Thứ bảy, 27/04/2024 12:02 (GMT+7)

Xin giữ đất vàng, Bộ Ngoại giao muốn xây tổ hợp căn hộ, văn phòng

MTĐT -  Thứ hai, 10/08/2020 14:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

3 cơ sở nhà, đất tại số 2 ngõ 294 Kim Mã (quận Ba Đình), số 300 Kim Mã (quận Ba Đình), và số 3 Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm) đang do Bộ Ngoại giao quản lý, sử dụng.

Trụ sở mới nghìn tỷ, Bộ Ngoại giao xin giữ lại 3 khu đất vàng

Cụ thể, tại khu đất số 2 ngõ 294 phố Kim Mã (quận Ba Đình) rộng 9.563m2, có khuôn viên riêng biệt, gồm 8 ngôi nhà, 1 bể bơi, 1 sân tennis, hiện đang bỏ trống, không sử dụng. Trước đó, khu đất này được Bộ Ngoại giao cho Đại sứ quán Thụy Điển thuê làm trụ sở.

Mới đây, Cục Phục vụ ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao đã đề xuất được hợp tác với các đối tác bên ngoài để xây dựng tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao phục vụ hoạt động đối ngoại. 

Tại văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, trên cơ sở báo cáo của Bộ Ngoại giao và căn cứ vào các quy định của pháp luật thì cơ sở nhà, đất số 2 ngõ 294 Kim Mã là tài sản công, được giao cho Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn quản lý, sử dụng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như: cung ứng nhà làm văn phòng, nhà ở, các dịch vụ đi lại, thể thao, giải trí và các dịch vụ khác liên quan cho Đoàn Ngoại giao, các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các đối tượng có nhu cầu theo quy định của pháp luật về ngoại giao.

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao. 

Do vậy, việc quản lý, sử dụng tài sản của đơn vị cũng như sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết phải tuân thủ theo các quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải đảm bảo đúng mục đích được giao; không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; không làm mất quyền sở hữu về tải sản công, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước...

Khu nhà, đất số 300 Kim Mã, rộng 3.243m2 do Bộ Ngoại giao quản lý đang bỏ trống. Từng có thời gian, khu đất này được giao cho Đại sứ quán Bulgaria xây dựng trụ sở làm việc. Tuy nhiên, từ tháng 5/2018 đến nay Đại sứ Bulgaria đã bàn giao lại khu đất cho Cục Phục vụ ngoại giao đoàn quản lý. Khu đất vàng này bỏ hoang trong nhiều năm qua.

Khu đất tại số 3 Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm) đang được Bộ Ngoại giao cho Cục An ninh điều tra, Bộ Công an thuê làm trụ sở làm việc. 

Phản hồi ý kiến về phương án xử lý 3 cơ sở nhà, đất tại số 2 ngõ 294 Kim Mã, số 300 Kim Mã, và số 3 Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) do Bộ Ngoại giao quản lý, sử dụng, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp và xử lý tài sản công, việc Bộ Ngoại giao đề xuất giữ lại, tiếp tục quản lý, sử dụng để phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao là chưa phù hợp.

Khu nhà, đất số 300 Kim Mã. Ảnh: Tiền Phong. 

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao căn cứ theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP rà soát, báo cáo thêm về mục đích sử dụng 3 cơ sở đất vàng nêu trên, đồng thời đề xuất phương án xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau khi Bộ Ngoại giao kiểm tra, rà soát lại 3 khu đất vàng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý theo quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công”, văn bản cho biết.

Được biết, trụ sở mới Bộ Ngoại giao tọa lạc ở vị trí đắc địa trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội) ngay nút giao với Đại lộ Thăng Long. Dự án do Ban quản lý dự án - Bộ Ngoại giao làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ tháng 7/2009 với tổng vốn 3.484 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng vốn lên 4.022,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn 1 triển khai xây dựng trụ sở, Ban quản lý dự án - Bộ Ngoại giao đã phê duyệt dự toán các gói thầu với tổng giá trị lên tới 5.952,7 tỷ đồng, vượt xa tổng mức đầu tư được duyệt. Điều này dẫn đến tổng giá trị ký kết các hợp đồng thi công giai đoạn 1 lên tới 4.688,9 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư 666,2 tỷ đồng.

Do thiếu vốn đầu tư nên từ năm 2017 nhiều gói thầu thuộc dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao đã được Kiểm toán Nhà nước xác định chậm tiến độ. Năm 2019, Bộ này phải xin cơ chế đặc thù để "giải cứu" trụ sở nghìn tỷ chậm tiến độ.

Khu vực hạn chế chiều cao, xây dựng đặc trưng 5-7 tầng

Đối với dự án tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao mà Bộ ngoại giao đề xuất, Bộ Xây dựng cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ- TTg ngày 26/7/2011 và Quy định quản lý theo đồ án (gọi tắt là Quy hoạch chung), Khu đất này thuộc khu vực hạn chế phát triển có ký hiệu A7, có tầng cao xây dựng đặc trưng 5-7 tầng.

Khu vực này hạn chế xây dựng nhà cao tầng; các công trình xây dựng mới tại các vị trí đặc biệt, giáp các trục đường lớn, có thể xây dựng cao hơn trên cơ sở thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc được duyệt; Mật độ xây dựng trong các khu đất theo quy hoạch và thiết kế đô thị được duyệt; các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Khu đất số 2 ngõ 294 phố Kim Mã (quận Ba Đình). Ảnh: Tiền Phong. 

Theo đó, Bộ Xây dựng khẳng định, chức năng, quy mô, các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án cần phải phù hợp với Quy hoạch chung; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn xây dựng và khoảng cách an toàn đối với tuyến đường sắt đô thị số 3 qua đường Kim Mã; kiến trúc công trình đảm bảo hài hòa không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực.

Giả sử trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép liên doanh, liên kết tại cơ sở nhà, đất tại số 2 ngõ 294 Kim Mã thì đề nghị Bộ Ngoại giao lập đề án sử dụng tài sản nói trên vào mục đích liên doanh, liên kết.

Trong đó, cần làm rõ các nội dung về mục đích sử dụng, cơ cấu của các khu chức năng như: nhà ở, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê, khu khách sạn..., phương án xử lý tài sản sau khi kết thúc thời gian liên doanh, liên kết.

Đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, xác định rõ nguồn vốn đầu tư xây dựng, phương án phân chia lợi nhuận trong thời gian khai thác dự án. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch đô thị, xây dựng, nhà ở và pháp luật khác có liên quan.

Được biết, Chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Thế nhưng, đến nay trong số 9 Bộ, ngành, cơ quan T.Ư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới thì chỉ có 1 Bộ là bàn giao lại trụ sở cũ. Các cơ quan còn lại vẫn “ôm” khư khư trụ sở nằm trên khu vực được xem là “đất vàng” của Thủ đô và tìm mọi lý do để ở lại, không chỉ riêng trường hợp của Bộ Ngoại giao.

Cẩm Anh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Xin giữ đất vàng, Bộ Ngoại giao muốn xây tổ hợp căn hộ, văn phòng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề