Thứ ba, 30/04/2024 13:23 (GMT+7)

Cơ chế, chính sách về phát triển KT-XH các dân tộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

MTĐT -  Thứ sáu, 08/12/2023 16:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phải thống nhất trong tổng thể phát triển của quốc gia, chịu sự chi phối và có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với phát triển quốc gia.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ. Những năm qua, phát triển kinh tế- xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, một số tiềm năng được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả; văn hoá xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được quan tâm; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng, trong đó nổi bật là tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước đạt 53,56% (năm 2020); khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

tm-img-alt

Đặt sự phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong tổng thể phát triển của quốc gia.

Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn rất lớn 12,29% và cao gấp 4,6 lần so với mức trung bình trong toàn quốc (2,75%). Quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác; một số lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chuyển biến chậm; đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; hệ thống chính trị có mặt, có nơi còn hạn chế.

Nhằm triển khai và thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng tại Văn kiện Đại hội XIII, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhất là các thách thức mới được đặt ra với vùng, ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh  vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị rất toàn diện, định hướng cho mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là chủ trương, định hướng lớn Đảng để “ Phát triển nhanh và bền vững vùng, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước”. Nghị quyết đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tạo điều kiện cho vùng phát triển nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra cho vùng trong giai đoạn tới, phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Cụ thể:

Một là, đặt sự phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong tổng thể phát triển của quốc gia.

Phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phải thống nhất trong tổng thể phát triển của quốc gia, chịu sự chi phối và có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với phát triển quốc gia. Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là sự cụ thể hoá Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 10 năm 2021-2030;  phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng. Do vậy phát triển vùng phải bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Trong đó lấy người dân là trung tâm, người dân là mục tiêu và là động lực của sự phát triển.

Hai là, thống nhất nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển và liên kết vùng.

Tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với đảm bảo quốc phòng, an ninh; môi trường, sinh thái và khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cả nước. Trên cơ sở đó, đổi mới tư duy phát triển để tư duy về liên kết vùng là tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả; huy động hiệu quả nguồn lực và tăng lợi thế nhờ quy mô. Tiếp tục định vị vị trí, vai trò của vùng trong phát triển của cả nước để hoàn thiện và sử dụng có hiệu quả các công cụ quản lý phát triển vùng như hệ thống pháp luật, quy hoạch phát triển vùng,... Phát triển vùng, địa phương cần dựa trên lợi thế so sánh, cần có chính sách phát triển phù hợp với đặc điểm đặc thù và phát huy cao hơn nội lực của vùng và khai thác tối đa các lợi thế so sánh của từng địa phương, chuyển hóa khó khăn, thách thức thành cơ hội, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội để vươn lên và đảm bảo cho người dân trong vùng toàn tâm, toàn ý trong việc thực hiện nhiệm vụ được cả nước giao phó (bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ biên giới).

Ba là,tiếp tục cơ cấu lại kinh tế vùng và các địa phương vớicác khâu đột phá vàđảm bảocó trọng tâm, trọng điểm.

Mô hình phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn tới là phát triển xanh, bền vững và toàn diện nhằm hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế vùng  phù hợp với tiềm năng của vùng nhất là bảo vệ môi trường sinh thái cho cả vùng Bắc bộ phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và cụ thể hóa Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong đó: (i) Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng với trọng tâm là công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, chế biến nông, lâm sản; công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu; sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị điện, điện tử...; hình thành cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu; (ii) Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, hữu cơ, đặc sản gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, kinh tế cửa khẩu, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp; hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, giá trị gia tăng cao. Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa theo hướng “Nông nghiệp sinh thái; nông thôn hiện đại; nông dân thôngminh; (iii) Phát triển các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng, đầu mối của hành lang kinh tế, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư biên giới; phát triển các khu kinh tế cửa khẩu giáp Lào về thương mại, xuất nhập khẩu và dịch vụ qua cửa khẩu. Đẩy mạnh hợp tác phát triển trong quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và hợp tác phát triển trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch cho vùng; thống nhất về quy hoạch các tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khai thác mạnh thị trường khách du lịch quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch; đầu tư phát triển một số khu, điểm du lịch thành trọng điểm du lịch Vùng và quốc gia[1].

Nghị quyết xác định 02 khâu đột phá trong phát triển vùng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế[2] và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là 02 khâu đột phá phù hợp với các đột phá chiến lược được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 02 đột phá này sẽ giúp cho vùng khắc phục được những điểm yếu, những nút thắt trong phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để vùng có thể khai thác, phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững. Thêm vào đó, trong bối cảnh trình độ phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều nhau, để phát huy mạnh mẽ lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và tạo tác động lan toả, tích cực đối với toàn vùng Nghị quyết còn đặt ra nhiệm vụ phát triển các cực tăng trưởng nhằm lôi kéo các địa phương trong vùng gồm Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; phát triển chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô; các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới; các cụm liên kết, trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên, Bắc Giang; chuỗi liên kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp, trong đó đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp; Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất và chế biến gỗ; chuỗi liên kết phát triển du lịch, trong đó đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Bốn là, phát triển kinh tế vùng phải gắn với phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đặc thù của vùng là vùng đất có bề dày lịch sử, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nơi có 30 dân tộc đang sinh sống. Các dân tộc nơi đây còn lưu giữ và bảo tồn nền văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như hội Lồng Tồng, hội Gầu Tào, hội xuống đồng, hội xòe…; các điệu múa đặc sắc. Đây là vùng có truyền thống cách mạng vẻ vang, là nơi có các di tích gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như di tích đền Hùng (Phú thọ), Hang Pắc Bó (Cao Bằng), Cây đa Tân Trào và An toàn khu (Tuyên Quang), Điện Biên Phủ (Điện Biên)… Do vậy, phát triển văn hoá vùng cần theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới chân - thiện - mỹ để văn hoá vùng thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng.

Ngoài ra, mặc dù đạt được sự phát triển, có thể nói là vượt bậc trong thời gian qua nhưng vùng vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Do vậy, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về giảm nghèo với các chính sách hỗ trợ đặc thù gắn với điều kiện cụ thể; phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật và thường xuyên củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất thông qua “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Năm là,nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào DTTS, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững vùng.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề cho người lao động; đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của các địa phương trong Vùng; các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ việc làm; các chương trình, dự án hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo cầu lao động. Đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ và sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Vùng; tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Phát triển các trường nghề trọng điểm; hỗ trợ đào tạo, khuyến khích người lao động vừa học, vừa làm; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong GDNN và giữa GDNN và giáo dục đại học. Xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu quản lý lao động, kết nối với cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, thuế, dân cư.

Sáu là,coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và rừng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng bảo đảm về an ninh sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, là “lá phổi” của tổ quốc. Do vậy, Nghị quyết đã nhấn mạnh coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và rừng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng. ”. Phát triển rừng bền vững gắn với kinh tế lâm nghiệp; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước; tạo sinh kế bền vững cho người dân; đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; trồng rừng thâm canh gắn với khai thác gỗ lớn, chế biến tinh, sâu; trồng cây dược liệu, cây bản địa có giá trị dưới tán rừng để phát triển và bảo vệ rừng bền vữngBảo vệ và phát triển rừng hay giữ được rừng là giữ được đất và nước; giữ được môi trường sinh thái. Giữ được rừng là giữ được truyền thống văn hoá và lịch sử; giữ được dân; bảo đảm được quốc phòng, an ninh; tạo được cơ hội để người dân sống được bằng rừng và hướng tới làm giàu từ rừng. Bảo vệ nghiêm ngặt nước đầu nguồn và xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng

Bảy là,phát triển kinh tế vùng phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biên cương của Tổ quốc.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, là “phên dậu” của tổ quốc; là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Để thực hiện tốt nhiệm vụ “đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu và thường xuyên”, đảng bộ, chính quyền các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: (i) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. (ii) Kết hợp chặt chẽ mục tiêu kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ngay từ hoạch định, phân vùng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển của từng địa phương và vùng, coi trọng tính “lưỡng dụng” của các chương trình, dự án. (iii) Tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo; chú ý đúng mức việc xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng. (iv) Chủ động phát hiện, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tám là, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị.

Trong những năm qua, , công tác xây dựng Đảng ở các địa phương trong vùng còn có một số hạn chế, yếu kém. Trong bối cảnh bối cảnh công tác xây dựng Đảng đang được triển khai mạnh mẽ; với vai trò, vị trí đặc biệt của vùng, là chiến khu, quê hương cách mạng và Đảng luôn gần gũi, đồng hành với đồng bào các dân tộc trong vùng, yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền các cấp trong vùng là cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền; kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Xóa tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp nhất là ở các cơ sở, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng lực lượng “nòng cốt” trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và các hành vi vi phạm quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm, tầm nhìn đến năm 2045”  đã kế thừa và phát huy các  chủ trương, định hướng tại Nghị quyết 37- NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW, thể hiện sự nhất quán của Đảng về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Nghị quyết 11-NQ/TW sẽ là định hướng quan trọng để các Bộ ngành và các địa phương trong vùng đề ra các cơ chế, chính sách và chương trình, nhiệm vụ phù hợp, khả thi cho phát triển vùng trong giai đoạn tới nhằm “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh; quan tâm hơn đến vùng… biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” để khai thác tốt hơn các thế mạnh của vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Trong bối cảnh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là 1 trong 6 vùng KT-XH  có xuất phát điểm thấp và là vùng miền núi có đồng bào DTTS chiếm đa số và cao nhất trong cả nước (56,2%). Để thực hiện các chủ trương, định hướng của Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế- xã hội các dân tộc vủng Trung du và miền núi Bắc Bộ cần tập trung chính vào một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bám sát vào các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp và yêu cầu của quy hoạch theo Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 20/4/2022[3]của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch vùng phải là định hướng cho Quy hoạch các địa phương trong vùng nhất là trong tổ chức không gian phát triển, định hướng phát triển, cách thức phát triển phù hợp điều kiện từng địa phương, có chất lượng, tầm nhìn  hướng tới phát triển kinh tế - xã hội vùng một cách cân bằng và hài hòa. Quy hoạch vùng  cần thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân; bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế cả cộng đồng dân cư; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục thể chế Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội[4] phù hợp với từng địa phương, khu vực. Ban hành các cơ chế chính sách huy động, thu hút, phát huy mọi nguồn lực để phát triển, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển đô thị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, nguồn lực nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Nâng cao tri thức, năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. cho người dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  Xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ về tài chính đối với đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của vùng.

Thứ ba, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để phát huy nội lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là chính sách thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng đảm bảo đồng bào gắn bó với đất với rừng, giữ đất, giữ rừng và phát triển bền vững từ đất, từ rừng; cơ chế khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trở thành nguồn nội lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu.

Thứ, hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện đời sống và giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; cơ chế chính sách và nguồn lực đảm bảo sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối để cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và thúc đẩy nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng phát triển mô hình các trường bán trú, bán trú dân nuôi có sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, các trường dân tộc nội trú, các loại hình đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Đổi mới tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy thực hiện công tác dân tộc. Thực hiện các chính sách nhằm phát huy vai trò của những người có uy tín (già làng, trí thức DTTS) và vai trò của công tác dân vận, công tác vận động quần chúng, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể các cấp

Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác quản lý nhà nước về phát triển các dân tộc thiểu số. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế hoạch định và thực thi chính sách dân tộc.  Gắn chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi với chính sách xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Tăng cường sự phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; thông tin phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận như truyền hình, phát thanh, báo chí, internet, tuyên truyền lưu động…; xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, minh bạch và đẩy mạnh nghiên cứu phục vụ điều hành, quản lý trong công tác dân tộc. Đổi mới công tác giám sát, đánh giá, quản lý theo mục tiêu chính sách, thiết lập hệ thống mục tiêu và chỉ tiêu phù hợp.

Hội thảo này, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp có giá trị tham vấn cho các cơ quan hoạch định chính sách xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển mới./.

[1] Khu du lịch sinh thái cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu), Khu du lịch hồ Sơn La (Sơn La) trở thành khu du lịch quốc gia; xây dựng các điểm du lịch gắn với Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An) và Tây Yên Tử (Bắc Giang). Nâng cấp Điện Biên Phủ thành trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử của Vùng cùng với Khu du lịch Sa Pa.

[2] Như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang; Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng; Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng.

[3]Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  

[4] Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 

Ban Kinh tế Trung ương

(Vụ Kinh tế vùng và địa phương)

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế, chính sách về phát triển KT-XH các dân tộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.