Thứ sáu, 26/04/2024 07:30 (GMT+7)

Bắc Ninh: Nông nghiệp là vùng dự trữ năng lượng, vùng đệm cho kinh tế phát triển bền vững

Khánh Dung -  Thứ bảy, 11/02/2023 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.

Là một trong các tỉnh đang có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhưng Bắc Ninh vẫn chú trọng ưu tiên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh, theo hướng hiện đại, bền vững, an toàn thân thiện với môi trường. Tư duy làm “nông nghiệp xanh” đang thổi làn gió mới vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống.

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc hoàn thành quy hoạch ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp; quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, sinh thái, kinh tế trang trại tập trung sẽ được ưu tiên tập trung. Đặc biệt, với lợi thế có gần 2.000 ha đất bãi dọc sông Đuống là điều kiện thuận lợi để hình thành vành đai xanh hai bên bờ sông Đuống, tạo đà cho nông nghiệp sinh thái phát triển bền vững.

Năm 2023, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.

tm-img-alt
Cánh đồng trồng cà chua của HTX sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.

Bắc Ninh hiện có 1.242 vùng lúa năng suất, chất lượng cao với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên, với các sản phẩm chủ lực như cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại... 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên như vùng cam Đường canh, cam Vinh ở các huyện Thuận Thành, Lương Tài; bưởi Diễn, chuối, ổi ở huyện Tiên Du; bưởi Da xanh ở huyện Lương Tài; xây dựng và phát triển được 69 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 167 ha, trong đó có 22 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP (138 ha); 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh đạt gần 140 triệu đồng/ha.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đang triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn tại làng Diềm (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), làng tranh Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành) và làng gốm Phù Lãng (Quế Võ).

Đồng thời, phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao đời sống nhân dân với mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%; tỉ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%. Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và đáp ứng tiêu chí đô thị với 65% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận ít nhất 100 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao/huyện Nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo cảnh quan môi trường gắn với du lịch, dịch vụ đô thị dọc hai bờ sông Đuống.

Có thể khẳng định rằng, nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác. Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước và nhà sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là điều cần thiết.

Tuyên truyền triển khai, nhân rộng mô hình VietGAP, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ, không để lưu hành và sử dụng những loại thuốc thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép. Trong chăn nuôi, tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư.

Phối hợp các lực lượng liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu thuốc thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của những người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, cần có cơ chế trong việc phát triển nông nghiệp và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác; tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

Đặc biệt, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng để góp phần đảm bảo thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển một cách bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Bắc Ninh: Nông nghiệp là vùng dự trữ năng lượng, vùng đệm cho kinh tế phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.