Thứ bảy, 27/04/2024 00:22 (GMT+7)

Từ đường cái quan đến đại lộ

MTĐT -  Thứ hai, 28/12/2020 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo cách hiểu thông thường thì đường là lối đi mà trên đó người, súc vật hoặc xe cộ có thể di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác.

Đường cũng là tên gọi chung của đường mòn, ngõ, hẻm, đường làng, đường huyện, đường tỉnh, đường quốc lộ, đường cao tốc, đường thành phố... Tuy nhiên ngoài cách gọi như vậy, trong dân gian còn có cách gọi khác là đường cái, đó là con đường lớn, nếu không lớn sao gọi là “cái” được và còn có cả đường cái quan nữa, đó là đường cái lớn dành cho quan đi, đơn giản là vậy.

Đường cái quan còn gọi là quan lộ hay đường quan báo và có khi còn gọi là đường thiên lý. Dưới thời phong kiến, hệ thống đường bộ của Việt Nam đã tương đối phát triển. Theo sử ghi từ thời nhà Lý đã chia đường cái quan thành các “cung” có trạm với phu trạm canh gác để chạy công văn, mỗi trạm cách xa nhau khoảng 15-20 km. Sang thời Lê, năm 1471 triều đình đã cho đắp đường thiên lý từ Thăng Long vào đến Bình Định.

Sang thời nhà Nguyễn, sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 thì con đường giao thông Bắc - Nam chạy dài từ Ải Nam Quan đến Hà Tiên đã được triều đình rất quan tâm cho tu bổ lại. Dọc đường cách khoảng 30 dặm thì đặt một trạm có viên chức địa phương trông coi.

Tổng cộng vào khoảng thế kỷ XIX có 133 trạm và 6.000 cai đội và phu trạm phục dịch. Quản lý và điều hành các trạm dịch vụ trên đường thiên lý là chức năng của Ty Bưu chính, còn việc phân phát mệnh lệnh của triều đình và thu nhận báo cáo tình hình mọi miền đất nước về kinh đô là nhiệm vụ của Ty Thông chính sứ.

Hai tổ chức hành chính này có trách nhiệm đảm bảo cho các trạm dịch vụ trên hệ thống đường thiên lý hoạt động suốt ngày đêm, làm cho việc quản lý đất nước về mọi mặt: quốc phòng, kinh tế, xã hội, hành chính, văn hóa luôn được thông suốt và kịp thời.

Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là một con kênh dẫn vào thành Gia Định

Đại lộ Nguyễn Huệ đầu thế kỷ 20

Ngoài đường cái quan chính yếu còn có đường cái quan thứ yếu nối với đường thiên lý Bắc - Nam đi các vùng dân cư xa xôi như đường đi từ Hà Nội qua Hải Dương, Quảng Yên rồi lên Lạng Sơn, đường đi từ Hà Nội qua Thái Nguyên đến Cao Bằng.

Từ Hà Nội có đường đi Sơn Tây, Hưng Hóa.

Từ đường thiên lý ở Ninh Bình có đường đi Nam Định phía Đông và đường đi Ninh Biên châu phía Tây.

Tại Trung bộ, từ đường thiên lý ở Vinh có đường vượt dãy Trường Sơn tới Quy Hợp rồi tới Campuchia.

Từ đường thiên lý ở Bình Định có đường qua Phù Ly, huyện Tuy Viễn Tây Sơn Thượng vượt qua Trường Sơn sang Lào…

Thời bấy giờ quản lý dân cư theo đơn vị hành chính. Theo linh mục Louis Taberd ghi trong bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ (ANĐQHĐ) 1838 thì đơn vị hành chính cấp cơ sở là Làng. Ví dụ: Làng Truồi (Phủ Thừa Thiên), Làng Cây Quạo (Cà Mau)... Trấn là đơn vị hành chính cấp tỉnh như Bắc Ninh trấn, Biên Hòa trấn, trong trấn có thành và dinh.

Dinh là lỵ sở, là đơn vị hành chính cai trị của trấn như Biên Hòa trấn có Biên Hòa dinh, Hà Tiên trấn có Hà Tiên dinh và Hà Tiên thành. Các trấn đàng ngoài không gọi lỵ, sở cai trị của trấn là dinh như Nghệ An đương thời có hai lỵ sở lớn là Vinh và Hà Tĩnh thì gọi thị trấn hay thị xã.

Các trạm dịch vụ (T) trên đường thiên lý từ sông Hàn đến Huế

Đường cái quan nối các điểm dân cư như thị tứ, thị trấn, thị xã hoặc các thành phố lại với nhau. Thực ra các thị tứ chưa phải là điểm dân cư đô thị, nhưng tại đây đã bắt đầu tập trung nhiều công trình phục vụ công cộng về kinh tế, văn hóa, xã hội mang tính đô thị phục vụ cho người dân nông thôn. Nó là bộ mặt của làng xã, là điểm dân cư có màu sắc cả đô thị và nông thôn nhưng tính chất nông thôn vẫn là chính. Ở đây có cả những dãy nhà tập trung của người lao động phi nông nghiệp, bán nông nghiệp và cả công nghiệp ở nông thôn, là tiền đề cho các điểm dân cư đô thị tương lai.

Do phát triển tự phát, nên phần lớn các đường cái quan đi xuyên qua các điểm dân cư đô thị và hiện nay đã trở nên chật hẹp. Đặc biệt khi mà các phương tiện giao thông bằng cơ giới phát triển thì những đoạn đường này không còn thích ứng nữa. Chính vì vậy mà hiện nay người ta phải mở những con đường vòng để tránh sự đông đúc, chật chội, đảm bảo được an toàn. Tại Sài Gòn xưa có đến ba đường thiên lý đi các hướng khác nhau.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì phía Bắc từ cửa Cấn Chỉ thành Bát Quái có đường đi bến đò Bình Đông (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện nay) đi Biên Hòa để ra miền Trung. Phía Tây từ cửa Đài Duyệt thành Bát Quái qua Tham Lương (đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay) đi Nam Vang (Phnompenh), Campuchia. Phía Nam từ cửa Tốn Thuận thành Bát quái đi chùa Kim Cương (đường Nguyễn Trãi), đến phố Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay) để đi Mỹ Tho.

Sau khi thực dân Pháp chiếm được Sài Gòn vào năm 1859 họ đã cho quy hoạch lại thành phố. Mặc dầu theo nguyên lý quy hoạch đô thị kiểu phương Tây nhưng họ cũng phải dựa vào các đường thiên lý này mà hình thành nên những ô phố vuông vắn kiểu bàn cờ với mạng lưới giao thông được phân chia thành các loại giao thông chính, phụ nối liền các khu phố, các phường, quận và thành phố. Những con đường với đặc trưng là có lòng và lề đường dành riêng cho xe cơ giới và người đi bộ khác hẳn với những con đường đô thị thời phong kiến vốn là những không gian chung của người bộ hành và xe cộ bằng sức kéo của súc vật. Do hai bên đường nhà cửa xây dựng với mật độ cao nên đường đô thị ngoài chức năng giao thông còn có chức năng tạo cảnh quan và cả chức năng của hạ tầng kỹ thuật như cung cấp điện, nước, thông tin truyền thông…

Ba đường thiên lý của Sài Gòn xưa

Tại trung tâm Sài Gòn người Pháp còn tổ chức những đường phố lớn, đó là những đại lộ (Bulvar) như đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi. Dọc theo các đại lộ này tập trung nhiều công trình dịch vụ như khách sạn, cửa hàng, trung tâm thương mại, tài chính… đã làm thay đổi hẳn diện mạo ở trung tâm đô thị, biến Sài Gòn thành hòn ngọc Viễn Đông nổi tiếng thời bấy giờ.

Đại lộ Nguyễn Huệ, đó là con đường xưa kia vốn là con kênh Charner nối liền Dinh Đốc Lý (UBND TP.HCM hiện nay) với sông Sài Gòn, sau này người Pháp lấp lại thành một đại lộ rộng thênh thang với bốn làn giao thông được cách ly bởi hai dãy cây xanh và hàng cột điện chiếu sáng trên trục chính tạo nên hình ảnh phồn vinh và sang trọng.

Trải qua 200 năm hình thành và phát triển, đại lộ Nguyễn Huệ đã biến đổi từng bước theo thời cuộc và cho đến nay nó vẫn là con đường đẹp bậc nhất Sài Gòn hoa lệ. Đại lộ Nguyễn Huệ đã gắn liền với bao ký ức của người dân nơi đây với những lễ hội văn hóa tưng bừng náo nhiệt như lễ hội đếm ngược, lễ hội đường sách và đặc biệt là hội hoa xuân đường Nguyễn Huệ mỗi khi xuân về đã đi vào tâm thức của người dân Sài Gòn một cách sâu đậm.

Trong quá trình hội nhập, đại lộ Nguyễn Huệ được cải tạo, nâng cấp thành một con đường đi bộ để chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước 30.4.2015. Với chiều dài 670 mét, chiều rộng 64m và kết nối đồng bộ với khu vực xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước UBND thành phố. Tất cả các hạng mục được xây dựng lại hoàn toàn mới, từ mặt đường đến vỉa hè, cây xanh, đài phun nước, nhạc nước, chiếu sáng nghệ thuật… biến nơi đây thành một không gian sinh hoạt văn hóa mang dấu ấn đặc trưng của một thành phố năng động và đầy sức sống ở phương Nam. 

Đường thiên lý Bắc - Nam (màu đỏ) và các trạm dịch vụ trong bản đồ ANĐQHĐ (1858)

Bài: PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi - Ảnh: TLNK

Theo Người Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Từ đường cái quan đến đại lộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới