Thứ sáu, 26/04/2024 22:20 (GMT+7)

Xóa các "điểm nghẽn" trong xử lý rác thải nông thôn-bài 2: Nguyên nhân và giải pháp xử lý

MTĐT -  Thứ ba, 28/12/2021 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực tế cho thấy, để hoạt động thu gom, xử lý rác có hiệu quả bền vững, bên cạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình, cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang cần quan tâm tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' trong xử lý rác thải nông thôn hiện nay.

Đó là thiếu điểm tập kết, thiếu lò đốt và tổ chức nhân lực thu gom, xử lý rác bài bản, chuyên nghiệp.

Nhiều bất cập, vướng mắc

Theo số liệu rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), toàn tỉnh hiện còn 12,5% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom, nhiều điểm đổ rác không đúng quy định dẫn đến tồn lưu, chưa được giải tỏa dứt điểm. Đáng lo ngại, tỷ lệ rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp thủ công, đốt lộ thiên, không hợp vệ sinh ở mức cao, chiếm khoảng 37,8% tổng khối lượng rác được thu gom... Để xảy ra tình trạng trên có rất nhiều nguyên nhân, trong đó một bộ phận người dân còn thiếu thông tin, chưa phát huy hết trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải.

điểm nghẽn, xử lý, rác thải, nông thôn, nguyên nhân, giải pháp, xử lysthu gom, cơ quan, địa phương, bắc giang
Thành viên HTX Nông nghiệp, môi trường và xây dựng huyện Yên Thế thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Nhiều hộ dân có tâm lý cứ sạch nhà mình là được nên tiện đâu vứt rác ở đó, không theo quy định dẫn tới rác lấn đường, ngập kênh mương, ao hồ. Khu vực cầu Trại 1, tiếp giáp giữa xã Phượng Sơn và Quý Sơn (cùng huyện Lục Ngạn), bãi rác tự phát ở chân cầu tồn tại khá lâu mà không được thu gom. “Nhiều người chạy xe máy qua vứt rác xuống cầu. Chính quyền sở tại đã ra quân thu dọn song tình trạng trên vẫn tái diễn”, một người dân sống gần cầu Trại 1 phản ánh.

Không chỉ vậy, lo ngại nhất hiện nay, chính quyền nhiều nơi vẫn còn thờ ơ đối với hoạt động thu gom, xử lý rác thải, chưa quan tâm bố trí kinh phí thỏa đáng cho nhiệm vụ này. Một trong những bất cập, vướng mắc nhất là tại nhiều địa phương trong tỉnh thiếu điểm tập kết cũng như lò đốt rác.

Toàn tỉnh hiện mới có 63 lò đốt rác, trong khi số lò vận hành hiệu quả không nhiều, một số lò đầu tư cách đây 6-7 năm đã bị hư hỏng, xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, rác đốt không triệt để, tồn lưu khối lượng lớn. Theo kế hoạch, từ nguồn ngân sách, năm nay tỉnh hỗ trợ lắp đặt thêm 25 lò đốt rác tại các địa phương nhưng hiện mới có các huyện: Lục Ngạn, Yên Thế và Lạng Giang lắp đặt 8 lò đốt rác, tiến độ rất chậm. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Hiệp Hòa và Lục Nam còn chậm.

Mặt khác, toàn tỉnh vẫn còn 21/209 xã chưa bố trí và xây dựng hoàn thiện khu thu gom, xử lý rác thải; tập trung nhiều ở huyện Lục Nam (11 xã), Lạng Giang (5 xã), Yên Thế (5 xã). Ở một số nơi còn thiếu nhân lực, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển rác tồn lưu đưa về nơi xử lý. Kết quả thu tiền dịch vụ vệ sinh toàn tỉnh vẫn đạt tỷ lệ thấp, hiện ở mức hơn 69% trong tổng số hộ cần thu cũng là “rào cản” khiến công tác xử lý rác gặp khó khăn. Đơn cử, huyện Lục Nam mới thu được 46,5% trong tổng số hộ cần thu.

điểm nghẽn, xử lý, rác thải, nông thôn, nguyên nhân, giải pháp, xử lysthu gom, cơ quan, địa phương, bắc giang
Rác thải tại thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) được thu gom định kỳ.

Tương tự, 22/29 xã của huyện Lục Ngạn chưa tổ chức thu, các xã tổ chức thu thì tỷ lệ chỉ đạt 18,8%. Do không thu được tiền dịch vụ vệ sinh nên nhiều nơi không thành lập và duy trì được tổ thu gom vì thiếu kinh phí chi trả. Theo ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, mới đây qua kiểm tra tại các huyện, TP cho thấy, cấp ủy, chính quyền cơ sở vẫn thiếu sâu sát, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo theo đúng tinh thần Chỉ thị số 17/CT-TU của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy. Có nơi làm còn hình thức, chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức, việc làm của người dân.

Chủ trương một, biện pháp mười

Từ những bất cập, hệ lụy trong xử lý rác thải ở nhiều địa phương, tháng 5 vừa qua, BTV Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 99 về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17 với mục tiêu phấn đấu hết năm 2025, 100% rác thải phát sinh phải được thu gom, xử lý bảo đảm hợp vệ sinh (trừ các khu vực miền núi, dân cư phân tán). Để hoàn thành mục tiêu này, BTV Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định thu gom, xử lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, bức thiết cả trước mắt và lâu dài. Đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở đóng vai trò then chốt, sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân là yếu tố quyết định.

Thực hiện chỉ đạo trên, cuối tháng 6 năm nay, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể, giao rõ trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương và người đứng đầu trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Mới đây nhất, tại hội nghị giao ban tháng 11 với Chủ tịch UBND các huyện, TP, thủ trưởng các sở, ngành liên quan, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong hai tháng cao điểm (từ nay đến Tết Nguyên đán), các địa phương tăng cường kiểm tra, chấm dứt tình trạng vứt xác động vật ra môi trường nước, xóa các điểm tồn lưu rác thải tại các địa phương; phấn đấu hoàn thành việc bố trí điểm tập kết, thu gom, lắp đặt lò đốt rác cho các xã…Đồng thời giao Sở TN&MT kiểm tra, kịp thời đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh phương án chỉ đạo, xử lý đối với các địa phương chưa tập trung giải quyết các “điểm nóng”. Như vậy, chủ trương đã có, vấn đề là các địa phương cần quyết tâm cao với những giải pháp thiết thực tháo gỡ 3 "điểm nghẽn" đã nêu, có như vậy rác thải tồn lưu mới được xóa bỏ, trả lại môi trường trong lành cho các làng quê.

điểm nghẽn, xử lý, rác thải, nông thôn, nguyên nhân, giải pháp, xử lysthu gom, cơ quan, địa phương, bắc giang
Lò đốt rác công suất 60 tấn/ngày đêm góp phần xử lý hiệu quả rác thải tại 13 xã, thị trấn của huyện Yên Dũng.

Thực tế, tại nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng đã xác định rõ trách nhiệm, lộ trình trong triển khai thực hiện. Huyện Lục Ngạn đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải công suất 100 tấn/ngày tại xã Kiên Thành; huyện Việt Yên mở rộng khu xử lý tại xã Thượng Lan, thu hút xã hội hóa đầu tư lò đốt rác thải cụm xã công suất 100 tấn/ngày; huyện Lục Nam, Hiệp Hòa đã giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung...

Có nơi đã bố trí kinh phí từ ngân sách cải tạo, nâng cấp, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, lò đốt không đáp ứng yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên thông tin: “Cùng với giải tỏa, xử lý điểm rác tồn lưu tại khu đô thị An Huy, địa phương đã có kế hoạch xây dựng 3 lò đốt rác công nghệ cao tại 3 “điểm nóng” về rác thải của huyện gồm: Thị trấn Cao Thượng, thị trấn Nhã Nam và xã Ngọc Vân với kinh phí 18 tỷ đồng/lò. Cùng với hệ thống xử lý hiện đại, chúng tôi sẽ trồng cây, thiết lập vành lao cây xanh xung quanh nhằm hạn chế mùi, khói bụi”.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Sở TN&MT, đây mới là giải pháp bước đầu và chưa thể bảo đảm toàn diện trong việc xử lý rác ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh. Để không “bắt cóc bỏ đĩa”, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề cốt lõi cần giải quyết là người đứng đầu các địa phương cần thay đổi tư duy, đưa ra những quyết sách đồng bộ, quyết liệt hơn. Về lâu dài, các huyện, TP cần xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý rác với những giải pháp cụ thể.

Kết luận số 99 của BTV Tỉnh ủy về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17 đưa ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2025, 100% rác thải phát sinh phải được thu gom, xử lý bảo đảm hợp vệ sinh (trừ các khu vực miền núi, dân cư phân tán). Cùng đó, các địa phương tập trung thu phí dịch vụ xử lý rác để chi trả cho các đơn vị thu gom, xử lý rác, bảo đảm đến năm 2025, tỷ lệ thu toàn tỉnh đạt tối thiểu 85%.

Đó là quan tâm quy hoạch, xây dựng đủ các điểm, bãi tập kết rác quy mô cấp xã, liên xã. Đồng thời dành nguồn kinh phí thỏa đáng sớm hoàn thành các lò đốt rác theo quy hoạch, khẩn trương thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy rác tại một số địa phương; bố trí đủ nhân lực, kiện toàn và thành lập mới các tổ vệ sinh chuyên trách ở xã, phường, thị trấn để tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Đối với việc chậm lắp đặt 25 lò đốt rác quy mô cấp xã, liên xã theo kế hoạch năm 2021, Sở TN&MT cần tham mưu UBND tỉnh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu địa phương để đôn đốc thực hiện đúng kế hoạch.

Cùng với các giải pháp trên, địa phương cần tổ chức thu phí dịch vụ xử lý rác để chi trả cho đơn vị thu gom, xử lý rác, bảo đảm đến năm 2025 tỷ lệ thu toàn tỉnh đạt tối thiểu 85%. Đối với lượng rác tồn lưu tại khu xử lý, tập kết, một phần đã phân hủy, khó đốt, cần phun chế phẩm, rải đất lu lèn, trồng cây xanh; hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, đổ đúng nơi quy định, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Mới đây thông qua công tác kiểm tra, Sở đề nghị các huyện tập trung chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức thu gom rác thải, giải tỏa điểm tồn lưu, tuyệt đối không để hình thành điểm mới. Nơi nào để phát sinh điểm tồn lưu, sau khi đôn đốc không giải tỏa, Sở tham mưu UBND tỉnh phê bình Chủ tịch UBND cấp huyện”.

Bạn đang đọc bài viết Xóa các "điểm nghẽn" trong xử lý rác thải nông thôn-bài 2: Nguyên nhân và giải pháp xử lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới