Thứ bảy, 27/04/2024 23:49 (GMT+7)

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Uỷ Ban Dân tộc -  Thứ sáu, 08/12/2023 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS vùng TD&MNBB, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách dân tộc.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ[1] (TD&MNBB) bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người DTTS, chiếm trên 56 % dân số của vùng và chiếm gần 50 % số người DTTS của cả nước. Một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS cao, chiếm trên 80% dân số như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên (trong đó tỉnh Cao Bằng có tới trên 92% dân số là người DTTS). Các DTTS có quy mô dân số lớn như: dân tộc Tày có 1,565 triệu người, dân tộc Mông có 1,248 triệu người, dân tộc Thái có 1,134 triệu người[2]... Bên cạnh đó, vùng TD&MNBB còn là địa bàn có nhiều “DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”, như: dân tộc Cống, Mảng, Cờ Lao, Lô Lô, Pu Péo, Si La… Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán...

Vùng TD&MNBB có đường biên giới giáp với hai nước Lào và Trung Quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về  kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu...; có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ, đồng thời cũng là nơi có nhiều căn cứ cách mạng, di sản vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử, lễ hội dân tộc truyền thống mang dấu ấn riêng, đa dạng, đặc sắc, độc đáo và nhiều tính nhân văn sâu sắc.

Sự phân bố dân cư vùng TD&MNBB mang tính đặc thù của vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình bị chia cắt mạnh, mật độ dân cư thưa thớt; nhiều DTTS có quan hệ sắc tộc, dòng họ và một số đặc điểm chung về văn hóa với các dân tộc bên kia biên giới; đa số đồng bào các DTTS sinh sống ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại vất vả, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai; đời sống vật chất và tinh thần còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước.

Đến nay, Vùng TD&MNBB vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước: tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững. Theo số liệu năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng TD&MNBB là 21,92%, cao nhất và khác biệt lớn so với các Vùng trên địa bàn cả nước (Vùng Đông Nam bộ tỉ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 0,34%;Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 10,04%; Đồng bằng sông Hồng 2,45%; Tây Nguyên 15,39%; Đồng bằng sông Cửu Long 5,73%)[3]. Một bộ phận đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; nơi ở không ổn định và có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai. Phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển sản xuất đã có nhiều khởi sắc nhưng còn mang tính tự cung tự cấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế dẫn tới giá trị sản phẩm chưa cao. Tính kết nối trong phát triển kinh tế - xã hội nội vùng và giữa vùng TD&MNBB với các vùng khác trên địa bàn cả nước còn yếu, dẫn đến một số sản phẩm sản xuất ra nhưng tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Để phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS vùng TD&MNBB, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách dân tộc. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt đề án tổng thể, Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Đặc biệt, ngày 10 tháng 02 năm 2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 - NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Điều đó đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào DTTS nói chung, vùng TD&MNBB nói riêng. Đây cũng là niềm tự hào, là động lực to lớn đối với toàn thể đồng bào DTTS trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với sự phát triển chung của cả nước với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại Hội thảo này, Ủy ban Dân tộc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vùng TD&MNBB quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS như sau:

  1. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, trong những năm qua hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng TD&MNBB đã được cải thiện rõ rệt, nổi bật là xây dựng mới và nâng cấp một số tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng với Thủ đô Hà Nội, như: Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn... . Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn trong Vùng từng bước được nâng cấp, với 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 98% trong số đó được cứng hóa; hệ thống nhà sinh hoạt cộng đồng từng bước được đầu tư xây dựng mới, trong đó gần 84% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 61% số xã có nhà văn hóa[4]; hệ thống trạm y tế, trường học, điện lưới quốc gia, công trình thủy lợi, hạ tầng viễn thông... không ngừng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới ngày một khang trang, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, nhìn chung kết cấu hạ tầng vùng TD&MNBB còn thiếu, đang xuống cấp mạnh và chất lượng hạn chế, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, đường đến trung tâm các xã, thôn, bản, đường liên thôn; các công trình nước sinh hoạt, chợ, trường học, trạm y tế và nhà văn hóa cần tiếp tục được kiên cố hóa; đảm bảo các hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng đồng bộ, đảm bảo truyền tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao thương hàng hóa và sinh hoạt của đồng bào. Phấn đấu đến năm 2030 có trên 85% số xã, thôn trong Vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

  1. Phát triển sản xuất, văn hóa - xã hội và xóa đói giảm nghèo

Hoạt động phát triển sản xuất đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp, thiếu kết nối; văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một và mất dần, chỉ có khoảng 11% người đồng bào DTTS biết nói tiếng dân tộc mình trong giao tiếp, 14% biết nhạc cụ, bài hát, múa truyền thống của dân tộc; còn khoảng 17% phụ nữ chưa được khám thai định kỳ và sinh con ở cơ sở y tế, 14 % hộ gia đình chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh[5], một bộ phận không nhỏ người DTTS chưa tham gia bảo hiểm y tế... Vì vậy cần triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, lao động ở nước ngoài để tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tại chỗ tiếp cận việc làm phi nông nghiệp, tham gia chuỗi liên kết, kết nối hộ gia đình với doanh nghiệp - hợp tác xã để tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng TD&MNBB; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội và kinh tế, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa của địa phương. Phấn đấu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong "mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS" theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015; đến năm 2030 có 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ bản hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu về "phát triển bền vững".

  1. Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS

Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần tăng thêm đáng kể về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo cho các tỉnh vùng TD&MNBB, tuy nhiên kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chỉ chiếm khoảng 14 - 15%, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chiếm khoảng 18%, chưa đạt tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg; có tới trên 87% người DTTS có việc làm  từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật[6].

Để không ngừng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS theo Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào DTTS rất ít người. Thực hiện cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp theo hướng xét tuyển đặc cách đối với nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn khó khăn và có cơ chế thi tuyển đặc thù để lựa chọn được người DTTS có năng lực làm việc. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.

  1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố hệ thống chính trị

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 - NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trên địa bàn vùng TD&MNBB cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác dân tộc của Đảng nói chung, Nghị quyết 11 - NQ/TW nói riêng. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện thường xuyên, liên tục, cấp bách và lâu dài ở địa phương.

Đối với công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, những năm vừa qua các địa phương vùng TD&MNBB đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa tạo được sự chuyển biến đột phá. Trong giai đoạn tiếp theo cần không ngừng củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc trong tình hình mới và điều kiện cụ thể tại địa phương, cơ sở. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng hình thức phù hợp; đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, những hạn chế, thiếu sót của chính quyền các cấp để chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc tại địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát Đảng, chính quyền; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang mà nòng cốt là bộ đội biên phòng, công an và dân quân tự vệ trong việc giúp đỡ nhân dân, vận động nhân dân bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng giáp biên của nước ta và nước bạn; đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, đầu tư đường tuần tra biên giới; động viên đồng bào tích cực tham gia các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc,  đấu tranh phòng chống tội phạm.

Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, chủ động ngăn chặn các hoạt động lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các DTTS và các hoạt động trái pháp luật khác.

  1. Đổi mới công tác dân tộc

Công tác dân tộc trên địa bàn vùng TD&MNBB luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ; một số chính sách mang nặng tính hỗ trợ, giải quyết tình thế, gây tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo; nguồn lực bố trí còn dàn trải, manh mún, thiếu tính kết nối...Vì vậy cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến vùng TD&MNBB. Tổ chức thực hiện tốt chính sách theo hướng giảm dần cơ chế “cho không”, tăng chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư kết cấu hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế...; tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các nguồn lực; phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng TD&MNBB. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổng kết thực hiện các chính sách dân tộc; bố trí, sử dụng cán bộ có đủ năng lực, trình độ làm công tác dân tộc trên địa bàn.

Trước mắt, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn vùng TD&MNBB cần quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn2021-2030, giai đoạn I từ2021 - 2025, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB.

Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở cộng đồng các DTTS rất ít người và nhóm dân tộc "còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù", ưu tiên giải quyết vấn đề đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực. Đối với những địa bàn DTTS quá khó khăn, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu cơ bản, cần có chính sách hỗ trợ ổn định về lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết để người dân yên tâm giữ gìn tài nguyên, đảm bảo an ninh chính trị.

Để thúc đẩy phát triển bền vững đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn vùng TD&MNBB là cả một chặng đường dài đầy khó khăn thách thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm công tác dân tộc các cấp; cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng TD&MNBB; các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học… và đặc biệt là gần 50 % số người DTTS của cả nước đang sinh sống trên địa bàn Vùng này cần nhận thức sâu sắc về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra đối với vùng TD&MNBB nói chung, đồng bào DTTS nói riêng; phát huy tối đa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, tận dụng mọi cơ hội, phát huy hiệu quả các chính sách cho đồng bào DTTS, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức và vươn lên.

[1]Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang (không bao gồm Tây Thanh  Hóa, Tây Nghệ An)

[2]Kết quả điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

[3] Quyết định Số: 71/QĐ-LĐTBXH ngày 19/01/2023 của Bộ Lao động – TBXH;

[4] Tổng hợp từ Báo cáo số 12-BC/BCSĐ ngày 30/7/2021 của Ban Cán sự đảng Ủy ban Dân tộc.

[5] Tổng hợp từ Báo cáo số 12-BC/BCSĐ ngày 30/7/2021 của Ban Cán sự đảng Ủy ban Dân tộc.

[6] Tổng hợp từ Báo cáo số 12-BC/BCSĐ ngày 30/7/2021 của Ban Cán sự đảng Ủy ban Dân tộc.

Bạn đang đọc bài viết Định hướng phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề