Thứ sáu, 26/04/2024 10:01 (GMT+7)

Đầu tư hàng triệu tỷ đồng cho 3 đặc khu, thu được cái gì?

MTĐT -  Thứ ba, 17/04/2018 15:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo bản thẩm định đề án Bộ Tài chính gửi các bộ, để xây 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ phải cần đến 1,57 triệu tỉ đồng. Nhưng nhiều người vẫn còn hoài nghi về lợi ích của nó.

Lấy vốn đâu?

Cơ cấu của 1.570.000 tỉ đồng này sẽ là: 270.000 tỉ đồng dành cho đặc khu Vân Đồn trong giai đoạn 2018 - 2030. 400.000 tỉ đồng dành cho đặc khu Bắc Vân Phong trong giai đoạn 2019 - 2025. Cao nhất là 900.000 tỉ đồng - trong giai đoạn 2016 - 2030, để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu sầm uất, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, vốn nước ngoài khoảng 41%.

Đây là đề xuất về nhu cầu vốn của các địa phương khi xây dựng các đặc khu kinh tế. Con số hàng triệu tỉ đồng cho các đặc khu kinh tế trong tương lai đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Sẽ lấy vốn ở đâu khi ngân sách nhà nước hiện khá hạn hẹp?

Còn các địa phương có đặc khu kinh tế là Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa khi xây dựng phương án vốn đầu tư cho các đặc khu đều nhấn mạnh tới việc thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn này thì cũng cần phải biết các nhà đầu tư muốn gì.

Không có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đảm bảo sự minh bạch, sự an toàn cho các nhà đầu tư sẽ khó thuyết phục dòng vốn tư nhân trong và ngoài nước đến các đặc khu kinh tế của Việt Nam.

Dự kiến cần khoảng 270.000 tỉ đồng để xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn. Ảnh: Internet.

270.000 tỷ đồng là tổng vốn đế xuất của đặc khu Vân Đồn từ 2018-2030, trong đó ngân sách nhà nước cả Trung ương và địa phương chỉ chiếm 10% và chia đều ra các năm. Như vậy có đến 90% nguồn vốn cho đặc khu Vân Đồn sẽ đến từ việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quảng Ninh hiện là địa phương thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông, xã hội hàng đầu trong cả nước nhưng vẫn gặp không ít cản trở về cơ chế.

Lo sợ quá thì không làm được gì

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội, cố vấn ban soạn thảo luật đặc khu cho rằng, có nhiều luồng tư tưởng trái chiều, thậm chí lo ngại về ưu đãi quá lớn cho đặc khu, và số vốn ngân sách bỏ ra, hiệu quả đầu tư.

“Tôi nói rằng, xét về tổng thể so với các đặc khu kinh tế của các nước xung quanh, mô hình đặc khu kinh tế của chúng ta về tổng thể cạnh tranh hơn, có thể hút các nhà đầu tư lớn nước ngoài. Bởi vậy, phải quyết liệt và táo bạo để làm” - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo Lao Động.

“Theo tôi, với số tiền lớn như vậy thì phải có ngân sách trung ương rót vào nữa, mình địa phương sẽ không làm được. Đừng ngại bỏ ra số tiền lớn mà nên nghĩ về hiệu quả kinh tế thu về. Hiện tại có nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế, các đại biểu QH lo ngại việc bỏ ra tiền lớn nhưng thất bại. Nhưng không ai hỏi, nếu thành công thì đặc khu sẽ tạo ra giá trị lan toả cho cả vùng, thậm chí cả nước. Bởi vậy, chúng ta thận trọng nhưng cứ lo sợ quá thì không làm được gì” - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội nói.

Bỏ ra 1 đồng thì phải thu về vài chục đồng

Trong khi đó, góp ý kiến về dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 16/4, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về tính khả thi của vấn đề này.

Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Câu hỏi lớn nhất cần phải trả lời là 3 đặc khu sắp thành lập sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, tuy nhiên, từ báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra thì chưa rõ hiệu quả kinh tế của đặc khu như thế nào.

Tuy nhiên, đầu tư hàng triệu tỷ đồng để xây dựng nhưng nhiều ý kiến còn hoài nghi về lợi ích mà nó đem lại. 

“Vừa rồi có thông tin vốn đầu tư cho 3 đặc khu này lên tới 1,57 triệu tỉ, riêng Phú Quốc cần tới 900.000 tỉ, trong đó ngân sách bỏ ra là 19%, Vân Đồn cũng 270.000 tỉ, trong đó ngân sách bỏ ra 10%. Vậy ngân sách bỏ ra trong 3 năm sắp tới của nhiệm kỳ này, 5 năm của nhiệm kỳ sau, 10 năm sau là bao nhiêu?”, ông Hiển nêu câu hỏi, đồng thời khẳng định phải làm rõ, chúng ta bỏ ra cái gì và thu được cái gì.

Theo thông tin trên báo Thanh niên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào đặc khu chứ không phải nhà nước đổ tiền vào rồi sau đó miễn, giảm thuế hay không thu khoản này, khoản nọ.

“Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách 5 năm chỉ có 2 triệu tỉ mà 3 đặc khu này đã hơn 1 triệu tỉ thì phải xác định rõ ngân sách nhà nước bỏ ra là bao nhiêu để khả thi”, bà Ngân nói và nhấn mạnh thêm: Chúng ta bỏ ra 1 đồng thì phải thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không phải để 10, 20 năm nữa đánh giá lại nói không được gì.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư hàng triệu tỷ đồng cho 3 đặc khu, thu được cái gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.