Thứ bảy, 04/05/2024 08:11 (GMT+7)

COVID-19 và những hậu họa vô hình

MTĐT -  Thứ bảy, 28/08/2021 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại dịch COVID-19 ập đến khiến cả thế giới chao đảo. Ảnh hưởng rõ ràng nhất có thể thấy là sức khỏe. Đồng thời, những chính sách đóng cửa gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

GDP toàn cầu đã mất tới 4 nghìn tỷ USD từ ngành công nghiệp du lịch trong hai năm 2020 và 2021, theo báo cáo gần đây của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD). Nhưng còn những hậu họa vô hình thì sao?

Bất bình đẳng giáo dục

Trường học đóng cửa, trẻ em tiếp tục học trực tuyến tại nhà. Đây là giải pháp khả thi và hợp lý nhất trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, phương pháp học trực tuyến không còn quá khó khăn để thực hiện. Tuy nhiên, thực tế 2 năm vừa qua cho thấy, hình thức học trực tuyến đã khoét sâu tình trạng bất bình đẳng về giáo dục, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. 

Trước tiên, đó là sự bất bình đẳng giữa các quốc gia. 188 quốc gia phải đóng cửa trường học, nhưng chỉ 65% (theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF)  trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và 25% quốc gia thu nhập thấp có thể cung cấp hình thức đào tạo từ xa. Số học sinh có thể theo đuổi hình thức giáo dục này còn tiếp tục rơi rớt do điều kiện gia đình không cho phép. Chưa kể, cha mẹ bị mất việc, thu nhập không còn, thì việc học của con cái không còn là ưu tiên hàng đầu. 

Ngay cả ở những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh... thì hiện tượng bất bình đẳng giáo dục vẫn diễn ra. Tại Hoa Kỳ, vào đợt đóng cửa trường học mùa xuân năm ngoái, có tới 42% (theo trang tin Harvard Gazette) gia đình truy cập kỹ thuật số một cách hạn chế. Con số này giảm xuống còn 31% vào mùa thu năm nay, nhờ nỗ lực cung cấp máy tính bảng giá rẻ Chromebook tới các gia đình.

Đợt phong tỏa đầu tiên tại Pháp khiến khoảng 30% học sinh không thể tiếp cận giáo dục. Chưa kể, khi ở nhà, ngoài việc không đủ thiết bị, các em học sinh còn lúng túng khi không có ai hướng dẫn làm quen với hình thức học mới, hoặc phải phân chia thời gian sử dụng máy tính với anh chị em trong nhà, hoặc không có  chỗ yên tĩnh để học. Những yếu tố này khiến kiến thức rơi rớt cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng học tập của các em. Chính vì vậy, vào những đợt phong tỏa tiếp theo, chính phủ Pháp kiên quyết không đóng cửa trường học; và học sinh phải làm quen với việc vừa học vừa đeo khẩu trang suốt ngày. 

Nạn đói và bạo lực gia đình

Trường học đóng cửa dẫn đến việc trẻ em nghèo mất đi bữa ăn trưa. Vào năm 2019, Chương trình Lương thực Thế giới ước tính ít nhất 310 triệu trẻ em ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được cho ăn ở trường. Nhờ có bữa trưa mà nhiều trẻ em hăng hái đi học (hoặc bố mẹ sẵn sàng cho con đi học hơn, đặc biệt là các bé gái), cải thiện chế độ dinh dưỡng của trẻ em và giảm bớt căng thẳng tài chính cho các gia đình nghèo.

Ngày đầu nhập học (sau 9 tháng tạm nghỉ vì đại dịch COVID-19) tại một trường học ở thủ đô Nairobi của Kenya đầu năm nay. Ảnh: AP

Trường học đóng cửa khiến nguy cơ thiếu lương thực ngày càng tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở các nước đang phát triển, những trẻ em này hiện phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và đói ngày càng tăng. Cùng với những bữa ăn giữa ngày, trẻ em cũng có nhu cầu gặp gỡ bạn bè, điều cần thiết cho sức khỏe tinh thần của trẻ. 

Chính sách giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và làm việc tại nhà còn khiến tình trạng bạo lực gia đình và ly hôn tăng đột biến. Các nước phát triển đều ghi nhận tỷ lệ bạo lực gia đình tăng 30% so với trước COVID-19. Các kênh thông tin, truyền hình Pháp thông báo, mặc dù giãn cách, phụ nữ đều có thể chạy tới hiệu thuốc để thông báo nếu bị bạo hành. 

Trước đây, trường học không chỉ là nơi để nâng cao kiến thức hay cung cấp thêm bữa ăn cho trẻ em nghèo mà còn là chỗ trú ẩn an toàn, giúp các em tránh được đòn roi vô cớ từ cha mẹ. Đại dịch Covid-19 khiến cho các em không còn chỗ trú thân. 

Sức khỏe tâm thần

Sức khoẻ tâm thần của người dân đang ở mức báo động hơn bao giờ hết. Từ tháng 3.2020, tỷ lệ người dân gặp vấn đề sức khỏe tâm thần tại các quốc gia như Bỉ, Úc, Canada, Pháp, Anh, Hoa Kỳ tăng gấp đôi hoặc hơn so với cùng kỳ năm trước. Các vấn đề phổ biến bao gồm trạng thái lo lắng, tuyệt vọng, căng thẳng và mất ngủ. Đặc biệt, các dữ liệu cho thấy tỷ lệ người dân rơi vào trạng thái đau khổ là cao nhất trong các thời kỳ có tỷ lệ tử vong cao và chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. 

Các nguyên nhân chính dẫn đến sự suy kiệt về tinh thần bao gồm: nguy cơ mất việc, nguy cơ lây nhiễm khi làm việc, tình trạng tài chính bị đe dọa... Các dữ liệu quan sát được hầu hết nạn nhân suy kiệt sức khỏe tâm thần đến từ nhóm có trình độ giáo dục và thu nhập thấp. 

Steven Taylor, tác giả cuốn Tâm lý học của các đại dịch, và là giáo sư tại Đại học British Columbia, lập luận rằng “đối với một số ít người, 10-15%, cuộc sống sẽ không trở lại bình thường được nữa”, do tác động của đại dịch ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ. Tại Anh, một nhóm chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu gần đây đã cảnh báo trên tạp chí Y khoa Anh rằng “tác động đến sức khỏe tâm thần của đại dịch có khả năng kéo dài hơn nhiều so với tác động đến sức khỏe thể chất”. 

Trạng thái bình thường mới có thực sự bình thường?

Những chính sách đối đầu với COVID-19 hiện tại có thể cho ta thấy ngay những hậu quả như đã nêu, nhưng những vấn đề kinh tế, xã hội sẽ còn bị ảnh hưởng rất nhiều năm về sau. 

Việc trường học đóng cửa ở các nước nghèo có thể khiến nhiều trẻ em thất học. Kể cả khi trường học mở cửa trở lại thì nhiều trẻ em sẽ có nguy cơ không thể tới trường nữa: do điều kiện kinh tế, do đã tham gia lực lượng lao động để giúp đỡ cha mẹ, do mất đi động lực học tập... UNESCO còn lo ngại rằng trẻ em sẽ bị bóc lột, nhiều bé gái phải cưới chồng sớm, nhiều bé trai phải tham gia quân đội, nhiều bé gái mang thai hoặc bị lạm dụng tình dục. Số liệu từ những đợt thiên tai trước đây hay đại dịch Ebola đã cho thấy điều này. Như vậy, kéo theo đó là một thế hệ thất học, nghèo đói và bị tước đoạt quyền trẻ em và quyền con người. 

Đối với những quốc gia nơi những vấn nạn này không thực sự hiện diện, việc trường học đóng cửa cũng để lại ảnh hưởng nhất định trong tương lai. Ước tính 5 tháng trường học đóng cửa tương đương với việc mất đi 872 USD mỗi năm và khoảng 16.000 USD trong suốt thời gian lao động trong tương lai đối với những học sinh đang học cấp 1 và cấp 2 tại thời điểm này. World Bank dự đoán đại dịch sẽ lấy đi khoảng 10 nghìn tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế quốc gia, nơi tiếp nhận lực lượng lao động ít kỹ năng hơn, sẽ phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 có thể khiến hàng trăm triệu lao động toàn cầu rơi vào tình trạng thất nghiệp vào năm tới, trong đó phụ nữ và lao động trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lực lượng lao động nữ toàn cầu giảm 5% trong năm 2020 so với 3,9% lao động nam. Bên cạnh đó, tình trạng phong tỏa khiến cho phụ nữ phải gánh thêm nhiều việc nhà và nữ giới sẽ buộc phải quay lại với vai trò truyền thống và mất dần những quyền lợi mà họ đã dày công đấu tranh nhiều năm mới giành được.

Người Hồi giáo Indonesia thực hiện lễ cầu nguyện Eid Al-Adha tại nhà thờ Hồi giáo Sabilul Khoirot ở Surabaya trong bối cảnh bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Ảnh: Robertus Pudyanto

Hai tỷ người lao động tự do/phi chính thức trên toàn thế giới cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Năm 2019, có 108 triệu người lao động trên thế giới được coi là “nghèo” hoặc “cực kỳ nghèo”, họ và gia đình sống với mức thu nhập dưới 3,20 USD mỗi ngày. Theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động tự do toàn cầu lên tới 205 triệu người vào năm 2022. Cho dù chiến dịch tiêm vaccine được đẩy mạnh nhưng sự phục hồi là không đồng đều, đặc biệt ở những quốc gia nghèo và đang phát triển. 

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hậu quả không mong muốn trên khắp thế giới, nhưng nếu nhìn theo cách lạc quan thì đây chính là cơ hội để các nhà cầm quyền nhìn rõ các vấn đề đang còn tồn tại về giáo dục, việc làm cũng như sức khỏe tâm thần của người dân. Nếu mục tiêu là “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, thì những nhóm người yếu thế nhất cần được quan tâm đầu tiên, để đảm bảo một xã hội phát triển bền vững. Đây chính là cơ hội để phát triển một xã hội kiên cường hơn, khỏe mạnh hơn và công bằng hơn. 

TS. Ngô Thị Phương Lê - Nghiên cứu viên tại Đại học Excelia-Pháp/ Thành viên tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global)

Theo Người Đô thị

Bạn đang đọc bài viết COVID-19 và những hậu họa vô hình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.