Thứ sáu, 26/04/2024 21:50 (GMT+7)

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/9/2018

MTĐT -  Thứ tư, 12/09/2018 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/9/2018, cập nhật tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã hỏi quan điểm của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và đào tạo khi vừa qua có nhiều ý kiến trái chiều về một số thí điểm trong giáo dục.

Cơ quan thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng nhấn mạnh, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội. Do đó, cần cẩn trọng khi quyết định những thay đổi trong chính sách giáo dục, nhất là những chính sách liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình giáo dục…

Vì thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế, một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu nhận xét của cơ quan thẩm tra.

Hồi âm câu hỏi của Chủ nhiệm Nga, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, gần đây có rộ lên câu chuyện tài liệu dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học, năm trước thì có câu chuyện phát âm liên quan đến đề xuất của nhà giáo Bùi Hiển. "Ngay lúc đó tôi đã nói Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt", Phó thủ tướng khẳng định.

Những tranh luận vừa qua, theo Phó thủ tướng cũng chỉ là về phương pháp dạy phát âm cho trẻ chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.

Cho biết mới đây một số tổ chức quốc tế đã nhận xét rất tốt về giáo dục Việt Nam, song Phó thủ tướng cho rằng dù thế thì vẫn phải luôn đổi mới. Tuy nhiên, bàn về giáo dục phải rất thận trọng. "Tôi khẳng định lại cải cách tiếng Việt thì Chính phủ chưa có chủ trương ít nhất là trong giai đoạn một số năm tới đây", Phó thủ tướng phát biểu.

Làm rõ khái niệm tự chủ Đại học

TTXVN đưa tin, tại phiên họp sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Về tự chủ Đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định, có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật, năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Phó Chủ tịch Quốc hội hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đồng thời, chỉnh sửa nội dung Điều 32 về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục Đại học theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình, yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục Đại học khi thực hiện tự chủ.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra, tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần minh bạch thiết chế thực hiện quyền tự chủ của các trường Đại học; cơ chế, chính sách để thực hiện quyền tự chủ như thế nào? làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng trường với nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của Ban Giám hiệu nhà trường, Hiệu trưởng...

Về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục Đại học, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở thực tiễn của hệ thống cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam hiện nay, để bảo đảm tính ổn định, kế thừa các quy định của Luật hiện hành cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển của các nhà trường tiệm cận với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện quy hoạch lại mạng lưới các trường Đại học, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất quy định tại dự thảo Luật hệ thống cơ sở giáo dục Đại học gồm có trường Đại học và Đại học.

Dự thảo Luật quy định các Trường Đại học có thể tự lớn mạnh và thành lập các trường trực thuộc bên trong (với điều kiện, tiêu chuẩn do Chính phủ quy định) hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được Nhà nước quy định, kết hợp, sáp nhập với nhau trên cơ sở có cùng chức năng, sứ mệnh để trở thành một Đại học. Đại học có các Trường Đại học thành viên, Trường, Viện và các đơn vị trực thuộc khác nhằm gia tăng giá trị của toàn hệ thống.

Theo chương trình, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2018 và kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước; Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hợp quốc về đóng góp Nguồn lực tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Xu-đăng.

Băn khoăn miễn học phí THCS

Chính phủ đã trình bày, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc không thu học phí và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non tại phiên họp sáng 12/9.

Hai chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục đã được Chính phủ đề xuất tại Tờ trình về sửa đổi Luật Giáo dục, được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp sáng nay, 12/9.

Đó là không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho Zing biết hiện nay, khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (khu vực thành thị từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 đồng đến 60.000 đồng).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Trước đó, báo chí đã có nhiều bài viết ghi nhận ý kiến của phụ huynh, chuyên gia, khẳng định việc miễn học phí với học sinh đến cấp THCS là chính sách nhân văn để đầu tư cho tương lai, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục.

Bộ GDĐT cũng khẳng định, để thực hiện chính sách phổ cập và giáo dục bắt buộc thì nhà nước phải có chính sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học và phải không thu học phí (không phân biệt trường công và trường tư).

Vì hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp (tiệm cận chuẩn nghèo), nếu không miễn hoàn toàn học phí cho đối tượng này, thì rất khó huy động tất cả các trẻ em học sinh đến trường.

Nghệ An: Vết nứt khổng lồ bất ngờ xuất hiện, học sinh học ở sân vận động

Infonet đưa tin, ngày 12/9, thầy Đào Xuân Hải – Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho PV biết, do bị ảnh hưởng của một vết nứt kéo dài nên các em học sinh và giáo viên tại điểm trường lẻ ở bản Phả Kháo (xã Mai Sơn) phải di dời, làm nhà tạm nơi khác cho các em học tập.

Vết nứt khổng lồ đe dọa đến điểm trường Mầm non và Tiểu học Mai Sơn.

“Hiện, chính quyền địa phương và nhà trường đã dựng được 5 phòng học ở sân bóng của bản để cho các em học tập, còn các giáo viên thì phải mượn nhà dân trong bản để ở tạm”, thầy Hải cho biết thêm.

Cũng theo ông Lô Văn Quang - Chủ tịch UBND Mai Sơn (huyện Tương Dương), vết nứt tại khu vực bản Phả Kháo ngày càng mở rộng (mặc dù thời tiết không mưa hoặc có mưa nhỏ) rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của lớp học Mầm non cũng như Tiểu học.

Trước đó, do ảnh hưởng của đợt mưa bão số 4, một vết nứt bất ngờ xuất hiện từ lối bản Phả Kháo đến nhà dân với chiều dài khoảng 800m. Vết nứt rộng trung bình 40cm, chỗ nứt lớn nhất 50cm, đất tụt so với mặt bằng tự nhiên khoảng 40cm.

Việc vết nứt xuất hiện khiến điểm trường Mầm non Mai Sơn và Tiểu học, KTX Giáo viên Tiểu học Mai Sơn và ít nhất 6 hộ dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngay sau khi phát hiện, UBND xã Mai Sơn đã thành lập 2 đoàn công tác lên kiểm tra, tuyên truyền vận động nhân dân, giáo viên chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

Cựu sinh viên AIT chạy từ thiện góp tiền xây cầu cho trẻ đến trường

Hơn 200 cựu sinh viên Học viện Công nghệ AIT tại Việt Nam lần đầu tiên tổ chức chương trình “Chạy bộ gây Quỹ xây cầu nông thôn - Run for Charity 2018” tại thành phố Cần Thơ.

Chương trình được tổ chức ngày 9/9/2018

Chương trình được Học viện Công nghệ AIT tổ chức ngày 9/9 vừa qua nhằm quyên góp tiền xây cầu cho người dân nông thôn ấp Thới Phước 2, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ đến trường, giúp tăng cường giao thương kinh tế.

Theo ông Lê Thanh Hảo, Chủ tịch AITAA-VN, các hoạt động xã hội của AIT nhằm mục tiêu hỗ trợ giải quyết phần nào các vấn đề nhức nhối của xã hội, đặc biệt là giáo dục.

Bên cạnh đó, AIT cũng định hướng vào việc cải thiện các vấn đề về môi trường, năng lượng bền vững song song với việc kết nối các sinh viên quốc tế, thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế. Thời gian qua, AIT đã tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ, đào tạo, nâng cao kiến thức trong phát triển dự án thành phố xanh, lọc không khí, tổ chức khóa học xây dựng đường vùng ven biển nông thôn, các cây cầu lớn… với các chuyên gia, giám đốc dự án đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Khánh Hòa củng cố, nâng cao chất lượng xóa mù chữ, phổ cập GD

Tin tức trên Giáo dục Thời đại thông tin, Ngày 11/9, Sở GD&ĐT Khánh Hòa tổ chức Hội nghị triển khai công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục năm 2018.

Tính tới cuối năm 2017, Khánh Hòa hoàn thành tương đối tốt mục tiêu đề ra: đạt chuẩn về công tác xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Khánh Hòa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non.

Tháng 12/2017, toàn tỉnh có 9/9 huyện, thị xã thành phố hoàn thành xóa mù chữ, tỉ lệ 100%; trong đó có 2 huyện đạt chuẩn mức độ 1(22,2%) và 7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 2 (77,8%)

100% các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Về phổ cập giáo dục tiểu học, 3/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập mức độ 2 (33,3%) và 6/9 đạt mức độ 3 (66,7%).

Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, có 7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 1 (77,8%), 2 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 2 (22,2%).

Trong năm 2018, ngành giáo dục Khánh Hòa chủ trương tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Tiếp tục hoàn thành tốt công tác phổ cập cho 100% trẻ mầm non. Phấn đấu tới năm 2020, toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Nâng cao thành tích phổ cập giáo dục ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới