Thứ sáu, 26/04/2024 17:07 (GMT+7)

Giá đất thổi vù vù, người dân Vạn Ninh phá rừng, chiếm đảo

MTĐT -  Thứ hai, 23/04/2018 12:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước “cơn sốt” đất tại đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, nhiều người đã lấp cả đìa nuôi trồng thủy sản, đốt rừng chiếm đảo để lập rào sẵn sàng chờ bán kiếm lời.

Giá đất tăng gấp 10 lần

Bắc Vân Phong nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) được quy hoạch trở thành 1 trong 3 đặc khu hành chính - kinh tế đầu tiên của cả nước. Theo đề án, nơi đây sẽ phát huy các điều kiện thuận lợi về hàng hải trong khu vực và thế giới để phát triển cảng biển, quốc phòng.

Vì vậy, từ sau Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai ở đây đã diễn ra rầm rộ. Do nhu cầu bỗng tăng cao nên thủ tục diễn ra cũng rất đơn giản, nhanh chóng khi người này sang tay cho người khác và giá đất cũng được "cò" hét tăng gấp nhiều lần.

Theo phản ánh, tại nhiều xã thuộc huyện Vạn Ninh như Vạn Thắng, Vạn Thọ, Vạn Khánh… giá đất hiện tăng theo giờ, thậm chí gấp 10 lần so với trước đây. Cụ thể, thay vì chỉ 1 vài triệu đồng/m2, nay đã dao động 6-13 triệu đồng/m2.

Chị Nguyễn Hà, ngụ tại Từ Liêm, Hà Nội cho biết, để đón làn sóng đặc khu, chị và nhóm bạn đã rủ nhau gom tiền về Vạn Ninh để mua đất, đợi khi giá tốt thì bán lại là kiếm được bộn tiền. “Bắc Vân Phong giờ là chỗ đầu tư tốt. Dự án vào đây chưa nhiều, nếu biết nắm bắt ngay lúc này sẽ là cơ hội đầu tư tốt cho ai muốn làm giàu”, chị nói.

Không chỉ ở Bắc Vân Phong, chị Hà còn cho biết thêm, chị đã về Quảng Ninh để buôn đất ở khu vực Vân Đồn. Đây cũng là 1 trong 3 đặc khu kinh tế - hành chính theo đề án. “Tôi đã sang tay 2 mảnh đất ở đây và còn giữ 1 mảnh gần 500 m2 để chờ giá”, chị nói và cho biết, không chỉ riêng chị mà nhiều người Hà Nội và các tỉnh khác cũng đổ vào các nơi này để đầu tư đất.

Đốt rừng để chiếm đất

Không chỉ vậy, theo báo Giao thông, những ngày này dọc trên nhiều con đường của huyện Vạn Ninh những bảng hiệu “đất bán” được dựng khắp nơi. Những mảnh vườn, khu đất bỏ hoang, hay vùng trũng thấp tấp nập cảnh đổ đất nâng nền, sửa sang, dựng rào, cắm cọc. Thậm chí, cả đìa nuôi trồng thủy sản cũng được san lấp, lập rào sẵn sàng chờ bán. Dọc đường, chốc chốc lại thấy những chiếc ô tô biển số các tỉnh đậu đỗ, người đứng chỉ trỏ về những lô đất đang bán.

Giá đất cả vùng này cũng tăng đột biến trong vài tháng qua. Cụ thể, tháng 10/2017, thời điểm trước khi Khánh Hòa đề xuất lấy cả huyện Vạn Ninh làm đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong, giá đất vườn, đất lâm nghiệp ở khu vực này chỉ từ 300 - 700 nghìn đồng/m2, thì nay đã lên đến 1-3 triệu đồng/m2 (tùy vị trí). “Nhiều mảnh vườn cằn cỗi trước đây bán vài chục triệu đồng không ai mua, nay bán 5-7 tỉ đồng”, ông Trần Văn Ngân (ngụ thôn Đầm Môn) nói.

Không chỉ ở đất liền, hàng loạt đảo trong vịnh Vân Phong cũng nằm trong cơn sốt đất. Từ trên bờ ra cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những cột khói đen bốc lên. “Người ta đốt rừng trên đảo, phát dọn để chiếm đất bán”, một người dân xã Vạn Thạnh cho biết.

Một vuông nuôi trồng thủy sản của người dân tại xã Vạn Thạnh đã bị san lấp, sẵn sàng bán khi được giá. Ảnh báo Giao thông.

“Tình hình lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, phá rừng… trên địa bàn hiện đang diễn biến rất phức tạp”, ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh thừa nhận.

Qua kiểm tra, huyện này đã phát hiện 54 trường hợp xây dựng lấn chiếm, trái phép, hiện vẫn còn nhiều trường hợp chưa xử lý được.

Giải thích về vai trò quản lý của các địa phương khi để xảy ra nhiều vi phạm, đặc biệt trên địa bàn xã Vạn Thạnh, Phó chủ tịch huyện nêu: "Xã này đã tiến hành tổ chức kiểm tra, ngăn chặn. Tuy nhiên, do điều kiện đi lại khó khăn, công tác theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn của địa phương chưa kịp thời dẫn đến số trường hợp vi phạm ngày càng tăng và phức tạp hơn".

Ngoài ra, ông còn nêu một số khó khăn mà huyện gặp phải trong quản lý đất đai trên địa bàn như tình trạng chuyển nhượng đất lúa, san lấp đất nuôi trồng thủy sản để trồng cây công nghiệp. Theo ông, do Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật khác không có hướng dẫn về điều chỉnh, xử lý vi phạm nên địa phương còn lúng túng.

Các khó khăn này đã được UBND huyện báo cáo và xin ý kiến tỉnh. Sau đó, tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Để ngăn chặn và giải quyết các trường hợp vi phạm, huyện này đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường quản lý quỹ đất công, đất chưa sử dụng; kiểm tra, xác minh nguồn gốc khoáng sản với trường hợp khai thác để san lấp mặt bằng; thu hồi giấy chứng nhận đã cấp nếu sử dụng đất không đúng mục đích hay có hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai.

Sẽ chịu nhiều rủi ro

Trước tình trạng nhà đầu tư đổ xô vào “săn” đất nền các vùng đặc khu, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cảnh báo, việc sốt nóng đất nền các vùng đặc khu sẽ có những rủi ro.

Theo ông Đính, có 3 rủi ro mà nhà đầu tư (NĐT) sẽ phải đối mặt. Thứ nhất, NĐT và các nhà đầu cơ chắc chắn sẽ bị mua cao hơn giá trị thực bởi hầu hết các khu này đều chưa có sự đầu tư của nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhiều.

Theo ông Đính, giá trị đất đai thường đi theo giá trị đầu tư hạ tầng. Trong khi các khu Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong nhìn chung hạ tầng còn chưa đầy đủ và đang còn trong giai đoạn đầu. Vì vậy, giá trị đất đai chưa thể cao như các khu đã được hoàn thiện đầy đủ hạ tầng.

“Việc chưa có đầu tư đã phải mua đất giá cao, điều này cho thấy rủi ro về giá trị. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư luôn đẩy giá với hy vọng bán lại cho người khác. Điều này có thể có lợi trong giai đoạn đầu nhưng những người đến sau sẽ chịu nhiều rủi ro”, ông Đính phân tích.

Thứ 2 là rủi ro pháp lý. Việc mua bán đất ở các khu vực này hầu như đều chưa đúng quy định, dẫn tới rủi ro cho người mua nhà. Hiện nay đất đang giao dịch hầu hết là đất nông nghiệp, canh tác, đất vườn…và đây là các loại đất pháp luật cấm giao dịch.

Thứ 3 là các khu vực này phần lớn đất chưa được quy hoạch. Do đó, rủi ro đất của người mua nhà sẽ bị vướng quy hoạch.

Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) - nơi dự định thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong. Ảnh: Dân Trí.

Riêng đối với các nhà phát triển dự án, ông Đính cho rằng, sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc giải phóng mặt bằng, phải đền bù với giá đất cao, chấp nhận các chi phí cao hơn giá trị thực, từ đó không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đối với thị trường bất động sản nói chung sẽ tạo ra nguy cơ rủi ro về "bong bóng" tại khu vực này vì giá đẩy lên cao vượt giá trị thực.

Ngoài ra, còn tạo ra khó khăn cho Nhà nước trong việc quản lý, quy hoạch. Bên cạnh đó, bất động sản tại các khu vực này sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.

“Tôi nghĩ rằng các NĐT không nên đầu tư bừa bãi. Nên đầu tư vào các dự án có quy hoạch, đầy đủ pháp lý. Theo đánh giá của tôi, giá trị các khu đất này được định giá hợp lý vì có đầy đủ hạ tầng, phản ánh đúng giá trị”, ông Đính khuyên.

Trước "cơn sốt" đất tại các đặc khu đang ngày càng diễn biến phức tạp, ngày 18/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ba tỉnh cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.

P.V (tổng hợp theo Zing, báo Giao thông)

Bạn đang đọc bài viết Giá đất thổi vù vù, người dân Vạn Ninh phá rừng, chiếm đảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới