Thứ tư, 01/05/2024 05:21 (GMT+7)

Về đâu làn khói lam chiều

Hải Vân -  Thứ năm, 03/11/2022 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong miền ký ức sâu thăm thẳm của những tâm hồn người con đất Việt, khói lam chiều như một biểu trưng của sự bình yên, là sợi nhớ, sợi thương, là luyến lưu vương vấn và là niềm day dứt khôn nguôi của những người con xa xứ.

tm-img-alt

Thấy làn khói mỏng trong sương chiều là thấy bóng hương quê hương hiện hữu, thấy bóng dáng người bà, người mẹ thân thương với bữa cơm chiều đầm ấm. Những điều đó đã giờ chỉ là kỷ niệm !

Làn khói lam xưa phần nhiều đã bị nhịp sống công nghiệp hoá làm thay đổi, biến hình! Vẫn trong cảnh chiều tà diễm lệ, nhìn làn khói trắng bay qua mà tâm hồn chẳng thể xao động như trong ký ức đã qua.

Làn khói gợi nhớ tuổi thơ kia đã thay thế bằng làn khói xám nghi ngút lửa mà người ta muốn trốn chạy, đặc quánh trong mây chiều bảng lảng là làn khói lam gây ô nhiễm môi trường.

Nhớ khói lam chiều trong ký ức

tm-img-alt

Tuổi thơ ai đã từng sống trong hơi mấm ổ rơm, đụn rạ, sẽ thấy nhớ thương làn khói bếp biết chừng nào! Sinh ra và lớn lên bên mái nhà tranh xiêu vẹo, đám trẻ hồn nhiên thả sức chạy nhảy nô đùa bên những cánh đồng quê.

Cuộc sống đơn sơ gói gọn trong buổi sáng đến trường đi học và buổi chiều cùng lũ trẻ chăn trâu, cắt cỏ. Ngay đến hai tiếng “trẻ trâu” cũng làm biết bao người thổn thức, nhớ đến những năm tháng hồn nhiên cùng đám bạn trong làng với đủ trò nhất quỷ nhì ma.

Những buổi chiều mùa đông giá lạnh, bầy trẻ thơ đủ các trò vui với mồi lửa khói rơm. Dắt trâu ra đồng, trên tay đứa nào cũng mang theo mồi lửa. Nguyên liệu thật đơn giản, chỉ cần một nắm rơm buộc thật chặt vào nhau, chỉ để lại phần đầu rơm dễ cháy là không buộc, châm đốm lửa và nhìn khói trắng bay ngun ngút!

Khi phần đầu rơm cháy hết cũng là lúc đến đoạn giữ lửa mồi. Để lửa giữ được lâu trong cả buổi chiều, mỗi đứa trẻ chỉ để lửa ở đầu ngọn rơm tự cháy lan âm ỷ cho đến hết. Khi có việc cần lửa, chúng sẽ cầm mồi rơm, sải tay quay thật nhiều vòng, gọi gió đến cho lửa hồng bùng cháy.

Những đôi chân trần lội bùn non bắt cua, ốc, tép; những đôi tay mềm nhóm bếp lửa yên vui… Ngô, khoai sắn được thả vào đống rấm; tép, tôm, cua vừa bắt lên bờ cũng rửa vội thả vào, lách tách nổ theo.

Mặt mũi đứa nào cũng lấm lem, ửng hồng, tranh nhau con tép, củ khoai cháy đen mà sao vui đến thế! Đám con gái bày trò chơi đồ hàng bắc bếp lửa nấu cơm: Gạo bằng đất và xoong bằng viên ngói, đun sôi cơm cũng nhỏ lửa kẻo khê… kí ức chưa kịp quên mà tuổi già vội vàng ập đến!

Những mái lều tranh xơ xác với làn khói trắng vấn vương phảng phất cứ in mãi những đậm sâu! Nó làm cho người ta nhớ đến bóng dáng thân thương của bà, của mẹ, nhớ người chị tảo tần cõng mấy đứa em đến vẹo cả sườn mà vẫn hí húi, lùi lò thổi bếp củi ướt hay rơm rạ ướt luộc chín củ sắn, củ khoai …

Làn khói trắng bay nhẹ trên mái bếp cũng là lúc giục ái đó trở về ! Người lớn trở về từ đồng ruộng, lũ trẻ ham chơi cũng biết tới tầm để trở về kẻo lỡ bị mẹ đánh đòn! Khói lam chiều như một mùi hương quê gây thương gây nhớ, nó làm tâm hồn con người tĩnh lặng nhớ đến những ký ức xa xôi, nhớ nghĩa tào khang có bóng người thương bên bếp lửa, nhớ tình anh em những năm tháng chia ngọt sẻ bùi…

Mùi của khói quện vào từng vành khăn, mái tóc, mộc mạc, dịu dàng chỉ có ở quê hương. Làn khỏi mỏng làm cho bao người con xa quê thổn thức, phiêu bạt nơi đâu cũng một lòng nhớ đến quê nhà.

Làn khói bụi thay khói bếp lam chiều

tm-img-alt

Nhịp sống hiện đại làm cho đám trẻ nhỏ bây giờ không còn biết đến làn khói lam chiều trong ký ức của ông bà cha mẹ. Những bữa cơm gia đình cũng đã được nấu bằng bếp điện, bếp ga.

Ngọn lửa tí tách bập bùng kết nối và sưởi ấm tình thân giờ đã được thay bằng ngọn lửa vô hồn không khói, mái ngói đơn xơ hay mái tranh lụp xụp khi xưa cũng được thay bằng gian bếp hiện đại, khang trang.

Vẫn làn khói trắng loang dần bay tỏa trên khoảng trời chiều hiu hắt, mà mỗi người chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi không gian. Người ta bắt đầu tìm cách đóng cửa lại như chạy chốn làm khói lam đặc quánh.

Đó không phải khói trắng thân thương toả ra từ góc bếp gia đình quen thuộc, khói như con quái vật khổng lồ chiếm hết khoảng không gian. Dọc đoàn đường dài chừng vài km, chạy xe thong dong dọc đường mà chỉ muốn lướt thật nhanh.

Đây đốt rác và kia cũng vậy, khí độc thải ra như muốn chọc thủng nền trời. Cuộc sống đang trên đà phát triển, lúa gặt rồi vẫn để lại rơm thơm. Nhưng thay bằng việc rũ sạch, phơi khô để nuôi trâu bò làm vật kéo thì nay người nông dân đã có máy cày, rơm rạ được chất đống ở ngoài đồng rồi đem đi đốt cho bớt công thu dọn.

Người ta đâu biết rằng chỉ vì cái tiện ích nho nhỏ ấy làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, tác hại khác của việc đốt đồng là gây ô nhiễm môi trường. Khi đốt rơm rạ, nó không chỉ sản sinh ra các chất khí độc thải vào bầu khí quyển, nó còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng động, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao.

Việc đốt rơm rạ, đốt rác thải và cây khô không đúng chỗ quy định gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người, thải ra một số chất độc hại làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, ngoài ra còn làm cho một số chất dinh dưỡng trong đất bị mất và tiêu diệt hầu hết các loài vi sinh vật có lợi cho cây trồng.

Trở về nhà sau một ngày lao động mệt nhọc, chỉ muốn được hít thở bầu không khí trong lành mà xung quanh hàng xóm mải đốt rác, đốt rơm, thậm chí thu dọn rồi đốt đống chấu to cho đường làng sạch sẽ.

Đống khói trắng âm ỷ cháy mãi không thôi, cứ theo gió tràn vào nhà như muốn tấn công người vô tội. Mỗi buổi chiều tà phải cố lướt thật nhanh qua các con đường đầy khói trắng, tránh đâu cũng không khỏi quần áo, đầu tóc ám mùi… 

Chỉ mong tìm lại vị quê hương

tm-img-alt

Bồi hồi nhớ cái hương vị của những buổi chiều tà lan màu khói trắng, lòng chỉ ước ao được lưu giữ mãi ký ức tuổi thơ. Bao nhiêu cuộc trở về của những người con xa quê cũng chỉ để được sống lại với những gì yêu dấu, từng khoảnh khắc đã qua đi chẳng trở lại bao giờ.

Một mình lang đạp xe lang thang giữa triền đê đầy gió, muốn phập phồng hít thở căng lồng ngực mình những hương vị của quê. Khói bếp nhà ai thoảng bay nhẹ rồi tan ra trên chòm tre xa xa cách quãng đường uốn lượn, bắt gặp chính mình tuổi mười bảy, mười ba…

Chợt tiếng máy cày chạy qua tung bụi mù trắng xoá, khói ngút ngàn toả ra từ những đống rơm rạ giữa đồng thôi thúc bàn chân vội lướt qua mau. /.

Bạn đang đọc bài viết Về đâu làn khói lam chiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.