Thứ bảy, 27/04/2024 03:10 (GMT+7)

Khánh Hòa: Vì sao vi phạm xây dựng gia tăng một cách khó hiểu?

MTĐT -  Thứ hai, 22/07/2019 17:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với phát triển di lịch, những dự án xây dựng trái phép tại Nha Trang đang ngày càng có xu hướng gia tăng gây bức xúc dư luận.

Thời gian gần đây, tình hình xây dựng, triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp, đặc biệt là thành phố Nha Trang, nơi đang có tốc độ đô thị hóa “quá nóng” với hàng loạt công trình phục vụ du lịch.

Tình trạng xây dựng trái phép có chiều hướng gia tăng tại các khu vực quy hoạch, đang triển khai dự án.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản nhằm thiết lập lại trật tự.

Mới đây, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1804 thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra xử lý tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo UBND thành phố Nha Trang tập trung lực lượng để cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép.

Tổng thể núi Cô Tiên – Thành phố Nha Trang.

Theo Diễn đàn DN, nhiều dự án thuộc dạng “khủng” cũng vi phạm như: dự án Chung cư Napoleon Castle 1 (đường Nguyễn Đình Chiểu) có tổng diện tích gần 3.000m², quy mô 40 tầng với 800 căn hộ nhưng thi công không đúng với giấy phép xây dựng, chủ đầu tư bị Sở Xây dựng xử phạt 40 triệu đồng, đơn vị thi công bị phạt 65 triệu đồng; khách sạn Volga Nha Trang (Bãi Dương, phường Vĩnh Hải) bị xử phạt 105 triệu đồng vì thi công sai giấy phép xây dựng...

Nhiều công trình tai tiếng khiến dư luận người dân Khánh Hòa bức xúc như: dự án Khu Biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh với bức tường chắn được xây dựng sai phép cao 12m, có đoạn chỉ cách nhà dân chừng 1m khiến hàng chục người dân sống trong nơm nớp, lo sợ sẽ bị các khối bê tông, đất đá đổ sập xuống mái nhà.

Một trong những điểm đen đáng chú ý là núi Cô Tiên, mới đây, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2016-2021), đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị cho biết, núi Cô Tiên có 17 dự án không phù hợp với quy hoạch, 7 dự án có diện tích phù hợp quy hoạch nhỏ hơn diện tích dự án, 6 dự án có diện tích phù hợp quy hoạch bằng diện tích dự án.

Theo ông, khi tham gia giám sát, ở núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa), khu vực xã Phước Đồng (TP.Nha Trang), các dự án cứ quây tôn, dựng rào lại để đó, chứ không triển khai gì. "Nếu dự án nào vi phạm quy định, 3 năm không triển khai gì thì đề nghị thu hồi, trả lại cho người dân, không để kéo dài nữa" - ông Trị nói.

Một điều đáng buồn là qua kiểm tra, gần như các thủ tục pháp của các dự án chưa đầy đủ nhưng vẫn cứ tiến hành san ủi, chở đất đá vật liệu ra bên ngoài, hoặc làm thay đổi diện mạo của khu vực dự án.

Ông Nguyễn Ngô, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa lúng túng: “Những dự án núi cô tiên chưa có quy hoạch 1/2000, không biết cơ sở hạ tầng làm theo hướng nào mà lại cấp các dự án 1/500, thậm chí cấp giấy phép xây dựng. Giờ không biết xử lý như thế nào?”

Theo ông Ngô, đại diện sở Xây dựng Khánh Hòa và UBND tỉnh cần làm rõ vấn đề này. Lấy cơ sở từ đâu mà cấp phép như vậy? Theo đó công tác quản lý, cấp phép xây dựng ở Khánh Hòa từ trước đến nay có phải làm theo cảm tính hay không?

Trước những băn khoăn của Trưởng ban kinh tế - Ngân sách tỉnh, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc sở Xây dựng Khánh Hòa chia sẻ: “Đúng thật! Núi Cô Tiên chưa có quy hoạch. Nhưng hiện tại sở Xây dựng đang rà soát toàn bộ 67 dự án trên núi ở Khánh Hòa. Sắp tới chuẩn bị báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý vấn đề này”.

Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa giãi bày: “Lịch sử trước kia Khánh Hòa chưa có quy hoạch 1/2000 núi Cô Tiên. Tuy nhiên lúc đó các dự án xin vào, ngân sách của tỉnh không có tiền làm quy hoạch 1/2000 nên UBND tỉnh chủ trương cho doanh nghiệp lập quy hoạch 1/500 và mình duyệt”.

Cũng theo ông Thái, khi đó tính toán của tỉnh lúc đó là phê duyệt quy hoạch 1/500 cho các dự án rồi sau đó khớp nối vào quy hoạch chung toàn bộ núi Cô Tiên sao cho hợp lý.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa từng thừa nhận, để dẫn đến tình trạng xây dựng các công trình trái phép trên địa bàn là do sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cấp xã khi không có biện pháp ngăn chặn vi phạm, xử lý nghiêm các công trình xây dựng trái phép, chậm tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và để các công trình xây dựng này tồn tại trong một thời gian dài.

Ngoài ra, còn có phần trách nhiệm của Phòng Quản lý Đô thị, Phòng TN&MT TP Nha Trang trong công tác kiểm tra, phối hợp và tham mưu việc quản lý về đất đai và xây dựng được chặt chẽ; UBND TP Nha Trang trong công tác chỉ đạo, điều hành chưa thực sự quyết liệt, sâu sát và kịp thời tại các địa bàn xảy ra xây dựng trái phép; trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở TN&MT khi chưa kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để chấn chỉnh, xử lý tình trạng nêu trên.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Khánh Hòa: Vì sao vi phạm xây dựng gia tăng một cách khó hiểu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới