng rác thải chôn lấp chiếm đến 76%.

“UBND TP đã có kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 hạ tỉ lệ chôn lấp xuống còn 50% và đến năm 2025 chỉ còn 20%. Riêng với bãi rác Đa Phước hiện tiếp nhận khoảng 5.300 tấn/ngày, TP cũng yêu cầu giảm dần tỉ lệ chôn lấp, chuyển một phần sang công nghệ đốt” - ông Khoa thông tin.

Cũng theo ông Khoa, hiện TP đang thuê tư vấn để lập dự án phủ đỉnh, xử lý hậu kỳ các bãi chôn lấp rác đã ngưng tiếp nhận tại Gò Cát (Q.Bình Tân) và Phước Hiệp (huyện Củ Chi).

Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn

Cũng liên quan câu chuyện thu gom và xử lý rác thải, nhiều đại biểu đề nghị TP đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn vì thời gian thực hiện thí điểm đã kéo dài quá lâu. Một số đại biểu đề nghị đưa nội dung phân loại rác tại nguồn vào chương trình giáo dục ở các cấp học, tiêu chí đánh giá khu dân cư.

Riêng đại biểu Nguyễn Thị Nga (Q.12) thì cho rằng nên bắt buộc các trường học, công sở, siêu thị... thực hiện phân loại rác đầu tiên, thay vì chỉ tập trung vận động ở khu dân cư.

“Những nơi này đều có nội quy để kiểm soát bắt buộc mọi người thực hiện, khi đã thành thói quen thì họ sẽ mang thói quen đó về nhà” - bà Nga lý giải.

Đại biểu Nguyễn Thị Phương Nga thì đề nghị có hẳn quy định các đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom nếu hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn.

Ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết hiện nay các trường đều có chương trình lồng ghép giáo dục về bảo vệ môi trường và phân loại rác tại nguồn, cả chính khóa và ngoại khóa.

“Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn lại, ở trường mình dạy các em phân loại rác, ở gia đình cũng thực hiện nhưng việc thu gom, vận chuyển lại gộp chung nên không khéo sẽ phản tác dụng” - ông Sơn nói.

Đồng ý với ông Sơn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP - cho rằng đây là một cảnh báo mà UBND TP cần lưu ý.

“Đã kêu gọi, vận động người dân phân loại rác tại nguồn thì việc thu gom, vận chuyển phải chuyển đổi phù hợp, đồng bộ mới có thể mong đạt được hiệu quả” - bà Tâm đề nghị.

Đại biểu Trương Trung Kiên - trưởng Ban đô thị HĐND TP - cho rằng đường đi của cọng rác hiện qua quá nhiều tầng nấc cũng là yếu tố gây ô nhiễm môi trường.

“Rác người dân thải ra phải qua tay người thu gom dân lập, sau đó chuyển đến điểm hẹn, từ điểm hẹn lại đưa qua trạm trung chuyển rồi sau đó mới đưa đến điểm xử lý. Chính vì đi lòng vòng như vậy nên mất nhiều thời gian, phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác làm ô nhiễm TP” - ông Kiên phân tích.

Theo ông Kiên, Sở Tài nguyên và môi trường cần nghiên cứu rút ngắn quy trình, sao cho rác thải ra khỏi nhà dân là chuyển thẳng đến nơi xử lý là tốt nhất.

Một số chỉ tiêu chủ yếu theo nghị quyết của HĐND TP.HCM

* Đến năm 2018, đảm bảo 100% người dân TP được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường và duy trì trong những năm tiếp theo.

* Từ năm học 2018-2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn được giáo dục kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường.

* Vận động 100% hộ gia đình và chủ nguồn thải chấp hành việc chi trả phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

* Từ nay các dự án chưa nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường không theo quy định của pháp luật thì không được đưa vào hoạt động. Các dự án đã hoạt động nhưng chưa nghiệm thu phải hoàn thành nghiệm thu trước ngày 31-12-2017.

* Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư.

* Đến năm 2020 hoàn tất việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn TP, đảm bảo dữ liệu được truyền trực tiếp về cơ quan chức năng để thực hiện công tác quản lý, giám sát.

* Đến năm 2020, tỉ lệ phân loại rác tại nguồn trong các hộ dân TP đạt 50% và tăng dần vào các năm tiếp theo.

* Đến năm 2020, giảm tỉ lệ rác thải chôn lấp xuống 50% và giảm xuống còn 20% vào 
năm 2025.

Theo TTO

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM ra nghị quyết môi trường: Đến 2020 xử lý hết cơ sở ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.