Anh: Băng tan có thể khiến 1,5 triệu ngôi nhà bị nhấn chìm
Các nhà khoa học Anh ngày 13/10 đã cảnh báo, mực nước biển dâng cao có thể làm xói mòn bờ biển, đe dọa hàng triệu ngôi nhà, thậm chí xóa sổ một số ngôi làng ven biển của nước này.
Theo đó, có khoảng 1,5 triệu ngôi nhà ở Anh sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt, thậm chí biến mất do mực nước biển dâng cao, chủ yếu do băng ở Bắc Cực tan chảy.
Những ngôi làng nằm ở ven biển trũng thấp, như làng Fairbourne ở xứ Wales, thậm chí bị nhấn chìm và sẽ không thể ở được từ năm 2050. Người dân tại đây thực tế đã được kêu gọi nên rời đi, để khu vực này có thể được tháo dỡ biến thành một đầm lầy.
Nhiều quan điểm cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiều rủi ro, London cần cân nhắc nâng cấp các công trình "phòng thủ" nước biển dâng, trong đó có hàng rào biển Thames vốn được thiết kế để bảo vệ thủ đô nước Anh khỏi lũ lụt.
Các nhà khoa học cũng cho biết, đã thông báo với Tiểu ban nghiên cứu vùng cực của Ủy ban đánh giá môi trường Anh rằng, mức phát thải nhà kính hiện nay đủ để làm ấm bầu khí quyển gây ra mực nước biển dâng trên toàn cầu từ 17,5mm đến 52,4mm vào năm 2100 và bất kỳ sự gia tăng nhiệt độ nào lúc này đều sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng.
Những lo ngại của giới khoa học Anh diễn ra trong bối cảnh nhiệt độ Bắc Cực đang tăng nhanh gấp bốn lần so với mức trung bình toàn cầu.
Bên cạnh việc làm mực nước biển dâng, lượng băng suy giảm có thể làm mất ổn định dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương, còn được gọi là hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương (Amoc).
Điều này có thể tác động nghiêm trọng tới khí hậu toàn cầu, trong đó sẽ khiến Vương quốc Anh có mùa đông lạnh hơn cả Nga và Canada. Hiện tượng này cũng khiến các vùng nhiệt đới nóng hơn bao giờ hết. Một số nhà khoa học lo ngại điều này có thể xảy ra ngay trong thế kỷ tới.
Thiên Bảo (T/h)