Thứ sáu, 26/04/2024 08:18 (GMT+7)

Đường gom cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn:Vừa đi vào sử dụng đã xuống cấp

MTĐT -  Thứ năm, 12/11/2020 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù chỉ mới được đưa vào sử dụng nhưng tuyến đường gom cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, đoạn chạy qua địa phận xã Dĩnh Trì, TP.Bắc Giang đã bộc lộ những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Mặt đường nứt toác với nhiều “sống trâu” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo phản ánh của một số người dân xã Dĩnh Trì, dù mới đưa vào sử dụng khoảng vài tháng nay nhưng đoạn đường gom chạy qua đây có những đoạn đã nứt toác, tạo thành các hố sâu khiến cho việc di chuyển, tham gia giao thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Đi dọc tuyến đường gom đoạn chạy qua xã Dĩnh Trì giáp với xã Tân Dĩnh, phóng viên nhận thấy nhiều đoạn có dấu hiệu lồi lõm, bên cạnh đó xuất hiện nhiều vết nứt dọc hai bên rìa đường. Đặc biệt, đoạn chạy qua thôn Riễu, mặt đường đã bị biến dạng nghiêm trọng, tạo thành nhiều “sống trâu”.

Việc tham gia giao thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Một chiếc xe 4 chỗ lưỡng lự khi phải đi qua đoạn đường xuống cấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tươi, người dân thôn Riễu cho biết: “Đoạn đường này mới chỉ được đưa vào sử dụng khoảng hơn 1 tháng nay thế nhưng nhiều đoạn đã nứt, vỡ hết cả mặt đường. Nguyên nhân có thể là do chất lượng nền kém”.

Về thông tin đường xuống cấp là do xe quá khổ, quá tải hoạt động, ông Tươi cho rằng: “Đường này chỉ có những xe tải vừa vừa chạy thôi, chưa thấy nhiều xe chở đất to chạy. Hôm trước, khi thi công tôi thấy đơn vị thi công đổ lớp đất dày nhưng việc lu lại làm không kỹ lắm”.

“Mới đây, vừa xảy ra tai nạn, 3 bố con đi đến đoạn xuống cấp nặng nhất đã bị ngã. Cũng may chỉ hỏng xe và bị thương nhẹ”, ông Tươi cho biết thêm.

Nguyên nhân nhiều khả năng là do cốt nền chưa đảm bảo.
Dùng tay không cũng có thể dễ dàng tách rời phần mặt đường.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với UBND xã Dĩnh Trì, tại đây, ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì cho biết: “Việc đoạn đường xuống cấp là thực tế. Chỗ đó theo cá nhân tôi là thi công vội nên chất lượng nền kém. Thi công vội là do trước đó công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, khúc mắc về bồi thường. Sau đó, khi đã ổn thỏa thì đơn vị thi công đã gấp rút thực hiện nên có thể chưa đảm bảo chất lượng cốt nền”.

“Về phía UBND xã cũng chỉ thực hiện giúp việc giải phóng mặt bằng chứ cũng không nắm được đơn vị thi công là đơn vị nào. Về việc xuống cấp, đây cũng là những phát sinh mới. Cách đây một tuần cũng chỉ xuất hiện những xuống cấp nhỏ, nhưng đến thời điểm hiện tại thì việc xuống cấp đã nghiêm trọng hơn”, ông Hòa cho hay.

Dọc tuyến đường nhiều điểm có dấu hiệu xuống cấp tại phần rìa đường.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015 do Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện, gồm 2 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với chiều dài 110km. Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang – thành phố Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500) với chiều dài 64km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 12.189 tỷ đồng./.

Theo Chương Huyền - Thương Nam/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Đường gom cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn:Vừa đi vào sử dụng đã xuống cấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.