Thứ năm, 02/05/2024 13:05 (GMT+7)

Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

An Nhiên -  Thứ bảy, 15/04/2023 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thay vì đi theo vành đai 2 TP.HCM như quy hoạch, có ý tưởng cho rằng nên đi theo đường vành đai 3 (phía ngoài TP) để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng.

Hội thảo về ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đoạn trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương, diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật TPHCM đã chỉ ra một số bất cập dự kiến khi thực hiện đầu tư xây dựng đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Tuyến đường sắt này chạy song song với đường Vành đai 2, tuy nhiên nhiều năm qua dự án chưa được triển khai. Trong khi đó, quá trình đô thị hoá dọc Vành đai 2 đã phát triển nhanh, việc giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án tuyến đường sắt này sẽ tốn nhiều chi phí và thời gian.

Ngoài ra, các đoạn chưa khép kín của Vành đai 2 đi qua đô thị có diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, nhiều nút giao phức tạp khiến chi phí đầu tư cao. Hai đoạn dài 6km nằm trong 14km còn lại để khép kín tuyến đều ở TP.Thủ Đức, dự kiến sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm. Tổng vốn dự tính 17.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2.88 tỷ đồng/km, dự kiến sẽ là dự án giao thông chi phí đầu tư đắt nhất nước.

tm-img-alt
Đề xuất điều chỉnh tuyến đường sắt TP.HCM-Cần Thơ đi cùng vành đai 3 sẽ có thể mang lại nhiều lợi ích. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, nhiều bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã cho thấy, việc kết hợp các tuyến đường sắt và đường bộ sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn so với việc hai tuyến này bố trí riêng. Có nhiều nước đã áp dụng như Hoa Kỳ làm dự án mở rộng giao thông vận tải thành phố Denver. Liên minh châu Âu làm trục đa phương thức Bồ Đào Nha/Tây Ban Nha nối với phần còn lại châu Âu. Cộng hòa Liên Bang Nga làm dự án kết hợp đường sắt và đường bộ Adler - Krasnaya Polyana….

Ở Việt Nam, đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang và đường sắt nhẹ đô thị Thủ Thiêm - Long Thành được quy hoạch sát bên cạnh cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất hai phương án: Một là kết hợp một phần đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vào Vành đai 3, bắt đầu từ điểm đầu tuyến tại ga An Bình, đi về phía Tây gặp Vành đai 3, có 1 nhánh rẽ đi Tây Ninh. Tuyến chính theo Vành đai 3 về phía Nam đến nút giao Bến Lức - Long Thành, sau đó đi tiếp qua Long An, xuống Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng được quy hoạch trước đây.

Phương án thứ hai kết hợp phần lớn đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trên địa bàn TP.HCM vào Vành đai 3. Từ điểm đầu tuyến tại ga An Bình, đi theo hành lang đã quy hoạch về phía Bắc đến ga Dĩ An và ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo Vành đai 3 về phía Nam, đi tiếp xuống Đồng bằng sông Cửu Long theo hành lang đã được quy hoạch trước đây.

Việc điều chỉnh hướng tuyến này có rất nhiều lợi ích như giảm chi phí giải phóng mặt bằng, tránh việc đi qua khu vực dân cư có mật độ cư trú khá dày đặc và có giá giải phóng mặt bằng khá cao; tạo nên sự ổn định trong cuộc sống người dân do giải phóng mặt bằng một lần; giảm chi phí đầu tư xây dựng do phần lớn tuyến đường sắt được đề xuất sẽ đi trên mặt đất; giảm thiểu sự bất tiện đến sinh hoạt và đi lại của người dân do việc thi công xây dựng gây ra…

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới